Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 27/01/2015 23:47 (GMT+7)

Giá trị lan tỏa của nghiên cứu do doanh nghiệp tài trợ

Vai trò của doanh nghiệp trong mối quan hệ hợp tác với trường/viện vẫn thường gây nhiều tranh cãi. Ví dụ vào năm 2007 khi công ty dầu mỏ BP thông báo sẽ tài trợ 500 triệu USD cho nghiên cứu về năng lượng thay thế cho ĐH California trong vòng 10 năm đã gây ra phản ứng dữ dội do người ta lo ngại tiền của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến môi trường nghiên cứu, nhiều sinh viên, giảng viên đã biểu tình phản đối với mô hình con ngựa thành Troy. Trước đó, thỏa thuận giữa Khoa Thực vật và Sinh học phân tử của trường với hãng dược phẩm Thụy Sỹ Novartis cũng lâm vào cảnh bị phản đối tương tự. 

Có nhiều lý do dẫn đến sự thận trọng trong mối liên kết tài trợ cho các nghiên cứu trường/viện. Vì vấn đề lợi ích, các doanh nghiệp thuốc lá, thực phẩm, dược phẩm… đã từng lèo lái các hướng nghiên cứu, thậm chí còn ngăn chặn cả những nghiên cứu không có lợi cho mình. Mặt khác, khi nghiên cứu do doanh nghiệp tài trợ thì họ có quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu và những người khác không có quyền được tiếp cận những kết quả này. Vì vậy, người ta mặc định rằng sáng chế của viện/trường do các công ty tài trợ thường khó tiếp cận thông tin và không mang nhiều giá trị hữu ích cho cộng đồng như các sáng chế do chính phủ và các tổ chức NGO tài trợ. 

Nhưng trên thực tế, nhiều ví dụ chứng minh điều ngược lại. Phân tích của GS Brian D. Wright và cộng sự ở ĐH California cho thấy mối liên kết trường/viện và doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể cho tiến trình đổi mới sáng tạo. Theo dữ liệu của chín trường và ba phòng thí nghiệm quốc gia do ĐH California quản lý trong vòng 20 năm qua, phát minh từ mối hợp tác với doanh nghiệp mang lại số lượng bản quyền sở hữu trí tuệ và trích dẫn nhiều hơn hẳn so với các phát minh từ dự án do chính phủ tài trợ. Mặc dù đây chỉ là nghiên cứu tại một trường đại học, nhưng nó góp phần giảm bớt mối lo ngại rằng các viện/trường khi làm nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp sẽ giảm sự đóng góp cho sự phát triển của khoa học và đổi mới sáng tạo. 

Thực tiễn bác bỏ định kiến

ĐH California là một tổ chức nghiên cứu lớn so với đa số các tổ chức nghiên cứu khác thuộc khối trường/viện ở Mỹ. Trong năm 1990 đến 2010, kinh phí được cấp cho các trường thuộc ĐH California chiếm tới 9% tổng số ngân sách chính phủ Mỹ đầu tư cho nghiên cứu khoa học cho các trường/viện. Đổi lại, ĐH California cũng có số lượng sáng chế cao hơn bất kỳ viện nghiên cứu nào của Mỹ. Trong danh sách của cơ quan Quản lý Sáng chế và Nhãn hiệu độc quyền Mỹ (US Patent and Trademark Office), sáng chế của ĐH California thường nhiều gấp đôi so với Viện nghiên cứu Massachusetts. Trong tổng số các phát minh của ĐH California qua các thời kỳ, 20% mang lại ít nhất một giao dịch chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, và gần 25% được cấp bằng sáng chế.

Điều đáng nói là trong số các phát minh từ những dự án có nguồn gốc tài trợ từ doanh nghiệp, có tới 29% mang lại giao dịch chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ và 35% được cấp bằng sáng chế, cao hơn so với các phát minh được tài trợ dự án theo ngân sách nhà nước (con số tương ứng là 22% và 26%). Với những phát minh được tài trợ từ cả doanh nghiệp và nhà nước thì tỉ lệ còn cao hơn, 36% mang lại giao dịch chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ và 43% được cấp bằng sáng chế. Tỉ trọng này khá đồng đều giữa các ngành công nghệ khác nhau. 

Mặc dù các phát minh từ nguồn liên kết tài trợ có nhiều khả năng được cấp bằng sáng chế hơn nhưng điều đó không có nghĩa là việc liên kết khiến phát minh được bảo hộ nhiều hơn. Thực tế là các doanh nghiệp thường lựa chọn tài trợ những dự án có nhiều tiềm năng đem lại những phát minh được cấp bằng sáng chế hơn. 
Các doanh nghiệp tài trợ kinh phí thường muốn độc quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu, tuy nhiên tỉ lệ độc quyền sở hữu trí tuệ ở các nghiên cứu do doanh nghiệp tài trợ (74%) vẫn thấp hơn so với tỉ lệ độc quyền sở hữu trí tuệ ở các nghiên cứu được tài trợ bởi Nhà nước (76%). 

Thêm một bất ngờ nữa là những phát minh từ liên kết tài trợ đã góp phần đem lại sự “lan tỏa tri thức” nhiều hơn so với các phát minh được tài trợ từ ngân sách Nhà nước, xét theo tỷ lệ trích dẫn trên sáng chế - là số lượng trích dẫn mà một sáng chế nhận được từ các sáng chế sau này kế thừa kết quả nghiên cứu của nó. Mỗi phát minh từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp thường đạt trung bình 12,8 trích dẫn nếu giấy phép được cấp cho bên thứ ba (những sáng chế không chuyển nhượng cho bên thứ ba thậm chí còn đạt tỉ lệ trích dẫn cao hơn), trong khi phát minh từ ngân sách chỉ đạt số lần trích dẫn là 5,6. Thực tế này rõ ràng ngược lại với giả thuyết: phát minh từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp thường có phạm vi ứng dụng hẹp và lợi ích thấp hơn so với phát minh từ nguồn kinh phí khác.

