Giới thiệu cuốn sách “Các loài linh trưởng trong sự chia cắt”
Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE
/* Style Definitions */ table.MsoNormalTable
Nhân dịp Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Linh trưởng quốc tế lần thứ 25 (từ ngày 11-17/8), tại Hà Nội, Nhà xuất bản Springer của Cộng hòa Đức phối hợp với Hội Linh trưởng quốc tế cùng đông đảo các nhà khoa học nghiên cứu về Linh trưởng trên thế giới đã giới thiệu với bạn đọc cuốn sách có giá trị khoa học cao về loài Linh trưởng, với tiêu đề: “ Các loài linh trưởng trong sự chia cắt - Primates in Fragments.”
Đây là cuốn sách thứ hai với chủ đề này. Cuốn sách thứ nhất cũng có tên: “ Các loài linh trưởng trong sự chia cắt- Primates in Fragments,” với sự tham gia của 51 tác giả từ 10 quốc gia và 4 phần với 21 chương.
Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Xuân Cảnh, nhà nghiên cứu Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, một trong những tác giả của cuốn sách và cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học tại Hội nghị Linh trưởng quốc tế lần thứ 25 tại Việt Nam cho biết, loài linh trưởng là một loài nguy cấp, quý hiếm.
Trong 10 năm trở lại đây đã có nhiều nhà nghiên cứu về linh trưởng trong các sinh cảnh bị phá vỡ. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều khẳng định sự chia cắt trong sinh cảnh là nguyên nhân chính gây nên sự tuyệt chủng của loài linh trưởng. Đây là một vấn đề đáng lo ngại của các nhà khoa học trong việc tìm hướng bảo vệ loài linh trưởng. Cuốn sách là một tư liệu quý giá, góp phần vào công cuộc bảo vệ loài linh trưởng nói riêng và các loài động vật quý hiếm khác nói chung.
Cuốn thứ hai này có sự tham gia của 104 tác giả từ 23 quốc gia và gồm 7 phần với 34 chương. Trong cuốn sách này các tác giả bổ sung thêm phần nghiên cứu vùng và đặc hữu, nguy cấp và phần các loài hoạt động đêm.
Các nhà khoa học đã chú ý tới những vấn đề liên quan tới các loài linh trưởng trong cấu trúc sinh cảnh, trong đó có 7 phần dựa trên những tiêu chí đặc trưng của các loài linh trưởng, như những vấn đề liên quan tới các loài linh trưởng trong khu vực sống còn lại cũng như vấn đề thế nào là chia cắt ở phạm vi sinh cảnh; khả năng của các loài linh trưởng trong sự chia cắt liên quan tới sự lựa chọn thức ăn, sử dụng tài nguyên và thay đổi tập tính; các loài cực kỳ nguy cấp sống trong các thành phố lớn tới các khu vực có độ cao như Himalaya; khả năng tồn tại của quần thể, bệnh và sự lây truyền ký sinh giữa các loài linh trưởng trong sự chia cắt và con người…
Hội nghị Linh trưởng quốc tế được tổ chức hai năm/lần. Năm 2012, Hội nghị lần thứ 24 được tổ chức tại Mexico và Việt Nam đã bảo vệ thành công hồ sơ xin đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 25.
Việc tổ chức Hội nghị không chỉ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong công tác bảo tồn thiên nhiên nói chung và các loài linh trưởng nói riêng, mà còn là cơ hội tốt để Việt Nam giới thiệu với du khách thế giới về thiên nhiên và con người của Việt Nam.