Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 06/07/2006 21:47 (GMT+7)

Giáo dục đại học “Đổi mới” hay “Đổi lối” trong định hướng phát triển?

PV:. Thưa GS, GS nhận xét gì về đề án đổi mới giáo dục đại học? Tính khả thi của đề án này đến đâu? Nó có phù hợp với thực tiễn ViệtNamhay không?

GS Nguyễn Xuân Hãn: Trong kỷ nguyên thông tin và hội nhập, việc đổi mới giáo dục ĐH là cần thiết. Đề án này mới là mong muốn Giáo dục đại học Việt Nam sớm hội nhập vào GD ĐH quốc tế. Song từ mong muốn tới thực tiễn còn một khoảng cách xa. Xin dẫn ra một vài con số cụ thể. Từ nay đến 2020 sẽ có 900 trường ĐH & CĐ 9trung bình mỗi quận huyện khoảng 2 trường). Để tiến nhanh vào kinh tế trí thức, với mức độ tuyển sinh; thì có 2 năm sẽ có 3000 người bảo vệ luận án tiến sĩ, bằng số lượng mà Liên Xô trước đây, CHCL Nga hiện nay đào tạo cho Việt nam hơn 50 năm qua!

Ông Trần Hồng Quân yêu cầu phải “cởi trói”, “giải phóng”. Giáo dục phải được trao cho thị trường tự điều tiết, và “đánh giá”. Mục tiêu và triết lý giáo dục đều phải thay đổi. (Triết lý là cách gọi của phương Tây, còn bên ta triết lý được hiểu là quan niệm nói theo cách thông thường ở nước ta). Theo dư luận Đề án chưa hội tụ đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, nên nhiều người trong ngoài ngành khó hiểu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Gia Khiêm đã phải lên tiếng nhắc nhở “ Hệ thống giáo dục VN trong thời gian tới nên theo mô hình, hệ thống tổ chức như thế nào là câu hỏi đại sự cần giải đáp ”. Một nhược điểm lớn của giáo dục là chưa tận dụng hết chất xám trong ngành, chứ chưa nói quy mô toàn xã hội. Việc kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu như thế nào ? Điều này Quốc hội phê phán rất nhiều lần… (VietnamNet 10/5/2006)

Về mặt pháp lý, theo điều 100 của Luật GD có hiệu lực từ 1/1/2006. Đề án này phải được trình ra Quốc hội xem xét, quyết định trước khi triển khai. Còn nội dung đề án xin lưu ý đi ngược lại tinh thần của Điều 36 Hiến pháp năm 2002. Điều này đã được Uỷ ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội nhắc nhở, nhưng không rõ tại sao ý kiến này bị rơi vào khoảng trống.

Giới giáo dục Đh ở các trường cũng còn chưa biết có đề án đổi mới này, chứ chưa nói là được bàn bạc dân chủ để triển khai…

PV: Liệu đề án có phù hợp với thực tiễn ViệtNam, nhất là khi chúng ta phải vay rất nhiều tiền để làm “Dự án giáo dục”?

GS Nguyễn Xuân Hãn: Bất cứ quá trình đổi mới nào mang tính xã hội, cũng phải xem xét mình đang ở vị trí nào, sự đổi mới nhằm mục tiêu nào cụ thể, trong tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện nay, và toạ đọ nào trong cộng đồng giáo dục đại học quốc tế. Bằng cấp của giáo dục đại học nước ta chưa được công nhận trên thị trường lao động quốc tế. Khoa học công nghệ thua Thái Lan 30 năm, và thu thế giới 50 đến 100 năm.

Việc đổi mới giáo dục đại học từ năm 1987 khởi đầu bằng việc sao chép mô hình, chương trình đào tạo đại học của Thái Lan trước đây, nay dự kiến nhập khẩu giáo dục của phương Tây dựa vào vay tiền ở bên ngoài. Sự sao chép từ bên ngoài đã làm cho ĐHQG (thực chất là ĐHTH) của nước ta thua ĐHTH Chulalongkon của Thái Lan khoảng 50 bậc, thì việc nhập khẩu giáo dục hiện nay, sẽ đẩy giáo dục đại học nước ta trở về điểm xuất phát của những năm đầu của thập niên 50 của thế kỷ trước.

Đề cương xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế, theo chuyên gia nước ngoài (GS Thomas-vailley- trong thư gửi cho Thủ tướng Phan Văn Khải ngày 22/7/2005), sẽ bắt đầu xây dựng từ đại học với chương trình giảng dạy đại cương?

