Giới thiệu một số giống mía được trồng ở nước ta
Giống mía C.819-67
1. Nguồn gốc:
Giống mía C.819-67 nhập nội từ Cu Ba, do Viện nghiên cứu mía đường nghiên cứu tuyển chọn, đã được khu vực hoá ở vùng mía các tỉnh miền Đông Nam bộ.
2. Những đặc điểm chính:
Cây to, mọc thẳng, vỏ màu xanh - vàng. Phiến lá trung bình, độ róc bẹ tốt. Mía nẩy mầm đẻ nhánh sớm, tập trung, tỷ lệ cao. Tốc độ vươn cao nhanh.
Khả năng tái sinh mạnh (để gốc tốt). Mía ra hoa muộn.
Năng suất trung bình trên 50 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt 80 - 100 tấn/ha. Tỷ lệ đường khá. Độ Pol/mía trên 13,5%.
Chống chịu tốt các điều kiện ngoại cảnh. Kháng bệnh than, sâu đục thân.
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
Giống mía C.819-67 đang được nhân và phổ biến rộng ở vùng mía các tỉnh miền Đông Nam bộ và Quảng Ngãi.
Thời vụ, kỹ thuật trồng và chăm sóc tương tự như giống mía khác.
Giống mía Comus
1. Nguồn gốc:
Giống mía Comus được nhập nội từ Ôxtrâylia. Hiện đang được trồng chủ yếu ở các tỉnh miền tây Nam bộ.
2. Những đặc điểm chính:
Thân cây to, mọc thẳng, lóng hình trống nối nhau kiểu dích dắc. Vỏ màu xanh ẩn tím. Phiến lá rộng, mềm xanh thẫm, bẹ lá ít lông. Nảy mầm và đẻ nhánh sớm. Ra hoa muộn, tỷ lệ cây ra hoa thấp. Khả năng để gốc trung bình. Khả năng chịu hạn kém. Dễ bị sâu bệnh.
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
Ở vùng phân bố thích hợp : Nên trồng giống Comus ở những vùng đất thấp, những nơi có điều kiện tưới nước vào các tháng mùa khô. Kỹ thuật trồng và chăm sóc tương tự như các giống mía khác.
Giống F.134
1. Nguồn gốc:
Giống F.134 được nhập nội từ Đài Loan.
2. Những đặc điểm chính:
Thân cây to, thẳng, lóng hình trống, vỏ màu xanh ẩn tím, sáp phủ dầy. Phiến lá rộng, màu xanh thẫm, bẹ lá nhiều lông. Mía nẩy mầm và đẻ nhánh sớm. Khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh, để gốc khá. Mía không hoặc ít ra hoa.
Năng suất trung bình 50 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt 80 - 100 tấn/ha. Độ Pol/mía trên 13%. Chống chịu tốt các điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Dễ bị sâu đục thân và rệp bông.
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
Giống F.134 đang được trồng chủ yếu ở các vùng mía các tỉnh phía Bắc và một phần ở Quảng Nam - Đà Nẵng.
Thời vụ trồng, kỹ thuật trồng và chăm sóc tương tự như các giống khác.
Giống mía F.154
(năm công nhận 1988)
1. Nguồn gốc :
Giống mía F.154 của Đài Loan được nhập vào miền Nam nước ta trước 1975. Từ năm 1976 Viện nghiên cứu mía đường đã nghiên cứu tuyển chọn, năm 1988 được phép khu vực hoá ở vùng mía các tỉnh miền Đông Nam bộ và một số nơi khác. Là giống có triển vọng.
2. Những đặc điểm chính:
Cây phát triển thẳng, lóng hình ống chỉ, vỏ màu tím, sáp phủ dầy. Phiến lá hẹp, màu xanh thẫm. Mía nẩy mầm đẻ nhánh sớm, tập trung, tỷ lệ cao. Tốc độ vươn cao nhanh, tái sinh mạnh (để gốc tốt). Tỷ lệ cây ra hoa cao.
Năng suất trung bình: 50 tấn/ha (không tưới), thâm canh tốt có thể đạt trên 80 tấn/ha. Hàm lượng đường khá. Độ Pol/mía trên 13,5%.
Chịu hạn tốt. Có thể trồng ở các điều kiện thời tiết khí hậu khác nhau. Chống chịu sâu bệnh tốt.
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
Giống mía F.154 hiện đang trồng nhiều ở Tây Ninh, Sông Bé, Đồng Nai, Ninh Thuận và miền Tây Nam bộ.
