Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 31/10/2012 20:59 (GMT+7)

GS Đặng Vũ Hỷ, một nhân cách toàn diện và tiêu biểu trong ngành y học Việt Nam

Trong lịch sử nền y học hiện đại – Cách mạng nước ta từ khi có Đảng lãnh đạo đã xuất hiện nhiều thầy thuốc tài năng và y đức, có công lao đóng góp to lớn vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và công cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc. Một trong những tấm gương tiêu biểu nhất cho những thầy thuốc tài năng và y đức ấy là Giáo sư Đặng Vũ Hỷ - Một trí thức giầu lòng yêu nước, một trong những người thầy đầu tiên của y học hiện đại Việt Nam, một trong 12 người được phong học hàm Giáo sư đầu tiên của nước ta, được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Y học đợt đầu tiên (năm 1996).

Giáo sư Đặng Vũ Hỷ sinh ngày 17/3/1910 trong một gia đình dòng họ khoa bảng lâu đời ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. GS. Đặng Vũ Hỷ đã được gia đình cho học hành chu đáo, đến nơi đến chốn ngay từ khi còn trẻ. Học xong tiểu học ở Nam Định, rồi trung học ở Trường Anbe Xarô, ông thi đậu vào Trường Đại học Y Dược Hà Nội (thường gọi là Trường Thuốc) một trong những ngôi trường danh giá, thời thượng nhất thời thuộc Pháp. Sau 4 năm học ở Trường Đại học Y Dược Hà Nội, ông được gia đình cho sang Pháp học tiếp để lấy bằng bác sỹ y khoa. Năm 1937, ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú chuyên ngành Da liễu và được tuyển dụng vào làm việc tại một bệnh viện lớn ở Paris – Bệnh viện Saint – Lazare. Ông là bác sĩ Việt Nam đầu tiên được tuyển dụng làm việc tại đây. Trở về nước, ông được mời làm Bác sĩ trưởng của Bệnh viện mỏ than Đông Triều. Sau đó, do bất bình với chế độ thực dân hà khắc và không cam chịu cảnh phải làm việc dưới quyền bọn “quan Tây” kém mình về chuyên môn nhưng ngạo nghễ phi lý, ông từ bỏ cương vị trên, trở về Hà Nội mở phòng mạch tư. Thời đó, bác sĩ là nghề được trọng vọng và “hái ra tiền”. Với GS Đặng Vũ Hỷ, là bác sĩ danh tiếng, học ở Pháp, lại đã từng làm việc tại một bệnh viện lớn ở Paris, phòng mạch tư của ông nhanh chóng trở nên nổi tiếng thu hút nhiều bệnh nhân. Ông kết hôn với bà Phạm Thị Thứ là tiểu thư đài các, đoan trang của quan Thượng thư – Học giả Phạm Quỳnh – Chủ bút tạp chí Nam Phong rất nổi tiếng lúc bấy giờ. Gia cảnh – gia thế ấy đã đưa GS Đặng Vũ Hỷ trở thành bậc danh giá và giầu có vào loại nhất nhì ở Hà Nội lúc ấy.

