Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 17/12/2004 18:00 (GMT+7)

Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa: NHÀ KHOA HỌC CỦA NHÂN DÂN

Hôm nay chúng ta họp mặt tại đây kỷ niệm lần thứ 90 năm ngày sinh của cố Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học - Thiếu tướng, Cục trưởng cục Quân giới, Cục trưởng Cục pháo binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Chủ nhiệm ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch đầu tiên Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khoá II, III, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Anh hùng lao động, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.

Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - một người mà không chỉ thế hệ hôm nay, không chỉ lớp cán bộ chiến sĩ của hai cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh, không chỉ các nhà khoa học, công nhân quân giới, đồng bào trong nước mà cả bạn bè quốc tế đều kính trọng và coi như một huyền thoại.

Trong ngày kỷ niệm trọng thể này tại quê hương của nhà khoa học, chúng ta nhớ lại những lời tâm tình của ông:

"Tôi sinh ngày 13-9-1913 tại xã Chánh hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Cha tôi là ông giáo Phạm Văn Mùi, mẹ tôi bà Lý Thị Diệu đặt tên tôi là Lễ - Phạm Quang Lễ.

Đến trước 7 giờ sáng ngày 5-12-1946, tên tôi vẫn là Phạm Quang Lễ. Đang ở Thái Nguyên lo sản xuất vũ khí thì được điện về Hà Nội gấp để gặp Bác Hồ. Được gặp Bác ở Bắc Bộ Phủ, Bác nói: "Bác quyết định trao cho chú nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội. Đây là việc đại nghĩa, vì thế Bác đặt cho Chú tên là Trần Đại Nghĩa. Đây là bí danh từ nay trở đi cho Chú, để giữ bí mật cũng là giữ an toàn cho bà con thân thuộc của Chú ở trong miền Nam " (Trần Đại Nghĩa là tên của tôi từ đó)

... Chiều ngày 30-4-1975 tôi đã ghi vào sổ tay: Nhiệm vụ của Bác giao cho tôi và tập thể các nhà khoa học Việt nam là tham gia về mặt vũ khí và khoa học quân sự trong hai cuộc kháng chiến đã được hoàn thành. Từ nay đến hàng nghìn năm sau chúng tôi xin bàn giao lại nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc cho thế hệ ngày nay và thế hệ mai sau.

Giờ đây, tuổi đã cao, mắt đã mờ, đi đứng đã khó khăn nhưng mỗi độ heo mây trong lòng vẫn cảm nhận rất rõ ràng cái tiết Thu xa xưa ấy... gợi nhớ bồi hồi.

Những gì thuộc về chuyện bàn giao tôi cũng đã làm... Ngoài lĩnh vực chuyên môn, cuộc đời tôi - trong đó có những ký ức tuổi thơ, những năm tháng đi học, hoài bão và nuôi dưỡng hoài bão... ít nhiều, từng lúc từng nơi đã kể cho người thân, bạn bè. Những câu chuyện, những tâm trạng có thể ẩn chứa những bài học - đã vậy thì cũng có thể xin bàn giao"

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Vĩnh Long yêu dấu, miền quê đã sinh ra những người lãnh đạo kiệt xuất và đáng kính của đất nước thời nay như cố Thủ tướng Phạm Hùng, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, con người và vùng đất anh hùng này đã nuôi nấng và dạy dỗ, đào tạo Phạm Quang Lễ thành nhà khoa học tiêu biểu cho các thế hệ trí thức Việt Nam. Từ nhỏ, Phạm Quang Lễ đã học rất giỏi tất cả các môn và luôn tìm đọc lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Lễ rất tự hào về những chiến công hiển hách của dân tộc ta, của Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Anh hiểu dân tộc ta mất nước là do Nhà Nguyễn nhu nhược. Anh không thể tưởng tượng được với một đại đội Pháp có thể chiếm thành Thăng Long và với một tiểu đội 7 người Pháp có thể chiếm thành Nam Định. Anh khâm phục các cuộc kháng chiến của Đề Thám, Trương Công Định. Anh hiểu lòng dũng cảm của dân ta có thừa, nhưng thiếu vũ khí để đánh thắng Pháp và từ đó hoài bão đã định hình. Năm 1935 Phạm Quang Lễ được học bổng sang Pháp học. Anh không đi học để làm quan, để có vợ đẹp con khôn. Trong những ngày học ở Pháp, Anh đã cố gắng nghiên cứu tài liệu về chế tạo vũ khí để sau này về đánh Pháp. Năm 1946 trong đoàn Việt kiều đến thăm Bác Hồ tại nơi nghỉ khi Bác sang thăm Pháp có đại biểu Phạm Quang Lễ. Bác đã ân cần hỏi từng người đại diện cho bà con Việt kiều ở nhiều địa phương khác nhau trên đất Pháp. Đến lượt Lễ, Bác hỏi:"Nguyện vọng của Chú lúc này là gì?". Quá cảm động trước sự quan tâm của Bác đối với tất cả mọi người và quan tâm cả đến nguyện vọng của riêng mình, Lễ trả lời rất nhanh cái điều đã ôm ấp từ buổi đầu xuất ngoại: "Kính thưa Cụ. Nguyện vọng cao nhất của cháu là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần". Và từ đó, từ bỏ chức vụ kỹ sư trưởng ở một hãng nghiên cứu - chế tạo máy bay với đồng lương tương đương 22 lạng vàng một tháng, Phạm Quang Lễ quyết định theo Bác Hồ về nước.