Thời vụ, kỹ thuật trồng và chăm sóc tương tự như giống mía F.156.
Lưu ý: F.154 là giống ra hoa mạnh, nên khi mía trổ cờ phải thu hoạch ngay. Để quá muộn sẽ làm giảm hàm lượng đường trong mía.
Giống mía F 156
(Năm công nhận 1987)
Nguồn gốc :
Giống mía F.156 nhập nội từ Đài Loan vào miền Nam nước ta trước năm 1975. Viện nghiên cứu mía đường nghiên cứu, tuyển chọn đến năm 1987 được công nhận là giống mía quốc gia.
Những đặc điểm chính :
Thân cây phát triển thẳng, dóng hình trụ (hơi thót giữa), vỏ màu xanh vàng ẩn tím, khi nắng rọi có màu tím. Phiến lá hẹp, cứng, phát triển chiều xiên. Mía nẩy mầm đẻ nhánh sớm, tập trung, tỷ lệ hữu hiệu cao. Tốc độ vươn cao, mật độ cây hữu hiệu cao, đồng đều. Khả năng tái sinh mạnh (để gốc tốt). Mía ra hoa muộn với tỷ lệ khoảng 10-15%.
Năng suất trung bình khoảng 50 tấn/ha (không tưới); thâm canh tốt có thể đạt 80-100 tấn/ha. Tỷ lệ đường khá, độ Pol/mía trên 13,5%.
Chịu hạn tốt. Trồng được ở những vùng có điều kiện thời tiết khác nhau.
Chống chịu sâu bệnh tốt, kháng bệnh than.
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật :
Giống mía F.156 hiện đang được nhân và trồng ở hầu hết các vùng mía trong cả nước với năng suất cao và ổn định. Thích hợp trên những chân đất độ phì nhiêu cao và có tưới hoặc giữ ẩm tốt vào các tháng mùa khô.
+ Miền Bắc: Vụ đông xuân trồng từ tháng 12 đến tháng 2, thu hoạch 12 tháng tuổi; vụ trồng tháng 9 - 10, thu hoạch 12 - 14 tháng tuổi
+ Miền Nam: Vụ đầu mùa mưa trồng tháng 4 - 5, thu hoạch 12 tháng tuổi; vụ cuối mùa mưa trồng tháng 10 - 11, thu hoạch 13 - 15 tháng tuổi.
Chăm sóc thủ công, khoảng cách trồng 90 - 100cm, với lượng hom giống 40.000 hom/ha. Chăm sóc cơ giới, khoảng cách trồng 120 - 130cm, với lượng hom 32.000 - 36.000 hom/ha (mỗi hom 3 mắt mầm tốt). Trồng một hàng hom nối đôi nhau hoặc hai hàng theo kiểu nanh sấu (nếu hom tốt). Trong mùa khô hạn, có thể trồng hai hàng hom nối tiếp nhau để tăng mật độ mầm.
Phân bón cho 1ha: Phân hữu cơ 10 tấn; phân vô cơ 100 - 120 N + 50 - 60 P2O5 + 100 - 120 K2O. ở đất chua bón 1000kg vôi/ha (vãi đều trên ruộng trước lần bừa cuối cùng). Bón lót: Phân hữu cơ, phân lân, 1/3 đạm, 1/2 kali. Bón thúc vào thời kỳ mía đẻ nhánh và làm lóng vươn cao, bón toàn bộ số phân còn lại.
Sâu bệnh hại chính là bệnh than, sâu đục thân, rệp cờ. Cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp: các biện pháp canh tác + vệ sinh đồng ruộng và kết hợp thuốc hoá học khi cần thiết.
Giống mía F.157
Nguồn gốc:
Giống mía F.157 nhập nội từ Đài Loan, được Phòng nông vụ nhà máy đường Quảng Ngãi tuyển chọn. Hiện nay giống mía này trồng chủ yếu ở vùng mía Nhà máy đường Quảng Ngãi.
Những đặc điểm chính:
Cây có độ lớn trung bình, gốc hơi nhỏ, lóng chóp cụt nối nhau kiểu dích dắc, vỏ màu xanh sáng. Dọi nắng màu hơi tím. Phiến lá trung bình, bẹ lá không có lông. Mía nẩy mầm, đẻ nhánh sớm, tốc độ vưn cao nhanh, để gốc tốt. Mía ra hoa ít.
