Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 19/03/2003 22:17 (GMT+7)

Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa: Nhà khoa học Việt Nam chân chính

Giáo sư Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913, tại Xuân Hiệp, Vang Bình, Vĩnh Long, Nam Bộ, trong một gia đình nhà giáo nghèo.

Mồ côi cha từ năm 10 tuổi, Phạm Quang Lễ do tiếp thụ được truyền thống yêu nước thương người của gia đình và có trí óc thông minh, đã được mẹ và chị hết lòng nuôi dưỡng. Năm 1926, Lễ học xong bậctiểu học, tốt nghiệp hạng ưu và sau đó đỗ tiếp vào Trường trung học Mỹ Tho. Vì đỗ hạng ưu nên Lễ được cấp học bổng. Suốt bốn năm học ở bậc trung học đệ nhất cấp, Lễ là học sinh xuất sắc, thường đạtđiểm cao và đứng đầu về các môn khoa học tự nhiên như toán, vật lý, hoá học. Năm 1930, Lễ tốt nghiệp trung học phổ thông và tiếp tục học Trung học đệ nhị cấp Pê-trus Ký, một trường học nổi tiếng củaSài Gòn. Trường quy định chặt chẽ giờ học, giờ nghỉ, giờ ăn, giờ ngủ nhưng đối với những học sinh ham học như Lễ, giờ học trong nội quy còn quá ít. Anh và các bạn đã nghĩ ra cách học. Khi có lệnh tắtđèn đi ngủ, họ chia nhau người vào nhà tắm, người vào nhà cầu, bật đèn học tiếp. Thoạt đầu, các giám thị rất ngạc nhiên: nhà cầu đóng cửa hàng giờ mà không có ai ra, nhà tắm đóng cửa mà không cótiếng xối nước. Sau đó nhiều người phát hiện được mưu mẹo của Lễ và các bạn anh nhưng rồi nể họ là những học sinh ham học nên phần đông giám thị bỏ qua. Cũng trong thời kỳ Lễ học Trung học đệ nhị cấpPê-trus Ký, có nhiều hoạt động chống thực dân Pháp nổ ra như hoạt động của cụ Phan Bội Châu, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, các cuộc bãi công, bãi thị do Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức, khởi nghĩaYên Bái. Các sự kiện đó khơi sâu lòng yêu nước trong giới học sinh. Tuy nhiên, hầu hết đều bị thực dân đàn áp dã man và bị thất bại. Một trong những nguyên nhân thất bại là vấn đề vũ khí: lực lượngcách mạng không có vũ khí trong khi quân đội thuộc địa được “trang bị đến tận răng”. Muốn thắng kẻ thù, ngoài những người lo về chính trị, phải có người lo về quân sự, về khoa học, về vũ khí. Chonên, Lễ đã sớm xác định hướng đi cho mình là học giỏi, nhất là các môn khoa học tự nhiên để sau này nghiên cứu về vũ khí giúp cho công cuộc giải phóng dân tộc.

Năm 1933, chàng thanh niên 20 tuổi, Phạm Quang Lễ đã đỗ xuất sắc hai bằng tú tài: Tú tài tây và Tú tài bản xứ.

Tháng 9 năm 1935, nhận được học bổng du học bên Pháp của Hội ái hữu trường Xatxơlu Lôba (Pháp), Phạm Quang Lễ có cơ hội để thực hiện hoài bão của mình. Suốt 11 năm học tập tại Pháp, anh miệt màinghiên cứu tại Trường đại học quốc gia Cầu Cống, Trường đại học Xoocbon, Viện Khí động học, Học viện Thống kê, Trường cao đẳng kỹ thuật Điện. Sau giờ học, anh thường đến các thư viện để tra cứu sáchliên quan đến chế tạo vũ khí. Anh cũng tìm đến những hiệu sách cũ để tìm những quyển sách về đề tài này. Ngoài ra, Lễ còn tham dự các buổi thực nghiệm, đi tham quan các nhà máy, các viện nghiêncứu... nhất là các viện bảo tàng vũ khí.

Trong lĩnh vực vũ khí quân sự, Đức là nước đạt nhiều thành tựu. Để đọc thẳng sách về vũ khí bằng tiếng Đức, Lễ đã tự học thứ tiếng này. Trong ba ngày, anh học hết những nguyên tắc cơ bản của văn phạmvà bắt đầu đọc sách. Nhưng như vậy thì rất chậm vì anh phải tra từ điển quá nhiều. “Tại sao trước hết ta lại không học các từ? Có thể như vậy sẽ nhanh hơn”- Lễ tự nhủ. Trong hai ngày, anh học thử haimươi trang từ điển, gồm gần sáu trăm chữ và anh nhớ được hai trăm. Với cách học này, sau một tháng anh học xong và nhớ được khoảng 4000 từ đủ để đọc sách thẳng từ tiếng Đức. Ngoài nghiên cứu về sảnxuất vũ khí, Lễ còn tìm hiểu thêm môn khoa học quản lý. Anh cũng nhận thấy phải giữ bí mật cho những công việc của anh. Vì thế, anh đã tìm đọc những sách nói về công tác phản gián. Anh cần biết cácđiệp viên thường làm những gì khi điều tra đối tượng của họ, để anh giữ mình... Anh làm việc kín đáo đến mức: công việc anh làm trong mười một năm vẫn không ai hay, trừ một vài người bạn.

Sau khi tốt nghiệp các trường đại học (trong khoảng thời gian 1936-1941), Phạm Quang Lễ đã lần lượt làm việc tại ba công ty chế tạo máy bay của Pháp. Trong thời gian này, ông đã thu thập thêm kiếnthức về pháo, súng máy và bom mìn đồng thời quan sát các ụ súng của quân đội Pháp chuẩn bị để ứng chiến với phát xít Đức.