Ngày 5-12-1946 đáng nhớ, Bác Hồ trực tiếp cử Phạm Quang Lễ làm Cục trưởng quân giới Bộ quốc phòng và đặt tên cho Lễ là Trần Đại Nghĩa. Trong thời gian chống Pháp gian khổ ở Việt Bắc, sự ra đời của những quả đạn bazoka cải tiến vào năm 1947 đã góp phần chặn đứng các chiến xa, xe tăng, tàu chiến địch trong chiến dịch đánh nhanh hòng đè bẹp lực lượng vũ trang non trẻ của chúng ta. Tiếp theo đó, hàng loạt súng không giật SKZ có sức công phá mạnh các đồn bốt cố thủ của địch. Trong kháng chiến chống Pháp, ngành quân giới khắp ba miền Bắc- Trung- Nam của ta đã có những đóng góp to lớn, sản xuất ra nhiều loại vũ khí để diệt giặc, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Trong kháng chiến chống Mỹ, Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa cũng đã góp sức tăng cường tiềm lực vũ trang của quân ta để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Dân tộc ta đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Đất nước đã được độc lập, dân ta đã được tự do. Dân ta luôn nhớ ơn những người đã hy sinh đời mình, những người đã cống hiến hết sức mình cho nền độc lập, tự do ấy, trong đó Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là một trong những người có công lớn và được phong Anh hùng Lao động ngay tại đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên năm 1952.

Trong những năm cuối đời mình, Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch đầu tiên Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Đây là tổ chức chính trị - xã hội có nhiệm vụ tập hợp và đoàn kết lực lượng trí thức khoa học và công nghệ thuộc mọi thành phần kinh tế và lĩnh vực hoạt động xã hội để đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Ngày nay, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam là một tổ chức chính trị -xã hội của trí thức khoa học- công nghệ Việt Nam, đang ngày càng lớn mạnh và đóng góp có hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cả cuộc đời của Giáo sư Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đã giao cho ông nhiều việc lớn, việc nào ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc.

Ông là một nhà khoa học lớn rất yêu nước, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết và thiết tha với sự nghiệp khoa học. Cả cuộc đời, ông đã luôn chăm lo, bồi dưỡng và đặt nhiều kỳ vọng vào lớp trí thức trẻ góp sức làm vinh quang cho Tổ quốc.

Để chuẩn bị lễ kỷ niệm này, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội khoa học Lịch sử Việt nam đã đúc một tượng đồng Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tặng nhân dân tỉnh Vĩnh Long. Rất tiếc là chúng tôi chưa rước bức tượng từ Hà Nội vào kịp và xin hứa sẽ rước bức tượng của Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa về Vĩnh Long trong một ngày gần đây.

Kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của cố Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, xin cho phép tôi được thay mặt Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh kính chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh và quí vị đại biểu dồi dào sức khoẻ, thành đạt, hạnh phúc, đặc biệt chúc đội ngũ trí thức tỉnh Vĩnh Long cùng đoàn kết phấn đấu nhiều hơn nữa, góp sức đưa tỉnh Vĩnh Long thành một tỉnh giàu đẹp, nhân dân ấm no, hạnh phúc như mong ước của cố Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Xem Thêm

An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
GS. Nguyễn Hữu Tăng trọn đời vì khoa học, nặng lòng vì đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, một nhà quản lý khoa học tâm huyết đã từ trần vào rạng sáng ngày 22/6/2025, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học và các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Huỳnh Thúc Kháng: Ngòi bút sắc hơn trăm vạn quân
Được biết đến là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng và một chính khách đức độ, di sản rực rỡ và truyền cảm hứng bậc nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn ở sự nghiệp báo chí nơi ngòi bút được mài sắc thành vũ khí đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Tên Huỳnh Thúc Kháng cũng được đặt cho trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.
Anh nông dân lớp 5 và hành trình tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật
Trong bối cảnh nông nghiệp ngày càng đòi hỏi sự đổi mới, thích ứng và sáng tạo để nâng cao năng suất và giảm chi phí lao động, một người nông dân tại Châu Phú, An Giang - dù chỉ học hết lớp 5 - đã chứng minh rằng: Tri thức không chỉ đến từ sách vở mà còn từ thực tiễn cần mẫn và khối óc sáng tạo không ngừng.

Tin mới

Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.