Năng suất trung bình 50 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt trên 80 tấn/ha. Hàm lượng đường khá cao. Độ Pol/mía trên 13,5%.
Chống chịu các điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Dễ bị nhiễm bệnh than.
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
Hiện nay giống F.157 đang được trồng ở vùng mía nhà máy đường Quảng Ngãi. Thời vụ trồng, kỹ thuật trồng và chăm sóc tương tự như các giống khác.
Lưu ý: Có thể trồng trên nhiều loại đất. Tuy nhiên trên chân đất tốt sẽ cho năng suất cao nhất. Giống F.157 có gốc hơi nhỏ nên những vùng hay gió bão cần chú ý đề phòng mía đổ ngã.
Giống mía K 84-200
(Năm công nhận 1992)
Nguồn gốc:
Giống mía của Thái lan, nhập vào Việt nam năm 1992
Những đặc điểm chính:
Đặc điểm hình thái:
- Thân to, mọc thẳng, lóng hình trụ, dài, màu xanh vàng; có phủ một lớp sáp mỏng. Không có vết nứt sinh trưởng, không có rãnh mầm. Đai sinh trưởng rõ, có 3 hàng điểm sắp xếp không theo thứ tự.
- Mầm hình tròn, nhỏ. Cánh mầm rộng, đáy mầm nằm sát vết sẹo lá.
- Lá to, màu xanh vàng, hơi ngắn, lá rủ. Bẹ lá ít lông, màu xanh, có nhiều phấn, bẹ lá dày khó bóc lá (bẹ lá ôm sát thân từ gốc đến ngọn). Cổ lá hình lưỡi, màu phớt tím. Có một tai lá dài, hình mác.
Đặc điểm nông-công nghiệp:
- Nảy mầm chậm, tỷ lệ mọc khá, đẻ nhánh khá
- Thời kỳ đầu sinh trưởng chậm, khi có lóng phát triển nhanh. Tỷ lệ cây hữu hiệu cao.
- Chịu phèn rất tốt, chịu hạn trung bình, kém. Kháng sâu đục thân. Chống đổ rất tốt
- Không hoặc ít trỗ cờ, Tái sinh, lưu gốc tốt.
- Là giống có năng suất cao, CCS trên 10%.
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
- Nên trồng ở vùng phèn ở ĐBSCL, cung cấp nguyên liệu cho chế biến giữa-cuối vụ
- Chăm sóc sớm, bón đủ đạm ở đợt chăm sóc đầu để mía sinh trưởng nhanh
Giống mía MY 5514
Nguồn gốc :
Giống mía My5514 nhập nội từ Cu Ba, được Viện nghiên cứu mía đường nghiên cứu tuyển chọn. Đã được công nhận là giống mía quốc gia.
Những đặc điểm chính :
Cây phát triển thẳng, dạng hình chóp cụt, vỏ màu tím. Phiến lá rộng, bẹ lá màu xanh có lông, dễ bong bẹ. Mía nẩy mầm đẻ nhánh sớm, tập trung, tốc độ vươn cao nhanh. Khả năng để gốc trung bình. Mía ra hoa mạnh.
Năng suất trung bình 50 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt 80 - 100 tấn/ha. Hàm lượng đường khá. Độ Pol/mía trên 13,5%.
Chống chịu tốt các điều kiện thời tiết bất lợi. Rất kháng bệnh than sâu đục thân.
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật :
Giống mía My5514 đang được trồng nhiều ở Tây Ninh, Đắc Lắc, miền Bắc và một số nơi khác.
Thời vụ trồng, kỹ thuật và chăm sóc tương tự như giống mía F.156.
Giống mía QĐ-15
Nguồn gốc:
Do Viện Nghiên cứu mía đường Quảng tây - Trung quốc lai tạo, (Hoa nam 56-12 x Nội giang 59-782).
Những đặc điểm chính:
Đặc điểm hình thái:
- Thân to trung bình, thẳng; lóng tương đối dài, hình ống tròn, trước khi bóc lá có màu xanh vàng, lộ ánh sáng có màu tím nhạt, trên thân phủ một lớp phấn mỏng. Rãnh mầm nông.
- Mầm nhỏ, hình trứng. Gốc mầm ngay tại vết sẹo lá, đỉnh mầm gần với đai sinh trưởng. Cánh mầm hình bán nguyệt bắt đầu từ giữa mầm. Lỗ mầm nằm giữa đỉnh mầm.
