Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 16/04/2008 23:48 (GMT+7)

Ghi chép trong Cải cách ruộng đất

18.5.1953

Hôm nay, hội nghị vẫn tiếp tục họp để nghe báo cáo của các đội. Nhưng mình không dự hội nghị, mà đi dự cuộc đấu địa chủ Nguyến Văn Bính, tức Tổng Bính tại xã Dân Chủ. Sáng đi sớm. Có chuẩn bị đồ ăn mang theo. Theo lối rẽ vào làng Trung Thần, đã thấy từng tốp người từ các ngả đường kéo đến. Mình chưa rõ địa điểm tập trung, đi lẫn vào đám đông người. Trong đó có cả những người bồng bế con thơ đi theo. Mình chú ý thấy đôi người đàn bà mặc quần áo mới. Lũ trẻ con tranh nhau chạy trước. Một thanh niên leo lên cây me vệ đường rung cây cho quả rơi xuống để mọi người nhặt ở dưới gốc cây. Mình có ấn tượng như đi xem hội ở vùng quê. Họ không nói chuyện gì về đối tượng sắp đem tranh đấu cả. Vào một nhà tập hợp. Những Uỷ viên Chấp hành Nông hội xã và cán bộ đội công tác đương tíu tít về nhưng công việc tổ chức, ban tiếp tế nấu từng chảo cơm, bày từng dãy mâm cơm cho những “tân khách” ai muốn ăn thì ghi tên vào với giá tiền 3000 đồng một bữa. Mình mặc dầu đã đem cơm nếp đi theo, cùng ngồi vào ăn. Dọc đường đi đến trường sở ở trong rừng, có dân quân du kích và công an xã vác súng đi lại canh gác. Từng chòm người ngồi xúm xít dưới bóng cây hay ở trong một chiếc nhà trống. Một chị phụ nữ bán xôi và bánh khúc tha hồ đắt hàng. Nhưng cho mãi đến gần 11 giờ cuộc đấu mới bắt đầu.Vì thôn nọ phải chờ thôn kia, xóm nọ chờ xóm kia. Có người đi từ sáng sớm, chưa kịp ăn cơm. Có người gần trưa mới tới. Ban tổ chức đã không giao trách nhiệm chặt chẽ những người phụ trách các khu vực hướng dẫn quần chúng đến cho được đúng giờ hay ít nhất là không chậm trễ quá. Mình có ý ngồi lẫn vào trong đám quần chúng để nghe ngóng dư luận, nhưng không thấy gì. Một anh bạn hỏi một người ngồi bên thì y nói: “Tôi đối với ông ấy (chỉ địa chủ Tổng Bính) cũng không có chuyện gì”. Ban tổ chức đi gọi người nào có “vấn đề” với địa chủ thì vào trước. Một số người lững thững đi vào. Có người không chịu vào trước, nói: “Tôi có ít thôi, để nói vào cuối cùng”. Nhưng có ai biết được người tố cuối cùng sẽ là ai?

