Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Chủ nhật, 23/05/2010 07:00 (GMT+7)

Giáo sư Viện sĩ Đặng Vũ Minh: Thân thế và sự nghiệp

Có lần tôi tới thăm một nhà vật lý lão thành thì được ông cho xem bức thư tay chữ viết nắn nót của GS.VS Đặng Vũ Minh bày tỏ sự trọng thị đối với ý tưởng do ông đề xuất về dự án xây dựng nhà chiếu hình vũ trụ tại Thủ đô. Nhà khoa học này tâm sự: Tuy mình chưa thực hiện được ý nguyện bấy lâu nay song sự quan tâm, chia sẻ của vị Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học , Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đã động viên mình khác nào được nghe những lời tri kỷ.

GS.VS Đặng Vũ Minh là vậy. Trong ứng xử hằng ngày ông luôn coi trọng chữ Tín và đồng cảm, giúp đỡ mọi người. Tôi cho rằng, bản chất tử tế trong ông là kết quả bẩm thụ từ sự giáo dục của một gia đình trí thức có bề dày văn hoá.

Thuở ấu thơ, khi Đặng Vũ Minh mới chưa đầy một năm tuổi, tháng 12 năm 1946, Toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, thân phụ ông là giáo sư Đặng Vũ Hỷ, người từng giành được tấm bằng bác sĩ nội trú sáng giá ở Trường đại học Y Paris, trở về nước đã sớm gia nhập Vệ quốc đoàn và được cử phụ trách Trạm quân y tiền phương ở Cổ Lễ, Nam Định; sau đó phụ trách Viện Quân y đóng ở Thư Điền, Ninh Bình.

Trong hồi ký GS. Phạm Khuê nhớ lại hình ảnh người anh rể của mình trong những ngày đầu kháng chiến: “Đóng ở nhà dân tại thôn Thư Điền, tối nào hai anh em cũng thắp đèn dầu học đến tận khuya mặc dầu cả ngày đã làm việc mệt lử…. Hình ảnh người thầy thuốc bận áo quần xanh – công nhân, chống gậy, xách cái hòm cấp cứu, na ná như hòm thợ cạo, đi khắp hang cùng ngõ hẻm để cứu chữa người bệnh và huấn luyện cho các “thầy thuốc chân đất” rất quen thuộc với đồng bào địa phương…”.

Chắc hẳn nhiều người đã biết, cố giáo sư bác sĩ Đặng Vũ Hỷ là chuyên gia đầu tiên của Việt Nam về bệnh phong và bệnh da liễu, Chủ nhiệm bộ môn Da liễu Bệnh viện Bạch Mai, giáo sư Trường Đại học Y Hà Nội, nhà khoa học đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên, năm 1996, và được dựng tượng tưởng niệm ở Trại phong Quy Hoà (Bình Định). Dưới chân tượng có khắc dòng chữ: “ Cuộc đời tận tuỵ vì người bệnh, y đức trong sáng của GS Đặng Vũ Hỷ để lại những nét sâu đậm trong lòng người mắc bệnh phong và những thầy thuốc chuyên khoa”.

Xuất thân trong một gia đình trí thức yêu nước, Đặng Vũ Minh được giáo dục đào tạo thấu đáo, lại có trí thông minh, nên liên tiếp đạt được các thành tựu khoa học xuất sắc. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Mátxcơva năm 1968, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 1978, rồi luận án Tiến sĩ khoa học năm 1984 tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

