Giáo dục phải đáp ứng thực tế Việt Nam sắp vào WTO
Tình hình đó sinh ra cuộc khủng hoảng giáo dục hiện nay. Do đó tôi đề nghị một qui trình nghiên cứu “ngược”. Tiêu chí của con người thời kỳ ViệtNamvào WTO là khả năng làm việc quốc tế của sinh viên. Nền giáo dục của ViệtNamta đã đào tạo được hạng người ấy, tuy chưa nhiều nhưng không phải ít. Số người có trình độ quốc tế đó hiện đang làm việc cho các tổ chức, công ty nước ngoài trên khắp nước Việt Nam, tập trung nhất ở Hà Nội và TP.HCM, có thể đến cả ngàn người, nhiều người lương tháng đến 4.000 - 5.000 USD.
Tại sao chúng ta không mời những người được quốc tế công nhận ấy ngồi lại nói cho chúng ta biết: họ đã được dạy như thế nào, họ được học những gì, học thêm với ai, khi đi làm cho quốc tế họ phải phấn đấu ra sao, cái gì thừa, cái gì thiếu, cái gì cập nhật, cái gì lạc hậu, gia đình đã giúp họ học hành như thế nào?... Thực tế đó cho phép ngành giáo dục bổ khuyết những thiếu sót của mình.
2.Có người đề nghị bỏ thi đua. Theo tôi, còn xã hội chủ nghĩa là còn thi đua. Nhưng thi đua với thành tích thật chứ không phải thành tích “ảo” như hiện nay. Thành tích đó là gì? Ví dụ, thành tích của trường THPT là tỉ lệ học sinh đỗ vào các đại học, thành tích đại học là tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp xin được việc làm. Nếu tỉ lệ xin được việc làm đúng ngành nghề đã đào tạo cao thì thành tích càng lớn hơn và nếu được quốc tế hay các cơ quan xí nghiệp ViệtNamlàm việc với quốc tế thu nhận thì thành tích đó càng được tuyên dương. Do đó các trường phải đặt ra chỉ tiêu và phấn đấu.Thi đua như thế tại sao lại bỏ?
3.Nếu đã đặt ra việc thưởng thì phải đặt vấn đề phạt. Nếu thi đỗ tú tài tỉ lệ cao mà thi vào đại học tỉ lệ thấp hoặc không đỗ thì trường THPT ấy phải chịu trách nhiệm. Nếu đại học cho đỗ đại học tỉ lệ cao mà sinh viên ra trường xin được việc làm thấp đại học đó phải chịu một phần trách nhiệm, phải xem lại ngay việc đào tạo của mình và phải báo cáo với lãnh đạo cấp trên về những biện pháp khắc phục.
4.Bất cứ một nền giáo dục nào, xưa cũng như nay, đều phải học, phải thi, phải lấy bằng cấp mà xác định trình độ học vấn. Nhưng vào thực tế cuộc sống hiện đại thì người thanh niên chỉ với bằng cấp vẫn chưa đủ để vào đời. Bằng cấp đi theo với tay nghề. Nhiều người bạn tôi ở Mỹ phấn đấu hàng chục năm mới lấy được một mảnh bằng, nhưng khi ra trường mảnh bằng ấy không xin được việc làm thích hợp nên họ đã bỏ mảnh bằng cũ, đi học lại để lấy một bằng cấp khác dễ xin việc làm hơn, thích hợp với mình hơn và họ đã trở nên giàu có.
Cũng có người học lấy bằng nhưng không dùng, bỏ bằng đi tìm một ngành thực dụng tự học và làm giàu. Ngành giáo dục nên quan tâm biểu dương những người có thực học, có tay nghề, có công trình đã được xã hội công nhận.
5.Hồi tháng 5-2006 vừa qua, tôi có thực hiện một khảo sát nhỏ về ý tưởng giáo dục ở Mỹ. Các câu trả lời của cả người Mỹ gốc Việt và người Mỹ chính cống, về thứ tự không giống nhau nhưng nội dung giống nhau:
a. Đánh giá cao sự sáng tạo, khám phá của sinh viên hơn chuyện học thuộc bài thầy;
b. Tạo điều kiện cho sinh viên đi đến cùng những khám phá của mình;
c. Sinh viên dám nghĩ dám làm, làm thất bại thì làm lại không ngại dù phải mất thêm năm ba năm nữa;
d. Bằng đại học không hợp thời, bỏ, đi học lại, rồi học tiếp nâng cao trình độ, phấn đấu trở thành chuyên gia.
Vài ý tưởng thô thiển hưởng ứng lời kêu gọi của ông tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Mong nhận được sự quan tâm của những người có trách nhiệm.
Thay đổi quan niệm “học gì thi nấy” Học sinh Việt Nam phải học quá tải không chỉ vì chương trình quá nặng mà còn do nội dung kiến thức thi cử quá nặng nề. Những kiến thức nào có trong chương trình học là có trong chương trình thi, trong đề thi, vì thế học sinh phải ra sức nhồi nhét tất cả những kiến thức được thầy cô truyền thụ để mong đạt được kết quả tốt nhất trong các kỳ thi, mặc dù có những kiến thức chỉ sau khi thi xong là học sinh đã quên sạch. Tôi lấy ví dụ với môn văn học. Một thực trạng trong việc ra đề thi môn văn ở cấp THCS và THPT hiện nay là học sinh phải gồng mình làm những bài văn chứng minh, bình luận hay phân tích tác phẩm với yêu cầu rất cao, quá sức mình. Để không bị điểm kém, học sinh phải sao chép, cóp nhặt từ các tài liệu tham khảo và học thuộc lòng các bài văn mẫu. Với cách học kiểu sao chép như vậy, đa số học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông đã không thể viết rõ ràng, chính xác bằng tiếng Việt những vấn đề rất đơn giản nhưng cần thiết trong cuộc sống. Những kiến thức văn chương mà họ học kiểu cóp nhặt, sao chép cũng chẳng còn đọng lại được bao nhiêu. Nếu chúng ta xác định rõ mục tiêu đào tạo môn văn cho học sinh ở bậc phổ thông là xây dựng cho các em một sự cảm thụ văn học đúng đắn, dạy cho các em biết cách hành văn tiếng Việt rõ ràng, trong sáng thì nội dung đề thi và yêu cầu kiến thức đối với học sinh trong những đề thi văn hiện nay cần phải thay đổi. Cần hạn chế việc bắt học sinh phải học thuộc lòng mà nên hướng tới việc kiểm tra khả năng cảm thụ cái hay, cái đẹp trong các tác phẩm văn học của học sinh. Còn bài tập làm văn nên là đề mở để các em tập tư duy và viết về một vấn đề, một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống tùy theo yêu cầu của từng cấp học. Bài luận nên giới hạn số từ để tránh tình trạng học sinh viết lan man không cần thiết. Với nội dung thi như vậy, tôi tin rằng việc học văn của học sinh phổ thông sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả sẽ thiết thực hơn. |