Giá trị tổng hợp của Chương trình Tây Nguyên 3
Phát triển bền vững Tây Nguyên vừa là mục tiêu, vừa là phương pháp luận tổng quát của Chương trình Tây Nguyên 3. Thực tế cho thấy, sau gần 30 năm đổi mới, được Ðảng và Nhà nước đầu tư, Tây Nguyên đã có bước tăng trưởng đáng kể. Song nhiều kết quả nghiên cứu từ khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cho thấy không ít bất cập, hạn chế trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; yếu kém trong quản lý xã hội, thiếu bền vững trong phát triển kinh tế trong từng lĩnh vực và cả vùng lãnh thổ. Thực trạng đó đã dẫn đến xuất hiện các xung đột môi trường tự nhiên và làm nảy sinh các vấn đề xã hội bức xúc... Các nhiệm vụ khoa học của Chương trình Tây Nguyên 3 trong thời gian qua đã xác định hiện trạng, tìm hiểu các nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục trên mỗi lĩnh vực.
Mối liên kết nội vùng, liên vùng và xuyên biên giới cần được xem xét trong bối cảnh của toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng. Nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phát triển bền vững về các lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường các tỉnh Tây Nguyên" cần bám sát mục tiêu, làm rõ hiện trạng phát triển khu vực Tây Nguyên để xác định bộ tiêu chí phát triển khu vực, tỉnh, huyện về kinh tế - xã hội và môi trường. Bám sát thực tế ở Tây Nguyên trong thời gian qua, hơn 600 nhà khoa học chủ trì hoặc chủ nhiệm đề tài đã tập hợp hàng nghìn cán bộ khoa học tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu tình hình Tây Nguyên. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hàng chục nghìn số liệu, dữ liệu đã được xác lập, phân tích và thống kê. Bằng các phương pháp hiện đại được thực hiện ở các phòng thí nghiệm tiên tiến trong và ngoài nước, không ít đề tài đã phát hiện hàng trăm loài sinh vật mới, nhiều hoạt chất sinh học mới có giá trị dược lý và những trí thức bản địa đặc thù. Cơ sở dữ liệu về khoáng sản, về đất, nước, rừng, cũng như các tai biến thiên nhiên đã và đang được xây dựng bằng các công nghệ hiện đại, viễn thám và GIS. Những kịch bản về hạn hán, lũ lụt, biến đổi khí hậu đã được xây dựng và đang được kiểm định cho khu vực Tây Nguyên. Cơ sở dữ liệu nền địa lý được thống nhất cho toàn vùng Tây Nguyên với nhiều tỷ lệ khác nhau, từ 1/250.000 cho toàn vùng đến 1/100.000 cho tỉnh và 1/25.000 cho các huyện. Có thể nói, lần đầu Tây Nguyên có một bộ cơ sở dữ liệu toàn diện, đồng bộ và hiện đại phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong kế hoạch năm năm trước mắt và các năm tiếp theo.
Do giới hạn về thời gian và tài chính cho nên số lượng nhiệm vụ khoa học và công nghệ được lựa chọn triển khai ở Tây Nguyên không nhiều, nhưng thật sự mang tính đặc thù, cấp thiết và có hàm lượng công nghệ cao. Ðáng chú ý, công nghệ hóa học phục vụ xử lý bùn đỏ thành sắt thép và vật liệu không nung (từ khai thác bô-xít) đã thành công ở quy mô công nghiệp, được Chính phủ ghi nhận và mở ra triển vọng xây dựng nhà máy luyện thép ở Tây Nguyên. Công nghệ chế tạo phân bón, chất giữ ẩm đặc biệt có tác dụng ứng phó với hạn hán, cải tạo đất; công nghệ vũ trụ, công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin phục vụ quản lý tài nguyên môi trường, phòng tránh thiên tai; công nghệ sinh học về lai tạo giống cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên... Các nhiệm vụ, đề tài công nghệ cơ bản hoàn thành và đang từng bước được chuyển giao cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh. Vấn đề băn khoăn lớn nhất đối với các nhà khoa học là cơ chế chuyển giao và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh còn nhiều vướng mắc. Cho nên, cần sớm có chính sách đặc thù đối với Tây Nguyên trong chuyển giao công nghệ, khuyến khích xây dựng doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Mặt khác, cần sự liên kết, hợp tác của các nhà khoa học và công nghệ để tạo thành các hệ thống đồng bộ đặc thù cho Tây Nguyên nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn, hệ thống công nghệ quản lý về tài nguyên, môi trường, thiên tai cần kết hợp việc khai thác ảnh vệ tinh VNREDsat-1 với máy bay không người lái và nền mạng viễn thông WIMAX cùng hệ thông tin địa lý đã và đang được nghiên cứu, xây dựng ở Tây Nguyên. Nhóm đề tài khoa học xã hội và nhân văn, qua các cuộc hội thảo đã cho thấy trong giai đoạn đổi mới, việc áp đặt các mô hình kinh tế, văn hóa chưa phù hợp phong trào thực tế ở Tây Nguyên. Bởi vậy, những giá trị đặc thù, trí thức bản địa chưa được huy động vào chuỗi giá trị kinh tế - xã hội. Có nơi, có lúc các mô hình này còn trái với quy luật khách quan dẫn đến các suy thoái và xung đột lẫn nhau. Những đề xuất về tái cơ cấu kinh tế, điều chỉnh cơ chế, chính sách và bước đầu xây dựng các mô hình phát triển bền vững cho Tây Nguyên là hết sức quan trọng. Mục tiêu đề xuất mô hình phát triển bền vững cho Tây Nguyên là một vấn đề lớn mang tính tổng hợp liên ngành cao của Chương trình Tây Nguyên 3.
Ðể giải quyết mục tiêu này đòi hỏi trí tuệ của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý và cả hệ thống chính trị ở Tây Nguyên trong một thời gian đủ dài. Trong giai đoạn cuối của chương trình, nhiệm vụ đề xuất mô hình phát triển bền vững cho Tây Nguyên cần được thảo luận rộng rãi thông qua các hội thảo, hội nghị liên ngành tổ chức ở các địa phương Tây Nguyên trước khi nghiệm thu. Chẳng hạn, bên cạnh các vấn đề về khoa học và công nghệ, cần làm rõ: vì sao liên kết nội vùng trong phát triển kinh tế thời gian qua còn yếu; các nét đặc sắc về địa hình kinh tế, văn hóa chưa được sử dụng hợp lý cho phát triển du lịch, dịch vụ và thúc đẩy liên kết vùng; giáo dục và y tế kém phát triển, tình trạng di dân tự do không kiểm soát được dẫn tới sự phân hóa và nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp ở Tây Nguyên... Có như vậy những kết quả nghiên cứu riêng lẻ của mỗi đề tài, nhiệm vụ khoa học thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 được hoàn thiện hơn; nâng cao giá trị tổng hợp, gắn kết liên ngành và tạo tiền đề chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn Tây Nguyên.