Đề án này được dự kiến là 20 tỷ USD. Nợ nước ngoài của Việt Nam hiện nay là 20 tỷ USD. Theo tiêu chuẩn quốc tế thì mức nợ này đã nằm ở vùng báo động đỏ (mức nợ chiếm từ 30% đến 50% GDP). Riêng giáo dục kể từ 1993 đến nay vay trung bình mỗi năm là 100 triệu USD, chưa kể các chương trình xoá đói giảm nghèo trong đó có kinh phí giáo dục. Liệu có nên tiếp tục vay tiền cho dự án này không? Để nhập chương trình và sách của nước ngoài, xây ĐH đẳng cấp quốc tế? Có một thực tế, hiệu quả các dự án vay nước ngoài do giáo dục phổ thông đều thấp, chưa nói lãng phí và tiêu cực, và làm cho việc dạy và học mất ổn định triền miên, vì cách vay cũng “cắt khúc chia đoạn”, hệt như biên soạn sách giáo khoa. Kể từ 2003 đến nay, mức kinh phí cho giáo dục ít nhất là 4 tỷ USD trong đó 50% của Nhà nước và 50% của dân.

Theo thiển nghĩ của tôi đề án không khả thi, chưa nói ta đang xa rời mục tiêu giáo dục của Đảng.

PV: Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển nhấn mạnh, đến năm 2009, cơ bản đổi mới toàn diện phương thức tuyển sinh, kết hợp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một. Vậy việc gộp hai kỳ thi này dựa trên cơ sở nào? Theo GS, tính khả thi của việc này đến đâu?

GS Nguyễn Xuân Hãn: Kỳ thi tốt nghiệp THPT là thi đạt chuẩn nhất định, còn thi ĐH và CĐ là kỳ thi cạnh tranh. Tính chất hai kỳ thi này khác nhau. Việc gộp chúng lại e rằng hiệu quả rất thấp và khó thành công.

Xin đơn cử một bài học mà nước Nhật đã rút ra sau khi gộp các kỳ thi này không thành công. Sau Nhật chỉ giữ kỳ thi ĐH, còn thi tốt nghiệp sử dụng hình thức nhẹ nhàng, gần như bỏ. Kinh nghiệm này đang trở thành xu thế chung của các nước châu Á, trong đó Trung Quốc nghiên cứu vận dụng.

Việc đổi mới thi cử ĐH & CĐ đã được khởi xướng từ 1987 đến nay qua hàng loạt cải cách.

Cải cách đầu tiên là giao cho các trường khâu chấm và tuyển, còn Bộ giữ khâu và bán hồ sở đăng ký, các bộ sách đề thi với bài giải sẵn. Thực tiễn nảy sinh ra nạn phao thi tràn lan. Một tờ giấy vài chục đồng, nhưng “sự mua bán” ở phạm vi quốc gia con số là hàng tỷ.

Cải cách tiếp theo “mở rộng diện tuyển thẳng” cho học sinh giỏi ở phổ thông. Trước đây chỉ tuyển học sinh giỏi đạt giải quốc gia và quốc tế. Việc “mua điểm” và thay học bạ, cấy điểm, diễn ra nhức nhối, dư luận phản đổi quyết liệt.

Phương án thưởng điểm học sinh giỏi lại ra đời để thay thế việc mở rộng diện tuyển thẳng. Nhiều gian dối và tiêu cực, lại nằm ngoài tầm kiểm soát.

Xin lưu ý, khi đưa ra cải tiến thi cử, Bộ GD-ĐT chẳng hỏi ai, nhưng khi từ bỏ những cải cách này, hàng trăm cuộc họp lớn bé được Bộ tổ chức để “hỏi dân”, rồi mới quyết định bỏ.

Các kỳ thi quốc gia như tối nghiệp phổ thông, thi ĐH & CĐ ở nước ta được coi như thực thi “phép nước”.

Nhưng nhận thức của những người có trách nhiệm còn quá nhiều bất cập kiểu sai đâu sửa đấy, giống hệt kiểu chỉnh sửa chương trình giáo dục. Sai sót gây hậu quả nghiêm trọng. Ví đụ “điểm sàn” - 13 trong kỳ thi 2002-2003 được tìm ra chậm. Khoảng 296.115 thí sinh đáng lý trượt thật (dưới điểm sàn 13) nhưng đã có cơ may thành đỗ thật, và đại bộ phận 347.484 thí sinh đáng lẽ ra đỗ thật (trên điểm sàn 13) nhưng rất tiếc lại bị trượt oan (Báo Nhân dân 23-8-2005) hay sự cố Phú Yên do không có đề dự trữ. Có lẽ đây là hiện tượng lạ, chưa từng có trong lịch sử giáo dục trong và ngoài nước.