Cách mạng tháng Tám như một biến cố diệu kỳ trong lịch sử dân tộc, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong lòng vị bác sĩ tài năng Đặng Vũ Hỷ. Ông đã từ bỏ hết giầu sang phú quý để dấn thân phục vụ nhân dân và đất nước. Đóng cửa phòng mạch, GS Đặng Vũ Hỷ tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y Dược Hà Nội theo lời mời của GS. Hồ Đắc Di – Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y Dược khoa nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngoài giảng dạy, ông còn làm Chủ nhiệm Phòng khám và hàng ngày trực tiếp điều trị bệnh nhân tại Nhà thương Đồn Thủy (nay là khuôn viên Bệnh viện Quân đội 108 và Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội). Miệt mài dấn thân vào sự nghiệp chung, cơm nhà, việc nước, ngày ngày, hết trên bục giảng truyền dạy kiến thức cho sinh viên,người ta lại thấy ông có mặt ở bệnh viện lo toan cứu chữa bệnh nhân. Không biết bao nhiêu cán bộ, nhân dân, bộ đội đã được cứu chữa bởi bàn tay ông.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai bùng nổ, sau khi đưa vợ và người con trai thứ ba mới sinh được ba tháng là Đặng Vũ Minh (Giáo sư, Viện sỹ, nguyên Ủy viên TƯ Đảng các khóa VIII, IX, X; nguyên chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và MT của Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam) về lánh ở quê Nam Định, ông gia nhập Vệ Quốc đoàn,làm công tác quân y. Ông được phân công phụ trách Trạm Quân y Cổ Lễ mặt trận Hà Nam Ninh. Là bác sĩ đào tạo tại Pháp và chỉ làm chuyên môn, nhưng khi hữu sự vì đất nước, ông đã bộc lộ tài chỉ huy tổ chức Trạm quân y phục vụ bộ đội và nhân dân vượt nhiều khó khăn trong tình trạng rất hiểm nguy và thiếu đủ thứ của những ngày đầu kháng chiến. Năm 1948, ông được chuyển sang dân y và làmTrưởng Ty Y tế Ninh Bình. Ông đưa cả gia đình theo kháng chiến. Năm 1950, ông được điều về làm Hiệu trưởng Trường Y sĩ Liên khu III - IV ở Nông Cống - Thanh Hóa. Trường là nơi đào tạo y tế dân y cho toàn Bắc Bộ và học sinh tốt nghiệp của Trường là cán bộ lãnh đạo dân y các tỉnh trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và trong những ngày hòa bình lập lại sau 1954, rồi chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ra miền Bắc. Là bác sĩ chuyên khoa da liễu, nhưng do thiếu người giảng dạy nội khoa, ông đã ngày đêm tìm tài liệu tự học thêm để dạy. Đêm đêm, bên ngọn đèn dầu bấc to, ông ngồi đọc cho vợ chép những bộ sách dày bằng tiếng Pháp. Năm 1953, Trường Y sĩ Liên khu III - IV chuyển lên Việt Bắc, sáp nhập với Trường Đại học Y. Bác sĩ Hỷ cùng gia đình lại khăn gói cuốc bộ cùng Trường lên rừng núi Tuyên Quang. Năm 1954, kháng chiến thắng lợi, ông cùng gia đình theo Trường trở về Hà Nội. Từ đây, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ mới được làm công việc đúng với chuyên môn sở trường của mình. Năm 1955, với thành tích giảng dạy và những công trình biên soạn sách giáo khoa y học và nhiều sáng kiến khoa học, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ đã được Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư trong đợt đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ông được phân công làm Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu của Trường Đại học Y khoa Hà Nội kiêm Chủ nhiệm Khoa Da liễu Bệnh viện Bạch Mai. Ông đã đóng góp công sức nâng cao chất lượng khoa học của Khoa, để sau đó Khoa đã được Chính phủ cho thành lập Viện Da liễu rất sớm, cùng thời với Viện Tai Mũi Họng.

Giữa lúc công việc chuyên môn đang bề bộn trong bối cảnh miền Bắc đang bị đế quốc Mỹ cho không quân và hải quân bắn phá ác liệt, GS Đặng Vũ Hỷ bị ốm nặng. Năm 1971, Đảng và Nhà nước đã gửi ông sang chữa trị tại Trung Quốc. Nhưng do bệnh quá nặng, ông đã qua đời ngày 4/10/1972, ở tuổi 62, độ tuổi còn dồi dào năng lực sáng tạo và cống hiến. Do hoàn cảnh chiến tranh, gia đình không đưa thi hài ông về nước được, các đồng nghiệp Trung Quốc đã an táng ông tại nghĩa trang Ngân Hà, thành phố Quảng Châu. 31 năm sau, vào năm 2003, gia đình đã đưa hài cốt GS Đặng Vũ Hỷ về an táng tại quê nhà Hành Thiện, tỉnh Nam Định. GS Đặng Vũ Hỷ mất đi đã để lại bao niềm tiếc thương của nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp và người bệnh. Đã có rất nhiều bài viết và cuốn sách mà gần đây nhất là cuốn “Đặng Vũ Hỷ Cuộc đời và sự nghiệp” do Nhà xuất bản Y học xuất bản năm 2009 đã viết về tài năng, y đức, năng khiếu sư phạm, tình cảm đối với quê hương, gia đình của GS Đặng Vũ Hỷ. Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin nêu lên hai điều mình tâm đắc nhất về ông.

