Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 11/10/2011 18:58 (GMT+7)

Giáo sư Đặng Hanh Đệ - “con dao vàng” của ngành Phẫu thuật tim mạch Việt Nam

Con đường khoa học rộng mở

Đặng Hanh Đệ sinh ngày 31 tháng 5 năm 1936, tại Hà Nội trong một gia đình trí thức. Khi cả nước tưng bừng đón chào Ngày Giải phóng Thủ Đô (10/10/1954), chàng trai Hà Nội hồ hởi bước chân tới Trường Đại học Y khoa, lòng ôm ấp bao ước mơ trị bệnh cứu người. Cuối năm 1959, khi còn là sinh viên, có đoàn chuyên gia Liên Xô do GS. Libov dẫn đầu sang Việt Nam giúp ta mổ tim, anh được phân công về học tập và làm việc tại khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Việt Đức. Anh có may mắn là suốt những năm đầu sau khi ra trường đều được phụ mổ cho GS. Tôn Thất Tùng-nhà phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Anh thường tâm sự: “Cho đến bây giờ nghĩ lại, tôi đã có những bước đi đầu tiên trong nghề hết sức thuận lợi và cơ bản vì được Thầy Tùng trực tiếp chỉ bảo”.Kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp gian khổ với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu, năm 1954 GS. Hoàng Đình Cầu và đoàn cán bộ y tế về tiếp quản Bệnh viện Phủ Doãn trước đây là một bệnh viện ngoại khoa làm phúc và đổi tên thành Bệnh viện Việt Đức. Sau đó ít lâu, GS. Tôn Thất Tùng về làm Giám đốc. Bệnh viện lúc này còn.nghèo nàn, trang thiết bị còn thô sơ, chỉ giải quyết được các bệnh ngoại khoa thông thường (viêm ruột thừa, loét dạ dày-tá tràng, thoát vị, sỏi niệu quản…) được thực hiện dưới gây tê hoặc gây mê chụp gạc bằng ether và chloroforme.Sau chuyến đi thăm Ấn Độ mùa xuân năm 1958, GS. Tôn Thất Tùng có ý định thực hiện ca mổ tim đầu tiên ở Việt Nam. Bệnh nhân được chọn tên là Nguyễn Văn Xoang, 38 tuổi, bị hẹp van hai lá do GS. Đặng Văn Chung (Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai) chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng và X quang (bệnh án được viết bằng tiếng Pháp). GS. Tôn Thất Tùng trực tiếp mổ ca này. Ngày hôm sau, các báo đưa tin: “Giáo sư Tôn Thất Tùng đã mổ tim thành công”. Hôm sau nữa, Bác Hồ đến Bệnh viện Việt Đức thăm bệnh nhân và động viên khen ngợi các thầy thuốc. Sau ca mổ này khoảng hai tuần, đến ca mổ bóc màng tim vì viêm màng tim co thắt do GS. Nguyễn Trinh Cơ thực hiện thành công. Từ cuối năm 1959, GS. Libov và đoàn bác sĩ Liên Xô đã thành công trong nhiều ca mổ tim tại Bệnh viện Việt Đức. Trong thời gian này, Đặng Hanh Đệ đang là sinh viên chuyên khoa năm cuối, chuẩn bị tốt nghiệp ra trường, được phân công theo đoàn phụ mổ và theo dõi bệnh nhân. Với những ước mơ và hoài bão khoa học cháy bỏng của tuổi thanh xuân, anh chính thức bước vào con đường khoa học rộng mở đang đón chờ phía trước.