Trường sở tranh đấu tại một khu rừng thưa, gần cánh đồng bên một cái đình. Không có hầm hố tránh máy bay gì cả. Cũng may là hôm nay trời nắng ráo. Nếu không trời mưa thì sẽ ra sao. Ngoài lá quốc kỳ và ảnh Hồ Chủ tịch, những khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!”, “Triệt để giảm tô, kể cả thoái tô. Thực hiện giảm tức”, “Phát triển sản xuất. Thực hành tiết kiệm” và một chiếc băng dài đề “ Đả đảo và trừng trị xứng đáng tên địa chủ cường hào gian ác Nguyễn Văn Bính”. Mình nhận thấy không có một khẩu hiệu phản đế nào. Một thói quen trong lúc này là người ta mải nhìn vào địa chủ phong kiến mà quên kẻ thù đương phải tranh đấu bằng vũ trang là đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ. Trước mấy chiếc bàn để dành cho Chủ tịch đoàn và Ban thư ký, một chiếc bục kê lên cho địa chủ quỳ và đằng sau có những biển quy định chỗ ngồi: “Địa chủ ngoan cố”, “Địa chủ thanh toán”, “Phú nông nói láo”, “Phú nông chưa thành khẩn?” và “Những người phú nông”. Số quần chúng đến dự độ 700 người trở lại. Có cả một số bộ đội và những nhân viên cơ quan ở gần. Ban điện ảnh Nha thông tin có đến quay phim. Theo lời căn dặn của Chủ tịch đoàn, thì, khi máy quay phim sè sè, mọi người không nên nhìn vào mà phải”căm thù địa chủ”. Lễ khai mạc bắt đầu. Trên ghế Chủ tịch đoàn là Ban chấp hành Nông hội, nghĩa là bần, cố, trung nông. Có cả một phụ nữ và một thương binh. Phát ngôn nhân của Chủ tịch đoàn cũng dõng dạc mạnh bạo, không kể vô số những sai lầm về danh từ cũng như về văn phạm. Những lời tuyên bố đầu tiên đã lộn xộn giữa phú nông và địa chủ. Người ta không nói ngay đến địa chủ thủ phạm, mà đã kể đến từng “tên” phú nông thuộc các loại, do du kích áp dải “mời” đến hội tường. Chủ tịch truyền lệnh cho cử toạ hễ thấy địa chủ vào thì hô đả đảo. Một việc làm không cần đến mệnh lệnh! Đến lượt địa chủ vào. Hai tay bị trói quặt ra sau, nhưng vẫn phải bò từ ngoài vào, đeo bên mình những gói quần áo. Ngoài tiếng hô đả đảo, nhiều người ngồi gần lối y bò vào cũng với tay ra đánh tát tơi bời. Không đợi để quỳ lên bục, một người đã túm lấy tóc mà “tố”. Trận vũ bão bắt đầu.

Một phụ nữ đang đấu tố địa chủ

Một phụ nữ đang đấu tố địa chủ

Mình đã đọc hồ sơ của B(Bính), biết rõ tội ác của B. B trước làm lý trưởng rồi phó tổng trong hồi Pháp thuộc. Sau Cách mạng tháng Tám, B. làm chủ tịch UBHCKC (Uỷ ban Hành chính kháng chiến)xã hội UBHCKC huyện. B. cũng là đảng viên cộng sản đầu tiên ở đây. Một số người vào tố đầu tiên buộc tội cho B. đã làm tay sai cho Cung Đình Vận, tuần phủ Thái Nguyên ngày trước, để lùng bắt ViệtMinh và đồng chí Chu Văn Tấn. Tuy vậy, ngoài một người ra, hầu hết mọi người khác đều không đem được ra những bằng chứng cụ thể. Có người không nói được rõ cả việc xảy ra ở đâu, ngày tháng nào. Kếtquả là B. chỉ nhận sau cuộc đảo chính Pháp, có nhiều trộm cướp xảy ra, mình làm tổng lý phải đem lính dân quân và tuần phiên đi gác, thế thôi. Đến lượt tố về các vấn đề kinh tế. Một điểm đáng chú ýlà trong khi đấu với địa chủ mà không nổi bật lên những cái gì là chiếm đoạt ruộng, đất hay tô tức. Người ta chỉ lao vào những việc phụ khác như ăn hối lộ, quỵt tiền công, tham ô, đánh người v.v… Cómột số người mà phần nhiều là phụ nữ tố tên B. Bằng một giọng kể lể tự nhiên thì được công chúng nghe rõ ràng và thấm thía. Một chị chỉ vào cái quần mới của mình mà nói: Ngày nay tao có cái quần lànhmà mặc là do Hồ Chủ Tịch, ở Đảng, ở Chính phủ, chớ cứ ở với nhà mày thì suốt đời mình trần trôn trã thôi! Một bà khác đau xót vì chồng bị B. đánh 3 cái ba toong và khi B. vào nhà sục bắt cán bộ trongthời bí mật, cán bộ chạy làm vỡ một rổ bát để nhà bà không có cái bát mà ăn. Một chị ở giơ cái chân khập khiễng vì bị sâu quảng để truy nguyên vì B. mà què chân. Một anh ở khác tố cáo B. không cấpthẻ thuế thân trong thời Pháp thuộc nên không ai đi đâu được. Tuy vậy, có bà kể lể vì bị quỵt ba nồi thóc, đi tới kết quả là con ốm bị chết đã kết luận bằng câu: Vậy mày có trả ba nồi thóc không?Cũng một bà khác có anh ở cho B. ốm chết, rồi cũng suy luận theo kể trên để đi tới đòi mấy nồi thóc tiền công.

