GS Tạ Quang Bửu - người trí thức Việt Nam hiện đại
Vậy trí thức là ai? Và phẩm chất con người trí thức Việt Nam hiện đại như thế nào?
Cần có những công trình nghiên cứu khoa học thật sự sâu sắc về vấn đề này, song ở đây chúng tôi chỉ xin phác hoạ về chân dung, phẩm chất của một con người trí thức Việt Nam hiện đại, đó là cố GS Tạ Quang Bửu.
“Một khối nghĩ suy, một khối tình”
“Một khối nghĩ suy, một khối tình
Nước non là đó, nọ là mình”
Trong bài thơ “Viếng anh”, GS Phan Đình Diệu đã viết hai câu mở đề như thế, để dâng lên bàn thờ của cố GS Tạ Quang Bửu.
“Nước non là đó, nọ là mình” - hẳn đây cũng là tâm thức của các danh sĩ Việt Nam xưa nay. Sinh ra trong thời nước mất, các thế hệ cha anh đã hy sinh bao nhiêu cân não, xương máu tìm đường cứu nước, vậy nên chàng trai họ Tạ, sau khi đỗ đầu tú tài bản xứ, tú tài Tây ban toán (vào năm 1929) đã không nghĩ đến chuyện “vinh thân, phì gia” mà chỉ lo học thành tài để “đền nợ nước”. Được nhận học bổng của Hội Như Tây Du học Trung kỳ sang Pháp, Tạ Quang Bửu thi đỗ vào Trường Centrale (A) Paris, đồng thời học toán ở các trường Đại học Sorbonne, Bordeaux (Pháp) và Oxford (Anh) từ năm 1930 đến 1934. Trong thời gian này, ông được học hỏi một khối lượng kiến thức khoa học liên ngành rất lớn, đặc biệt là toán học, từ các nhà khoa học kiệt xuất, như những người trong nhóm Toán học N.Bourbaki. GS Boligan ở Đại học Sorbonne rất quý mến người học trò của mình “về sự nhạy cảm toán học và óc suy luận thông minh sắc bén”. Sau này, nhà ngôn ngữ - toán học Noam Chomsky, người được đánh giá là “một trong những nhà bác học lớn nhất thế kỷ 20” đã nhiều lần sang Việt Nam thời chống Mỹ, sau khi tiếp xúc, đàm đạo với Tạ Quang Bửu, ông nhận xét: “Tạ Quang Bửu là một con người có trí thông minh tuyệt vời”. Còn GS Laurent Schwartz - một trong những nhà toán học Pháp lỗi lạc, người đoạt giải thưởng Field, đã nhiều lần nói: “Việt Nam có một Bộ trưởng Đại học xuất sắc như Tạ Quang Bửu mà ngay ở các nước phát triển cũng không dễ tìm” (theo GS Hoàng Tuỵ).
Thời du học ở phương Tây, Tạ Quang Bửu không chỉ giỏi toán mà còn giỏi vật lý, sinh học, kỹ thuật điện và đặc biệt là giỏi ngoại ngữ. Ông có cách học độc đáo: học để biết chứ không phải học để thi. Ông thường bắt đầu “công phá” vào những tầng kiến thức cơ bản, hiện đại rồi từ đó bằng lối tự học thông minh và say mê, nhanh chóng phát triển cái sở học của mình và truyền bá kiến thức trong cộng đồng.
Xin lấy một vài ví dụ về GS Tạ Quang Bửu dùng sở học để giúp ích cho đời.
Ở Đại học Oxford, ông giỏi tiếng Anh đến mức khi thuyết trình về đạo Tin lành cho dân Anh nghe, họ lầm tưởng ông là một vị mục sư. Sau này, vào năm 1945, Tạ Quang Bửu làm Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao, giúp Bác Hồ thương thảo với các nước Mỹ, Anh trong phe đồng minh. Khi giao tiếp với phía Việt Nam, một đại tá tình báo Mỹ tên là Archimedes L.A. Patti nửa thế kỷ sau đã ghi lại trong cuốn “Why Vietnam?” như sau: “Ông Tạ Quang Bửu, một người Việt Nam ưu tú, có lẽ hồi ấy gần 30 tuổi... Ông tự giới thiệu do Bộ Nội vụ cử tới. Ông nói tiếng Anh hoàn hảo với giọng đặc Oxford, không lơ lớ chút nào, khiến chúng tôi sững sờ kinh ngạc...”.
