Giáo sư trẻ nhất Việt Nam Nguyễn Quang Diệu: Toán học là đam mê lớn nhất
Xin chúc mừng tân GS Nguyễn Quang Diệu. Cảm xúc của anh thế nào khi nhận được tin mình trở thành GS trẻ nhất Việt Nam?
Tôi cảm thấy tự hào! Trở thành GS toán học ở độ tuổi này với tôi không hạnh phúc nào bằng vì mọi nỗ lực, cố gắng của mình đã được ghi nhận. Tuy nhiên, để tiếp tục cho học hàm này đồng hành với quãng đường nghiên cứu khoa học của mình, tôi thấy còn khó hơn rất nhiều.
Nhìn vào bảng thành tích học tập của anh, quả thật rất đáng nể. Cơ duyên nào đưa anh đến với toán học và gắn bó đời mình với nó?
Tôi được sinh ra trong một gia đình có bố cũng là GS toán học nên thích toán học từ nhỏ. Những con số, phép tính… như có ma lực luôn cuốn hút tôi. Tuy nhiên, hồi nhỏ thích thì thích vậy thôi chứ chưa ý thức được một cách rõ ràng mình sẽ đi theo ngành này và gắn bó với nó suốt đời. Phải sau khi theo học phổ thông khối Chuyên toán trường ĐHSP Hà Nội, rồi vào đại học, tôi mới xác định toán học là đam mê lớn nhất của đời mình. Và, không thể không nhắc đến một sự kiện quan trọng đối với tôi khi theo đuổi con đường toán học. Đó là vào năm 1993, mặc dù có rất ít người đăng ký học khoa Toán- Cơ- Tin học của trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhưng trường vẫn mở ra Ban toán để tôi có thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê toán học của mình. Nghĩ lại, nếu năm ấy mà khoa toán tạm thời không tuyển sinh thì không biết bây giờ tôi đang làm gì nữa…!? (cười)
Năm 2006, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Pháp đề tài “Nghiên cứu hàm cực trị với kỳ dị là siêu mặt”, anh có thể chia sẻ thêm về công trình này?
Nghiên cứu về tính liên tục của hàm cực trị nhưng với kỳ dị nằm trên siêu mặt phức là vấn đề khá hóc búa của giải tích phức nhiều biến. Tôi cũng chỉ giải quyết được bài toán này trong một số trường hợp riêng. Cho đến nay, vấn đề mở này vẫn còn được nhiều nhà toán học quan tâm, nghiên cứu.
Được biết, những bài toán mà anh nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của giải tích phức nhiều biến và lý thuyết đa thế vị như Bao lồi đa thức, toán tử Monge- Ampere, toán tử giữa các không gian hàm… Đây là những hướng nghiên cứu đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà toán học quốc tế. Đặc biệt, gần đây, anh có một số kết quả về toán tử hợp thành và về metric bất biến cũng được các nhà khoa học đánh giá cao?
Tôi bắt đầu từ công trình của Halmos và Brown vào năm 1965 về toán tử Toeplitz trên không gian Bergman các hàm chỉnh hình trên đĩa đơn vị, những vấn đề về toán tử Toeplitz và toán tử hợp thành giữa các không gian hàm chỉnh hình đã được nhiều nhà toán học trên thế giới đặc biệt là ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ nghiên cứu. Tuy nhiên, lý thuyết toán tử giữa các không gian hàm còn rất mới mẻ đối với toán học trong nước. Trong thời gian làm thực tập sinh tại Hàn Quốc, tôi đã có cơ hội tiếp cận với hướng nghiên cứu mới này và đã hoàn thành một số công trình chẳng hạn như về cấu trúc của toán tử Toeplitz trên miền tùy ý trong mặt phẳng hay là tính các giá trị riêng của toán tử hợp thành có trọng trên không gian Bloch suy rộng. Bên cạnh đó, tôi cũng tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu truyền thống của bộ môn như lý thuyết đa thế vị và giải tích phức nhiều biến. Tính sáng tạo trong những công trình của mình là ở chỗ tôi luôn cố gắng vận dụng những kiến thức cổ điển đã biết vào việc nghiên cứu, giải quyết những bài toán thời sự. Các công trình nghiên cứu của tôi hiện nay đang ở mức tiếp cận mặt bằng chung của toán học hiện đại. Trong thời gian tới, cùng với các cộng sự trong bộ môn, tôi sẽ cố gắng giải quyết triệt để một số bài toán mở của lý thuyết toán tử và phương trình Monge-Ampere.
Thưa anh, theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay cả nước có hơn 400 trường ĐH- CĐ nhưng trong đó chỉ có khoảng 30 trường ĐH đào tạo cử nhân toán hoặc sư phạm toán. Thực tế cũng cho thấy, chỉ có 15 trường có khoa toán độc lập, còn lại là có người dạy toán trong khoa cơ bản thuộc các trường ĐH- CĐ khác, anh nghĩ sao về vấn đề này?