1. GS Đặng Vũ Hỷ - một người thầy thuốc có tấm lòng cộng sản chân chính pha trộn Phật tính và tính nhân ái của Chúa Giê su.

Đó là nhận xét của người học trò cũ của GS ĐặngVũ Hỷ - GS Phạm Song - Bộ trưởng Bộ Y tế - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, về tấm gương sống và chăm lo cho người bị bệnh phong chu đáo tận tình, mà GS Đặng Vũ Hỷ là tấm gương tiêu biểu.

Xưa, bệnh phong/bệnh hủi là một trong “tứ chứng nan y”. Bởi, lúc đó chưa có thuốc Rifamycin chữa chạy nên tổn thương do bệnh phong gây ra rất thương tâm và phẫu thuật phục hồi chức năng chưa phát triển nên tình trạng biểu hiện bệnh phong rất bi đát khiến xã hội xa lánh. Cho rằng bệnh phong là bệnh lây lan, nên người mắc bệnh phong bị nhân dân và cả người thân xa lánh. Có thể nói bệnh nhân phong là những người không may trong những người kém may mắn nhất, vừa đau khổ do bệnh tật lại đau khổ hơn nhiều do kỳ thị của xã hội.

Sau hòa bình lập lại năm 1954, trên miền Bắc chỉ có một số bệnh nhân phong nặng được điều trị tập trung ởcác trại phong, còn hàng nghìn bệnh nhân khác đi lang thang xin ăn, gây bức xúc cho xã hội. Là bác sĩ chuyên khoa da liễu, GS Đặng Vũ Hỷ đặc biệt quan tâm đến đối tượng bệnh nhân phong. Ông đã không ngại lây lan, không hề xa lánh bệnh nhân, đã đến tất cả những trại phong của Việt Nam ở miền Bắc, như các khu điều trị Quỳnh Lập, Văn Môn, Quả Cảm, Phú Bình, Sông Mã để tìm mọi cách xoa dịu vết thương thể xác và tinh thần cho họ. Ông đặc biệt thương xót những người bệnh phong và tìm mọi cách chữa bệnh cho họ, gần gũi an ủi họ. Bác sĩ Trần Văn Ngoạn, nguyên Giám đốc Trại Phong Quy Hòa ở Quy Nhơn (nơi trước kia nhà thơ Hàn Mặc Tử đã từng điều trị) thường nói: “Sở dĩ tôi chọn ngành này là do thầy Hỷ đã khuyên tôi. Thầy nói: Trong xã hội ta, còn rất nhiều thành kiến, sai lầm, phi khoa học đối với người mắc bệnh phong. Anh còn trẻ, anh hãy giúp tôi xoá bỏ những thành kiến đó và cứu chữa người bệnh”. Tốt nghiệp bác sĩ năm 1961 đã 36 năm rồi, tôi luôn luôn tâm niệm lời thầy”.

