Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 19/03/2003 22:22 (GMT+7)

Giáo sư Viện sỹ Tôn Thất Tùng: Người thầy thuốc làm rạng rỡ nền y học Việt Nam

Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh ngày 10 tháng 5 năm 1912 tại Thanh Hoá, trong một gia đình nho giáo. Cha ông qua đời khi ông mới ba tháng tuổi. Mẹ ông đã đưa gia đình vào Huế và định cư ở đó. Từ chối làmquan, người thanh niên Tôn Thất Tùng đã học trường Bưởi (Hà Nội) và năm 1932 bắt đầu vào học Trường Đại học Y khoa Hà Nội với suy nghĩ đây là nghề “tự do”, không phụ thuộc vào quan lại hay chínhquyền thực dân. Ngày ấy, cả Đông Dương chỉ có một trường thuốc duy nhất tại Hà Nội mà người bản xứ không được dự các kỳ thi nội trú. Lúc ấy, cụ Hồ Đắc Di, bác sĩ mổ xẻ, là người Việt Nam duy nhấtđược công nhận chính thức, đến làm việc ở bệnh viện Phủ Doãn, như là bác sĩ thường trú, nghĩa là phụ trách các ca mổ xẻ cấp cứu. Từ năm 1935, Tôn Thất Tùng được tuyển cùng 10 sinh viên khác làm ngoạitrú tại bệnh viện Phủ Doãn. Anh sinh viên y khoa Tôn Thất Tùng là người đầu tiên đấu tranh buộc chính quyền thực dân phải tổ chức thi nội trú. Năm 1938, chính quyền thực dân phải tổ chức thi nội trúcho các bệnh viện Hà Nội. Anh là người duy nhất được nhận và đã chọn chỗ làm việc tại khoa Ngoại của trường Đại học Y khoa Hà Nội, tức là Bệnh viện Việt Đức ngày nay.

Trong những điều kiện học hành khó khăn (các thày giáo Pháp chủ yếu chú trọng kiến thức sách vở, ít liên hệ tới điều kiện khí hậu và con người bản xứ; trang thiết bị thiếu, lỗi thời), anh phải đặtcho bản thân mình những nguyên tắc học tập và làm việc, coi công việc mình làm hàng ngày là quan trọng bậc nhất và coi đó là nguồn động lực đi vào khoa học của mình.

Chính qua học tập, trao đổi với các đồng nghiệp và đặc biệt là khả năng quan sát, suy luận, Tôn Thất Tùng đã có công trình khoa học đầu tiên, tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng sau này:cách phân chia mạch máu của gan. “Một việc đã thay đổi một cách lớn lao cuộc đời khoa học của tôi. Một buổi chiều mùa đông, ở viện mổ xác, tôi phát hiện ra một hiện tượng rất kỳ lạ: hàng chục congiun đã chui vào các đường mật ở trong gan, dùng một cái nạo xương gọi là kuy-rét (currette), tôi đã phẫu tích rõ ràng cơ cấu trong gan; một việc chưa bao giờ thấy trong sách lúc bấy giờ... Đối vớithày tôi (giáo sư Huard), giun trong gan là một sự lạ, trái lại, đối với tôi, lạ nhất là tôi đã phẫu tích được tất cả các đường mật trong gan, một việc mà chưa ai làm được”(1). Sau phát hiện này, anhbắt đầu nghiên cứu cấu trúc gan. Từ năm 1936 đến năm 1939, anh đã phẫu tích bằng nạo hơn 200 gan người chết, vẽ lại trong các sơ đồ rồi đối chiếu với nhau để tìm ra những nét chung. “Phẫu tích bằngnạo gan: chỉ trong 15 phút tôi có thể phơi trần tất cả các mạch máu trong gan, và nhờ cách làm việc như vậy, sau này tôi có thể cắt gan, không kể bộ phận nào của nó, chỉ không đầy 10 phút...” (1).Chỉ có thể hiểu được thành công lớn của công trình này nếu như chúng ta biết rằng trước đó chỉ có hai phương pháp phẫu tích gan: phương pháp dùng X quang và phương pháp tiêu mòn axit. Phương phápdùng X quang, người ta dùng những chất cản quang vào các mạch rồi chụp ảnh để nghiên cứu. Nhược điểm là tất cả các mạch chỉ thấy trên một mặt phẳng cho nên các bóng chồng lên nhau và việc mô tả sẽ cónhiều điểm nhầm. Còn phương pháp tiêu mòn axit, thời ấy vì không có các chất dẻo nên không có kết quả lắm.