Như ta đã biết, với nhãn quang chính trị sáng suốt, kiến thức văn hoá, khoa học sâu rộng, với trình độ sử dụng điêu luyện nhiều ngoại ngữ, GS Tạ Quang Bửu đã có những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp quốc phòng và ngoại giao bảo vệ Tổ quốc, ngay từ những ngày đầu cách mạng, khi chính quyền còn đang trứng nước, cho đến Hội nghị Geneve 1954 chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam. Cũng bằng tài năng và tâm huyết của mình, GS Tạ Quang Bửu đã làm tốt vai trò của Bộ trưởng Đại học có tầm nhìn xa, trông rộng, người khai sinh trường Đại học Bách khoa Hà Nội, vị Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký đầu tiên của Uỷ ban Khoa học Nhà nước...
Một người anh của giới khoa học và giáo dục Việt Nam hiện đại
Trong giới khoa học và giáo dục, người ta thường hay gọi ông là thầy Bửu, anh Bửu, và nhiều người coi ông là bậc tri ân, tri âm, tri kỷ.
“... Anh bỗng cười, nụ cười rất chi là anh Bửu; khi anh không cười thì nét mặt nghiêm nghị, đăm chiêu đến mức như có gì đó đau khổ, còn khi cười với người thân thì thật là cởi mở, đằm thắm chân tình” – nhà báo Nguyễn Mạnh Hào đã phác hoạ chân dung ông thật tài tình.
Và ai đã từng được sống, làm việc với GS Tạ Quang Bửu thật khó mà quên được những ấn tượng tốt đẹp về ông.
Đối với GS toán học Phan Đình Diệu thì đó là “một bài học khó” mà “anh Bửu” đã ký thác cho, ông viết: “Muốn có ích cho đời thì ngoài năng lực ra cần phải được đời chấp nhận, bài học đó khi ngầm khi rõ, tôi đã được tiếp thụ từ anh Tạ Quang Bửu không phải bằng thuyết giảng mà bằng cách xử sự, bằng thiện chí và cả bằng những cảm nhận không lời trong suốt nhiều năm về sau, thời gian mà may mắn tôi có cơ hội được gần anh hơn”. Bởi thế, trong “Viếng anh”, Phan Đình Diệu đã coi nhà trí thức Tạ Quang Bửu như một khối ngọc quý, khi khối ngọc ấy vận hành trong đời người, nó vẫn không hề thoả mãn, già nua:
“Đã tròn một cuộc bầu tâm huyết
Chưa thoả đôi bề lẽ tử sinh”
Ấy là bởi trong vòng tuần hoàn sinh tử, khối ngọc kia càng chất chứa tình đời, càng toả ánh hào quang trí tuệ lấp lánh.
Nhiệt tình và tài năng truyền thụ kiến thức khoa học của GS Tạ Quang Bửu cũng như của các nhà trí thức Nguyễn Công Tiễu, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển... và các thế hệ nối tiếp được coi là một truyền thống tốt đẹp của trí thức Việt Nam, coi việc nâng cao dân trí là nghĩa vụ của kẻ sĩ. Và ngày nay điều đó đã trở thành nhu cầu của thời đại: qua những tác phẩm phổ biến khoa học hiện đại, đông đảo quần chúng tiếp thụ được văn hoá khoa học và các thao tác tư duy của các nhà khoa học, từ đó khơi nguồn nhựa sống cho khoa học phát triển. Ngay trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, giữa núi rừng chiến khu Việt Bắc, tuy bận giải quyết những công việc “nước sôi lửa bỏng”, GS Tạ Quang Bửu vẫn kịp viết bản thảo và in trên giấy do hàng loạt sách giới thiệu khoa học hiện đại đương thời: “Thống kê thường thức”, “Vật lý cương yếu”, “Nguyên tử - hạt nhân – vũ trụ tuyến” và đặc biệt là cuốn “Sống”, đã có ảnh hưởng khá sâu rộng trong giới trí thức trẻ bấy giờ. (Điều đáng ngạc nhiên là học thuyết di truyền của Mendel - Morgan đã được giới thiệu sinh động trong cuốn “Sống”, thế mà hàng mấy thập kỷ sau này người ta vẫn học một cách giáo điều học thuyết Lưxencô phản khoa học). Sinh thời GS Tạ Quang Bửu rất thích thú đọc những cuốn sách như “Các hằng số vật lý cơ bản” của Đặng Mộng Lân, “Ba phút đầu tiên (hình thành vũ trụ) của S. Weingerg (Lê Tâm dịch), “Chuỗi xoắn kép” của James Watson, và nếu còn sống tới nay chắc chắn ông sẽ vô cùng hào hứng giới thiệu những cuốn như “Lược sử thời gian” của Stephen Hawking (Cao Chi và Phạm Văn Thiền dịch), “Giai điệu dây và bản hoà tấu vũ trụ” của B. Greene (Phạm Văn Thiều dịch), v.v...
