Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2005: Các giải pháp khoa học công nghệ xây dựng công trình phòng thủ bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 1956-1975
Đây là cụm công trình của các tác giả: KS Nguyễn Trọng Quyển, KS Bùi Danh Chiêu, KS Nguyễn Quán Hồng, KS Lương Lâm, KS Nguyễn Cao Ðàm, TS Chu Việt Cường, TS Vũ Quý Khôi, KS Nguyễn Bá Thiện, TS Trần Xuân Nam, KS Nguyễn Thanh Tâm, TS Phạm Hoàng Vân, KS Ðào Văn Huệ, KS Trịnh Minh Thanh, KS Phan Lưu Long, KS Nguyễn Cát, KS Nguyễn Giáo, TS Nguyễn Quang Hưng, TS Nguyễn Hữu Phúc, GS,TS Nguyễn Mạnh Kiểm, đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2005.
Sau chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, đất nước tạm chia làm hai miền. Ðể bảo vệ vững chắc miền bắc xã hội chủ nghĩa, năm 1956, Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Phòng Công trình quốc phòng, với nhiệm vụ tổ chức xây dựng các công trình phòng thủ bảo vệ miền Bắc. Lực lượng cán bộ kỹ thuật ban đầu của phòng là cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn từ các đơn vị công binh trong kháng chiến chống thực dân Pháp, phần lớn chưa qua đại học, mà chỉ được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn ngắn hạn do các chuyên gia Trung Quốc hướng dẫn. Do tính chất tuyệt mật của các công trình, nên việc tham gia giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực này của các chuyên gia xây dựng bên ngoài thật sự hạn chế. Bằng sự phấn đấu không mệt mỏi, tập thể cán bộ kỹ thuật trong ngành không những đã xây dựng được một hệ thống công trình phòng thủ vững chắc trên đất liền, ngoài hải đảo, góp phần không nhỏ trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, mà còn đóng góp rất nhiều về khoa học và công nghệ.
Những nội dung khoa học và công nghệ chính trong cụm công nghệ này bao gồm: những kết quả nghiên cứu và xây dựng cơ sở khoa học cho công tác thiết kế, quy hoạch công trình quốc phòng; phát triển, áp dụng sáng tạo công trình đặc biệt; nghiên cứu vật liệu ứng dụng đặc biệt; giải pháp bảo đảm điều kiện môi trường bên trong công trình quốc phòng. Trong công tác thiết kế công trình, các nhà khoa học đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Công trình quốc phòng có những điểm khác biệt lớn so với các công trình xây dựng thông thường về chế độ tải trọng và kết cấu. Do vậy, để thiết kế, xây dựng các công trình quốc phòng đòi hỏi những người làm công tác này phải có cơ sở lý luận về quy hoạch và tính toán riêng. Trên cơ sở nghiên cứu các thủ đoạn đánh phá và phương tiện vũ khí của địch bằng phương pháp thống kê toán học kết hợp kinh nghiệm chiến đấu, nhóm cán bộ nghiên cứu đã xây dựng được nguyên tắc bố trí quy hoạch hợp lý cho các loại trận địa ở các loại địa hình khác nhau, đồng thời đánh giá được hiệu quả công trình khi chịu tác động của bom đạn; hoàn chỉnh số liệu tính toán về bom, đạn; phân loại công trình quốc phòng thành năm loại chống đỡ; biên soạn "Sổ tay thiết kế công trình quốc phòng", Bộ Tư lệnh Công binh xuất bản năm 1969. Tài liệu này được xem như là cơ sở quan trọng của một số môn học đang được giảng dạy tại Học viện Kỹ thuật quân sự, là cuốn cẩm nang không thể thiếu của các cán bộ làm công tác xây dựng công trình quốc phòng.
Hội đồng Giải thưởng quốc gia đánh giá: Các tác giả tham gia công trình đã hoàn chỉnh số liệu tính toán về bom, đạn, đánh giá hiệu quả công trình chịu tác động của bom đạn. Lần đầu ở nước ta, các nhà khoa học đã làm chủ được kỹ thuật tính toán, thiết kế xây dựng đường hầm khẩu độ lớn 12 - 16 m. Các giải pháp dùng bê-tông độn đá hộc (vừa tăng khả năng chịu lực của kết cấu, vừa tiết kiệm được vật liệu xây dựng quý hiếm thời đó), cải tạo để sử dụng hang đá thiên nhiên, làm các công trình quốc phòng (với hệ thống bảo đảm môi trường không khí an toàn bên trong công trình), phù hợp điều kiện Việt Nam, có tính sáng tạo, bảo đảm thi công nhanh, gọn, an toàn và bí mật, có ý nghĩa thực tiễn, được ứng dụng và phát huy hiệu quả trong một số công trình xây dựng quốc phòng giai đoạn 1956 - 1975.
Nguồn: nhandan.com.vn 15/11/2005