Năm 1939, sau khi đã hoàn thành xong việc nghiên cứu về cơ cấu các tĩnh mạch trong gan, anh thấy rằng đây là một công trình thuộc về giải phẫu loài người nói chung, chứ không phải riêng cho Việt Nam,vì vậy anh đã phải hướng công trình của mình về việc cắt gan để chứng minh việc này. “Cắt gan! Thời đó, và mãi đến năm 1952, chưa ai dám nói đến việc ấy. Vì gan nằm sau dưới lồng ngực, và ai vô phướcđụng vào nó, sẽ có thể xảy ra việc chảy máu đến chết mà không cầm được... Lúc bấy giờ chúng tôi đặt giả thiết là chúng ta biết đường đi của các mạch ở trong gan, buộc nó lại trước rồi cắt gan. Bêntrái là bên dễ làm, nhất là thuỳ trái, nó dính vào sâu bằng hai dây chằng gọi là dây tam giác và dây liềm; cắt hai dây này có thể giải phóng thuỳ trái trước khi cắt gan. Làm sao mà tìm các mạch tronggan? Chúng tôi biết là các mạch này có thể chịu đựng một sức kéo dưới 700 gam; vậy chúng tôi có thể tìm chúng bằng cách bóp vỡ tổ chức gan với một cái kìm cầm máu kiểu Kôser hay bằng ngón tay. Khikẹp nó lại , tổ chức gan vỡ ra, và sẽ xuất hiện dần dần các mạch gan bằng 3 túm mà có thể kẹp bằng kìm, trước khi cắt và buộc. Chúng tôi làm thử nhiều lần trên gan người chết. Một hôm, mổ một bệnhnhân tưởng là ung thư dạ dày, lúc mổ bụng ra lại là ung thư gan của thuỳ gan trái. Cắt hai dây chằng là giải phóng được cục u ngay. Tôi lấy một cái kìm kẹp tổ chức gan, thầy tôi, theo động tác củatôi kẹp ngay các mạch và dần dần chúng tôi cắt bỏ thuỳ gan trái” (1). Bốn mươi năm sau, phương pháp này được ông hoàn thiện. “Tôi bắt đầu tìm phương pháp hiện đại để cắt gan nhanh hơn phương phápkinh điển (phương pháp Lortat-Jacob của giáo sư Pháp Lortat-Jacob). Đó là phải tìm trước các mạch máu, các ống gan, buộc lại trước khi cắt bỏ gan đi, một cách an toàn chứ không cắt vu vơ, không theophân chia của các mạch. Phương pháp kinh điển nhằm vào tìm các mạch ở ngoài gan trước khi cắt. Nhưng các mạch này ngắn, hay thay đổi vị trí, cho nên cắt gan phải mất trung bình từ 3 đến 6 giờ. Cáchmạng của chúng tôi là đặt vấn đề một cách đảo ngược lại. Nếu tìm các mạch khó khăn thì nên đi từ trong gan ra, qua gan theo một rãnh không chảy máu, và các mạch ở trong gan rất dài, rất rõ để tìmkiếm bằng ngón tay của người mổ xẻ” (1) (Phương pháp của Tôn Thất Tùng chỉ mất khoảng 6 phút - Ban Biên tập). Như thế, nghiên cứu về giải phẫu các tĩnh mạch trong gan đầu tiên và phương pháp cắt gancó kế hoạch hay cắt gan khô là hai công trình thuộc về nhà mổ xẻ Việt Nam, Giáo sư Tôn Thất Tùng, như giáo sư Pháp nổi tiếng Ma-lê-ghi đã viết: “Trường Đại học Y khoa Hà Nội có thể tự hào đã có haitinh hoa trong lịch sử của mình, một là đã nghiên cứu đầu tiên về cơ cấu các mạch trong gan, hai là đầu tiên đã cắt gan có kế hoạch” (trích ở báo Li-ông Phẫu thuật, 1964). Với công trình cắt gan cókế hoạch, sau này, Tôn Thất Tùng đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 và Giải thưởng Lannelongue, giải thưởng quốc tế về phẫu thuật của Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris.

Khi còn làm việc tại bệnh viện Phủ Doãn, dưới chế độ thực dân, Tôn Thất Tùng có dịp khám, chữa bệnh cho dân nghèo. Anh đã hiểu nguyên nhân của chứng đau bụng thường thấy ở người Việt Nam khi ấy. “Bâygiờ tôi mới biết, thiếu thịt, thiếu chất mỡ, có thể làm cho dịch dạ dày ít bài tiết ra, người bệnh sẽ giảm chất axit trong dạ dày và trong tá tràng nối liền dạ dày với ruột non. Và lý do chính củacác bệnh vì giun đũa, viêm phù tuỵ hay sỏi mật, phần lớn là do sự nghèo khổ của nhân dân lao động nước ta... Tôi suy nghĩ nhiều trong bốn bức tường của bệnh viện và trong nhà xác: dân ta khổ vì ta bịchế độ đế quốc xâm lược và bóc lột. Đi vào khoa học như đi vào tháp ngà để giải sầu cho sự tủi nhục vì mất nước. Con đường đi vào cách mạng đã hé mở cánh cửa cho tôi, một thanh niên làm công tác khoahọc lúc ấy.” (1)