PV: Trong 9 vấn đề tổng kết hội nghị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển thì vấn đề đầu atiên, cấp bách nhất của giáo dục ĐH từ nay đến 2020 mà các trường Đại học phải tập trung làm là chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ. GS có nghĩ như vậy không? Phải chăng đó là giải pháp tối ưu cho các trường ĐH?

GS Nguyễn Xuân Hãn: Việc tổ chức dạy và học thường chia thành một số loại chính: - Theo môn học và sắp xếp theo học kỳ (được gọi là đào tạo theo niên chế ) hoặc theo vấn đề (như vật lý đại cương, toán giải tích, v.v…), được gọi là chứng chỉ (Certificat), hoặc theo đơn vị thời gian nhất định (16 hoặc 30 giờ) gọi là tín chỉ (Cresit)

Niên chế, chứng chỉ và tín chỉ coi là phương thức tổ chức đào tạo. Ở bậc đại học là tự học, tự nghiên cứu theo hướng dẫn. Đầy đủ sách (SGK, sách tra cứu, giáo trình, và tài liệu) là yêu cầu tối thiểu mà nhà nước nào cũng quan tâm. Lưu ý, sách trên thế giới không thấy cuốn này dạy theo niên chế, cuốn kia dạy cho chứng chỉ hay tín chỉ, mà chỉ có cái gốc chung là sách.

Tín chỉ có thể có ưu thế đối với người vừa học vừa làm, hay đào tạo tại chức, song lại bất lợi trong việc “trồng người” và quản lý. Trong hệ chính quy, ba phương thức đào tạo theo niên chế, chứng chỉ và tín chỉ là như nhau.

Việc “đói sách học chay” diễn ra triền miên suốt 20 năm đổi mới, mà chưa có lời giải. Hiện nay, không có bất cứ Ban giám hiệu nào, kể cả hai ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định được “ bao giờ mỗi môn học trong đại học nước ta có một giáo trình ”, còn ở nước ngoài mỗi môn học có thể vài chục cuốn.

Chuyển đổi từ niên chế sang chứng chỉ, tín chỉ hay ngược lại trên cơ sở nào? khi không có cuốn sách. Tại sao GS Tạ Quang Bửu, vừa làm Bộ trưởng, Tổng biên tập và Giám đốc NXB? Cuộc đời của GS Tạ Quang Bửu là một bài học lớn cho các nhà khoa học tham gia quản lý.

PV: Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long có nói: “Tuyển sinh vào đại học không thể tránh được ảo”. GS có nghĩ như vậy không? GS có giải pháp nào tránh được tình trạng thí sinh ảo hiện nay? Việc tuyển sinh trước đây có xảy ra hiện tượng này?

GS Nguyễn Xuân Hãn: Thi vào ĐH & CĐ theo phương thức “ba chung” được tiến hành ở nước ta trong những năm bảy mươi của thế kỷ trước.

Căn cứ vào kinh nghiệm và thực tiễn xin khẳng định không hề có “ảo”, không hề có học sinh được 27 điểm ba môn (trung bình 9 điểm/môn) mà trượt, trong khi đó 4-5 điểm vẫn đỗ vào ĐH&CĐ.

Vậy “ảo” hiện nay, xuất xứ từ đâu? Phải chăng do “lạm thu” và “tính nhầm”.

Sự “lạm thu” do bán hồ sơ và thu lệ phí, bộ phận có trách nhiệm có “doanh số” 20 tỷ đồng/năm kể từ 2002.

Việc đặt ra các nguyện vọng (NV) là sáng tác mới của lãnh đạo Bộ GD&ĐT so với kịch bản “ba chung”, NV1, NV2 và NV3 nào được xét trước, hay xét sau, hay xét đồng thời là bất cập, khi chưa xác định được “điểm sàn” chung.

Xin lấy ví dụ, NV1 và NV2 đã có năm được xét đồng thời khi xét tuyển. Cơ sở tư duy là 108 trường ĐH, thì chỉ cần 216 lần trao đổi đĩa mềm. Thực tế số lần trao đổi đĩa mềm theo kiến thức sơ đẳng của phổ thông cũng là hàng vạn lần lớn hơn dự kiến. “Ảo” năm đó rất lạ, không rõ nguồn gốc. Nó nằm trong sự tư duy của người chỉ đạo!. So với chỉ tiêu, số lượng trúng tuyển đã phải gọi đến 300% con số được phép tuyển, 400% và thậm chí 500%.

