Dùng thuốc kháng histamin chữa dị ứng
Thủ phạm gây dị ứng là histamin, một acid amin có gốc CO 2và cấu tạo từ histadin. Khi mất CO 2, histadin biến thành histamin. Các vi khuẩn ruột như trực khuẩn lị, phó thương hàn… có thể chiếm CO 2ở histadin và tạo thành histamin. Một số thực phẩm như thịt, cá ươn có nhiều histamin. Trong cơ thể, histamin có ở máu và các tổ chức dưới da, phổi, dạ dày, ruột, nhất là ở bạch cầu ái kiềm và tế bào mastocyt.
Histamin là chất độc. Với thỏ, chỉ cần tiêm vào tĩnh mạch 3 mg/kg cân nặng, thỏ sẽ chết ngay. Histamin giữ được mức hằng định trong máu người là nhờ men histaminaga, nó tiêu hủy bớt histamin khi hàm lượng chất này trong máu vượt ngưỡng cho phép. Men có sẵn trong máu, phổi hay gan thận. Nếu vì một tác nhân nào đó, histamin được sinh ra qua nhiều khiến men histaminaga không thể tiêu hủy kịp thì cơ thể sẽ phát sinh bệnh dị ứng mẩn ngứa, mày đay.
Ở hàm lượng cho phép, histamin hoàn toàn vô hại và còn có tác dụng làm giãn các mao mạch, tăng tính thẩm thấu của mao quản. Nhờ vậy mà nước, protein, hồng cầu mới thoát được ra ngoài mao quản, làm cho các tổ chức xung quanh ứ nước, đồng thời làm hạ huyết áp động mạch.
Đối với cơ trơn như khí quản, ruột non, dạ con, histamin làm các cơ quan này co bóp lại, gây nên cơn hen, đau bụng. Nó làm tăng bài tiết (trừ sữa và mồ hôi), tăng tiết dịch vị, adrenaline.
Có thể dùng chất kháng histamin để chống lại tình trạng quá nhiều histamin trong cơ thể, gây dị ứng. Chất kháng histamin có hai loại là tự nhiên và tổng hợp. Loại tự nhiên được lấy ở gan, thận, phổi, adrenaline, ephedrin, theophylin..., nguồn cung cấp men histaminaga. Những loại này đều có tác dụng đối lập với histamin nên được dùng điều trị các cơn hen, mày đay cấp tính sơ phát. Càng về sau, tác dụng của chúng càng giảm.
Loại tổng hợp sẽ ít gây tác dụng khó chịu hơn, nhưng không có tác dụng trung hòa, tiêu hủy hay ức chế sự sản sinh histamin. Nó chỉ “tranh chấp”, “giành giật” tại các tế bào của cơ quan cảm thụ với histamin. Do vậy, tế bào bị các chất kháng histamin “chiếm” sẽ không bị nhiễm histamin nữa. Bởi vậy, thuốc kháng histamin tổng hợp chỉ chữa được triệu chứng, tác dụng tạm thời, không điều trị được nguyên nhân căn bản, không ngăn ngừa được tái phát. Nó cần được dùng sớm và lâu dài mới đảm bảo được kết quả. Phải tìm ra và loại bỏ nguyên nhân mới mang lại hiệu quả chắc chắn, lâu dài. Ví dụ, dị ứng do sơn guốc thì không được đi guốc sơn ấy hoặc do phấn sáp thì không được dùng phấn sáp ấy nữa.
Phải dùng thuốc nhiều đợt, lâu dài (đợt 10-15 ngày hay 1-3 tháng) mới hạn chế được tái phát. Cần thay đổi liều lượng theo cơ địa, lứa tuổi và sức chịu đựng của mỗi người. Theo từng đợt, có thể thay đổi thuốc để tránh quen thuốc, làm tăng tác dụng. Cần uống sau bữa ăn để tránh buồn nôn, nôn, đề phòng một số tác dụng phụ như xót ruột, nôn nao, buồn ngủ, choáng váng… Người đang lái xe hay ở tầng cao không nên dùng. Thuốc mỡ kháng histamin bôi ngoài da vẫn có thể gây dị ứng.
Một số thuốc kháng histamin tổng hợp thông thường
Phenergan:Uống mỗi lần 0,025 g. Mỗi ngày 2-3 lần.
Dimedrol: Lấy từ chuột tam thể chết sau khi tiêm Histamin. Thuốc gây buồn ngủ, mỗi ngày uống 1-3 lần, mỗi lần 0,03-0,05 g. Trẻ em dùng dung dịch Dimedrol 1% mỗi ngày 10-20 ml.
Neo-antecgan: Uống mỗi ngày 0,2-0,5 g.
Thiantan(Thiantettes): Mỗi lần uống 0,025-0,05 g. Ngày 2-3 lần.
Murtecgan: Uống 0,2-2 g mỗi ngày, chia làm nhiều liều nhỏ.
Analecgin: Uống mỗi ngày 0,20-0,40 g.
Suprastin: Viên đóng 0,025 g, mỗi ngày uống 2-4 chia 2 lần.
Nguồn: vnexpress.net 23/11/2005