Góc lệch vàng
Lịch sử trị thuỷ của loài người gắn với những cánh cửa nước từ hàng ngàn năm, nhưng xem ra việc đóng mở những cánh cửa ấy chưa có được những cải tiến đáng kể, có chăng chỉ là việc thay lực cơ bắp của con người bằng lực của các động cơ. Các công trình thuỷ lợi, ở ĐBSCL cũng chỉ được thiết kế theo kiểu nâng lên, hạ xuống. Nơi có nguồn điện lưới ba pha thì việc nâng lên hạ xuống cánh cửa nặng hàng chục tấn ấy do các động cơ điện, còn ở nơi xa xôi hẻo lánh, cứ phải vài ba thanh niên lực lưỡng lên bù đài quay những cánh tời, lại còn phải canh chừng con nước bán nhật triều phụ thuộc vào mùa, vào gió. Đó là chưa kể kiểu cửa nước truyền thống ấy đã hạn chế nhiều độ cao đường nước, gây trở ngại cho giao thông thuỷ.
Từ băn khoăn đến dằn vặt, bức xúc, kỹ sư Trần Tuấn Bửu lặng lẽ nghiền ngẫm một kiểu cửa khác tiện dung hơn, đơn giản hơn, hiệu quả hơn. Anh ra sức lục tìm trong các tài liệu của Liên Xô, Pháp, Hà Lan, Mỹ... trong kinh nghiệm “mở cửa” của chính anh. Đang học năm cuối khoá I khoa Xây dựng, lớp thuỷ công của Đại học Bách khoa, anh được giao thiết kế cảnh cửa cong cho công trình thuỷ nông lớn nhất miền Bắc lúc ấy – công trình Bắc Hưng Hải. So với cửa phẳng, thiết kế và chế tạo cửa cong phức tạp hơn nhưng lại lợi ở chỗ lực nâng cửa cong nhỏ hơn nhiều, bởi vậy với kích thước rộng 8m, cao 6m nếu làm cửa phẳng thì không thể nào nâng nổi. Trước Bửu, người Pháp cũng đã thiết kế và chế tạo kiểu cửa cong này nhưng chỉ rộng tối đa 6m và tài liệu thì đã theo chân họ về “mẫu quốc”. Sau những năm tháng miệt mài cùng với anh em công nhân của xưởng cơ khí Kim Mã, cuối cùng, chiếc cửa cong lớn nhất Việt Nam lúc đó đã được lắp đặt và vẫn hoạt động tốt từ đó đến nay. Đấy cũng là luận văn tốt nghiệp đưa anh chàng sinh viên đất Quảng thành kỹ sư thuỷ công, được các chuyên gia Trung Quốc hết lòng khen ngợi. Sau chiếc cửa cong đầu tiên ở Bắc Hưng Hải, nhiều cánh cửa cong khác đã lần lượt xuất hiện trên các công trình khác như cống Ba Thuỷ, cống Neo, Cầu Xa...
Rồi tới kiểu cửa quạt ở đập tràn Cấm Sơn – Hà Bắc. Ở vùng này thường có lũ về rất nhanh nên các kiểu cửa do người hoặc máy kéo đều không kịp đóng mở lúc cần. Sự chậm trễ có thể làm vỡ đập, gây tác hại khôn lường. Từ thực tế đó, kỹ sư Bửu đã táo bạo sử dụng cánh cửa hình quạt bán tự động. Dòng nước tự động mở đóng lại vừa có thể mở đóng bằng tay khi cần kíp. May thay, đã gần 30 năm rồi, hệ thống nâng cửa bằng tay chưa phải sử dụng đến lần nào. Cửa hoàn toàn tự động nhưng vẫn chỉ tự đóng theo một chiều nước chảy.
Thập niên 1980, Trần Tuấn Bửu được giao nhiệm vụ mới – giám đốc Công ty cơ khí công trình thuỷ 276 đóng tại TP. Hồ Chí Minh. Trên cương vị mới và với nhiệm vụ phục vụ trực tiếp cho ĐBSCL, nỗi day dứt năm nào lại thiêu đốt anh - kiểu cửa tự động hai chiều lên xuống của dòng nước để có thể vừa ngăn mặn lại vừa đón ngọt. Đến một hôm - giống như nhà bác học Archimède khám phá ra định luật khoa học khi đang ngâm mình dưới nước – cái tủ đựng đồ vặt nơi góc phòng anh lâu ngày bị hỏng, khung tủ bị vẹo vọ đi và cánh tủ chuyển sang đóng mở theo chế độ “tự động”, anh vừa khép lại và quay lưng đi thì cánh tủ đã mở ra tự bao giờ. Bực quá, anh định cất tiếng gọi người phụ trách quản trị cơ quan, bỗng trong sâu thẳm hiện về hình ảnh liên tưởng kỳ diệu. Năm ấy, nơi sơ tán, cánh cửa nhà anh cũng bị vẹo nên nó cũng tự động đóng lại mỗi khi mở. Một tia chớp loé sáng: hiện tương lệch tâm! Ngay lập tức anh ngồi vào bản vẽ.
Cũng phải mất thêm mấy tháng trời nữa cặm cụi với thí nghiệm, anh mới tìm ra được góc lệch chính xác – góc lệch mà khi cánh cửa mở ra lại tự động đóng lại, đồng thời các chi tiết không kém phần quan trọng như chốt, càng cua, gối đỡ dần dần được hoàn thiện. Cánh cửa nước tự động đầu tiên này được đặt tại Vàm Đồn - Bến Tre đã mở ra một thời kỳ mới cho công tác thuỷ lợi vùng ĐBSCL. Đến nay đã có trên 100 cánh cửa được lắp đặt cho các công trình, tất cả đều đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả vì nó hoàn toàn tự đóng mở ra khi nước hai bên có sự chênh lệch và đóng lại khi mực nước hai bên cân bằng. Cửa tự động của anh đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu ngăn mặn, lấy ngọt, giữ nước, tháo nước...
Kiểu cửa lệch tâm độc đáo này đã được Cục Phát minh sáng chế của Nhà nước Việt Nam cấp bằng độc quyền sáng chế số 107, có giá trị 15 năm kể tà ngày 15-8-1990. Uỷ ban Nhà nước về phát minh sáng chế của Liên Xô (cũ) cũng đã cấp bằng sáng chế mang số 1785546 có thời hạn 20 năm từ ngày 4-10-1990.
Kỹ sư Trần Tuấn Bửu chẳng những là người đầu tiên của ngành thuỷ lợi được cấp bằng độc quyền sáng chế của Việt Nam và nước mà còn là người đầu tiên được hưởng chế độ mới theo quyết định số 173/QĐ/KT ngày 30/10/1995 của Bộ Thuỷ lợi. Theo quyết định trên, tất cả đơn vị khi áp dụng chế tạo lắp đặt cửa kiểu này đều phải thông qua tác giả Trần Tuấn Bửu và trả tiền thù lao theo công thức:
Z = 10,4% Y
Y = 16,67 H (D1 + D2 x n)
(Z: mức thù lao, Y: hiệu quả mang lại, H: chiều cao cửa, D1: đơn giá máy phát điện, D2: đơn giá ca tới điện, n: số cửa cống).
Công thức tính thì rườm rà như vậy nhưng có thể hiểu gọn mức thù lao trên xấp xỉ 1% giá trị của công trình (chỉ tính riêng phần cửa). Thật là một cánh cửa mở vào giàu có!
Nguồn: Tài trí Việt Nam , tr 40