Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là sự tiếp nối truyền thống bảo vệ sự toàn vẹn bờ cõi, giang sơn của cha ông ta trong suốt chiều lịch sử, với tư tưởng nổi bật của Lý Thường Kiệt: “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”; của Lê Thánh Tông: Kẻ nào đánh mất một tấc đất của dân tộc vào tay kẻ thù đều đáng bị tru di; hay của Nguyễn Trãi: “Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia còn là sự kế thừa chủ nghĩa Mác - Lê-nin về lý luận bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời là sự tiếp thu những tinh hoa tư tưởng có liên quan đến bảo vệ chủ quyền, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc của các lãnh tụ, các nhà tư tưởng lớn trong lịch sử tư tưởng nhân loại, tư tưởng của Người thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là tất yếu, là mục tiêu nhất quán và có ý nghĩa chiến lược.
Đây là nội dung quan điểm tư tưởng chiếm vị trí chủ đạo trong tư tưởng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của Hồ Chí Minh. Nó phản ánh tư duy đúng đắn và có giá trị định hướng toàn bộ quan điểm, tư tưởng của Người với những hoạt động có liên quan.
Theo Hồ Chí Minh, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là nhiệm vụ bắt buộc, là hành động tất phải thế, chứ không thể khác, có chăng chỉ con đường, biện pháp, cách thức để bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia ở mỗi một thời điểm khác nhau mà thôi - nói cách khác, đó là sự tất yếu. Tính tất yếu đó xuất phát từ truyền thống, từ một lý luận khoa học và từ chính thực tiễn cách mạng đặt ra, được biểu hiện ngay trong tư tưởng có tính chân lý của Người: dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Và cùng với độc lập, tự do là sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Trong quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ là tư tưởng nhất quán, là tuyệt đối, không nghi ngờ, không thay đổi. Tính nhất quán đó xuất phát từ chính sự thiêng liêng của lãnh thổ quốc gia với một dân tộc, bởi đó không chỉ là bảo vệ những giá trị hiện hữu như vùng đất, vùng trời, vùng biển - những thứ cha ông ta đã dày công xây dựng, gìn giữ và truyền lại, mà còn là bảo vệ những giá trị văn hóa, tinh thần phong phú, đa dạng, tốt đẹp có từ ngàn năm trên từng thớ đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là mục tiêu chiến lược, có ý nghĩa xuyên suốt quá trình cách mạng, chi phối đến các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, ngoại giao, quân sự, quốc phòng, an ninh… của quốc gia, dân tộc.
Quan điểm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là chủ động, tích cực và mang tính nhân văn, nhân đạo, bởi theo Người: “Việt Nam chỉ muốn hòa bình và độc lập, để cộng tác thân thiện với các dân tộc trên thế giới, trước là với dân tộc anh em Á Đông”(1). Nhưng, nếu mong muốn chính đáng đó không được đáp lại, kẻ thù vẫn lăm le, rình rập và mang quân sang xâm lấn bờ cõi nhằm những mục đích xấu xa khác nhau, thì người Việt Nam, dân tộc Việt Nam biết đứng lên cầm vũ khí đánh đuổi, quyết bảo vệ bờ cõi, giang sơn và đó là hành động bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nền độc lập, khác hoàn toàn với hành động cầm vũ khí của quân cướp nước. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt Nam chỉ giữ gìn chủ quyền, độc lập của mình, chứ không hề xâm phạm đến ai”(2).
Thứ hai, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là bảo vệ toàn vẹn vùng đất, vùng trời, vùng biển.
Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ ra: toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được hiểu trên nhiều nội dung, song cơ bản nhất phải là toàn vẹn vùng đất, vùng trời và vùng biển. Theo đó, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cũng chính là bảo vệ các nội dung cơ bản nêu trên. Đây là nội dung, đồng thời là một mục tiêu bảo vệ vừa có tính chung nhất, nhưng lại là mục tiêu bảo vệ cụ thể, rõ ràng.
Toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong tư tưởng Hồ Chí Minh luôn có quan hệ mật thiết với vấn đề độc lập, tự do. Có nghĩa là độc lập, tự do phải trên cơ sở toàn vẹn lãnh thổ, lấy toàn vẹn lãnh thổ là tiêu chí cao nhất, bảo đảm cho độc lập, tự do được thực hiện đầy đủ, có ý nghĩa trên thực tế. Do vậy, để có được độc lập - tự do thực sự, theo Hồ Chí Minh, trước hết chúng ta phải giành được chủ quyền, lãnh thổ, với một đường biên giới rõ ràng, bao gồm cả biên giới trên đất liền, trên biển, chủ quyền trên không. Người chỉ ra: “Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, nhưng hòa bình không thể tách rời độc lập dân tộc. Nhân dân Việt Nam biết rằng muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật sự; và đấu tranh cho độc lập dân tộc tức là đấu tranh bảo vệ hòa bình. Nhân dân Việt Nam quyết không dung thứ cho bọn xâm lược Mỹ phá hoại hòa bình, giày xéo lên độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình”(3).