- Lá hơi cong, rộng trung bình. Bẹ lá màu hồng tím, lưng bẹ lá có lông.
Đặc điểm nông-công nghiệp:
- Tỷ lệ nảy mầm cao, đẻ nhánh trung bình, tỷ lệ cây hữu hiệu cao.
- Tái sinh, lưu gốc tốt, dễ rụng lá.
- Kháng bệnh than đen
- Thích nghi rộng, năng suất cao, ổn định, CCS 11-12%
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
- Phòng trừ sâu đục thân
- Vun cao gốc để chống đổ
Giống R 570
Nguồn gốc:
Giống mía của Pháp, đưa vào Việt nam năm 1995 (H32-8560 x R445).
Những đặc điểm chính:
Đặc điểm hình thái:
- Thân to, hơi díc dắc, màu xanh vàng, có phủ một lớp sáp, muội. Lóng dài hình trụ, không có rãnh mầm. Đai sinh trưởng hẹp, đai rễ không rõ. Nốt rễ có 2-3 hàng sắp xếp không theo thứ tự
- Mầm hình tròn, không có lông, gốc mầm nằm sát vết sẹo lá
- Lá dài, rộng trung bình, màu xanh đậm, phần ngọn lá hơi rủ. Bẹ lá màu xanh, không có lông, ôm sát thân, hơi khó bóc. Cổ lá màu nâu ẩn tím hơi vàng, hình lưỡi. Tai lá trong hình tam giác tù.
Đặc điểm nông-công nghiệp:
- Nảy mầm mạnh, tập trung. Đẻ nhánh trung bình. Giai đoạn đầu sinh trưởng hơi chậm
- Kháng bệnh than, kháng sâu đục thân, ít đổ ngã
- Bụi mía gọn, không hoặc ít trỗ cờ.
- Khả năng tái sinh, lưu gốc tốt
- Chịu hạn, thích ứng vùng đất xám
- Là giống chín trung bình, CCS 10-11%
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
- Có tưới năng suất, chất lượng mía nguyên liệu rất cao
- Không nên sử dụng thuốc trừ cỏ Diuron (Ansaron 80WP) vì giống này rất mẫn cảm với Diuron.
- Dễ bị bệnh thối đọt ở thời kỳ cây con.
Giống mía R 597
(Năm công nhân 1995)
Nguồn gốc:
Giống mía của Pháp, đưa vào Việt nam năm 1995 (PR1028 x N8).
Những đặc điểm chính:
Đặc điểm hình thái:
- Thân to, lóng dài hình trụ, màu hồng đến tím nhạt, có phủ một lớp sáp mỏng. Rãnh mầm rất rõ. Đai rễ có 2-3 hàng điểm rễ sắp xếp không thứ tự.
- Mầm to, phẳng, hình tam giác. Gốc mầm nằm trên vết sẹo lá. Đỉnh mầm vượt quá đai sinh trưởng. Cánh mầm hẹp.
- Lá trung bình nhỏ, màu xanh thẫm. Lá mọc xiên, ngọn lá rủ. Bẹ lá màu xanh tím, có ít lông tơ trên bẹ lá non, không ôm chặt thân nên bóc lá rất dễ. Tai lá hình tam giác tù, tự rời ra trên bẹ lá khô.
Đặc điểm nông-công nghiệp:
- Nảy mầm mạnh, đẻ khoẻ. Giai đoạn đầu phát triển hơi chậm, sau đó vươn cao nhanh.
- Kháng sâu đục thân trung bình, kháng bệnh than đen.
- Ít bị đổ ngã, không trỗ cờ. Thích hợp với vùng đất xám.
- Khả năng tái sinh, lưu gốc tốt.
- Chữ đường trung bình, CCS 10-11%
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
- Nên trồng trên đất thấp, đất trung bình, tốt, thâm canh đầy đủ để đạt năng suất, chất lượng mía nguyên liệu cao.
- Chăm sóc sớm để mía sinh trưởng nhanh.
- Thu hoạch mía 12 tháng trở lên.
Giống mía ROC 1
Nguồn gốc:
Do Viện nghiên cứu mía đường Đài loan lai tạo (F146 x CP58-48)
Những đặc điểm chính:
Đặc điểm hình thái:
- Thân to trung bình, lóng hình ống tròn, màu xanh nhạt; sau khi bóc lá, phơi nắng có màu xanh vàng; phấn sáp nhiều. Đai phấn rõ.
