Dự báo sự biến đổi địa hình, ảnh hưởng đối với công trình dân sinh khi mực nước biển dâng
Đây là một trong những kết quả của đề tài: “Nghiên cứu sự biến đổi của quá trình địa mạo và xu thế phát triển địa hình bờ biển Đông Bắc Bộ (từ Móng Cái đến Ninh Bình) do sự dâng lên hiện nay của mực nước biển Đông” do TS.Võ Thịnh, Viện Địa lý làm chủ nhiệm.Đới bờ Đông Bắc Bộ (ĐBB) được chia làm hai vùng chính gồm 8 tiểu vùng, mỗi tiểu vùng được phân hóa bởi đặc điểm địa hình, địa mạo xu thế biến đổi địa hình và chế độ MNBD hiện đại, bởi vậy việc dự báo sự biến đổi quá trình địa mạo, địa hình đới bờ và ảnh hưởng của MNBD đối với các công trình dân sinh có khác nhau.
Xu thế biến đổi đới bờ trong bối cảnh mực nước biển dâng
Quá trình động lực sóng biển ngày càng gia tăng trên toàn dải bờ biển dẫn đến quá trình san bằng bờ biển. Các dạng địa hình nguồn gốc sóng ngày càng phổ biến như các doi, val, bar… và chúng biến động liên tục trong sự dâng lên của mực biển. Các cửa sông cũng ngày càng biến đổi phức tạp khi các bar cửa sông mới được hình thành.
Động lực biến đổi bờ biển (nhất là động lực sóng) ngày càng tăng cường đối với các khu vực cửa sông như Bạch Đằng, Trà Lý, Ba Lạt, Đáy dẫn đến sự lùi dần của các bar cửa sông về phía lục địa và mở rộng về hai phía cửa sông. Riêng khu vực cửa sông Đáy, quá trình phát triển một phía chủ yếu về phía Tây Nam, đẩy nhanh chu kỳ biến đổi cửa sông (thời gian chu kỳ cửa sông ngắn đi).
Sơ đồ phân vùng mức độ dâng lên của mực biển khu vực ĐBB (Võ Thịnh và nhóm tác giả đề tài)
Quá trình tăng cường động lực phá hủy của sóng đối với các khu vực cửa sông trong thời điểm nào đó tăng cường lượng bồi tích cho các đoạn bờ lõm và quá trình bồi tụ ở đây, hoặc giảm quá trình xói lở ở các khu vực như Đồng Châu.
Quá trình dâng lên của mực biển và tăng cường động lực sóng cũng dẫn tới sự biến đổi luồng lạch cửa sông. Các cửa sông có thể được mở rộng, lòng sông nông dần dẫn đến bồi lấp lòng dẫn, và đến một lúc nào đó có thể bị chắn cửa bởi sự hình thành của các bar cửa sông và chuyển dòng…. Hiện tượng này thể hiện rõ ở các cửa sông như cửa sông Trà Lý và cửa sông Đáy.
Sự tăng cường hoạt động của động lực biển dẫn tới sự lệch hướng theo chu kỳ của các cửa sông (như cửa sông Văn Úc, Ninh Cơ), các lạch cửa sông bị lệch và ép sát vào phía bờ gây sát lở bờ biển theo chu kỳ ở các khu vực Vinh Quang và Nghĩa Phúc…
Sự tăng cường động lực biển gia tăng dịch chuyển ngang của bồi tích khiến cho bồi tích bị mang ra sườn bờ ngầm nhiều hơn, các dòng dọc bờ thiếu bồi tích gây thiếu hụt bồi tích ở những nơi trước đây đã từng được bồi tụ.
Các tiểu vùng vịnh đảo do đặc điểm địa hình – địa mạo phổ biến các dạng địa hình xâm thực, mài mòn và rửa lũa, thêm vào đó cường độ biến đổi động lực do MNBD không lớn cho nên được dự báo là trong tương lai gần ít có những biến động lớn.
Đối với tiểu vùng Cửa Lục – Hà Cối và tiểu vùng Yên Hưng tuy được cấu tạo phổ biến bởi các dạng địa hình tích tụ có nguồn gốc thủy triều dễ bị biến đổi trong điều kiện có sự tăng cường động lực sóng biển, nhưng do vị trí khuất của các vũng vịnh mà sự biến đổi của các nhóm dạng địa hình trong tương lai gần không lớn.
Dự báo sự ảnh hưởng của MNBD đến các công trình dân sinh trong đới bờ
Đối với khu vực đới bờ Đồng bằng Sông Hồng thì ảnh hưởng của sự dâng lên của mực nước biển chủ yếu là tăng cường xói lở bờ biển các khu vực cửa sông lồi ra như Ba Lạt, Trà Lý, Cửa Đáy và các bãi biển như Thụy Xuân, Đông Long, Hải Hậu, Nghĩa Phúc… phá hủy các nhà nghỉ ven biển, các đầm nuôi, khu canh tác trên các bãi biển hiện đang phát triển với mật độ khá dày.
Khu du lịch Cồn Vành (cửa Ba Lạt) ( Ảnh: VõThịnh)
Đối với khu vực đới bờ Sông Bạch Đằng thì có sự tăng cường xói lở đối với các khu vực rìa ngoài cửa sông như bờ biển Cát Hải, Phù Long và phía nam Đình Vũ và tăng cường bồi lấp luồng lạch ra vào các sông ở đây nói chung, và đối với cảng Hải Phòng nói riêng.
Đối với đới bờ biển đảo Hải Phòng- Quảng Ninh thì cần lưu ý các công trình du lịch trên các dãy đảo ngoài cùng gồm các đảo như Cô Tô, Thanh Lân, Quan Lạn, Vĩnh Thực…đề phòng với quá trình xói lở bờ biển. Đặc biệt, tính chất MNBD ở đây ít tăng cường động lực biển mà mang chủ yếu là chìm ngập.
Dự báo sự biến đổi địa hình và quá trình địa mạo đới bờ trong bối cảnh MNBD là vấn đề hết sức phức tạp, không chỉ bởi sự phức tạp trong mối quan hệ của các nhân tố thành tạo địa hình đới bờ, mà còn cả các nhân tố lục địa cũng như các yếu tố còn chưa xảy ra. Những kết quả và kinh nghiệm thu được trong nghiên cứu này sẽ là cơ sở cho các nghiên cứu sâu hơn ở quy mô chi tiết hơn, để có được những dự báo chính xác hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng hợp lý lãnh thổ đới bờ khu vực Đông Bắc Bộ.