Địa chủ phải cúi đầu nhận tội

Địa chủ phải cúi đầu nhận tội

Một anh thành niên tên là Tăng Minh tố đi tố lại khiến người ta chỉ hiểu mang máng được rằng B. Định dùng một đứa con gái tên là Dự bắt chim y để lấy tài liệu KT, nhưng lại không đem được conDự ra để B. hết chối cãi. Một chị chấp hành nông hội ngồi ghế chủ tịch Đoàn là chị Tân đã tố cáo B. cướp một con trâu với tinh thần căm tức dào dạt, nhưng chị vừa nói vừa vỗ tay xỉa xói vào mặt B.Khiến mình có cảm tưởng như nghe cuộc cãi nhau của một mụ bán hàng chua ngoa ở chợ Đồng Xuân.

Ngoài ra, không thiếu những câu vô lý đến phì cười. Có người tố B. đã quên tiền của mình và đóng cho Việt Minh trước cuộc cách mạng tháng Tám mà không nói rõ B. đe doạ nếu không quên thì sẽ bị giết. Có người tố B. đã làm chết 2 người du kích chỉ vì B. đã phải đi bố trí trong khi quân Pháp tiến lên Thái Nguyên năm 1947. Có người còn tố B. đã làm thịt lợn đãi du kích mà lợn đó là lợn nhà của B. Một người hùng hổ tố lên tố xuống đến hai lần chỉ vì đã bị B. bảo là “ăn cơm rong thiên hạ”. Một anh tự xưng là bộ đội Anh Bắc trước cuộc cách mạng trong khi tố B. đã quên “quảng cáo” cho B. là B đã đốt bằng sắc của thời Pháp thuộc. Một anh phu phà nhắc lại chuyện năm xưa đã bị B. đánh một cái tát vì té nước vào quần B. rồi cứ sừng sộ hỏi mãi: “mày có phải là cán bộ không?” Nhiều người tố giác B. đã thừa cơ ăn cắp vải, đồng hồ, súng lục,.v.v…. khi Quân giải phóng đánh chiếm Thái Nguyên tháng 8 - 1945 rồi sau khi nghe B. phân trần, người ta vẫn cứ truy mãi. “Thế còn đạn mày lấy ở đâu?”. Cuộc tranh đấu càng kéo dài, nhưng vấn đề đem ra tố càng trở nên lung tung, tản mạn. Một chị phụ nữ là y tá của một cơ quan cũng lăng xăng chạy vào hỏi chiếc bút Parker bị mất năm trước khi cơ quan còn đóng ở nhà B. Một người khác kể tội B. khi dạy học đã dùng thước đánh mình. Nói tóm lại người ta không còn thấy gì là tính chất của giai cấp đấu tranh của nông dân chống địa chủ nữa.