Không có vết nứt sinh trưởng, không rãnh mầm. Đai sinh trưởng hơi lồi và có màu vàng nhạt, phơi nắng lâu chuyển thành màu xanh.
- Mầm hình trứng tròn, đầy đặn và hơi nhô lên. Mầm non màu xanh vàng nhạt, mầm già màu xanh tối. Cánh mầm rộng trung bình và bắt đầu từ giữa mầm, trên mầm có phủ một lớp lông thưa.
- Lá màu xanh đậm, và tương đối ngắn, thế lá thẳng. Bẹ lá màu xanh vàng, trên phủ một lớp phấn mỏng. Tai lá trong hình mũi mác, tai lá ngoài hình tam giác tù.
Đặc điểm nông-công nghiệp:
- Nảy mầm tương đối đều, mẫn cảm với độ ẩm đất.
- Sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh trung bình, ít mía măng vụ thu.
- Chịu phân, chịu úng. Lưu gốc tốt, ít bị sâu đục thân.
- Không rỗng ruột, ít đổ ngã.
- Trỗ cờ nhiều, nhưng phần ngọn không bị bấc.
- Chín sớm, trữ đường cao: CCS 11-13%.
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
- Mía gốc nảy mầm chậm nên sau thu hoạch phải chăm sóc mía gốc ngay và tăng lượng đạm ở đợt bón đầu.
- Giống này nên trồng vào vụ thu (vụ 2): khi trồng lấp nông và trồng dày hơn giống khác.
- Là giống thâm canh thích hợp với đất trung bình, tốt, đủ ẩm.
Giống mía ROC 10
Nguồn gốc:
Do Viện Nghiên cứu mía đường Đài loan lai tạo (ROC5 x F152)
Những đặc điểm chính:
Đặc điểm hình thái:
- Thân to trung bình, dóng hình ống tròn, màu vàng lục, bên ngoài phủ một lớp sáp dày. Không có vết nứt sinh trưởng; rãnh mầm nông và dài. Nốt rễ rõ, xếp thành 3 hàng không theo thứ tự.
- Mầm hình trứng tròn, đầy đặn và hơi nhô lên. Gốc mầm trên vết sẹo lá, đỉnh mầm bằng với đai sinh trưởng. Cánh mầm rộng và bắt đầu từ giữa mầm. Lỗ mầm gần với đỉnh mầm.
- Lá màu xanh thẫm, rộng, thẳng đứng, ngọn lá hơi rủ. Bẹ lá màu xanh, không lông, có một lớp phấn mỏng. Tai lá trong hình tam giác.
Đặc điểm nông-công nghiệp:
- Thời kỳ đầu sinh trưởng chậm
- Đẻ khoẻ, thời gian đẻ kéo dài.
- Cây nguyên liệu cao, không rỗng ruột, chống đổ tốt
- Dễ bị sâu đục thân (nhất là sâu hồng) phá hoại
- Tái sinh, lưu gốc tốt.
- Là giống có trữ đường cao: CCS 12-14%
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
- Là giống thâm canh thích hợp với đất trung bình, tốt, đủ ẩm.
- Không nên trồng quá muộn. Bón đủ phân lót, thúc sớm để mía sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh gọn.
- Trên đất hạn, trong điều kiện khô nóng dễ bị bệnh trắng lá.
Giống mía ROC 16
(Năm công nhận 1997)
Nguồn gốc:
Nhập từ Đài Loan, do Công ty mía đường Biên Hoà tuyển chọn và khảo nhgiệm. Đã được khu vực hoá năm 1997.
Những đặc điểm chính:
- Nẩy mầm nhanh và tập trung, sức đẻ khá, chồi hữu hiệu cao, tái sinh tốt ở vụ 2 và 3. Tốc độ vươn lóng nhanh, thân to vừa phải, thẳng đứng, chống đổ tốt, ít trổ cờ.
- Chín sớm, vụ đông xuân thu tháng 10-11, vụ hè thu thu hoạch tháng 3-4 0. ít nhiễm sâu đục thân và nhiễm nhẹ than đen. Năng suất từ 80-100 tấn/ha. Trữ đường đạt từ 14-15, độ AP > 80%.
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
- Nên trồng vào vụ đông xuân và hè thu để có mía thu hoạch sớm, rải vụ cung cấp mía cho nhà máy vào đầu vụ.
- Kỹ thuật trồng như các giống khác, chú ý bón phân đầy đủ và cân đối.