Như vậy, thành công đến với Tôn Thất Tùng ngay từ những công trình khoa học đầu tiên không chỉ do tài năng thiên bẩm mà còn nhờ vào sự miệt mài lao động và khả năng quan sát, liên hệ các sự việc vớinhau. “Nghiên cứu khoa học là một vấn đề lao động bằng 10 đầu ngón tay liên tục trong hàng năm, rồi sau đó vỏ não mới có thể nhận định bằng một cái gì mới. Cái khó là mỗi lần lao động như thế phảisuy nghĩ ngay, rút kinh nghiệm ngay, để luyện tập các tế bào não... Nghiên cứu khoa học tuyệt đối không phải chỉ là một vấn đề đọc sách trong một căn phòng ấm cúng và tĩnh mịch mà thôi.”

Cách mạng Tháng Tám thành công, Tôn Thất Tùng là một trong những trí thức đầu tiên mang hết nhiệt tình xây dựng Trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Kháng chiến bùng nổ, Giáo sư đã hăng hái đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, của Hồ Chủ tịch. Cùng với Giáo sư-bác sĩ Hồ Đắc Di, ông đã góp sức vào việc di chuyển và xây dựng Trường Đại học Y khoa quanhiều địa điểm: Vân Đình (Hà Đông) năm 1946, Lăng Quán (Tuyên Quang) năm 1947, Phù Ninh (Phú Thọ) năm 1948... Tại những nơi này, Giáo sư là một trong những người chủ chốt đầu tiên đào tạo thầy thuốc,nghiên cứu khoa học và tổ chức lực lượng phục vụ kháng chiến. Cùng với Giáo sư Đặng Văn Ngữ, ông đã góp phần vào việc nghiên cứu, sản xuất Penicilline phục vụ thương bệnh binh. Năm 1947, Giáo sư đượcChính phủ cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Giáo sư đã cùng với tập thể các bác sĩ và nhân viên bệnh viện Việt Đức tham gia cấp cứu cho các thương bệnh binh.

Từ sau ngày hoà bình được lập lại, để tập trung khả năng vào công tác khoa học - kỹ thuật, Giáo sư được cử làm Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cộng hoà Dân chủ Đức và Chủ nhiệm Bộ môn NgoạiTrường Đại học Y khoa Hà Nội. Với tất cả tâm huyết của mình, Giáo sư đã cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp đào tạo các thầy thuốc và chuyên gia giỏi về y học, cho việc xây dựng ngành phẫu thuật ViệtNam và cho việc nghiên cứu những công trình y học xuất sắc của Việt Nam.

Trong cuộc đời làm khoa học, bao giờ ông cũng giữ nguyên tắc: “đã là khoa học thì ở bất kỳ đâu cũng làm được và kết quả như nhau”. Chính vì vậy, Giáo sư đã không tiếc sức mình lần lượt tìm cách chứngminh, áp dụng một cách sáng tạo các tiến bộ y học trên thế giới ở Việt Nam, đồng thời giới thiệu những thành tựu y học của Việt Nam ra thế giới.

Năm 1958, Giáo sư tiến hành thành công ca mổ tim đầu tiên tại Việt Nam.

Năm 1959, Giáo sư phát triển khoa mổ sọ não và khoa ngoại nhi.

Năm 1960, Giáo sư là người đầu tiên đề xuất và áp dụng có kết quả xuất sắc việc mổ gan bằng phương pháp Việt Nam.

Năm 1965, Giáo sư triển khai thành công mổ tim bằng máy tim phổi nhân tạo ở nước ta.

Giáo sư đã tham gia nhiều hội nghị khoa học quốc tế, được mời giảng bài ở nhiều trường đại học y khoa, được bầu làm Viện sỹ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, Hội Quốc gia những nhà phẫu thuật Cộng hoà Dânchủ Đức, Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris và Hội những nhà phẫu thuật Lion (Pháp), Hội Quốc gia những nhà phẫu thuật Angeri.

Bên cạnh việc nâng cao các mũi nhọn hiện đại của y học, Giáo sư luôn quan tâm nhắc nhở phải giải quyết tốt các công việc cấp cứu thông thường vì điều này liên quan trực tiếp đến tính mạng của ngườidân. Ngay từ năm 1959, Giáo sư đã chủ trương cho thông báo trở lại tuyến dưới những ưu khuyết điểm trong xử lý các trường hợp viêm ruột thừa, lồng ruột; từ năm 1963, thông báo về các tai nạn laođộng; năm 1965, về các tai nạn chiến tranh và năm 1969, về các tai nạn giao thông v.v.. để các cơ sở và địa phương phòng, tránh và cấp cứu kịp thời, có hiệu quả.