Nếu mình hôm ấy chỉ là một người xa lạ đến dự thì sẽ không biết B. có phải là địa chủ cường hào gian ác không? Và vì sao phải đem ra tố. Khuyết điểm là Chủ tịch đoàn, trước khi đem tố không giới thiệu tóm tắt những tội trạng của y rồi mọi người đem bằng cớ để chứng thực. Những phần tử cốt cán đem ra tố đã bị bồi dưỡng theo một kiểu cách sai lệch đến lố bịch. Đại để anh nào chạy ra cũng đầu tiên vỗ ngực bằng một câu hỏi: “Mày có biết tao là ai không?” Và “Mày đã dựa vào thế lực nào?”, “Đéo mẹ tiên sư mày, không nhận tao đánh bỏ mẹ bây giờ?” v.v… Bằng những cử chỉ hùng hổ và quát tháo om sòm, lại không có lý lẽ gì cũng không đem được ra chứng cớ. Ngu ngốc đến nỗi khi nhắc đến những việc làm trong thời Pháp thuộc của B., rồi hỏi “Mày đã dựa vào thế lực nào” là có ý chỉ vào thế lực đế quốc, cái đó đã đành. Tới khi hỏi những việc đã làm của B. bằng danh nghĩa chính quyền của ta, cũng cứ gạn hỏi “Mày đã dựa vào thế lực nào?”. Và nếu quên hỏi câu này thì lại có người khác nhắc hỏi. Đã thế, không cho “phạm nhân” được trả lời, vì trả lời tức là “ngoan cố”. Những tiếng quát tháo: “Mày còn chối, tao đánh bỏ mẹ mày bây giờ ?” và những tiếng hò hét của công chúng ở ngoài: “Không cho nó nói”, “Không cho nó phân trần” chỉ tỏ ra những hèn nhát, yếu ớt, không tin được vào lý lẽ của mình. Sau khi Chủ tịch đoàn đọc bản cáo trạng, mình phải lấy làm ngạc nhiên là cuộc tố đã không nêu ra được những tội trạng của B. Chẳng những thế, người ta bắt tội nhân phải quỳ trên sàn gỗ tính ra thì 11 giờ đến 4 rưỡi chiều. Mỗi khi nạn nhân run rẩy gục xuống thì những tiếng hét xung quanh lại vẳng lên “quỳ cao lên!” Anh du kích đứng sau lưng thỉnh thoảng lại dọi một báng súng mỗi khi thấy tội nhân quỳ thấp xuống, nghĩa là đặt đít vào hai gót chân.Có lúc Chủ tịch đoàn ra lệnh cho B được ngồi xuống một tí thì người tố và quần chúng lại bắt quỳ cao lên. Ngoài hình phạt bắt quỳ thường xuyên người ta còn đánh đập tội nhân rất tàn nhẫn. Mỗi người ra tố, theo thói quen và bắt chước lẫn nhau, đều nắm tóc tội nhân để giật hỏi. Sau mấy câu hỏi không đi đến đâu người tố thấy mình trơ trẽn nên phải kết thúc bằng một cái tát để xuống đài. Có người đã thoi vào mang tai tội nhân. Có người đá phốc lên bụng tội nhân. Trong khi ấy, Chủ tịch đoàn hay một vài người ở ngoài chỉ khuyên bằng một câu nhè nhẹ “không cần đánh nó!”, hay “đánh nó thêm bẩn tay”. Trước mắt mình đã có một ấn tượng rất xấu: Một anh cứ cách năm, mười phút thì lại lên nắm tóc tội nhân hay xen vào cuộc tố của người khác để hỏi một vài câu trống rỗng, rồi theo đó một cái tát. Mình không thể thấy được ở y một căm thù giai cấp, mà chỉ thấy ở y một hèn nhát của một kẻ đánh hôi trong trận đòn hội chợ. Mình còn thấy ở y, cũng như một số khác trong khi đánh đập tội nhân còn có ý biểu dương tinh thần trước mặt cán bộ. Cũng hôm nay, mình còn thấy hai đứa trẻ con trong đám quần chúng cốt cán cũng luôn luôn chạy ra bắt địa chủ phải quỳ vào và túm tóc đánh tát theo kiểu này. Họ hiểu lầm hai chữ “đấu lực” bằng cách dùng nhục hình vô nhân đạo. Họ không biết sức mạnh của giai cấp không phải để đánh hôi một cách hèn nhát, có tính chất báo thù cá nhân. Hiện tượng xấu xa này còn do ở những cán bộ của ta, trong khi huấn luyện trong lớp cũng như nói ngoài quần chúng là: “Kỷ luật thì cấm đánh ẩu, giết ẩu, nhưng nếu nông dân người ta có căm thù quá độ mà đánh tát một vài cái thì cũng không sao”. Câu nói này đã trở nên như một châm ngôn. Nó gọi bảo quần chúng là có thể đánh một vài cái được, miễn là đừng đánh chết. Rồi đó, những kẻ lưu manh đã thừa cơ đánh để trả thù hay đánh để chơi, đánh cho thích. Mình thật không muốn thấy nhục hình khốn nạn còn diễn ra ở dưới chính quyền dân chủ nhân dân này!

Hôm ấy, còn diễn ra một cảnh tượng nữa là gia đình tên B. cũng được áp giải ra hội trường. Trong đó có một bà cụ già khọm, mẹ của B., và một đứa trẻ độ 3, 4 tháng nằm trên bàn tay của vợ B. Chủ tịch đoàn gọi vợ B. lên khuyên chồng thú nhận tội lỗi. Cảnh này chỉ gây cho công chúng rủ lòng thương những kẻ mặc dầu đã sống vào bóc lột và áp bức đương bị trả thù.