Giống mía ROC 20
Nguồn gốc:
Do Viện nghiên cứu mía đường Đài loan lai tạo (69-463 x 68-2599).
Những đặc điểm chính:
Thân: to trung bình, lóng hình ống tròn, gần đốt hơi nhỏ lại; trước khi bóc lá mầu hồng tím nhạt, mới bóc lá mầu hồng tím, rọi nắng lâu có mầu hồng tím thẫm. Trên thân phủ một lớp phấn mỏng; không có vết nứt sinh trưởng, rãnh mầm không rõ. Đai sinh trưởng mảnh và hơi lồi lên, mầu vàng nhạt, phơi nắng lâu có mầu hồng tìm thấm.
Mầm: nhỏ, hình bầu dục, trước bóc lá có mầu hồng tím nhạt, phơi nắng lâu có mầu hồng tím thẫm. Cánh mầm nhỏ, mỏng
Lá: xanh biếc, rộng trung bình, dài; từ giữa lá hơi rủ xuống, Bẹ lá non mầu xanh phớt tím, bẹ lá già mầu xanh tím, trên bẹ lá có một lớp phấn mỏng. Dễ rụng lá. Cổ lá hình lưỡi, mầu hồng tím nhạt. Tai lá ngoài hình mũi mác dài >= 1.5 cm
Đặc điểm nông-công nghiệp:
- Nảy mầm nhanh, đều, phân nhánh mạnh, thân lá rậm rạp, nhanh phủ đất. Cây thẳng, khó đổ, không rỗng ruột.
- Lưu gốc tốt, kháng bệnh than đen, bệnh khô lá,...
- Là giống đặc biệt chín sớm, CCS sau 10 tháng có thể >= 9-10%
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật :
+ Giống này nẩy mầm nhanh, đẻ nhánh nhiều, chóng phủ đất,... thích hợp với các tỉnh ven biển miền trung.
+ Giống này đặc biệt chín sớm nên trồng trên đất 1 vụ mía ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long
+ Không trồng trên đất trồng mía có bệnh thối gốc
Giống mía ROC 9
Nguồn gốc:
Do Viện Nghiên cứu mía đường Đài loan lai tạo (F171 x F166).
Những đặc điểm chính:
Đặc điểm hình thái:
- Thân to trung bình, dóng hình ống tròn, màu vàng lục đến vàng sẫm, bên ngoài phủ một lớp phấn dày. Không có vết nứt sinh trưởng, không có rãnh mầm.
- Mầm hình trứng tròn đầy đặn và hơi nhô lên. Gốc mầm sát vết sẹo lá, đỉnh mầm bằng với đai sinh trưởng. Cánh mầm to trung bình và bắt đầu từ giữa mầm.
- Lá xanh thẫm, dày, ngọn lá thẳng đứng. Bẹ lá màu xanh vàng, không có tai lá.
Đặc điểm nông-công nghiệp:
- Nảy mầm nhanh, đều. Đẻ nhánh mạnh, sớm.
- Không rỗng ruột, lưu gốc tốt
- Chịu hạn khá, thích nghi tương đối rộng.
- Là giống chín trung bình, thu hoạch tháng 1-2, CCS 12-13%.
- Không hoặc ít trỗ cờ.
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
- Giống này thân nguyên liệu dài: không nên bón đạm quá nhiều và nên vun cao.
- Thời kỳ đầu hạn chế tưới nước để thúc đẩy rễ ăn sâu.
Nên trồng vào vụ thu, đầu xuân, thu hoạch tháng 1, 2, 3.
Giống mía VĐ 68 - 237
Nguồn gốc:
Do Viện Nghiên cứu mía đường Quảng đông - Trung quốc lai tạo (CO419 x CP33-310).
Những đặc điểm chính:
Đặc điểm hình thái:
- Thân to trung bình, màu hồng sẫm. Lóng hình ống tròn hơi cong, nhiều phấn. Không có rãnh mầm; rỗng ruột không đáng kể.
- Mầm hình hơi tròn dẹt, đỉnh mầm lõm xuống, không vượt quá đai sinh trưởng, cánh mầm trung bình. Đai sinh trưởng nổi rõ màu vàng, phớt tím nhạt.
- Lá mầu xanh đậm, hẹp, ngắn, dày; mép lá có răng cưa sắc. Bẹ lá ít lông, màu phớt tím nhạt. Cổ lá hình tam giác. Lưỡi lá hình trăng non. Tai lá trong hình mũi mác.