Tháng 9 năm 1946, ông cùng với một số trí thức khác theo Bác Hồ về nước để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. Khi còn lưu tại Pháp, Bác Hồ đã hỏi ông hai câu:

Câu thứ nhất: "ở nhà cực khổ lắm, chú về có chịu được không?" – Ông thưa: "Chịu nổi".

Câu thứ hai: "Bây giờ ở nhà kỹ sư, công nhân về vũ khí không có, máy móc thiếu, liệu chú có làm được việc không?" - Ông nói: "Thưa Bác, tôi đã chuẩn bị mười một năm rồi và tôi tin là làm được."

Ngày 5 tháng 12 năm 1946, trước Ngày Toàn quốc kháng chiến, tại Bắc Bộ Phủ, ông được Bác Hồ giao cho một trọng trách. Bác nói: "Kháng chiến sắp đến nơi rồi. Hôm nay, Bác quyết định giao cho chú nhiệmvụ làm Cục trưởng Cục Quân giới. Chú sẽ chăm lo vũ khí cho quân đội. Đây là việc đại nghĩa. Vì thế, từ nay Bác đổi tên cho chú là Trần Đại Nghĩa..."

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Trần Đại Nghĩa với tư cách là một lãnh đạo và một nhà khoa học, đã cùng với các đồng chí của mình và hàng ngàn công nhân kỹ thuật trong cả nước hoàn thành xuất sắcnhiệm vụ của mình: sản xuất vũ khí cho quân đội Việt Nam. Thành công về quân giới của chúng ta trong hai cuộc kháng chiến chủ yếu là do biết tập trung vào vũ khí phục vụ chiến tranh nhân dân. Nhữngcông trình khoa học kỹ thuật chế tạo vũ khí như Bazôka, súng đại bác không giật (SKZ), ... thực sự là những kỳ tích của Trần Đại Nghĩa và các cộng sự của ông. Các công trình này đã đóng góp vào việcgiải quyết lý thuyết và thực nghiệm các vấn đề về cơ khí, hoả thuật và thuốc phóng để chế tạo thành công súng Bazôka bắn đạn lõm, công cụ chủ yếu chống chiến xa lúc bấy giờ, với sức xuyên thép 150mm, súng có thể vác vai cơ động, cự ly bắn 50-150 m. Loại vũ khí này mang tính sáng tạo cao, phù hợp với điều kiện vật chất và kỹ thuật của Việt Nam lúc bấy giờ, góp phần quan trọng vào việc tăngcường hoả lực của bộ binh ta, tạo điều kiện thuận lợi để đánh thắng kẻ thù.



Trần Đại Nghĩa cũng là một nhà nghiên cứu rất có quyết tâm, không sờn lòng trước những khó khăn. "Người nghiên cứu phải có một niềm tin mãnh liệt không nản chí trước những thất bại tạm thời, bền bỉ,nhẫn nại đến mức cao nhất", ông luôn nghĩ và làm như vậy.



Vì những đóng góp to lớn đối với quân đội Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, Trần Đại Nghĩa được kết nạp vào Đảng năm 1949 và được phong quân hàm Thiếu tướng.

Ngày Quốc tế lao động năm 1952, Trần Đại Nghĩa được tuyên dương Anh hùng lao động trong số bảy Anh hùng của Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc được tổ chức tại Việt Bắc. Bác Hồtrong một bài báo ký tên C.B đã viết về ông: "Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa là một đại trí thức, mang một lòng nhiệt thành về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến".

Năm 1996, giáo sư Trần Đại Nghĩa đã được Nhà nước trao Giao thưởng Hồ Chí Minh với công trình: "Nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo súng Bazôka, súng SKZ, đạn bay trong thời kỳ kháng chiến chốngthực dân Pháp 1945-1954". Trước đó, ông cũng được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng ba và Huân chương Quân công hạng nhất.

Được Đảng và Nhà nước tin tưởng, ông đã lần lượt đảm trách những chức vụ quan trọng:

Cục trưởng Cục Quân giới (12/1946-05/1954)
Cục trưởng Cục Pháo binh (8/1949-11/1951)
Thứ trưởng Bộ Công nghiệp (9/1950-9/1960)
Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (9/1960-2/1963)
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết Nhà nước (2/1963-3/1972)
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước (10/1965-8/1966)
Phó Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần (8/1966-1/1977)
Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (1/1977-1/1983), tiền thân của Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia ngày nay.

Năm 1983, ông nhận nhiệm vụ vận động đội ngũ trí thức trong tất cả các ngành khoa học và công nghệ thành lập Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội). Giáo sư Trần Đại Nghĩatrở thành Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp hội, nhiệm kỳ 1983-1988.

Dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành nhiệm vụ. Là một quân nhân, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa luôn dũng cảm, tận tuỵ. Là một nhà khoa học, Giáo sư, Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô Trần Đại Nghĩađã nêu tấm gương của một nhà nghiên cứu chân chính, hết lòng vì sự nghiệp khoa học.

* Bài viết có tham khảo tư liệu từ:
- Truyện ngắn: Người anh hùng thầm lặng. Tác giả: Vũ Hùng. NXB Kim Đồng, 1985.
- Tập hồi ký: Người cha thân yêu. Tác giả: Hoàng Văn Thái, Huỳnh Đắc Hương, Trần Nhẫn, Đào Đình Luyện, Trần Đại Nghĩa, Tư Cường, Nguyễn Tuyên. NXB QĐND, 1986.
- Hồ sơ của Giáo sư. Viện sỹ Trần Đại Nghĩa tại Ban Tổ chức – Cán bộ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
- Khoa học và Công nghệ Việt Nam 1996-2000. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, 2001.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.
Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.