Sau trận đấu, Chủ tịch đọc bản cáo trạng và cho phép B. được ngồi nghe. Đến lượt B. nói. B. phân trần là trước kia làm tổng lý thì sự áp bức và bóc lột nông dân là điều không tránh khỏi. Nhưng sau khi giác ngộ thì B. đã thấy rõ cuộc cách mạng của ta là đánh đổ đế quốc và phong kiến, làm cách mạng ruộng đất. Trên con đường tiến của Liên Xô vĩ đại, B. không dại gì đi vào đường chết. Từ sau cách mạng tháng 8, B. đã tích cực phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nếu có những việc lặt vặt xảy ra thì chỉ là bột phát, không chú ý. Nếu nhân dân giết y thì y chịu, chớ y không chịu nhận là phản cách mạng, mưu bắt cán bộ. B. có nói thực không? Đó là một chuyện. Điều đáng ghi ở đây là cuộc đấu hôm nay đã không đạt được mục đích, yêu cầu và không làm cho B. khuất phục. Tuy vậy, B. vẫn phải ký vào bản cáo trạng kể trên.

Đến lượt Phùng Thái Ký, một Hoa kiều địa chủ kiêm công thương nghiệp. Từ sáng, Phùng vẫn ngồi dưới tấm biển đề “Địa chủ ngoan cố”. Thực ra, Phùng không phải là mục tiêu định đem đấu hôm nay. Nhưng Chủ tịch đoàn vừa gọi ra chất vấn, Phùng nói líu tíu khó hiểu, thì, mấy người nông dân Hoa kiều đã ồ lại thoi đánh túi bụi tên con của Phùng. Đến đây thì trật tự bị mất hẳn. Chủ tịch đoàn bị động. Cuộc chất vấn trở thành cuộc đấu. Những việc đem ra tố đều thuộc về những hiềm thù các nhân, xích mích xóm giềng giữa một số người Hoa kiều, không có gì là tính chất của nông dân đấu địa chủ. Hầu hết mọi người lại chỉ nhằm vào thằng con của Phùng, một thanh niên ngỗ ngược. Khác với Nguyễn Văn Bính, thằng con của Phùng không thể quỳ cho người ta đánh mà nằm lăn ra khóc hu hu. Cuối cùng hai bố con Phùng phải ký vào bản cáo trạng nhận bồi thường cho nông dân.

Ngoài hai địa chủ, đến lượt một số phú nông. Từ sáng một số phú nông đã phải ngồi theo từng loại. Khi mà cuộc đấu tên B. đến lúc quyết liệt nhất thì Chủ tịch đoàn truyền lệnh cho đem những “phú nông” chưa chịu thanh toán ra một chỗ bắt phải nhận bồi thường cho nông dân. Mà ai cũng thấy rõ là một hình thức uy hiếp phú nông rõ rệt, vượt quá phạm vi “trung lập phú nông” theo sách lược của Đảng.

Sau cùng là những lời tuyên bố không phải là của Chủ tịch đoàn, mà là của anh N.Q.C., trưởng đội công tác xã Dân Chủ. Anh hoan hô cuộc thắng lợi của nông dân và nhắc nhở về việc củng cố nông hội. Nhưng cái điều lệch của cán bộ là chỉ nói đến Hồ Chủ tịch, đến Đảng, mà không nói đến chính quyền dân chủ nhân dân. Những khẩu hiệu hô trước khi mít tinh giải tán cũng thiếu hẳn khẩu hiệu chống đế quốc.

4 giờ rưỡi, mít tinh giải tán, mình ra về, đi vào trong đám quần chúng, nhưng không nhặt được một dư luận nào thêm. Nhọc mệt. Bực bội. Một vài ấn tượng xấu trong cuộc mít tinh vẫn ám ảnh trong đầu mình.

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.
Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam
Ca khúc: “Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam”. Nhạc: Doãn Nguyên. Lời thơ Lê Cảnh Nhạc. Tập thể cán bộ, phóng viên Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển cùng Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển biểu diễn tại Hội thảo khoa học: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn”, ngày 26/12/2024, tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Phó Chủ tịch VUSTA được trao tặng danh hiệu Huân chương Lao động hạng 3
Chiều ngày 22/12/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của cơ quan, Đảng bộ và các đoàn thể cơ quan. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
An Giang: Tổng kết nhiệm vụ năm 2024
Chiều ngày 30/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6, khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027. Hội nghị tập trung đánh giá hoạt động năm 2024, thống nhất bổ sung hội viên mới và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.