Giáo sư Trần Văn Giàu và bản lĩnh Việt Nam
Người thầy, nhà cách mạng và nhà khoa học
Trước hết thầylà hình ảnh chói ngời của người chiến sĩ cách mạng kiên trung: 18 tuổi gia nhập Đảng cộng sản Pháp, 19 tuổi vào Đảng cộng sản Đông Dương, 20 tuổi theo học trường Đại học Phương Đông ở Matxcơva cùng với những Nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và góp phần đào tạo nhiều nhà cách mạng tiên phong của Việt Nam. Về nước hoạt động cách mạng, thầy Giàu đã trải 4 lần vào tù ra khám, 12 năm bị giam cầm đầy ải trong các nhà lao khét tiếng man rợ của thực dân Pháp; sau khi vượt ngục thầy đảm trách Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ chỉ đạo khởi nghĩa thành công ở khắp các tỉnh thành phía Nam Tổ quốc. Khi thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, với cương vị Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, thầy lại đứng đầu sóng ngọn gió cùng đồng bào, đồng chí nhất tề đứng lên chặn bước tiến quân thù.
Nhà cách mạng kiên cường Trần Văn Giàu đã chính thức bước vào lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học suốt từ năm 1951 đến nay, để lại cho đời hơn 150 công trình nghiên cứu về triết học, tư tưởng, lịch sử và văn học.
Về lịch sử tư tưởng của dân tộc, thầy để lại 2 công trình quan trọng: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ 19 đến Cách mạng Tháng Tám và Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Thành tựu của thầy trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử hết sức đa dạng, phong phú, đặc biệt là lịch sử cận đại và hiện đại của dân tộc. Ngoài ra phải kể đến những công trình thầy chủ biên, như: Lịch sử cận đại Việt Nam , hoặc đồng chủ biên như Địa chí Văn hóa TP. HCM……..Thầy còn để tâm nghiên cứu dòng văn học yêu nước, từ văn học dân gian đến văn học hiện đại.
Tất cả các công trình của mình, thầy Giàu luôn luôn tự tay viết lấy mà không cần thư ký. Thầy thường nói: “Tôi không có con…Con tôi là những công trình khoa học, Tôi thai nghén mang nặng đẻ đau! Tôi có hơn 150 công trình như thế”. Những sáng tạo khoa học thầy để lại cho đời, được cả dân tộc ghi nhận, và đã được vinh danh Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Về giáo dục, thầy đã góp công đào tạo nên nhiều nhà cách mạng và nhà khoa học lớn. Riêng ngành sử học, 4 cột trụ Lâm – Lê – Tấn – Vượng (Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng), cả bốn người đều là đệ tử chân truyền của thầy.
Tuy nhiên nghĩ cho cùng, sức hấp dẫn chủ yếu của thầy đối với các thế hệ học trò và với đông đảo trí thức trong và ngoài nước là ở phương diện nào? Chúng tôi nghĩ, ở thầy Giàu chữ Đức luôn chói sáng, rỡ ràng, cuốn hút trong cuộc sống riêng tư cũng như trong mọi mối quan hệ xã hội giằng chéo, phức tạp. Xin nhắc lại đôi câu đối của GS. Hoàng Như Mai mừng thầy Giàu cách đây 15 năm, nhân dịp thầy tròn 85 tuổi:
- Tám lăm năm trên mặt địa cầu, có phen lội sình, có phen vượt núi băng ngàn, có phen giẫm tuyết đạp băng nơi đất lạ, và có phen mang xiềng gang xích sắt chốn lao tù…Đôi chân ấy bước qua thế kỷ vẫn còn dư sức lực.
- Một đời sống trong lòng quần chúng, đã từng “phiến loạn”, đã từng điều binh khiển tướng, đã từng dạy sử luận triết trong giảng đường, lại đã từng bị kiểm thảo phê bình quan điểm(!)…Con người này phục vụ nhân dân kể cũng lắm công lao.
Bản lĩnh Việt Nam
Đầu năm 2005, nhân dịp vào TP. HCM làm số đặc san“Chiến thắng lịch sử 30 tháng 4 năm 1975”, tôi đến thăm GS Trần Văn Giàu tại nhà riêng của thầy. Tôi thưa với thầy rằng, qua GS Phan Huy Lê, tôi đã được đọc bài tham luận của thầy gửi tham gia Hội nghị Việt Nam học lần thứ II. Thầy cười hồn hậu và hỏi lại tôi: Vì sao Việt Nam bị xâm lược nhiều lần, bị đô hộ hàng ngàn năm nhưng dân tộc ta “Không bị nghiền nát như tương mà lại trở nên rắn như kim cương?”.