Với biên giới quốc gia, Hồ Chí Minh luôn khẳng định sự “bất khả xâm phạm”, coi ranh giới quốc gia là thiêng liêng phải biết giữ gìn, bảo vệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước”(4). Do vậy, Người khẳng định chúng ta cần phải “canh cửa cho Tổ quốc”(5). “Cửa” mà Hồ Chí Minh sử dụng chính là đường biên giới, là cửa biên, cửa khẩu trên tuyến biên giới quốc gia.
Đặc thù địa hình biên giới trên đất liền Việt Nam không đơn thuần là đồng bằng, mà phần nhiều là đồi núi hiểm trở. Do đó, khi bàn đến việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia nói chung, bảo vệ biên giới quốc gia nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Miền núi đối với quốc phòng rất quan trọng. Vì vậy, phải chăm lo đến việc củng cố quốc phòng, duy trì trật tự trị an, để chủ động tiêu diệt nhanh chóng bọn biệt kích, đập tan âm mưu của bọn phản động”(6); Người còn chỉ ra: Miền núi chiếm hai phần ba tổng số diện tích nước ta... Miền núi có tài nguyên rất phong phú, có nhiều khả năng để mở mang nông nghiệp và công nghiệp. Những điểm đó nói rõ rằng miền núi có một địa vị cực kỳ quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng của nước ta. Từ đó, Người yêu cầu: “Chúng ta phải dựa vào dân. Nhất là công an biên phòng, ở những nơi đồng bào thiểu số, phải chú ý đến phong tục tập quán của đồng bào, luôn giúp đỡ giáo dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu, phục cán bộ thì đồng bào sẽ hết sức giúp đỡ, có khi hy sinh cả cho ta. Đối với những đơn vị biên thùy… việc ấy phải hết sức chú ý; phải giúp đỡ dân, ngày thường tìm mọi cách giáo dục họ, giúp đỡ, tổ chức họ. Muốn làm như thế, phải nắm vững chính sách đối với đồng bào thiểu số, điều đó rất cần thiết”(7).
Đối với vùng chủ quyền biển, đảo, Hồ Chí Minh đã từng nói: Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó. Người cũng luôn xác định: Biển, đảo là tài sản quý giá mà các vương triều trước đã gìn giữ và để lại.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bộ đội Hải quân (3-1961), Người đặc biệt quan tâm đến kết quả xây dựng lực lượng của hải quân, tình hình bảo vệ bờ biển và các hải đảo, nhất là các đảo xa… Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ bảo: Các chú phải tìm ra cách bảo vệ đảo sao cho phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển, hải đảo của ta, và vũ khí trang bị mình có.
Trong mối liên hệ với cuộc đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta”(8). Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Bờ biển của ta có vị trí chiến lược rất quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Vì vậy nhiệm vụ của Hải quân ta rất nặng nề và cũng rất vẻ vang. Người đã động viên bộ đội Hải Quân phải luôn cố gắng để tiến bộ nhiều hơn, để có sức chiến đấu cao, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sự toàn vẹn vùng biển của Tổ quốc.
Đối với bảo vệ toàn vẹn vùng trời, Hồ Chí Minh thể hiện sự quan tâm sâu sắc thông qua việc giao nhiệm vụ cho bộ đội ra đa, tên lửa, bộ đội Phòng không tích cực huấn luyện, phát triển “lưới phòng không nhân dân”, nghiên cứu cách đánh máy bay, nhất là đánh B52 của địch, bảo vệ sự bình yên trên vùng trời của Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với đồng chí Phùng Thế Tài (Tư lệnh Bộ đội phòng không - không quân trong thời kỳ chiến tranh phá hoại miền Bắc): ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua sau khi đã thua trên bầu trời Hà Nội và “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua mới chịu thua”. Nhờ đó, chúng ta đã có thời gian để chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, nghệ thuật... đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, tháng 12-1972. Đánh trên bầu trời, cũng có nghĩa là không cho phép chúng tự do bay trên bầu trời của Việt Nam, cũng chính là bảo vệ được vùng trời của Tổ quốc.