Công trình khoa học của Đặng Vũ Minh được các nhà khoa học Liên Xô lúc bấy giờ đánh giá là một phát minh xứng đáng mang tên ông. GS Lep Conxtantinnovich Lepxki ở Trường đại học Tổng hợp Xanh Pêterbua nhận xét: “Công trình khoa học của Đặng Vũ Minh mở ra một trang mới trong nghiên cứu phản ứng phân hạch của u-ra-ni trong thiên nhiên. Tác giả công trình đã phân tích một cách hệ thống và kỹ lưỡng các sản phẩm phân hạch dây chuyền của u-ra-ni xảy ra cách đây 2 tỷ năm tại một mỏ u-ra-ni lớn ở Ga-bông ( Châu Phi) song còn để lại dấu vết trên Trái Đất. Đặng Vũ Minh đã làm sáng tỏ rất nhiều đặc tính quan trọng của một số sản phảm phân hạch dây chuyền của u-ra-ni trong thiên nhiên; đặc biệt là việc khí xê-non đã được tạo thành trong quá trình phân hạch có thành phần đồng vị không giống như thành phần đồng vị quan sát thấy trong các lò phản ứng hạt nhân hiện đại. Sau rất nhiều thực nghiệm, tác giả đã đưa ra một số giả thuyết giải thích nguồn gốc khí xê-non có thành phần đồng vị bất bình thường trong sản phẩm của phản ứng phân hạch dây chuyền của u-ra-ni xảy ra trong thiên nhiên 2 tỷ năm về trước, trong đó có giả thuyết khí xê-non này có thể là sản phẩm phân hạch của một nguyên tố hoá học nặng hơn urani”.

GS.TSKH Iuri Alếchxanđrơvich Xucôlicôp, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực địa hoá đồng vị và cũng là người thầy trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu sinh Đặng Vũ Minh hoàn thành bản luận án thì nhìn nhận học trò của mình dưới góc độ nhân văn: “Đặng Vũ Minh có trí thông minh và óc suy tưởng bẩm sinh, có lòng vị tha, với phông văn hoá rộng. Anh yêu văn học Việt, văn học Nga, nói thạo bốn ngoại ngữ. Với kết quả nghiên cứu xuất sắc của anh, tôi tin tưởng Đặng Vũ Minh khi trở về Tổ quốc sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu lớn”.

Không phụ lòng tin của thầy, trở về Việt Nam trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn của đất nước vừa trải qua hai cuộc chiến tranh, Đặng Vũ Minh đã tập trung nghiên cứu về các nguyên tố đất hiếm - một nguồn nguyên liệu quý và có trữ lượng đáng kể ở nước ta. Có thể nói, đất hiếm chỉ có giá trị lớn khi được tách chiết và làm sạch tới độ tinh khiết cao. Trong hàng chục công trình nghiên cứu về đất hiếm tiến hành cùng với các cộng sự, GS. Đặng Vũ Minh đã nghiên cứu tỷ mỉ và có hệ thống các phương pháp tách chiết và làm sạch các nguyên tố đất hiếm. Lần đầu tiên ở Việt Nam , nhóm nghiên cứu của ông đã áp dụng thành công phương pháp chiết xuất nhiều bậc để tách các nguyên tố đất hiếm. Các đề tài cấp Nhà nước do GS. Đặng Vũ Minh chủ trì đã được đánh giá xuất sắc, một số kết quả nghiên cứu đã được triển khai vào sản xuất và đời sống. Mùa hè năm 1999, tại phiên họp toàn thể của Viện hàn lâm Khoa học Nga được tổ chức tại Mát-xcơ-va, GS Đặng Vũ Minh được bầu làm Viện sĩ nước ngoài Viện hàn lâm Khoa học Nga. Năm 2005, cùng với bốn đồng tác giả, ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ về những công trình nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ và ứng dụng đất hiếm.

GS Đặng Vũ Minh phát biểu tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII.