Dưới sự chỉ đạo của GS Đặng Vũ Hỷ, chỉ trong mấy năm, đã có trên 2000 bệnh nhân phong được chữa khỏi. Các khu điều trị Quỳnh Lập, Văn Môn, Quả Cảm, Phú Bình, Sông Mã được xây dựng, thường xuyên điều trị cho 4.150 bệnh nhân, có 18 bác sĩ, 112 y sĩ, 116 y tá và xét nghiệm viên phục vụ. Nhà nước đã quản lý và chữa 43.700 bệnh nhân phong tại nhà, cho uống DDS và tiêm BCG. Thời kỳ đó, phát hiện và chữa trị phong gắn với y tế cơ sở, được tổ chức ở khắp nơi. Trong từng khu điều trị phong nội trú, Nhà nước đã tổ chức hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp, tạo công ăn việc làm để bệnh nhân vừa chữa bệnh vừa lao động. Các câu lạc bộ vui chơi, giải trí cũng được thành lập để tăng thêm lòng tin chữa bệnh khỏi, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần đối với bệnh nhân không cách ly khỏi xã hội, mà gần gũi với gia đình, làng mạc, không bị khinh miệt hắt hủi như trước đây. Nhiều bệnh nhân điều trị phong bằng DDS và Rimifon được tiêm phối hợp Subtilis có triển vọng tốt. Nhờ việc khám, phát hiện sớm, điều trị, theo dõi, quản lý từ bệnh nhân nội trú đến ngoại trú, kế hoạch hạ tỷ lệ thấp dần tiến tới thanh toán bệnh phong từng huyện, từng tỉnh đạt nhiều kết quả cao. Trong công tác phòng chống bệnh phong, Việt Nam đã coi trọng tuyên truyền giải thích sâu rộng trong nhân dân, trước hết là ở các địa phương có bệnh, phần lớn bà con đều nhận thức là bệnh phong được chữa khỏi, những người có trực trùng Hansen (+) được tập trung chữa, còn số đông vẫn được điều trị bằngcách hàng tuần khám, nhận thuốc, được thầy thuốcvà cán bộ y tế cơ sở chăm sóc chu đáo tại nhà, người bệnh yên tâm, gia đình tiếp xúc bình thường, xoá được mặc cảm đối với người bệnh. GS Đặng Vũ Hỷ thực sự là vị ân nhân của người mắc bệnh phong. Ghi nhớ lòng yêu thương của GS Đặng Vũ Hỷ đối với bệnh nhân phong và công lao của ông đối với việc điều trị bệnh phong, Trại phong Quy Hòa (nay là Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa- Thành phố Quy Nhơn - Bình Định), đã dựng tượng ông với dòng chữ khắc dưới tượng: “Cuộc đời tận tụy vì người bệnh, y đức trong sáng của GS Đặng Vũ Hỷ đã để lại những nét sâu đậm trong lòng người mắc bệnh phong và những thầy thuốc chuyên khoa”.

2. GS Đặng Vũ Hỷ - một nhân cách khoa học y tế nhân văn

GS Đặng Vũ Hỷ bộc lộ khả năng và phương pháp nghiên cứu khoa học từ rất sớm. Năm 1937, bản luận văn tốt nghiệp bác sĩ nội trú ở các bệnh viện Paris có tiêu đề La syphilis de lovaire (Bệnh giang mai buồng trứng) của ông đã được Nhà xuất bản Amédée le Grand in bằng tiếng Pháp phát hành ở Paris. Là người ham thích nghiên cứu, ông thường đọc ngấu nghiến các sách chuyên khảo và tạp chí chuyên ngành mới tìm thấy ở Hà Nội về các bệnh ngoài da và hoa liễu (gọi tắt là da liễu) để cập nhậtkiến thức. Ông liên tiếp biên soạn, xuất bản 5 cuốn sách về bệnh phong, bệnh hoa liễu và các bệnhngoài da khác. Từ năm 1954 đến 1972 ông công bố 48 công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành ở Việt Nam, và xuất bản bằng tiếng Pháp, Anh, Đức, Rumani,...

Các công trình khoa học của GS Đặng Vũ Hỷ có giá trị thực tiễn rất cao. Song, điều được các đồng nghiệp và học trò học tập nhiều ở ông là phong cách nhân văn và phương pháp nghiên cứu khoa học ngành y. Bà Phạm Thị Thứ - người vợ đã từ bỏ lầu son gác tía, chia ngọt sẻ bùi với chồng trên mọi nẻo đường kháng chiến, đã kể lại hai câu chuyện trong thời gian làm Trưởng ty Y tế Ninh Bình, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ đã cứu một bệnh nhân nghi bệnh phong và tình nguyện làm bệnh nhân để thử nghiệm một loại thuốc mới do ông pha chế để nhân dân trực tiếp chứng kiến.

Chuyện thứ nhất, khi cơ quan Ty Y tế Ninh Bình đóng ở xã Thư Điền, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình, nghe nhân dân nói có một người bị hủi, sợ lây, dân làng không cho ở trong làng, bắt phải ra ở một cái lều ở giữa đồng mấy năm rồi không được tiếp xúc với ai, hằng ngày có người đem cơm ra để ở gần cái lều đó, người bệnh tự ra lấy ăn chứ người mang cơm cũng không dám vào lều, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ nhất quyết đòi dân làng chỉ chỗ để mình đến khám cho người bệnh. Thuyết phục mãi, ông cũng được dân làng chỉ cho biết cái lều người bệnh kia ở. Trước con mắt tò mò dõi theo của dân làng, ông một mình đến cái lều đó. Qua thăm khám, ông xác định đây không phải là người hủi. Để mọi người tin là bệnh không lây, ông cầm tay người bệnh kia dẫn về làng và bảo lãnh cho ông cụ sống trong làng, hàng ngày ông đến cho thuốc chữa bệnh. Quả nhiên, ông cụ đã khỏi bệnh, sống bình thường trong làng. Từ đó, dân làng Thư Điền không còn nghĩ phong / hủi là bệnh lây nữa.