Thứ ba, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là trách nhiệm của toàn dân, trong đó, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
Chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện mà một loại hình nghệ thuật chiến tranh độc đáo trong tư duy quân sự Hồ Chí Minh. Vậy nên, lực lượng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia theo tư tưởng Hồ Chí Minh là lực lượng toàn dân, bao gồm tất thảy già, trẻ, gái, trai, không có sự phân biệt dân tộc, vùng miền, tín ngưỡng, tôn giáo… Người khẳng định: “Vì chủ quyền, vì Tổ quốc, toàn dân Việt Nam đã thề kiên quyết kháng chiến đến cùng, kháng chiến đến lúc lấy lại được thống nhất độc lập mới thôi”(9).
“Bất kỳ nam nữ, nghèo giàu,
Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn.
Người giúp sức, kẻ giúp tiền,
Cùng nhau giành lấy chủ quyền của ta”(10).
Giành được chính quyền, giành lại nền độc lập là vấn đề quyết định thành công của cách mạng. Nhưng sau khi cách mạng thành công, kẻ thù luôn tìm mọi cách khôi phục lại quyền thống trị, chúng tiến hành trăm mưu, ngàn kế để xâm nhập và phá hoại nền độc lập. Để giữ vững nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, Người chỉ rõ: “Những bọn thực dân tàn bạo và bọn tay sai của chúng mưu mô xâm phạm chủ quyền Việt Nam, phá hoại nền độc lập của ta, các Ủy ban cần thẳng tay phanh thây chẻ xác chúng ra để làm gương cho kẻ khác”(11). Đây được xem là quyết tâm, nhưng đồng thời là yêu cầu với “các Ủy ban” - cơ quan đại diện cho nhân dân có ở khắp nơi phải “thẳng tay phanh thây chẻ xác chúng” để răn đe, “để làm gương”. Với kẻ thù là đế quốc Mỹ cũng vậy, Người chỉ rõ: “Đế quốc Mỹ đã có những hành động gây chiến đối với nước chúng tôi, cho nên nhân dân chúng tôi phải dùng biện pháp tự vệ cần thiết để giữ gìn chủ quyền và an ninh của nước chúng tôi”(12).
Lực lượng tiến hành hoạt động bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong tư tưởng Hồ Chí Minh là toàn dân, song, vai trò cụ thể của từng lực lượng được Người quan niệm là không giống nhau: toàn dân nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng; toàn dân nhưng có hình thức đấu tranh, kết hợp các hình thức đấu tranh trong mỗi giai đoạn khác nhau, có đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự; toàn dân nhưng lực lượng vũ trang phải là nòng cốt trong việc đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Người nói: “Cố nhiên đây là trách nhiệm chính của bộ đội, của công an biên phòng, của dân quân”(13). Chính vì vậy, trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, nội dung xây dựng lực lượng vũ trang được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, đó không phải là lực lượng vũ trang chung chung, mà tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang của Người là xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng vũ trang cách mạng với cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ khác với lực lượng vũ trang của nhà nước tư bản, của lực lượng vũ trang mang bản chất giai cấp tư sản.
Để phát huy tối ưu vai trò của nhân dân, của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, Người chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang rộng khắp với ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, trong đó: “xây dựng quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại”(14), “Ngoài việc tăng cường bộ đội chủ lực và xây dựng bộ đội địa phương… cần phải xây dựng những tổ chức dân quân, du kích”(15).
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là hệ thống những quan điểm, tư tưởng cách mạng, khoa học. Sự vận dụng cùng với những thành công của cách mạng Việt Nam tính đến nay đã chứng minh cho tính đúng đắn, sáng tạo cũng như giá trị trường tồn của tư tưởng này. Đồng thời, là cơ sở chắc chắn để đập tan âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch xung quanh nội dung có liên quan đến tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia nói riêng.
Tính đúng đắn, sáng tạo và giá trị của hệ thống các quan điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia đặt ra vấn đề nghiên cứu, vận dụng, phát triển quan điểm trong tư tưởng của Người hiện nay là cần thiết, nhằm phục vụ đắc lực cho thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
------------------------------------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 5, tr. 22
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 5, tr. 22
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 11, tr. 500
4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 8, tr. 151
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 11, tr. 135
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 9, tr. 404
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 11, tr. 486
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 5, tr. 29
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 3, tr. 228
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 46
12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 11, tr. 306
13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 11, tr. 135
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 9, tr. 272
15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 7, tr. 13