Khi doanh nghiệp khích lệ nhà khoa học tìm ra cái mới

Tỷ lệ trích dẫn cao với các sáng chế từ nguồn liên kết tài trợ cho thấy sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp tài trợ cho những nghiên cứu mang tính khai phá, thăm dò. Theo công trình nghiên cứu của nhà xã hội học James Evans tại ĐH Chicago, các doanh nghiệp tìm đến hợp tác với các trường đại học để tìm hiểu thêm những lĩnh vực công nghệ nằm ngoài thế mạnh của doanh nghiệp và sẵn sàng đầu tư cho những nghiên cứu có tính thăm dò – có tính rủi ro cao hơn so với các nghiên cứu ở công đoạn hoàn thiện – để tìm kiếm khả năng thu lợi nhuận. 

Thậm chí Evans còn chỉ ra, các doanh nghiệp thường thúc đẩy trường/viện mạnh dạn khám phá những lĩnh vực mới, thoát khỏi thói quen dè dặt thông thường – các nhà nghiên cứu trong giới hàn lâm thường có thiên hướng cẩn trọng, lựa chọn những dự án nghiên cứu hợp với gu của các chuyên gia bình duyệt, tạp chí khoa học, cơ quan tài trợ. Ví dụ, 500 triệu USD mà công ty BP đầu tư cho nghiên cứu của ĐH California là nhằm tập trung vào lĩnh vực nhiên liệu sinh học từ cellulose trong cây trồng và phụ phẩm nông nghiệp, lĩnh vực mà BP hầu như không có chuyên môn, và kết quả đã mang lại nhiều kết quả nghiên cứu hữu ích nhưng hoàn toàn nằm ngoài chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. 

Trong nhiều trường hợp, chính việc tạo điều kiện chia sẻ thông tin để tạo ra các phát minh đến từ những nghiên cứu kế tiếp của những nhà nghiên cứu độc lập khác sẽ mang lại giá trị cho doanh nghiệp tài trợ nhiều hơn là lợi ích từ việc giữ độc quyền sáng chế ban đầu mà không hề liên quan đến chiến lược kinh doanh của công ty. Theo nghiên cứu sinh Yongdong Liu (ĐH California), gã khổng lồ về công nghệ thông tin IBM đã chia sẻ miễn phí nhiều phát kiến do họ tài trợ nhưng nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn của họ, tuy nhiên sau đó IBM lại tận dụng được rất nhiều từ những nghiên cứu của những người khác kế thừa từ chính những phát kiến này. 

Tìm kiếm phát minh, sáng chế không nhất thiết phải là mục đích chính của các doanh nghiệp. Nhiều khi điều họ muốn là giữ mối quan hệ chặt chẽ, lâu dài với các nhà khoa học hàng đầu và tạo ra những cơ hội để tuyển dụng nhân tài. Ví dụ thỏa thuận hợp tác giữa ĐH California và công ty Novartis không hề mang lại bằng sáng chế nào, và Novartis cũng không gắng sức tạo ra bất kỳ ảnh hưởng nào trong việc lựa chọn các dự án mà công ty tài trợ. Các dự án liên kết trường – doanh nghiệp – Nhà nước thường có tính mục tiêu cụ thể, rạch ròi hơn, dễ đạt kết quả thực dụng hơn, điều đó lý giải tại sao phát kiến từ những dự án có sự tham gia tài trợ đồng thời của Nhà nước và doanh nghiệp thường có xu hướng mang lại các giao dịch thành công trong chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, nhưng thực tế là số lượng trích dẫn kết quả của những nghiên cứu liên kết này không cao hơn các nghiên cứu khác thuần túy do doanh nghiệp tài trợ. 

Như vậy mối liên kết trường/viện và doanh nghiệp không chỉ góp phần tạo ra nhiều phát minh có tính ứng dụng cao mà còn thúc đẩy sự lan tỏa tri thức trong xã hội. Nếu giữ định kiến rằng các doanh nghiệp luôn thực dụng, ích kỷ mà bỏ qua việc hợp tác, các nhà khoa học sẽ mất đi cơ hội được tài trợ cho những dự án mang lại giá trị hữu ích lan tỏa xa hơn lợi ích riêng của bản thân nhà nghiên cứu và nhà tài trợ.  

Từ lâu, chính phủ Mỹ đã ủng hộ mối liên kết giữa doanh nghiệp và viện/trường bởi hai nguyên nhân: thứ nhất, chính phủ hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, qua đó đem lại nhiều cơ hội việc làm, tăng tỷ trọng đầu tư vào sản xuất và tăng giá trị sản phẩm; thứ hai, mối quan hệ hợp tác này cũng làm bớt gánh nặng ngân sách chính phủ Mỹ đầu tư cho khoa học. Gần đây, trong bối cảnh chính phủ Mỹ đã cắt giảm ngân sách đầu tư cho khoa học, các trường/viện buộc phải tìm kiếm tài trợ từ các doanh nghiệp. Theo báo cáo từ Quỹ Tài trợ khoa học Quốc gia Mỹ (NSF), trong năm 2012, các doanh nghiệp đã cung cấp hơn 5% (tương đương 3,2 tỷ USD) cho các nghiên cứu trong trường đại học Mỹ.

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phát triển kinh tế báo chí trong chuyển đổi số
Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cấp thiết và quan trọng hàng đầu nhằm đạt mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.