GS. Đặng Văn Ngữ - người dành trọn đời cho ngành Ký sinh trùng Việt Nam
Ông học tiểu học ở Vinh, trung học lại ở Huế. Ông học giỏi, đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp năm đó nên dù hoàn cảnh không mấy dư dật nhưng gia đình vẫn cố gắng thu xếp để ông ra Hà Nội học tiếp. Năm 1930, ông đỗ cả tú tài bản xứ lẫn tú tài Pháp, nhờ vậy ông đã nhận được học bổng để tiếp tục theo học tại Trường Y - Dược Đông Dương. Với thành tích học tập của mình ngay sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa (năm 1937), ông là người Việt Nam đầu tiên được giữ lại làm phụ giảng cho Giáo sư Galliard - Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Hiệu trưởng của Trường Y - Dược, lúc đó. Chắc ông cũng không ngờ rằng, cuộc đời của ông đã được quyết định từ đây, lĩnh vực “Ký sinh trùng” sẽ theo ông trọn cả cuộc đời. Thời gian này, ông còn hợp tác với bạn bè mở một phòng thí nghiệm đa khoa mang tên “Lucac Championière” - tên một giáo sư người Pháp đã chết vì bệnh khi làm việc tại Việt Nam .
Năm 1942, ông trở thành Trưởng phòng thí nghiệm ký sinh trùng và là giảng viên Sinh học Ban Dược. Với cương vị này, ông đã dành toàn bộ thời gian cho nghiên cứu khoa học. Trong suốt thời gian đó, ông đã công bố 19 công trình nghiên cứu, trong đó có những công trình nổi tiếng thế giới và khu vực. Năm 1936, ông đã phát hiện ra loài sán Clonorchis sinensiscó thể ký sinh ở tụy. Phát hiện này đã gây một tiếng vang lớn ở Việt Nam và trên thế giới. Chukỳ tiến hóa của sán ký sinh cũng được ông tìm hiểu, bằng thực nghiệm ở loài Bythinia chaperivà B.longicoris(1938). Ông nghiên cứu sự tiến hóa theo mùa của giun chỉ Diofilia immitiský sinh ở muỗi Aedes hết sức tỉ mỉ và chính xác. Cũng với phong cách tỉ mỉ, cẩn trọng trong nghiên cứu về nấm, ông đã được giáo sư người Nhật - Masuo Ota từng cộng tác với ông nhận xét: ông thực sự là nhà nấm học giỏi của châu Á.
Hơn hẳn các nhà khoa học người Pháp nghiên cứu trước, GS. Đặng Văn Ngữ đã dành nhiều công sức điều tra về phân bố, sinh thái, sự gây bệnh của các loài ký sinh - một công việc mà bất kỳ ai muốn dành cả cuộc đời cho sự nghiệp thanh toán các bệnh ký sinh trùng cho nước mình đều phải làm. Khi điều tra muỗi, ông đã phát hiện ra loại muỗi chưa từng biết và đặt tên là “ muỗi A-nô-phen Bắc Kỳ”. Hoặc khi điều tra về nấm, ông đã phát hiện giống Piedraia hortaiở Việt Nam , mà trước đó người Pháp nghĩ rằng chỉ có ở châu Phi. Một giống Erytremamới, chưa hề biết, ký sinh ở tụy trâu bò cũng được ông phát hiện và đặt tên: Erytrema tokinensis N.sp(1942)...
Do có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực y học, năm 1943, ông được chọn đi du học ở Nhật với tiêu chuẩn “ là người có trình độ cao, hiện đại, xứng đáng cho nền Y học của Pháp tại Việt Nam ”. Từ năm 1943 đến cuối năm 1948, ông học tập và làm việc tại Nhật. Ông đã học và nghiên cứu về nấm, men gây bệnh, về lao và hủi tại Trường Đại học Tokyo, về vi trùng đường ruột ở Bệnh viện Truyền nhiễm Tokyo. Trong năm 1947 - 1948, ông nghiên cứu về vi trùng học và huyết thanh học tại Quân Y viện 406 của Mỹ ở Nhật Bản. Trong thời gian trên, vừa làm vừa học, ông đã được tiếp xúc với khoa học y học của Nhật và của Mỹ có đầy đủ thông tin và trang bị hơn ở Hà Nội rất nhiều. Được sự khuyến khích của Giáo sư Ota, sau khi Alexander Fleming tìm ra penicillin, ông cũng tìm ra giống nấm sản xuất ra penicillin và có lẽ đó là một trong những giống nấm penicillin đầu tiên tìm thấy ở Nhật. Tại Trường Đại học Y khoa Tokyo, ông đã công bố 4 công trình giá trị: “ Xác định loại nấm có tính kháng sinh cao”(1947) ;“ Xác định công thức kháng nguyên Salmonella”(1945); “ Đặc điểm tiến hóa của D.mansoni” (1943) và hoàn chỉnh một số xét nghiệm miễn dịch để chuẩn đoán .