Tôi thầm nghĩ, ngồi trước một bậc thầy, mình không đủ tư cách để trả lời câu hỏi đó nên lưỡng lự đặt vấn đề: Vì yếu tộ địa chính trị hay vì yếu tố văn hóa?. Thầy nói chắc như đinh đóng cột: Suy cho cùng, văn hoa Việt có bản lĩnh rất cao, có ý thức dân tộc rất kiên cường. Rồi thầy ôn tồn giải thích: Sách giáo khoa “Trung Quốc lịch sử giản biên” có đoạn ca ngợi sự thành công của chính sách Hán hóa vào thời Trung đại như sau: “Đến cuối đời Đông Chu, phàm các dân tộc tiếp thu văn hóa Hoa hạ về đại thể đã hòa hợp thành một dân tộc Hoa…”. Đúng là phần lớn các dân tộc nhược tiểu quanh vùng Hoa hạ đã bị Hán hóa, nhưng Lạc Việt thì không! Mặc dù ở “Nam Man”, Bắc quốc thực thi chính sách đồng hóa thuận lợi hơn ở “Bắc Địch”, “Tây Nhung” vì miền Bắc, miền Tây là những đồng cỏ sa mạc, còn “Âu Lạc”, “Giao Châu” là đồng ruộng phì nhiêu. Cho nên đông đảo người Hán xuống Nam hơn là lên Bắc sang Tây. Người Hán di cư xuống Nam chung sống thoải mái với người Việt đời này đến đời kia, suốt ngàn năm như thế thì tự nhiên dòng máu Hán –Việt sao khỏi pha trộn. Tuy nhiên, mà cũng lạ thay, rốt cuộc rồi lịch sử không chứng kiến sự Hán hóa mà ghi nhận thực tế ngược lại: Việt hóa đóng vai trò chủ đạo. Hiện tượng đó không phải bởi chính quyền đô hộ thờ ơ mà vì xóm làng Việt, cộng đồng Việt tộc tỏ ra có ưu thế hơn về bản sắc văn hóa trong đối nhân xử thế khiến cho người Hoa cảm phục, thuận tình Việt hóa.
Thầy Giàu nhắc lại cuộc kháng chiến ba lần thắng quân Nguyên thời nhà Trần. Vào thế kỷ thứ 13, mới giành được độc lập chưa được bao lâu, dân tộc Việt lại phải đương đầu với đế quốc Nguyên Mông – lớn mạnh, hung hãn nhất thế giới thời bấy giờ. Chúng đánh chiếm Trung đô của nhà Tống, chiếm Đông Nga, rồi ào sang Trung Âu, đến tận thành Venise khiến cho Giáo hoàng La Mã kinh hoàng; năm 1258 tràn vào Lưỡng Hà chiếm kinh thành Bát - đa cổ kính, cùng năm ấy đánh bại hoàn toàn nhà Tống ở Trung Quốc, lập nên triều đại Nguyên. Tuy nhiên, quân Nguyên đánh chiếm Đại Việt ba lần, cả ba lần đều chuốc lấy thất bại. Can đảm đi đôi với tài trí, Đại Việt biết đánh và biết thắng!
Đề cập tới quá trình phát triển của dân tộc Việt về phía Nam , tôi nhắc đến câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ:
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Thầy Giàu cười và bảo: Tôi cũng thích câu thơ đó, nó hào sảng và đầy tình nghĩa. Song đã có lần thân tình góp ý với Huỳnh Văn Nghệ, vì anh vốn là học trò cũ của tôi, rằng dân tộc Việt đi mở cõi chủ yếu không phải bằng gươm đao mà bằng tình nghĩa với lưỡi cày lao động cần cù qua nhiều thế hệ.
Nhắc đến giới trẻ, thầy Giàu tỏ ra sôi nổi hẳn lên. Thầy nói tuổi trẻ ngày nay là công dân một nước độc lập trong một thế giới cạnh tranh và hội nhập. Họ cần học làm người, làm một người Việt Nam chân chính, và học để tinh thông nghề nghiệp.
Thầy cười vui, nói: Tôi thấy các cháu tôi học đại học rồi mà chúng không hiểu biết về lịch sử nước nhà. Sách tôi viết ra chúng cũng không đọc, có lẽ chỉ để “gối đầu giường”. Thế là không ổn! Giới trẻ rất cần học lịch sử và triết học để có sức mạnh từ cội nguồn mà bay cao, bay xa, đưa Việt Nam sớm “sánh vai cùng các cường quốc Năm châu”như sinh thời Bác Hồ hằng mong đợi.
Chào thầy để ra về, tôi nhớ mãi một bài thơ của TS Nguyễn Văn Hồng kính tặng thầy vào năm 2001, nhân dịp thầy hưởng đại lão 90:
Dã thảo xuân phong dã thảo thanh
Nhân sinh thiên mệnh hữu thiên danh
Như công vạn biến tâm thiền định
Xuân đáo đào hoa diễm sắc tình
Tạm dịch
Gió xuân mới thổi cỏ thêm xanh
Người sinh có mệnh ắt có danh
Như ông chìm nổi tâm thiền định
Xuân đến đào hoa đẹp nghĩa tình.