Giáo dục Việt Nam khi hội nhập WTO
Các thành viên là các nước phát triển của tổ chức này luôn có yêu cầu cao với các quốc gia khác cũng mở rộng thị trường dịch vụ, trong đó có dịch vụ giáo dục. Dịch vụ giáo dục cũng sẽ là một nội dung trong Hiệp định chung về thương mại dịch vụ(GATS). WTO đã phân chia dịch vụ và thương mại dịch vụ trên thế giới 12 nhóm lớn với 143 hạng mục dịch vụ. Riêng về giáo dục thì tại khoản 3, điều 10 Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của WTO có nói về giáo dục: trừ hoạt động giáo dục có nguồn tài trợ triệt để của Quốc gia; còn lại tất cả các hoạt động giáo dục có thu học phí, hoặc mang tính thương mại giáo dục. Trong 12 nhóm thương mại dịch vụ, thì dịch vụ giáo dục thuộc nhóm thứ năm. Dịch vụ nhóm này bao gồm: dịch vụ giáo dục tiểu học, dịch vụ giáo dục trong học; dịch vụ giáo dục đại học và cao đẳng; dịch vụ giáo dục cho người lớn và các dịch vụ giáo dục khác. GATS là phần quan trọng trong hiệp định WTO và nó gồm 3 bộ phận: Hiệp định chung; các văn bản phụ lục; bảng giảm nhượng của các nước. Tuỳ theo điều kiện phát triển giáo dục và luật pháp của nước ta, mà có thể đề xuất những lĩnh vực tham gia, giảm nhượng và mở cửa. Thương mại dịch vụ khác với thương mại hàng hoá chủ yếu ở chỗ: dịch vụ là hàng hoá vô hình, thương mại dịch vụ giữa các nước là trao đổi hàng hoá vô hình giữa các nước. Quản lý dịch vụ này nhờ thuế quan, giấy phép, phối ngạch...
Bốn phương thức cung cấp dịch vụ của WTO
1. Cung ứng xuyên quốc gia (Cross border); tức là một thành viên có thể cung ứng dịch vụ từ nước mình đến bất cứ quốc gia nào trong WTO. Với giáo dục chủ yếu là cung ứng dịch vụ đào tạo, chương trình, giáo trình và giáo dục từ xa.
2. Tiêu thụ ngoài nước (Consumption abroad): quốc gia thành viên có thể cung cấp dịch vụ từ nước mình cho người tiêu thụ ở bất cứ quốc gia nào trong WTO. Với giáo dục chủ yếu là dịch vụ du học..
3. Hiện diện thương mại (commercial presence): chỉ việc cung cấp dịch vụ của một quốc gia thành viên có thể cung cấp dịch vụ tới các quốc gia khác thông qua hiện diện thương mại.Với giáo dục thể hiện ở chỗ một tổ chức giáo dục của một quốc gia thành viên có thể mở hoạt động giáo dục, đào tạo của mình tại các quốc gia thành viên khác.
4. Sự lưu chuyển công dân tự do (Presence of natural persons): chỉ việc cung cấp dịch vụ của nước thành viên có thể cung cấp dịch vụ thông qua sự lưu chuyển công dân tự dođến bất cứ nước thành viên khác nào. Với giáo dục, chủ yếu sẽ được thực hiện thông qua di chuyển hoạt động giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu giữa các trường, viện, học viện, các cơ sở giáo dục và đào tạo, các công ty giáo dục khác trong tất cả các nước thành viên.
Những thoả thuận có liên quan đến dịch vụ giáo dục Việt Nam
1. Dịch vụ giáo dục hợp tác với nước ngoài có thể chủ yếu thông qua các văn bản hợp đồng ngắn và dài hạn dựa vào luật pháp và các văn bản pháp quy của Việt Nam và các cam kết trong hiệp định với WTO.
2. Cho phép các tổ chức thương mại dịch vụ giáo dục các nước thành viên được lập văn phòng đại diện tại nước ta.
3. Thời hạn sử dụng đất với mục đích cho giáo dục là 50 năm.
4. Quy định xung quanh vấn đề nhập cư của các công dân nước ngoài đến làm dịch vụ giáo dục tại Việt Nam .
Đặc điểm những cam kết về dịch vụ giáo dục của nước ta với WTO
1. Giáo dục phổ cập, giáo dục quốc phòng, an ninh, Đảng, đoàn thể, một số tổ chức xã hội không nắm trong dịch vụ giáo dục. Còn lại mở dịch vụ mua, bán tri thức cho người học. Tạo điều kiện để hệ thống giáo dục quốc dân nước ta ứng phó và thích nghi chủ động, tự tin trước sự tác động mạnh mẽ của dịch vụ giáo dục của các nước thành viên, đồng thời mở ra những cơ hội mới, nguồn đầu tư mới trong hợp tác phát triển giáo dục với nước ngoài.
2. Dịch vụ cung ứng, giáo dục xuyên quốc gia. Chỉ nên cam kết về lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, ngư nghiệp... Một số lĩnh vực khác trong giáo dục mà về nội dung giáo dục và quản lý giáo dục khó có thể khống chế, kiểm soát được những gì có hại đến an ninh quốc gia, đến con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì nhất định không cam kết.