Chuyện thứ hai là chuyện đỉa. Thư Điền là vùng đồng chiêm trũng, đi đâu cũng phải lội nước. Đỉa rất nhiều. Nhân dân và cán bộ đều khổ vì đỉa. Học trò đi học cũng sợ đỉa. Trước tình hình đó, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ đã lấy một vài thứ thuốc thông thường chế biến ra thành thứ thuốc bôi chân chống đỉa bám rất rẻ tiền và dễ kiếm. Để mọi người tin, ông đã xung phong thí nghiệm trước. Ông cho tập trung bà con trong làng đến chỗ có thật nhiều đỉa, ông thò hai chân xuống nước, một chân có bôi thuốc,một chân không. Kết quả là chân không bôi thuốc đỉa bám đầy, còn chân có bôi thuốc không một con đỉa nào bám vào. Chứng kiến tận mắt, mọi người vô cùng tin tưởng, phấn khởi dùng thuốc và hết lòng cảm tạ bác sĩ.

Học tập tấm gương nghiên cứu khoa học và hết lòng vì người bệnh của người thầy khả kính Đặng Vũ Hỷ, bác sĩ Trần Hữu Ngoạn cũng đã tình nguyện tiêm trực khuẩn Hansen (trực khuẩn phong) vào người mình để chứng minh bệnh phong không phải dễ lây và có thể chữa khỏi. Nhờ vậy, ở Trại phong Quy Hòa nơi ông phụ trách đã giải quyết về cơ bản tình trạng xa lánh, hắt hủi người bệnh và đã nâng cao được niềm tin của họ về hiệu quả điều trị, đảm bảo sự hội nhập của bệnh nhân phong vào xã hội bên ngoài. Nhiều năm sau khi GS Đặng Vũ Hỷ qua đời, người học trò của ông, GS Phạm Song viết: “Thầy Hỷ có nhiều công trình khoa học nhưng tôi tâm đắc về công trình chống sán vịt, vì chính ông đã lội xuống những cánh đồng trồng cói ngập nước vùng ven biển cho vĩ ấu trùng cắn vào chân để nghiên cứu viêm da do ấu trùng hay gọi nôm na là bệnh da do sán vịt. Từ thực tiễn bản thân ông đã phát hiện ra một loại dầu có sẵn ở Việt Nam để bôi vào chân trước khi lội xuống nước để phòng bệnh rất hiệu quả. Công nhân an tâm làm việc. Một bài học lớn về hiệu quả thiết thực đầu ra của mọi công trình khoa học lâm sàng và tự mình tình nguyện là bệnh nhân đầu tiên để nghiên cứu phương thức phòng chống. Nhân cách này cũng thấy ở Phạm Ngọc Thạch và Đặng Văn Ngữ”.

Trong bối cảnh đất nước có chiến tranh, với bao hy sinh, gian khổ, sau đó là một khoảng thời gian dài đất nước sống trong cơ chế bao cấp với biết bao khó khăn vất vả, thiếu thốn đủ bề, những việc làm trên của bác sĩ Đặng Vũ Hỷ làm vụt sáng một nhân cách khoa học lớn - nhân cách khoa học y tế nhân văn cao đẹp.

Đã nhiều năm sau ngày GS Đặng Vũ Hỷ đi xa, song những học trò, đồng nghiệp và không ít bệnhnhân phong vẫn thấy hiển hiện trước mắt hình ảnh của ông với dáng cao to, nụ cười rất có duyên và hóm hỉnh với giọng nói trầm và từ tốn cùng cử chỉ ân cần chu đáo tỉ mỉ khi thăm khám cho bệnh nhân. Ông là một trong số ít thầy thuốc Việt Nam được vinh danh trong Từ điển “Danh nhân Y học thế giới” (số thứ tự 704, trang 100). Tên ông được đặt cho một con phố ở Thủ đô Hà Nội./.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.