Còn có thể kể rất nhiều các nhà khoa học đã “thành danh” là nhờ sự nuôi dưỡng bằng tình yêu khoa học và sự chỉ dẫn, giúp đỡ đầy ân tình của GS Tạ Quang Bửu. Đó là các giáo sư: Hoàng Tụy, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Đạo, Trần Hữu Phát...
Nhà quản lý hiện đại
Theo nhận xét của các nhà lãnh đạo quân sự, các nhà khoa học kỹ thuật và quản lý ngành quân giới, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Đại tá Hoàng Đình Phu, Đại tá Lê Văn Chiểu... thì trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc vừa qua, GS Tạ Quang Bửu còn là một nhà tổ chức, quản lý hiện đại. Từ mô hình tổ chức của Nha nghiên cứu kỹ thuật (quân giới) thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp đến các trường, viện kỹ thuật quân sự sau này đều có sự chỉ đạo rất khoa học của GS Tạ Quang Bửu. Đại tá Hoàng Đình phu viết: “Ngày nay nhìn lại tổ chức ngành quân giới cũng như hệ thống kỹ thuật quân giới lúc bấy giờ, thật không khỏi ngạc nhiên là vì sao lúc ấy (những năm 1946-1947), quân đội ta có thể dựng lên một cơ quan nghiên cứu kỹ thuật có tính hoàn chỉnh cao như vậy, ngay cả khi đối chiếu với những nguyên lý của lý thuyết hệ thống - những nguyên lý khoa học mà chúng ta mới được biết gần đây”.
Về lĩnh vực đào tạo - giáo dục, trong giới khoa học cũng như trong toàn xã hội, người ta vẫn còn có ấn tượng sâu sắc về GS Tạ Quang Bửu với chủ trương và cách thực hiện nghiêm minh và công bằng trong việc tuyển sinh đại học cũng như tuyển nghiên cứu sinh, nhằm chọn người có đức, có tài, chống lối tư duy theo kiểu “chủ nghĩa lý lịch” hoặc lạm dụng quyền thế để đưa con em vào mặc dù kém cỏi. GS Bùi Trọng Liễu (Đại học Paris 7, Pháp) coi ông là “một người thân”, một người tri kỷ, biết lắng nghe những ý kiến tâm huyết của những trí thức Việt kiều, khi có ý kiến đóng góp về chức danh khoa học, về việc xây dựng các trường, viện dân lập có chất lượng cao.
Tiên ưu, hậu lạc
Ông Nguyễn Thạch Giang, một nhà nghiên cứu văn học cổ Việt Nam cho biết lúc sinh thời GS Tạ Quang Bửu thường cùng ông đàm đạo về bài “Nhạc Dương lâu ký” của danh nho Phạm Trọng Yêm đời Tống, trong đó coi kẻ sĩ phải là người: “Lo trước thiên hạ lo, vui sau thiên hạ vui”. Và Thạch Giang cho rằng GS Tạ Quang Bửu chính là một kẻ sĩ như vậy: Tuổi trẻ thì quyết học thành tài để theo cách mạng cứu nước, lúc nước nhà độc lập thì lo đào tạo người tài để xây dựng đất nước, khi về nghỉ hưu vẫn còn lo xây dựng “Chiến lược đào tạo con người”, được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen: “Bộ trưởng Đại học không những là một người có đạo đức, cần kiệm liêm chính mà còn là một nhà bác học...”.
Thạch Giang kể lại, một lần mang tặng GS Bửu một cuốn Kiều, khi ấy ông đã nghỉ hưu tại nhà, thì thấy:
“Sáng ngày rằm thăm GS Tạ Quang Bửu: Anh Bửu đánh quần đùi, lưng dài bò xoài giải các phương trình Toán - Lý”.
Và Thạch Giang sáng tác vế hai của câu đối:
“Chiều mười sáu thăm Đại tá Siêu Hải: Siêu Hải chưng áo cộc, mắt dí sát ngồi lì viết chuyện cũ Thăng Long”.
Đấy thật là hình ảnh rất thực tế về hai vị trí thức cách mạng chân chính của chúng ta.
Cái lối sống “Tiên ưu, hậu lạc” ấy đâu chỉ là theo triết lý Tống nho mà thực sự là lối sống thanh cao, sâu sắc và đầy trách nhiệm với đời của người trí thức Việt Nam hiện đại.
Phải chăng, ngày nay trong công cuộc Đổi mới của đất nước, trong hội nhập và cải cách, trong cuộc đấu tranh gay gắt sống còn giữa lối sống của trí thức chân chính với sự sa đoạ, tha hoá của những phần tử chạy theo đồng tiền, những bả vinh hoa, thì tinh thần trí thức Tạ Quang Bửu vẫn sống mãi cùng với dân tộc, với trí thức và với nền văn hoá bất diệt của Việt Nam.