3. Cam kết mở rộng và đẩy mạnh tiêu thụ ngoài nước để có thể tăng số lượng công dân Việt Nam đi du học ngoài nước, đồng thời có chiến lược thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập.
4. Phương thức hiện diện thương mại của dịch vụ giáo dục: Hạn chế việc cho phép đơn phương tổ chức giáo dục nước ngoài mở trường hoặc cơ sở giáo dục tại Việt Nam . Mở rộng và tăng cường tổ chức hợp tác giáo dục giữa ta và các nước thành viên và có thể để các nước thành viên hưởng đa số quyền lợi. Tuy nhiên, để làm được việc này cần lập được danh mục những lĩnh vực, ngành nghề nào ta cần phát triển, còn thiếu nhân lực, thiếu những người tài giỏi, để có chính sách khuyến khích. Mặt khác cần nhanh chóng hoàn thành và hoàn thiện các văn bản pháp quy phù hợp với tình hình nước ta và những quy tắc, quy định của WTO.
5. Sự lưu chuyển công dân tự do. Tất cả công dân các nước thành viên muốn đến cung ứng dịch vụ giáo dục tại Việt Nam , cần được các trường, các tổ chức giáo dục khác ở nước ta mời hoặc thuê. Người đến cung ứng dịch vụ giáo dục phải có bằng đại học trở lên, có đủ bằng cấp, chức danh nghề nghiệp tương ứng và đã ít nhất có 2 năm kinh nghiệm sau khi ra trường.
Thách thức đối với giáo dục nước ta, khi Việt Nam gia nhập WTO
Thách thức đối với giáo dục khi nước ta gia nhập WTO, đồng thời cũnglà cơ hội cho phát triển giáo dục. Mặc dù sức cạnh tranh quốc tế của giáo dục nước ta hiện nay còn yếu kém so với giáo dục các nước thành viên WTO. Nhưng đây cũng chính là cơ hội buộc các cơ sở giáo dục ở nước ta, mà trước hết là các trường đại học, các học viện, các trường giáo dục chuyên nghiệp phải nỗ lực, nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo, nâng cao vị thế của mình, sớm tạo lập được thương hiệu riêng qua năng lực cạnh tranh quốc tế. Nhìn chung những thách thức đối với giáo dục có thể là:
1. Đảm bảo thắng lợi đường lối giáo dục của Đảng xây dựng thành công nền giáo dục Việt Nam theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong mọi trường hợp phải kiên quyết đảm bảo chủ quyền giáo dục. Chủ quyền giáo dục bao giờ cũng liên quan mật thiết đến văn hoá, kinh tế, chính trị. Mỗi nhà trường Việt Nam phải là cái nôi của Đảng, Nhà nước, của dân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đào tạo ra những con người Việt Nam kế tục xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp, tự do, dân chủ, công bằng, văn minh, xã hội chủ nghĩa.
2. Dù muốn hay không thì thị trường dịch vụ giáo dục cũng đã và đang hình thành ở nước ta. Việt Nam sau khi trở thành thành viên của WTO, thì chính là cơ hội giúp cho thị trường này phát triển. Trước tình hình này, ngành giáo dục mà trước hết là các nhà quản lý giáo dục có chịu “chấp nhận” để hướng dẫn, để quản lý và đưa thị trường này phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hay vẫn giữ tư duy cũ: mặc cảm, khó chịu, phê phán, bài xích và kết quả chắc chắn sẽ dẫn đến một thị trường tự do dịch vụ giáo dục phát triển không lành mạnh với tiêu cực vì thiếu bàn tay của người quản lý.
3. Những kinh nghiệm về quản lý và tạo điều kiện cho một thị trường dịch vụ giáo dục phát triển đúng hướng ở nước ta còn thiếu và yếu, do vậy cần tiến hành xem xét, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành, kể cả Luật Giáo dục sửa đổi, đồng thời ban hành những văn bản pháp quy mới để hướng dẫn, điều chỉnh kịp thời giúp cho thị trường dịch vụ giáo dục ở nước ta thích hợp với những điều khoản trong khuôn khổ của WTO - GATS mà lại phát triển lành mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
4. Giáo dục dù là công ích, phi lợi nhuận hay có lợi nhuận cần được quy định rõ trong luật pháp để đảm bảo giáo dục trên phương diện chủ thể luôn phải là sự nghiệp công ích xã hội. Bản chất của giáo dục là nâng cao tố chất và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho người học.
5. Những thách thức của WTO với nền giáo dục nước ta sẽ thể hiện ở tính cạnh tranh thị trường, là gia tăng tính không công bằng trong giáo dục, không ngoại trừ xuất hiện hiện tượng “chảy máu chất xám”... những điều này cần được đặt ra cho các quyết sách giáo dục ở tầm vĩ mô.