Là một giám đốc bệnh viện ngoại khoa lớn, Tôn Thất Tùng rất chăm lo đến công việc mổ xẻ mà như ông thường nói: “Đó là một trong những công việc chính của cuộc đời làm khoa học của tôi”. Từ bệnh việnPhủ Doãn của thực dân Pháp để lại với trang thiết bị cũ kỹ, thô sơ, số lượng bác sĩ ít ỏi, ông đã cùng các đồng nghiệp dày công vun đắp thành Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày nay.

Giáo sư đã sớm chú ý đến việc bồi dưỡng một lực lượng cán bộ ngoại khoa kế cận. Khi mỗi kiến thức hoặc mỗi kỹ thuật mới về mổ xẻ được định hình rõ nét, Giáo sư truyền đạt, hướng dẫn ngay cho học tròthực hiện. Những ai đã từng nghe Giáo sư giảng bài đều thừa nhận ông là người thày, một bác sĩ - giáo sư dày dạn kinh nghiệm. “Giờ giao ban, giờ bắt đầu một ngày làm việc của bệnh viện, trước hơn 100bác sĩ và sinh viên, Giáo sư vừa là một đồng nghiệp hết lòng, vừa là một người thày rất mực nghiêm khắc. Ông bao quát không sót một ca mổ nào của từng khoa trong bệnh viện. Ông dừng lại, lướt quathật bất ngờ trước các chi tiết trong ca mổ dù là sọ não hay bàn chân. Bao giờ Giáo sư cũng làm sáng tỏ chúng với những hiểu biết sâu sắc nhất. Vì thế, giờ giao ban cũng là giờ học bổ ích. Đi vớiGiáo sư, người ta luôn ngạc nhiên với những phản xạ và trí nhớ của ông.” (2)

Giáo sư thường nói: “Phải rất tin tưởng ở lớp trẻ và dám giao cho họ không ngần ngại những việc đầy khó khăn để thử thách họ trong công việc”. Vì thế, ông đã thành công trong việc đào tạo một đội ngũbác sĩ, kỹ thuật viên giỏi cho ngành y tế Việt Nam. Ông đã lựa chọn, bồi dưỡng và bằng mọi cách nâng đỡ, tạo điều kiện cho lớp trẻ vươn lên. Các thế hệ của ông lần lượt trưởng thành. Đó là các bác sĩĐặng Hạnh Đệ, Tôn Thất Bách, Phạm Hoàng Phiệt, Đỗ Kim Sơn, Đỗ Đức Vân...

Suốt cuộc đời mình, Giáo sư Tôn Thất Tùng gắn bó với bệnh viện, với các đồng nghiệp, các học trò và các bệnh nhân của mình. Làm việc không biết mệt mỏi cho đến tận cuối đời, ông đã để lại 123 côngtrình khoa học có giá trị.

Cùng với những danh y tiền bối như Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh..., Giáo sư - Bác sĩ Tôn Thất Tùng đã làm rạng rỡ nền y học Việt Nam. Do công lao và những cống hiến to lớn đối với đất nước, Giáo sưTôn Thất Tùng đã được tặng danh hiệu Anh hùng lao động, hai lần Huân chương lao động hạng Nhất, Huân chương chiến sĩ hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Ba và được truy tặng Huân chương Hồ ChíMinh. Vào dịp kỷ niệm 90 ngày sinh của Giáo sư Tôn Thất Tùng (10/5/1912-10/5/2002), để ghi nhớ công lao đóng góp của ông đối với ngành ngoại khoa Việt Nam và để khuyến khích, biểu dương những tàinăng trẻ trong lĩnh vực này, Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng xét tặng giải thưởng mang tên ông- Giải thưởng Tôn Thất Tùng.

* Bài viết tham khảo tư liệu từ:
(1) Tôn Thất Tùng, Hồi ký: Đường vào khoa học của tôi, NXB Thanh niên, 1978.
(2) Nguyễn Khắc Minh, Bút ký: Tôn Thất Tùng- Một trái tim của nhà khoa học Việt Nam, Sài Gòn Giải phóng các số tháng 6/1982.
(3) GS.TS. Đỗ Kim Sơn, Diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 90 của Giáo sư Tôn Thất Tùng, Hà Nội, ngày 6/5/2002.
(4) Trường Đại học Y Hà Nội, Tôn Thất Tùng (1912-1982) - Cuộc đời và sự nghiệp, NXB Y học, Hà Nội 1997.

Xem Thêm

Những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam nổi tiếng thế giới
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực mà còn ngày càng chứng minh sự tiến bộ trong lĩnh vực y học và phẫu thuật. Dưới đây là danh sách những bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam được thế giới ghi nhận.

Tin mới