Cũng trong thời gian trên có nhiều lực thu hút ông như người Pháp, người Nhật, người Mỹ đều muốn sử dụng tài năng của ông. Nhưng ông luôn nghĩ mình là người Việt Nam , cần phải làm gì cho Tổ quốc. Trong lúc nghiên cứu về nấm kháng sinh, ông đã tranh thủ lưu trữ được một số giống để sau này sẽ sử dụng khi về nước. Ông và trên 10 người Việt Nam, thành lập Hội Việt kiều ở Nhật Bản, ông được bầu làm Chủ tịch của Hội, tổ chức được một số hoạt động để đòi công nhận nền độc lập của Việt Nam. Năm 1949, theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông về nước tham gia kháng chiến. Ông Nguyễn Song Tùng - một trong những người được Chính phủ cử đưa GS. Đặng Văn Ngữ về nước chưa bao giờ thấy một khách bộ hành nào vượt Trường Sơn với hành lý kỳ lạ đến thế. Giáo sư và bạn đồng hành đã vác bộ hàng chục kiện hàng đầy chai, lọ, nồi niêu, hụ, bình, ống nghiệm... trong đó, đựng mầm Penicillin ông cấy ở Nhật - những phương tiện đầu tiên để sản xuất kháng sinh phục vụ thương binh trên khắp các chiến trường chống Pháp. Sau khi về nước, ông là một trong 3 người sáng lập Trường Đại học Y khoa kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc (cùng các giáo sư Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng). Sau một thời gian làm việc ở Liên khu IV, năm 1955, ông là một trong 45 vị giáo sư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong tặng và được đề cử làm Giáo sư Trường Y - Dược khoa đại học theo Quyết định số 39 - ZYO/ND/3 ngày 21/1/1955 cùng các vị: Hồ Đắc Di, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Vũ Hỷ, Nguyễn Xuân Nguyên, Tôn Thất Tùng...
Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, từ một phòng thí nghiệm nghèo nàn, ông đã tổ chức sản xuất được “ nước lọc Penecillin” nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp. Lúc bấy giờ, do hoàn cảnh hết sức thiếu thốn, “cơm không đủ no, áo không đủ mặc” nên bệnh tật có điều kiện phát sinh. Mặt khác, trong chiến đấu, bộ đội ta bị thương vong không phải ít. Vì vậy, thuốc men dành cho điều trị, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh hết sức cần thiết, nhưng cũng đặc biệt khan hiếm. Trong bối cảnh đó, việc sản xuất được “ nước lọc Penicillin” của GS. Đặng Văn Ngữ có ý nghĩa đặc biệt lớn lao, góp phần đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi. Người ta còn lưu được bài báo khoa học của GS. Tôn Thất Tùng bằng tiếng Pháp: “ Điều trị vết thương bằng nước Streptomycin và Penicillin” và các bài viết của ông nghiên cứu kháng sinh ở Việt Nam như: Tăng gia men, nước bột ngô ngâm(1951) và Nghiên cứu kháng sinh của một số thảo mộc. Chính ông đã cho thử 100 loại lá thảo mộc để tìm tính kháng khuẩn cho chúng. Khi về Hà Nội, ông còn tiếp tục mở rộng điều tra tính chống ký sinh trùng của chúng. Đó là cách kết hợp đúng đắn 2 nền y học: cổ truyền và hiện đại. Ông đã được Bác Hồ thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho thành tựu kỳ diệu chưa từng ai làm được này.
Sau khi hòa bình lập lại, ông là người xây dựng ngành Ký sinh vật Việt Nam , từ đào tạo các bộ đến xây dựng các mạng lưới có hệ thống. Năm 1957, ông sáng lập Viện sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng; Chủ nhiệm Chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc. Ông là một trong số ít người thời đó có ý tưởng sản xuất vác xin phòng chống sốt rét. Ông lãnh đạo bộ môn Ký sinh trùng, tổ Côn trùng của Viện nghiên cứu và Uỷ ban khoa học Nhà nước trong suốt 10 năm liền trên một phạm vi rất rộng về bức tranh toàn cảnh ký sinh trùng miền Bắc. Kết quả nghiên cứu miệt mài của ông và cộng sự đã được công bố trong “ 15 năm ngành ký sinh trùng học ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1965)”.