Rõ ràng, việc “lạm thu” và “nhầm lẫn” trong tư duy là nguyên nhân sâu xa làm xuất hiện “ảo” trong tuyển sinh. Dựa vào cơ sở khoa học và thực tiễn, xin khẳng định “ảo” hoàn toàn có thể loại bỏ . Việc ổn định thi cử ĐH&CĐ suốt 20 năm đổi mới đang bức thiết sau việc ổn định chương trình giáo dục và sách giáo khoa.

PV: Cựu Bộ trưởng Giáo dục, ông Trần Hồng Quân, cho rằng, việc “thả” chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường có thể làm ngay trong năm tới. GS nghĩ thế nào?

GS Nguyễn Xuân Hãn: Kinh tế quyết định quy mô phát triển giáo dục. Tỷ lệ trung bình SV/dân thế giới là 1 SV/100 dân, Trung Quốc là 1,2 SV/100 dân, còn ở ta hiện nay là 1,63 SV/100 dân, trong khi đó thu nhập quốc dân của Trung Quốc gấp 2 lần Việt Nam.

Theo điều tra ở TPHCM, 75% SV tốt nghiệp ra không có việc làm, hoặc có làm thì không đúng ngành nghề của mình được đào tạo. 25% có việc làm, những chỉ đạt 1%-2% SV có thể làm việc ngay, không phải đào tạo lại. Mặc khác cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ trung bình 1 ĐH (Cử nhân, kỹ sư, bác sĩ)/ 4 Trung cấp kỹ thuật/ 10 Công nhân kỹ thuật. Tại VN hiện nay 1/1,16/0,92. Rõ ràng, việc đào tạo thầy nhiều hơn thợ đang gây lãng phí lớn. Bác Hồ luôn căn dặn “đào tạo phải gắn với sử dụng”.

Việc thả nổi chỉ tiêu không mang lợi cho người học và nhà nước, và giáo dục ngày càng xa rời với mục tiêu của giáo dục là phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội.

PV: Việc thay đổi triết lý giáo dục, mà ông Trần Quốc Toản – Phó Văn phòng Chính phủ, phát biểu có liên quan đến quan điểm “tính đúng tính đủ” vào học phí gần đây.

GS Nguyễn Xuân Hãn: Đây là nội dung quan trọng. Để làm rõ cơ sở lý luận cách tính học phí xin cung cấp một số thông tin để tham khảo. 1/ “Giáo dục của dân, do dân và vì dân” là triết lý giáo dục của các nước XHCN; 2/ “Giáo dục được xem là lợi ích công, cung cấp rộng rãi cho mọi người không phân biệt giàu nghèo” được thịnh hành ở nhiều nước trên thế giới; 3/ Còn “Giáo dục được coi là hàng hoá” và “tính đúng tính đủ” vào học phí là triết lý mới về giáo dục, nhằm thương mại hoá mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội với mục đích loại bỏ vai trò Nhà nước và thúc đẩy tiến trình tư nhân hoá, thị trường hoá, tự do hoá trong đó có giáo dục. Xin lưu ý, triết lý mới này không phải được chấp nhận rộng rãi trên thế giới ngày nay, kể cả những nước có kinh tế thị trường phát triển. Chỉ có hai ba nước ủng hộ triết lý này với mục đích kinh doanh và xuất khẩu giáo dục sang nước nghèo, chứ chưa hẳn thương mại hoá giáo dục nước mình. Việc đổi mới cách tính học phí trong đề án mà Bộ Giáo dục – Đào tạo trình Chính phủ thời gian qua, thực chất là sự thay đổi lớn, thay đổi bản chất GD, và đi ngược lại với thể chế Nhà nước ta hiện nay. Quan điểm của ông Trần Hồng Quân và một vài quan chức có trách nhiệm trong thời gian gần đây, không biết do vô tình hay hữu ý không nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng lại sính ngoại, vô tình đã dẫn giáo dục đi theo một hướng khác hẳn?

PV: Xin cám ơn Giáo sư.

Nguồn: Văn nghệ trẻ,28/5/2006

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phát triển kinh tế báo chí trong chuyển đổi số
Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cấp thiết và quan trọng hàng đầu nhằm đạt mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.