Từng bước đi gian khổ và vững chắc

Mãi đến những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, GS. Tôn Thất Tùng mới nhận được tài liệu của W.G. Bigelow đăng trong tạp chí Ann. of Surgery, 1950 “Hypothermia: it’s possible role in cardiac surgery”, làm hạ thân nhiệt xuống 20 0C thì ngừng tim có thể kéo dài 15 phút mà vẫn hồi phục. Vì phương tiện thô sơ hồi đó nên rất sợ khi hạ thân nhiệt xuống 28 0C dễ bị rung tim, khó cứu sống nên BS. Tôn Đức Lang chỉ dám hạ thân nhiệt xuống 32 0C và thời gian ngừng tuần hoàn tối đa là 7 phút. GS. Tùng đã dặn các học trò chọn những bệnh nhân đơn giản, làm sao trong 5 phút là có thể đóng tim. BS. Đặng Hanh Đệ đã đến Bệnh viện Bạch Mai đặt hàng với GS. Đặng Văn Chung để chọn bệnh nhân đáp ứng được yêu cầu trên. Sau nhiều nỗ lực chẩn đoán với phương tiện còn rất lạc hậu, cuối cùng đã chọn được một ca hẹp van động mạch phổi. Và, ca mổ tim hở đầu tiên ở Việt Nam do GS. Tôn Thất Tùng mổ chính, hai BS. Đặng Hanh Đệ và Phạm Hoàng Phiệt phụ mổ, BS. Tôn Đức Lang gây mê, đã thành công tốt đẹp vào một sáng đầu xuân năm 1964 với thời gian vừa đúng 5 phút, đảm bảo cho tim sau khi ngừng tuần hoàn tạm thời trở lại hoạt động bình thường. Thành công này đã khích lệ BS. Đặng Hanh Đệ rất nhiều trên con đường tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới. Cuối năm 1964, Bệnh viện Việt Đức nhận được máy tim phổi do Trung Quốc tặng, máy này sản xuất tại Thượng Hải dựa trên máy tim phổi Kay-Cross của Mỹ. Nhưng hồi đó tài liệu về tuần hoàn ngoài cơ thể thật là hiếm hoi, hầu như không có. Vì vậy, các bác sĩ ở bệnh viện đã phải mầy mò tự tìm hiểu. Đầu năm 1965, một nhóm bác sĩ đã được cử sang Bệnh viện Phúc Ngoại (Thượng Hải) để tham quan trong hai tuần. Sau đó về bắt đầu mổ thực nghiệm với máy tim phổi. GS. Tùng đã đề ra nguyên tắc khi mổ thực nghiệm phải làm sao chó sống được qua đêm ít nhất 5 con thì mới mổ trên người. BS. Đặng Hanh Đệ cùng các đồng nghiệp hồ hởi bắt tay vào các cuộc mổ thực nghiệm với khát vọng sử dụng thành thạo máy tim phổi trong các cuộc mổ trên bệnh nhân. Những ca mổ thực nghiệm đầu tiên, hầu hết là chó chết ngay sau mổ. GS. Tùng thường xuyên đứng bên quan sát và động viên nhóm phẫu thuật. Hết tuần này đến tuần khác, vừa nghiên cứu vừa rút kinh nghiệm, sau khoảng 20 con thì chó bắt đầu sống. BS. Đệ rất vui vì nghĩ đến ngày có thể mổ trên người nhưng cũng rất lo không biết ca đầu tiên có thành công không.Hoàn thành giai đoạn thực nghiệm, cả bệnh viện háo hức chờ ngày mổ tim hở với máy tim phổi trên người. BS. Đặng Hanh Đệ báo cáo với GS. Tùng đã chọn được bệnh nhân thông liên nhĩ, tên là Bảo, 15 tuổi. Vẫn kíp mổ trước: GS. Tùng mổ, hai BS. Đệ và Phiệt phụ mổ, BS. Lang gây mê; ca mổ tiến hành thuận lợi, mở ra một chân trời mới cho ngành Phẫu thuật tim mạch Việt Nam. Sáng hôm sau, giao ban trên