Sống trong một đất nước nhiệt đới, nóng ẩm nên hàng năm không biết bao người đã phải rã từ cuộc sống vì bệnh sốt rét. Điều này đã làm ông - một nhà ký sinh trùng hàng đầu của Việt Nam phải day dứt. Ông nghĩ: “ Nếu ta làm tốt, sẽ không chỉ giúp một người, một vài người, mà là hàng trăm người, hàng ngàn, hàng triệu người thoát khỏi lưỡi hái tử thần của bệnh sốt rét”. Ông không cho phép mình đầu hàng, không cho phép mình được nghỉ ngơi. Ông lao vào nghiên cứu về ký sinh trùng sốt rét. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu trên các miền, vùng đang bị các ký sinh trùng sốt rét hoành hành. GS. Đặng Văn Ngữ cùng các đồng nghiệp và học trò đã đến nhiều địa phương, mang theo “núi” tư trang, kính hiển vi, bình bơm, túi thuốc, hóa chất... với phương tiện chủ yếu là đôi chân. Năm 1964, ông đã tìm ra muỗi An.sinensis- thủ phạm chính gây bệnh sốt rét tại đây và triển khai các phương pháp phòng, diệt. Tại Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh... các phương pháp diệt muỗi phòng dịch sốt rét, phun DDT, hun khói 10 loại thảo mộc cũng đã được ông và đồng sự thử nghiệm và triển khai thành công.
Tết Nguyên đán năm 1967, khi nước lọc penicilline do ông nghiên cứu sản xuất đã về khắp các trạm phẫu thuật ở tiền tuyến. 80% thương binh có thể trở về đơn vị không bị cưa chân, tay, thậm chí thoát khỏi nguy cơ tử vong vì nhiễm trùng vết thương nhờ thứ nước kỳ diệu này. Lần này, nhà khoa học cùng một số học trò - đồng sự ""đi B"" với mục đích hạn chế sự hoành hành của dịch sốt rét đang phổ biến trên các chiến trường Trung, Nam bộ, giảm thiểu tổn thất về sức khoẻ và sinh mạng vì sốt rét cho bộ đội và thanh niên xung phong; trước mắt, nghiên cứu biện pháp phòng chống sốt rét tại chỗ, tìm hiểu khả năng sản xuất vaccine chống căn bệnh quái ác này. Và chuyến vượt Trường Sơn này cũng là hành trình cuối cùng của nhà giáo, nhà khoa học yêu nước này. Chiều 1.4.1967, GS. Đặng Văn Ngữ hy sinh sau loạt bom B52 rải thảm của máy bay Mỹ xuống chiến trường Thừa Thiên - Huế, quê hương ông.
Theo truyền thống hàng năm của chuyên ngành Ký sinh trùng cả nước, cứ vào dịp kỷ niệm ngày mất của Cố Giáo sư - Anh hùng, liệt sĩ Đặng Văn Ngữ các trường đại học, cao đẳng Y khoa, các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng lại tổ chức lễ tưởng niệm và hội nghị khoa học chuyên ngành.
GS. Đặng Văn Ngữ đã để lại cho chúng ta những bài học quý giá:
Là người Việt Nam , ông là một người yêu nước sẵn sàng từ bỏ mọi thuận lợi, mọi vinh hoa phú quý có thể có để được phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Là người quản lý chuyên ngành, ông đã đoàn kết được mọi người trong chuyên khoa, mang hết sức lực tâm huyết triển khai, chỉ đạo công tác chống sốt rét, các bệnh do giun sán... đào tạo nên một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học trẻ cho ngành, cho đất nước.
Là nhà khoa học, ông đã tìm tòi sáng tạo, không ngừng suy nghĩ làm việc, kể cả lặn lội nơi rừng sâu, bên bờ suối, đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thức thâu đêm... tìm tòi, nghiên cứu và đã có những cống hiến to lớn trong việc điều chế dung dịch penicillin chữa vết thương trong kháng chiến chống Pháp, điều tra muỗi sốt rét, v.v... và là một trong 12 nhà khoa học y dược đầu tiên của nước ta được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ nhất 10/9/1996.
Là người thầy thuốc ông đã có cái tâm, cái đức, không đành lòng ngồi nhìn nhân dân, bộ đội ta bị sốt rét, quyết tâm xin đi vào nơi gian khổ nhất, vào chiến trường miền Nam để nghiên cứu các giải pháp phòng chống sốt rét cho quân dân ta đang chiến đấu.
Là cán bộ y tế của ngành, một đảng viên của Đảng, ông đã sống trong sạch, giản dị, nghiêm túc, khiêm tốn, trung thực, chân thành, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, hết sức vị tha và là một người thầy có nhân cách lớn.
Nguồn: http://100years.vnu.edu.vn