Đặc điểm nông-công nghiệp:
- Trồng vụ xuân: thời kỳ đầu sinh trưởng chậm; thời kỳ giữa, cuối kỳ sinh trưởng nhanh.
- Trồng vụ thu (vụ 2) nảy mầm, đẻ nhánh khá, cây mọc đều, thẳng, cây hữu hiệu nhiều.
- Bộ rễ phát triển, chịu hạn, chịu đất xấu, ít đổ ngã
- Vỏ cứng, ít bị sâu bệnh
- Tái sinh, lưu gốc tốt
- Năng suất ổn định, trữ đường khá, CCS 10-11%
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
- Nên trồng trên đất có điều kiện tiêu úng
- Chăm sóc sớm, đợt bón đầu cần bón tăng lượng phân đạm.
Giống mía VD79 - 177
Nguồn gốc:
Do Trại Nghiên cứu mía Trạm giang thuộc Viện nghiên cứu mía Bộ Công nghiệp nhẹ Trung quốc lai tạo (Hoa nam 56-21 x Nhai thành 73-226).
Những đặc điểm chính:
Đặc điểm hình thái:
- Thân to trung bình, thẳng, dóng dài, hình ống, che ánh sáng màu vàng sáng, lộ ánh sáng màu nâu tím, sáp tương đối nhiều, mắt dóng thô
- Mầm hình trứng, hơi lồi, đỉnh mầm vượt quá đai sinh trưởng, cánh mầm hẹp.
- Lá hẹp, ngắn, màu xanh nhạt, lá hơi rủ. Bẹ lá phớt tím, không có lông, không tự rụng, tai lá ngoài hình mũi mác dài; cổ lá hình tam giác.
Đặc điểm nông-công nghiệp:
- Nảy mầm nhanh, đều, tỷ lệ nảy mầm cao.
- Sinh trưởng nhanh, khoẻ, cây hữu hiệu nhiều.
- Thích nghi rộng, chịu hạn, chịu đất xấu. ít trỗ cờ.
- Tái sinh, lưu gốc tốt.
- Năng suất cao, ổn định, CCS 11-13%.
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
- Bón thúc sớm ở thời kỳ cây con và thời kỳ giữa để mía không bị teo ngọn.
- Chăm sóc mía gốc sớm.
- Nên trồng trên đất đồi, đất bị hạn. Nếu có tưới năng suất và chất lượng mía nguyên liệu rất cao.
Giống mía VD 81-3254
Nguồn gốc:
Do Viện Nghiên cứu mía đường Quảng đông - Trung quốc lai tạo (VĐ5-423 x CP49-50).
Những đặc điểm chính:
Đặc điểm hình thái:
- Thân to, mọc thẳng. Lóng hình chóp cụt hoặc gần hình trụ, chưa bóc lá có màu vàng nâu, ánh sáng màu tím nâu; nhiều sáp. Rãnh mầm ngắn, nông.
- Mầm tương đối to, hình ngũ giác, mọc từ gần giữa đai rễ. Cánh mầm phát triển hình tai mèo.
- Lá tương đối rộng, sinh trưởng mạnh, số lá xanh nhiều, màu xanh đậm. Dễ bong bẹ. Bẹ lá thô, có lớp phấn trắng.
Đặc điểm nông-công nghiệp:
- Nảy mầm, nhảy bụi tốt và nhanh, tập trung, tỷ lệ thành cây cao, cây đồng đều
- Giai đoạn đầu vươn lóng nhanh, về sau giảm dần.
- Khả năng tái sinh lưu gốc trung bình
- Thích nghi rộng, chịu hạn, chịu úng và phèn khá
- Mía chín trung bình muộn, CCS đạt trên 12%
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
- Dễ đổ, cần vun cao, bón lót đầy đủ, chăm sóc sớm, thêm phân P, K, nhất là ở vùng chua, phèn.
- Nên sử dụng số hom giống nhiều hơn.
Giống mía VN 84- 4137
(Năm công nhận 1984)
Nguồn gốc:
Do Viện Nghiên cứu mía đường Bến Cát lai tạo năm 1984 (JA60-5 x Đa giao).
Những đặc điểm chính:
- Thân cây trung bình nhỏ, phát triển thẳng, vỏ màu xanh vàng ẩn tím. Lóng hình chóp cụt. Không có rãnh mầm. Đai sinh trưởng trung bình, nốt rễ có 3 hàng sắp xếp không theo thứ tự.