hội trường, BS. Đệ báo cáo lại quá trình mổ và diễn biến sau mổ, mọi người rất phấn khởi. GS. Tùng kết luận và khao kíp mổ mỗi người một …bát phở! Báo Nhân Dân đăng tin mổ tim hở bằng máy tim phổi thành công. Sau mổ ngày thứ ba, Bác Hồ đến bệnh viện thăm bệnh nhân và chia vui với các thầy thuốc. Bệnh viện Việt Đức có vinh dự trong vòng mấy năm hai lần được đón Bác về thăm.Cuối năm 1965, nhờ sự can thiệp của GS. Tùng, BS. Đặng Hanh Đệ được cử sang Tiệp Khắc học về mổ tim. Thành phố cổ Brno, Ký túc xá Leninova, Khoa Y-Trường Đại học Tổng hợp J.E. Purkyne, Bệnh viện Đa khoa và GS.VS Koristek.. đã để lại trong ký ức tuổi xuân của anh những kỷ niệm khó phai về một nhịp cầu hữu nghị trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch. Về nước, anh hăm hở bắt tay vào áp dụng những điều đã học bên nước bạn, nhưng cũng chỉ mổ được vài bệnh nhân tim, phần vì hết đồ viện trợ, phần vì chiến tranh lan rộng nên đành phải đóng cửa, mãi đến sau Hội nghị Paris năm 1973, công việc mới lại tiếp tục.Cuối năm 1972, Mỹ ngày càng leo thang bắn phá miền Bắc, cả Hà Nội đi sơ tán, thành phố vắng vẻ lạ thường. Các giáo sư chủ chốt và các bộ môn, khoa của trường y cũng sơ tán khỏi thành phố về các huyện, tỉnh lân cận. BS. Đặng Hanh Đệ cùng đồng nghiệp lo lắng nghĩ tới GS. Tôn Thất Tùng: chẳng may có mệnh hệ nào, Thầy mất đi sẽ là một tổn thất to lớn cho đất nước, cho ngành y. Một buổi sáng mùa đông, các anh kéo nhau vào phòng GS. Tùng, để khuyên Thầy nên đi sơ tán, giữ gìn vốn quý của đất nước. Lúc đầu, GS. Tùng còn bình thản lắng nghe, sau ông nghiêm sắc mặt đỏ bừng, dằn giọng: “Các anh bảo tôi đào ngũ à? Đất nước đang trong lúc nguy nan, tôi biết tôi phải làm gì chứ. Các anh ra đi”. BS. Đệ và đồng nghiệp đều ân hận vì đã chạm vào lòng tự trọng của Thầy. GS. Tôn Thất Tùng đã dạy cho các học trò của mình biết thế nào là lòng yêu nước của một người trí thức chân chính.Thế là, suốt 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” giữa bầu trời Hà Nội, GS. Tôn Thất Tùng đã như ngọn đuốc soi trong đêm tối, như vị Thần Hộ mệnh cho các học trò mình. Tuy ông không mổ một ca nào, nhưng có ông ở bên dưới hầm mổ của Bệnh viện Việt Đức, BS. Đặng Hanh Đệ cùng các đồng nghiệp không ai tỏ ra lo lắng, mổ cấp cứu suốt đêm trong tiếng súng đạn rền vang và dưới những vệt pháo sáng chói lòa, cứu sống hàng nghìn đồng bào bị thương do bom đạn của giặc Mỹ.Năm 1978, nhờ mối quan hệ thân tình của GS. Tôn Thất Tùng với các đồng nghiệp Pháp, BS. Đặng Hanh Đệ được cử sang Bệnh viện Laennec, Paris để thực tập về mổ tim và tiếp tục phát triển hợp tác khoa học. Đây có thể coi như những nốt nhạc đầu tiên trong bản giao hưởng “quan hệ hợp tác Việt-Pháp trong phẫu thuật tim mạch” kéo dài suốt hơn 30 năm với những tên tuổi về phía Pháp: Alain Carpentier, Yves Lecompte, Charles de Ribérole, Marie