Từ năm 1994 đến 2004, ông làm Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia . Từ 2004 đến 2008, ông làm Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam . GS. VS Đặng Vũ Minh được tín nhiệm giữ những chức vụ Đảng và chính quyền không chỉ vì ông giàu tâm huyết và trách nhiệm nghề nghiệp, giàu tài năng sáng tạo mà còn ở thái độ chân thành trong đối xử, giúp đỡ mọi người, lôi cuốn đồng nghiệp bằng sự gương mẫu, chí công vô tư. Nhiều cán bộ khoa học đã từng làm việc ở đấy vẫn còn nhớ lãnh đạo của Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia lúc bấy giờ do ông đứng đầu đã công khai việc phân bổ kinh phí của Nhà nước; khuyến khích cán bộ học tập để nâng cao trình độ; áp dụng quy chế để lựa chọn và bổ nhiệm những cán bộ có đức, có tài, ưu tiên dành biên chế thu nhận cán bộ trẻ có năng lực; tăng cường đáng kể trang thiết bị nghiên cứu khoa học cho các viện…

Hiện tại, GS.VS Đặng Vũ Minh là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Tại Đại hội VI Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Namvừa qua, ông được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam .

Trong bài trả lời phỏng vấn của phóng viên Bản tin KCP số 4/2010 trước thềm Đại hội VI của Liên hiệp hội Việt Nam, với nhan đề “ Mỗi nhà khoa học phải có Tổ quốc của mình”, GS.VS Đặng Vũ Minh tâm sự: “Từ tất cả những gì mà tôi đã trải nghiệm trong những năm làm việc, tôi nhận thức sâu sắc rằng: đại đa số trí thức Việt Nam có lòng yêu nước, yêu dân tộc, có truyền thống hy sinh cho cách mạng, gắn bó với đất nước từ những năm tháng khó khăn nhất và đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đổi mới. Đấy là tài sản vô giá của dân tộc… Cần hiểu biết, đồng cảm với trí thức Việt Nam và chính sách nhằm khuyến khích và tạo ra môi trường, không gian sáng tạo…”.

Nói về việc đào tạo – giáo dục thế hệ trẻ và tạo dựng sự nghiệp khoa học, GS. VS Đặng Vũ Minh rất lấy làm tâm đắc với những dòng ghi chép ở chiến khu Việt Bắc của cố giáo sư Hồ Đắc Di, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, vốn là bạn đồng nghiệp của thân phụ ông:

- Nếu cuộc đời mà từng giây phút trôi qua đều có ý nghĩa thì đó là cuộc đời cống hiến cho tương lai con em chúng ta;

- Đào tạo các nhà khoa học phải chú trọng phát triển cả về trí tuệ và đạo đức, bao gồm cả khoa học và nghệ thuật;

- Tinh thần học thuật không có chỗ cho việc lạm dụng quyền hạn. Chỉ khi đó, thông qua mối quan hệ không áp đặt, năng lực phán xét mới có thể nở rộ - đó là bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa trí tuệ nhân loại, một yếu tố vô cùng quan trọng đối với khoa học;

- Khi học thì phải biết nghi ngờ và khi làm thì phải có niềm tin;

- Trong khoa học, sự tiến bộ gắn liền với sự kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và giảng dạy…;

- Nghiên cứu khoa học tạo nên sự nhiệt tình cho những người trẻ tuổi. Và thực sự chúng ta mang ơn họ vì rất nhiều phát minh quan trọng từ các nhà khoa học trẻ;

- Chỉ sau khi học hỏi từ những nhà tiền bối, chúng ta mới có thể đứng trên vai họ để nhìn qua bên bức tường, nơi cất giấu những điều chưa biết…

Nhắc lại những lời nêu trên của GS Hồ Đắc Di, GS.VS Đặng Vũ Minh muốn nhấn mạnh đến công tác tập hợp, phát huy trí thức trẻ của Liên hiệp hội Việt Nam trong thời gian tới, song ông cũng không quên nói về vai trò của các nhà khoa học lão thành, đặc biệt là đối với các ngành khoa học xã hội – nhân văn, ở độ tuổi 70 vẫn là độ tuổi có cống hiến to lớn.

Ông tin rằng, trong thời gian tới, Liên hiệp hội Việt Nam sẽ là tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh của trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước , đó là nhân tố quan trọng góp phần đưa khoa học – công nghệ trở thành động lực phát triển bền vững của đất nước.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.