Cơ hội đối với giáo dục nước ta, khi Việt Nam gia nhập WTO
1. Tạo điều kiện hoàn thiện và phát triển bền vững hệ thống giáo dục quốc dân với mục tiêu nâng cao đân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài nhằm đáp ứng cho nhu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
2. Cơ hội mở rộng và sử dụng hợp tác quốc tế trong giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục. Chỉ có thông qua hợp tác quốc tế mới có thể đào tạo được một nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng trực tiếp những nhu cầu cấp bách của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đang đặt ra ở nước ta.
3. Mở rộng “du học tại chỗ” và làm giảm đi tỷ trọng “du học ngoài nước”, góp phần tiết kiệm ngoại tệ.
4. Nguồn đầu tư cho giáo dục sẽ đa dạng hơn, phong phú và lớn hơn. Ngày càng có nhiều nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư cho dịch vụ giáo dục. Điều này sẽ giúp cho giáo dục có thêm điều kiện để phát triển. Năng lực và tiềm năng hoạt động của hệ thống giáo dục quốc dân được khai thác triệt để, ngỳa càng có thêm nhiều cơ hội cung cấp giáo dục cho xã hội hiệu quả.
5. Tiếp thu có chọn lọc các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới về các phương diện: nội dung đào tạo, phương pháp giáo dục, phương tiện giáo dục, quản lý giáo dục, xây dựng đội ngũ giáo viên, đội ngũ những người quản lý giáo dục... hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục học tập suốt đời trong một xã hội học tập.
6. Đổi mới quản lý giáo dục theo hướng quản lý bằng pháp luật, bằng các văn bản pháp quy và tăng quyền tự chủ và tính trách nhiệm xã hội cho các cơ sở giáo dục. Gia tăng tính cạnh tranh lành mạnh đối với tất cả các cơ sở giáo dục, làm cho nền giáo dục nước ta ngày càng thích ứng được với xã hội, với nhu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập được với trào lưu phát triển giáo dục của thế giới.
7. Tranh thủ cơ hội để mở cửa giáo dục nước ta với khu vực và thế giới. Có chiến lược và kế hoạch khai thác thị trường giáo dục của ta ra ngoài. Lợi dụng sự thừa nhận của nước ngoài đối với những ngành nghề đào tạo có chất lượng ở nước ta và những ngành học nổi trội hoặc chỉ có ở nướcc ta mới có, đồng thời với môi trường ổn định an ninh chính trị, quốc phòng và với học phí rẻ để thu hút học sinh các nước đến nước ta học tập.
Những việc cần làm của ngành giáo dục để hội nhập với WTO
1. Cần phân định rõ 3 loại hình giáo dục ở nước ta:
- Dịch vụ giáo dục công ích xã hội.
- Dịch vụ giáo dục phi lợi nhuận.
- Dịch vụ giáo dục có lợi nhuận.
2. Trên cơ sở hiến pháp, Luật Giáo dục sửa đổi, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo quyền học tập của dân, đảm bảo chủ quyền giáo dục quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, quốc phòng... cần có các quy định cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào làm giáô dục ở nước ta, song không được lấy danh nghĩa hợp tác quốc tế giao lưu giáo dục, dịch vụ giáo dục để tiến hành những hoạt động bị nghiêm cấm theo luật pháp Việt Nam hiện hành. Tất cả những hoạt dộng về giáo dục của các cá nhân, tổ chức nước ngoài chỉ được triển khai sau khi đã được các cơ quan có thẩm quyền ở nước ta phê chuẩn.
3. Trong hợp tác quốc tế về giáo dục, ngành giáo dục có kế hoạch chủ động đề xuất và cho phép mở các ngành nghề có liên quan đến thương mại dịch vụ giáo dục theo từng địa phương và trong cả nước, đồng thời đảm bảo quyền quản lý nhà nước về giáo dục ở các lĩnh vực.
4. Cần làm mới tất cả các văn bản về hợp tác giáo dục với nước ngoài sao cho phù hợp với tình hình nước ta và những yêu cầu của WTO để sớm trình Đảng và Chính phủ ban hành.
5. Quy định chính thức những ngôn ngữ được dùng trong dịch vụ giáo dục của nước ngoài tại nước ta.
6. Có kế hoạch rút ngắn khoảng cách quy mô và chất lượng giáo dục - đào tạo giữa miền núi, vùng khó khăn, xa xôi hẻo lánh với giáo dục tại các thành thị ở nước ta.
7. Tăng cường quản lý, giám sát mọi hoạt động trong giáo dục.
Tài liệu tham khảo
1. Ảnh hưởng của WTO đối với nền giáo dục Trung Quốc, phân tích các đối sách. Bản trích dịch từ nguyên bản tiếng Trung (sách xanh về giáo dục Trung Quốc) của Nguyễn Thị Hường.
2. Các nguyên tắc hoạt động cơ bản của WTO.Thế Hà giới thiệu. Tạp chí Thông tin khoa học xã hội số 1 năm 2004.
3.Bùi Anh Tuấn, Phạm Thái Hưng. Những giải pháp vượt qua thách thức khi Việt Nam gia nhập WTO.Báo Nhân dân, trang 2, ngày 20 - 6 - 2005.
Nguồn: T/c Thế giới trong ta, 245, 11 - 2005, tr 9.