Madelene, Nicole Roulin…và về phía Việt Nam: Đặng Hanh Đệ, Tôn Đức Lang, Nguyễn Văn Mão, Lê Ngọc Thành, Nguyễn Hữu Ước, Dương Đức Hùng, Vũ Anh Dũng…Tháng 2 năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, cùng các đồng nghiệp BS. Đặng Hanh Đệ một lần nữa lên đường làm nhiệm vụ cứa chữa nạn nhân và thương binh. Trên đường từ Hà Nội lên Cao Bằng qua những đèo dốc ngoằn ngoèo và vực sâu thăm thẳm nên vô cùng nguy hiểm. Ở nhà có tin xe của BS. Đệ đã lao xuống vực, chất hết cả rồi. Vợ BS. Đệ được tin khóc hết nước mắt. Một tuần sau, khi công việc ổn định, anh gọi điện về nhà, mãi vợ anh mới nhận ra, “không tin được dù đó là sự thật” và òa lên sung sướng.Suốt một tháng ở Ngân Sơn, Cao Bằng, nhóm do BS. Đệ phụ trách chuyên môn, lấy Bệnh xá huyện làm cơ sở điều trị, kết hợp với Tiểu đoàn Quân y để có nhân lực phục vụ cứu thương và vẩn chuyển nạn nhân.Trong những điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn của một phòng mổ dã chiến trên miền biên giới giữa mùa đông giá rét, BS. Đệ đã cùng các học trò và đồng nghiệp quân dân y sơ cứu và mổ hàng trăm ca để cứu chữa nạn nhân và thương binh qua khỏi cơn hiểm nghèo. Đồng thời những lúc rỗi việc, anh đã tranh thủ bổ túc chuyên môn cho anh em bác sĩ, y tá trong tiểu đoàn quân y. Đó chính là mô hình quân dân y kết hợp hiệu quả nhất, có thể phát triển rộng khắp sau này.Những năm tiếp theo, dưới sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình của GS. Tôn Thất Tùng, BS. Đặng Hanh Đệ cùng các đồng nghiệp tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch: mổ vỡ ống động mạch, tắc động mạch, phồng động mạch chủ bụng, vá bên trong lòng động mạch chủ, cắt bỏ u nhầy nhĩ trái...với những phương tiện kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hơn và sự giúp đỡ chí tình của bạn bè, đồng nghiệp quốc tế. Những ca mổ này thành công có nhưng thất bại cũng có và “thất bại là mẹ thành công”, anh vẫn kiên định, vững bước đi trên con đường mà mình đã chọn với những hoài bão khoa học lớn lao.Đầu năm 1991, BS. Thomas Pazzella, phẫu thuật viên người Mỹ sang Việt Nam, chụp ảnh kỷ niệm bên hầm mổ ở Bệnh viện Việt Đức, GS. Đệ đã nhắc lại những ngày tháng không thể nào quên cuối năm 1972. Nghe xong, Pazzella lặng đi, không nói gì, không biết điều đó có để lại trong anh suy nghĩ gì không, chỉ biết là những năm về sau anh rất nhiệt tình giúp đỡ các đồng nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực mổ tim. Một năm sau, thông qua Hội Hợp tác Khoa học Hoa Kỳ-Việt Nam, GS. Đặng Hanh Đệ đã tới Bệnh viện Tim mạch Massachusetts, nơi BS. Thomas Pazzella làm việc, để thực tập mổ tim một thời gian. Ông đã có dịp thiết lập mối quan hệ hợp tác khoa học giữa các nhà phẫu thuật tim mạch Việt Nam và Hoa Kỳ để tranh thủ sự giúp đỡ về kỹ thuật và viện trợ trang thiết bị hiện đại sau này.