- Mầm hình tròn, cánh mầm rộng trung bình bắt đầu từ giữa mầm.
- Lá rộng trung bình, mọc thẳng đứng, hơi cuộn. Bẹ lá có nhiều lông. Cổ lá hình sừng bò. Tai lá nhỏ có ở một bên.
Đặc điểm nông-công nghiệp:
- Nảy mầm, đẻ nhánh sớm, mạnh và tập trung, tỷ lệ nảy mầm và nhảy bụi cao, mật độ cây hữu hiệu cao.
- Vươn lóng sớm, tỷ lệ cây ra hoa thấp, năng suất mía cây khá, trong điều kiện thâm canh đạt 60-80 tấn/ha.
- Khả năng kháng bệnh cao, chịu hạn, phèn. Tỷ lệ cây bị sâu hại ở các thời kỳ sinh trưởng thấp.
- Khả năng tái sinh, lưu gốc tốt, có thể để gốc được nhiều năm.
- Giống chín rất sớm, tỷ lệ đường cao đầu vụ (Pol/mía 17%), CCS đầu vụ đạt 10-11%.
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
- Trồng vào vụ thu (vụ 2), đầu xuân để cung cấp nguyên liệu cho chế biến đầu vụ.
- Nên trồng ở các tỉnh ĐBSCL thay thế một phần giống Comus.
- Cây nhỏ, bẹ lá nhiều lông, tốn công thu hoạch
Giống mía VN84 - 442
(Năm công nhân 1984)
Nguồn gốc:
Do Viện Nghiên cứu mía đường Bến cát lai tạo năm 1984 (VN66-28 x Hỗn hợp)
Những đặc điểm chính:
Đặc điểm hình thái:
- Thân to trung bình, lóng hình trụ dài, hơi thắt ở giữa, màu xanh ẩn vàng, có phủ một lớp sáp mỏng; rãnh mầm hẹp. Đai sinh trưởng rõ, đai rễ có 2-3 hàng điểm rễ sắp xếp không theo thứ tự.
- Mầm hình thoi, đỉnh mầm có chùm lông nhỏ
- Lá rộng trung bình, màu xanh, góc lá nhỏ. Bẹ lá có lóng, tai lá hình mũi mác 1 dài, 1 ngắn.
Đặc điểm nông-công nghiệp:
- Nảy mầm nhanh, tập trung, đẻ nhánh mạnh. Vươn lóng nhanh, không đổ ngã.
- Kháng sâu bệnh, chịu hạn tốt.
- Không trỗ cờ.
- Tái sinh, lưu gốc tốt.
- Là giống chín sớm, hàm lượng đường cao, CCS trên 12%, có thể ép đầu vụ.
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
- Nên trồng ở nơi đất trung bình, xấu, thường bị hạn... ở các tỉnh miền Trung.
- Trồng vào vụ thu (vụ 2), đầu vụ xuân để cung cấp nguyên liệu cho chế biến đầu vụ.
Giống mía VN 85 - 1859
(Năm công nhận 1985)
Nguồn gốc:
Do Viện Nghiên cứu mía đường Bến cát lai tạo năm 1985 (CP49-116 x Tự do)
Những đặc điểm chính:
Đặc điểm hình thái:
- Thân to, lóng hình chóp cụt nối nhau dích dắc, màu tím ẩn vàng. Đai sinh trưởng rộng, đai rễ có 3 hàng điểm rễ, sắp xếp không theo thứ tự. Không có rãnh mầm.
- Mầm hơi tròn, nhỏ, cánh mầm nhỏ.
- Lá to trung bình, màu xanh đậm, gốc lá nhỏ. Có lá hình tam giác, có một tai lá. Bẹ lá có nhiều lông, màu phớt tím dễ bóc lá.
Đặc điểm nông-công nghiệp:
- Nảy mầm nhanh, đều; đẻ nhánh mạnh, tốc độ vươn lóng trung bình
- Không nhiễm bệnh than, ít bị sâu hại, không bị đổ ngã.
- Chịu hạn khá, tái sinh, lưu gốc tốt.
- Là giống chín sớm, hàm lượng đường cao: CCS trên 11%.
- Không hoặc ít trỗ cờ.
Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:
- Nên trồng trên đất trung bình-xấu, thường bị hạn.
- Chăm sóc sớm để mía vươn lóng nhanh.