Cách đây hơn 40 năm, hệ THPT chuyên toán ở nước ta được hình thành và phát triển, kéo theo sự ra đời của các môn chuyên khác như: Vật lý, Tin học, Sinh học, Văn, Ngoại ngữ... Không ít học sinh khối chuyên toán đã giành các giải cao trong các kỳ thi Ôlympic quốc tế và khu vực. Mỗi người một lĩnh vực, một ngành nghề, nhưng khá nhiều trường hợp trong số họ đã trở thành những giáo sư, chuyên gia đầu ngành và nhà quản lý giỏi đang sống, làm việc ở trong nước và nước ngoài. Giáo sư Ngô Bảo Châu, người được nhận giải thưởng cao quý Fields đúng kỷ niệm lần thứ 65 Cách mạng Tháng Tám (19/8/2010) là một minh chứng tiêu biểu. Tiếc rằng, vì những lý do khác nhau, không ít người có năng khiếu toán và các bộ môn khoa học khác đã không được phát hiện, bồi dưỡng và định hướng nghề nghiệp để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng đất nước. Dẫn tới trình độ đội ngũ chuyên ngành ở ta còn hạn chế, trong khi tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao (có trường lên tới 35 - 40 sinh viên/giảng viên). Bởi vậy, việc kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu chưa làm được nhiều, số bài báo khoa học có giá trị được công bố trên các tạp chí có uy tín còn quá ít. Nó cũng cắt nghĩa vì sao công tác đào tạo toán trình độ cao ở nước ta còn khó khăn, bất cập. Trong khi chúng ta đang phải đối mặt với sự hẫng hụt về chuyên gia đầu đàn trong lĩnh vực toán học.
Tháng 8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020 với kinh phí đầu tư hơn 650 tỷ đồng. Tiếp sau đó, ngày 23/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Cao cấp về toán với mục tiêu đưa nền toán học nước ta có bước phát triển mới, đạt thứ hạng 40 so với thế giới vào năm 2020. Điều đó chứng tỏ toán học đang rất được quan tâm. Theo anh, để đạt được mục tiêu đó, cụ thể chúng ta cần phải làm gì?
GS Nguyễn Quang Diệu bắt đầu làm luận án TS toán học tại trường Đại học Toulouse 3 (Cộng hòa Pháp) và bảo vệ thành công luận án TS chuyên ngành giải tích phức về đề tài “Bao lồi đa thức địa phương của hợp thành các đồ thị hoàn toàn thực” tại trường này vào tháng 6/2000. |
Rõ ràng là phải có các giải pháp đồng bộ, chúng ta cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau. Trước hết, muốn phát triển toán học không có con đường nào khác là phải đẩy mạnh nghiên cứu toán học và đặt nó trên nền tảng chuẩn mực quốc tế. Ðây là giải pháp dài hạn, nhằm xây dựng và hoàn thiện mô hình các trường đại học - nghiên cứu, các viện nghiên cứu - ứng dụng toán học, để tạo ra đội ngũ chuyên gia, cán bộ giảng dạy có trình độ cao (mỗi khoa toán ở trường đại học tối thiểu có 30 - 40 tiến sĩ giỏi). Coi trọng đào tạo các chuyên gia liên ngành như toán kinh tế, toán địa chất, toán sinh học...
Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, tháng 8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020 với kinh phí đầu tư hơn 650 tỷ đồng. Tiếp sau đó, ngày 23/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Cao cấp về toán với mục tiêu đưa nền toán học nước ta có bước phát triển mới, đạt thứ hạng 40 so với thế giới vào năm 2020. Theo tôi, đây là hướng đi đúng. Mục tiêu của viện là trở thành một trung tâm toán học xuất sắc, có môi trường làm việc tương đương với một số nước phát triển về toán để trao đổi học thuật nhằm nâng cao năng lực khoa học của các nhà nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học nước nhà. Mặt khác, đây là Viện nghiên cứu theo mô hình của các nước tiên tiến do GS Ngô Bảo Châu làm Giám đốc Khoa học, bộ máy của Viện có biên chế gọn nhẹ (khoảng mười người có uy tín trong lĩnh vực chuyên ngành) tham gia điều hành, học viên là những cán bộ có năng lực được tuyển chọn từ khoa toán của các trường đại học, viện nghiên cứu. Nhiệm vụ của họ là thực hiện các đề tài nghiên cứu về toán trình độ cao, hình thành nên các nhóm nghiên cứu đi sâu vào các vấn đề của toán học hiện đại với phương pháp tự nghiên cứu, tự đào tạo là chính. Viện Nghiên cứu Cao cấp về toán sẽ tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ ngành toán được tiếp xúc, làm việc với các nhà toán học nổi tiếng thế giới mà không cần phải ra nước ngoài.
Sở hữu bằng Tiến sĩ Khoa học năm 32 tuổi, có rất nhiều triển vọng và cơ hội ở nước ngoài nhưng anh đã trở về VN giảng dạy và nghiên cứu khoa học với vô vàn khó khăn và thách thức. Điều anh trăn trở nhất hiện nay là gì?
Là một người làm công tác nghiên cứu khoa học, tôi cảm thấy luôn trăn trở khi thấy có nhiều nghiên cứu sinh hay học viên cao học ngoài việc NCKH đã phải lao động rất nhiều để duy trì cuộc sống. Tôi mong muốn các trí thức trẻ sẽ nhận được những đãi ngộ về vật chất tốt hơn nữa để họ có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Anh có muốn nói gì với các bạn trẻ?
Tuổi trẻ là tuổi của những khát vọng vươn lên, tuổi của tinh thần sáng tạo, của nhiệt huyết cống hiến. Tôi mong muốn các bạn trẻ hãy lạc quan, không cam chịu khó khăn trước mắt, luôn đặt ra mục tiêu dài hạn để phấn đấu, có ước mơ, hoài bão hướng tới tương lai tốt đẹp cho bản thân, gia đình và đất nước; nỗ lực và nghiêm túc với bản thân mình trong học tập, rèn luyện, trong sinh hoạt hằng ngày; nhưng cũng không vì thế mà đánh mất đi sự vui tươi, hồn nhiên của người trẻ.
Cảm ơn anh! Chúc anh gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường mà mình đã lựa chọn!