Đưa nông nghiệp Việt Nam thành ngành sản xuất sạch
Để thu thập được các chủng tuyến trùng (EPN), TS Phan Kế Long phải vào tận những cánh rừng sâu ở Lai Châu, Quảng Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Kon Tum… để thu thập mẫu đất. Mỗi lần như vậy anh thường phải cõng từ 30 - 50 kg đất, chưa kể các dụng cụ thu mẫu. Khi nghỉ ăn cơm và đi ngủ cũng phải mang đất theo vì nếu để ngoài xe mẫu sẽ bị nóng và tuyến trùng sẽ chết. Nhưng không phải mẫu nào đem về Hà Nội cũng phân lập được tuyến trùng. Vì trong số 910 mẫu đất phân lập chỉ có 44 mẫu có tuyến trùng, chiếm tỷ lệ 4,9%. “Một số loài tuyến trùng mà mình mới mô tả còn rất mới đối với khoa học và đều có tác dụng phòng trừ sinh học” - TS Phan Kế Long khẳng định.
Từ 44 chủng tuyến này, các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã lựa chọn được một chủng có khả năng thương mại hoá. Gần đây TS. Lại Phú Hoàng - Phòng tuyến trùng học (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) đã lựa chọn ra bốn chủng có khả năng phòng trừ 8 loại sâu hại như: sâu xám, sâu khoang, sâu xanh, sâu tơ, sâu keo da láng, sâu xanh bướm trắng, sâu cuốn lá đậu tương và bọ hung đen. Nhóm nghiên cứu cũng đã ứng dụng thành công EPN trong phòng trừ sinh học sâu keo da láng ở Ninh Thuận và bọ hung đen hại mía ở Thạch Thành, Thanh Hoá. Các chủng này đều làm giảm mật độ sâu xuống dưới ngưỡng nguy hại và hiệu lực lâu hơn thuốc hoá học.
Theo TS Phan Kế Long, khả năng áp dụng EPN trong phòng trừ sinh học sâu hại ở nước ta là rất cao do chúng có những lợi thế mà ít tác nhân phòng trừ sinh học khác có được. Việc sử dụng EPN rất có ý nghĩa trong việc phát triển nền nông nghiệp sinh thái bền vững bởi chúng hoàn toàn vô hại đối với con người, vật nuôi, cây trồng và có lợi trong việc cải tạo đất. Sử dụng EPN sẽ làm giảm và tiến tới loại bỏ lượng thuốc trừ sâu hoá học sản xuất nông nghiệp nhằm bảo vệ sức khoẻ người sản xuất, người tiêu dùng cũng như môi trường. Hiện nay, dư lượng hoá chất cao trong các sản phẩm nông nghiệp đang là rào cản lớn trong việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam .
Trò chuyện với phóng viên Khoa học và Đời sống qua chat từ Đại học Tổng hợp Kyoto, TS Phan Kế Long khẳng định anh rất muốn mang kết quả của mình giúp cho sản xuất nông nghiệp trong nước trở thành nền nông nghiệp sạch, bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường. Anh còn mơ ước sẽ xây dựng trung tâm sản xuất EPN phục vụ cho việc phòng trừ sâu hại và nghiên cứu mọi khả năng ứng dụng của EPN ở Việt Nam .
Theo anh cần phải có những thay đổi gì về mặt cơ chế để những nhà khoa học trẻ ngày càng có nhiều cơ hội đóng góp cho đất nước?
- Cải thiện tiền lương là quan tâm hàng đầu đối với tất cả các nhà khoa học của Việt Nam .
Thứ hai là nhà nước nên có cơ chế để nhà khoa học được hưởng lương từ chính đề tài mà họ đang tham gia, điều này sẽ kích thích khả năng cạnh tranh và trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học.
Thứ ba là đầu tư nâng cấp hệ thống thông tin tư liệu, cập nhập thư viện cho tất cả các lĩnh vực nghiên cứu. Các viện nghiên cứu phải được online với các thư viện điện tử trên thế giới.
Thứ tư là nâng cao chất lượng nghiên cứu bằng cách khuyến khích đăng bài trên các tạp chí khoa học và nên lấy đây là cơ sở để đánh giá chất lượng các đề tài cũng như các nhà khoa học.
Anh có lời khuyên nào với các bạn trẻ đã và đang chọn con đường nghiên cứu khoa học?
- Trong nghiên cứu cần phải có niềm tin và không ngừng học hỏi. Đừng sợ thất bại vì đấy cũng là một kết quả. Sau mỗi thất bại, hãy tìm đọc các tài liệu tham khảo kỹ hơn và không ngừng tìm tài liệu mới.
Nguồn: KH & ĐS, số 24 (1846),24/3/2006