Xây dựng và phát triển Ngành Phẫu thuật tim mạch

Từ năm 1995, khi GS. Nguyễn Xuân Ty nghỉ hưu, GS. Đặng Hanh Đệ thay làm Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Việt Đức. Việc đầu tiên là ông đề nghị xây dựng lại nề nếp làm việc, ổn định tình hình trật tự an toàn và vệ sinh của khoa: các cửa kính được lau chùi sáng loáng, làm các chấn song cửa sổ để đề phòng kẻ trộm, làm nhà vệ sinh cho nhân viên và bệnh nhân,…Mọi việc cần được bắt đầu lại từ những cái nhỏ nhất.Cuối năm 1996, khi GS. Đỗ Nguyên Phương, Bộ trưởng Bộ Y tế đi thăm bệnh viện, GS. Đệ đã đề nghị một cơ chế mới trong việc điều trị bệnh nhân và được Bộ trưởng chấp thuận. Từ khi làm theo cơ chế này, bệnh nhân rất phấn khởi vì họ được mổ sớm, không phải chờ đợi lâu và mọi người trong khoa cũng tự nguyện làm việc vì họ được bồi dưỡng xứng đáng với lao động của họ. GS. Đệ cũng đề nghị Ban Giám đốc cho Khoa tự chăm sóc sau mổ, nhất là khi GS. Alain Carpentier, đại diện phía Pháp viện trợ cho ba giường các phương tiện như máy thở, monitor, máy đo khí máu…Thế là việc mổ tim ở Bệnh viện Việt Đức hoàn toàn chủ động, không còn phụ thuộc, năng suất tăng lên rõ rệt, tràn ngập một không khí phấn khởi làm việc. Và, tới những năm đầu của thế kỷ XXI, Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Việt Đức nơi GS.Đặng Hanh Đệ làm Chủ nhiệm đã thực hiện được hầu hết những kỹ thuật mổ tim mạch tiên tiến trên thế giới, xứng tầm với các nước trong khu vực. Mùa hè năm 1986, một cuộc gặp mặt và những lời khuyên nhủ chân tình giữa hai thầy trò Đặng Hanh Đệ và Bùi Đức Phú bên bờ Sông Hương, thành phố Huế mộng mơ có thể coi như là bước khởi đầu để phát triển phẫu thuật tim mạch tại Bệnh viện Trung ương Huế hiện nay. Hơn 10 năm sau, nhờ sự nỗ lực vượt bậc của GS. Bùi Đức Phú và các đồng nghiệp ở Huế, Trung tâm Tim mạch do Tổ chức Atlantic Philanthrophies-Hoa Kỳ viện trợ đã được xây dựng ngay trên thành phố Huế với một tòa nhà đồ sộ, đầy đủ các khoa phòng và tiện nghi hiện đại. Trung tâm này đã đi vào hoạt động hiệu quả, tầm ảnh hưởng của nó đã lan ra toàn bộ miền Trung và cả nước. Trong kỳ Đại hội lần thứ III Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, tổ chức tại Huế tháng 12 năm 2010, GS. Đặng hanh Đệ đã rút lui và đề cử anh Bùi Đức Phú làm Chủ tịch Hội với lòng tin tưởng tuyệt đối vào người học trò, người kế tục xuất sắc sự nghiệp của mình.Mới đây, sáng 2 tháng 3 năm 2011, tại Bệnh viện Trung ương Huế, GS. Bùi Đức Phú và cộng sự đã ghép tim thành công. GS. Đặng Hanh Đệ đã gửi lời chúc mừng chân thành vì đây mới thực sự là ca ghép tim do người Việt Nam thực hiện.Khoảng đầu những năm 2000, BS. Trương Văn Việt lúc đó là Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) mời GS. Đệ vào giúp mổ tim hở. Ông đã đi thăm toàn bộ cơ sở và nhận thấy tất cả đều đầy đủ. Hôm sau lên phòng mổ, xem BS. Phạm Thọ Tuấn Anh mổ thông liên nhĩ, cuộc mổ tiến triển tốt. Vậy thì tại sao lại không phát triển được? Buổi chiều, GS. Đệ đề nghị triệu tập các khoa, phòng liên quan để trao đổi và nêu vấn đề chính là khâu tổ chức chứ không phải là chuyên môn. Ông truyền đạt những kinh nghiệm tại Bệnh viện Việt Đức cho đồng nghiệp và đề nghị thành lập Đơn vị Tim mạch riêng và cử BS. Tuấn Anh phụ trách.Vài năm sau, GS. Đệ gặp lại BS. Tuấn Anh lúc này đã làm Trưởng khoa, có cơ sở riêng, mỗi ngày mổ 5-6 ca tim hở, hoàn toàn chủ động, dễ dàng. Trong Hội nghị khoa học tại Huế năm 2010, chỉ trong hai năm 2008-2009, khoa của anh đã mổ 72 ca, một con số rất lớn, vào hạng nhất nhì trong cả nước.Ngay từ cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, BS. Đồng Sỹ Thuyên, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viên 103 đã ra Bệnh viện Việt Đức thực tập về mổ tim mạch dưới sự hướng dẫn của GS. Tôn Thất Tùng và sự giúp đỡ của các đồng nghiệp. Ngày ấy, BS. Đệ và BS. Thuyên như đôi bạn thân, cùng nhau mổ xẻ và trao đổi chuyên môn rất là tương đắc. Sau đó, BS. Thuyên đã mời BS. Đệ vào Bệnh viên 103 giúp mổ tim, những ca đầu BS. Đệ mổ để cho bạn phụ, còn về sau anh để BS. Thuyên mổ còn mình phụ. Cứ thế, dần dà, anh đã giúp Khoa Phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện 103 phát triển các kỹ thuật mổ tim mạch, bướu cổ, phổi, trung thất…Nhưng tiếc thay, năm 1988, BS. Đồng Sỹ Thuyên qua đời do một cơn bạo bệnh, khi trong lòng còn ôm ấp những dự định dang dở. Những năm sau, GS. Đặng Hanh Đệ đã động viên và giúp đỡ PGS. Đặng Ngọc Hùng, lúc đó là Chủ nhiệm khoa và sau là Giám đốc Bệnh viện 103 tiếp tục phát triển phẫu thuật tim mạch và lồng ngực. Ông nói vui nhưng rất chân tình: “Cậu cố gắng lấy lại chuyên ngành tim mạch và lồng ngực đi, nếu không phải thay biển thành khoa Phẫu thuật bướu cổ mất”. Với nhiệt tình và khả năng của mình, PGS. Hùng đã xây dựng được một cơ sở khang trang và tiện nghi để mổ tim hở và cử người đi học về vấn đề này. Sau đó, đã phát triển mổ tim hở tại Bệnh viện 103, tuy số lượng mổ còn ít, chưa được nhiều như ở một số bệnh viện khác.Ngoài những cơ sở trên, GS. Đặng Hanh Đệ còn quan tâm, giúp đỡ, xây dựng và phát triển phẫu thuật tim mạch ở nhiều cơ sở y tế khác: Bệnh viện Tim Hà Nội, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Saint Paul Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Bình Định, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng. Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Hoàn Mỹ… Cho đến nay, trong cả nước đã có 19 trung tâm mổ tim, ở nơi nào cũng đều ghi nhận dấu ấn khó phai mờ của ông.

Một mùa thu vàng ngọc

Mùa Thu năm nay, Giáo sư Bác sĩ Đặng Hanh Đệ đã bước vào tuổi 75 của cuộc đời, nhưng trong lòng vẫn ngập tràn một tình yêu thương gia đình, bè bạn, bệnh nhân và học trò vô hạn. Hằng ngày, ông vẫn tới bệnh viện khám bệnh, hội chẩn và tham gia mổ những ca khó, vẫn tới trường đai học y để giảng bài, chấm luận án, luận văn và tham dự các hội nghị khoa học. Ngọn lửa nhiệt tình như chưa bao giờ nguội lạnh trong con người ông.75 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi nghề, ông đã cống hiến cho sự nghiệp y tế và giáo dục nước nhà nhiều biết bao! Không màng danh lợi, xa lánh mọi hư vinh, tận tụy làm việc suốt cuộc đời mình, ông đã nêu một tấm gương lao động sáng tạo cho các thế hệ học trò. Ông thật xứng đáng với những phần thưởng, danh hiệu mà Nhà nước đã trao tăng: Nhà giáo Nhân dân (năm 2000), Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (năm 2011), Huân chương Lao động Hạng Hai và Hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.Cách đây gần 300 năm, nhà triết học Pháp vĩ đại Francois-Marie Voltaire (1694-1778) đã viết: “Tuổi già đối với người bình thường là mùa đông ảm đảm, còn đối với con người khoa học là mùa thu vàng ngọc”. Đúng vậy, tuổi già của Giáo sư Bác sĩ Đặng Hanh Đệ là cả một mùa thu vàng ngọc!

Hà Nội, ngày đầu Thu 2011

*GS.TS - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.

Tin mới

Bình Thuận: Chọn danh mục đề án phản biện năm 2025
Chiều ngày 02/01/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức họp cho ý kiến danh mục các đề án, dự án, quy hoạch, chương trình, kế hoạch (gọi chung đề án) thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội năm 2025 của Liên hiệp hội tỉnh.
Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.
Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam
Ca khúc: “Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam”. Nhạc: Doãn Nguyên. Lời thơ Lê Cảnh Nhạc. Tập thể cán bộ, phóng viên Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển cùng Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển biểu diễn tại Hội thảo khoa học: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn”, ngày 26/12/2024, tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Phó Chủ tịch VUSTA được trao tặng danh hiệu Huân chương Lao động hạng 3
Chiều ngày 22/12/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của cơ quan, Đảng bộ và các đoàn thể cơ quan. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
An Giang: Tổng kết nhiệm vụ năm 2024
Chiều ngày 30/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6, khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027. Hội nghị tập trung đánh giá hoạt động năm 2024, thống nhất bổ sung hội viên mới và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Ấn tượng Lễ trao giải Cuộc thi vẽ tranh về Bảo vệ môi trường trong học đường với chủ đề “Ngôi trường xanh”
Sáng ngày 28/12/2024, Lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh về Bảo vệ môi trường trong học đường với chủ đề “Ngôi trường xanh” do Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức đã chính thức diễn ra tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở HWS (Hanoi Westminster School), Hà Nội. Gần 150 thí sinh từ các miền tổ quốc đã trực tiếp đến nhận giải.
Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.