Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 28/09/2010 19:01 (GMT+7)

Đôi nét về thể chế Nhà nước Hàn Quốc

1. Đơn vị hành chính: Gần giống với Việt Nam , các đơn vị hành chính bao gồm: cấp thứ nhất gồm có thủ đô ( teukbyeolsi) Xơ-un, 6 thành phố trực thuộc trung ương ( gwangyeoksi), 9 tỉnh (do) trong đó, có 1 tỉnh tự trị đặc biệt ( Jeju). Ở cấp thứ hai gồm: quận (gu) thuộc thủ đô và các thành phố thuộc tỉnh ( si) ở nông thôn. Ở cấp thứ ba gồm có phường ( dong) là đơn vị nằm dưới quận và thành phố; thị trấn ( eup) và xã ( myeon) là các đơn vị nằm dưới thành phố hành chính và dưới các huyện. Dưới các thị trấn và xã là các thôn ( ri). Cuối cùng, cụm dân cư, tổ dân phố và thôn là những hình thức tổ chức dân cư nhỏ nhất nhưng không phải là các đơn vị hành chính chính thức.

2. Thể chế nhà nước: Hàn Quốc được coi là quốc gia theo chính thể cộng hoà hỗn hợp, tức là có sự chọn lọc và kết hợp các đặc điểm của cộng hoà đại nghị với cộng hoà tổng thống. Đây là mô hình khá khác biệt với những mô hình truyền thống nhưng cũng không phải duy nhất trên thế giới vì người ta còn thấy mô hình này còn có ở một số quốc gia khác như: Pháp, Ghi-nê, Dăm-bia, Hi-lạp, Pê-ru…

Hiến phápđầu tiên của Hàn Quốc được thông qua vào ngày 17-7-1948. Trải qua những biến động lớn về chính trị trong quá trình xây dựng nền dân chủ của nước này, Hiến Pháp đã được sửa lại nhiều lần. Hiến pháp hiện hành là hiến pháp được sửa đổi vào năm 1987 bao gồm lời mở đầu, 130 điều, 6 quy tắc bổ sung và được chia làm 10 chương. Điều khoản chung, Quyền và nghĩa vụ của công dân, Quốc hội, Cơ quan hành pháp, Toà án, Toà Hiến Pháp, Quản lý bầu cử, Chính quyền địa phương, Kinh tế và Sửa đổi hiến pháp. Việc sửa đổi hiến pháp đòi hỏi những thủ tục đặc biệt: hoặc Tổng thống hoặc một nhóm đa số các nghị sĩ quốc hội có thể sửa đổi hiến pháp. Để sửa đổi hiến pháp cần có sự đồng thuận không chỉ của Quốc hội mà còn của một cuộc trưng cầu dân ý trên phạm vi toàn quốc. Đối với Quốc hội, cần có sự ủng hộ của ít nhất là 2/3 đại biểu quốc hội, trong khi đối với dân chúng cần có sự đồng ý của hơn một nửa số phiếu bầu hợp lệ trong cuộc trưng cầu dân ý trên phạm vi cả nước.

Toà án hiến phápđược thành lập tháng 9-1988 và là một phần cơ bản của hệ thống hiến pháp. Toà án này được Hiến pháp của Đại Hàn dân quốc trao quyền để giải thích hiến pháp và xem xét tính hợp hiến của tất cả các đạo luật, đưa ra các quyết định tư pháp để buộc tội hoặc giải thể một đảng chính trị hoặc đưa ra phán quyết đối với những tranh chấp về thẩm quyền xét xử và những khiếu nại về hiến pháp. Đến ngày 31-12-2005, toà án đã xét xử 12.240 trường hợp (trong đó có 526 trường hợp liên quan đến sự hợp hiến của các đạo luật) và đưa ra phán quyết đối với 11.501 trường hợp, trong đó có 739 trường hợp chưa được giải quyết. Những con số đó cho thấy tầm quan trọng của Toà án Hiến pháp ở hiện tại và tương lai trong việc thực thi những mục tiêu của mình là bảo vệ hiến pháp và những quyền cơ bản của công dân. Toà án Hiến pháp bao gồm 9 quan toà. Nhiệm kỳ của mỗi quan toà là 6 năm và có thể gia hạn thêm.

Người đứng đầu nhà nướcở Hàn Quốc là Tổng thống, được nhân dân trực tiếp bầu (trước năm 1987 là bầu gián tiếp) với 1 nhiệm kỳ 5 năm và không được tái ứng cử. Tổng thống là người đại diện cao nhất cho quyền lực nhà nước, đứng đầu Chính phủ và có quyền chỉ huy quân đội tương đương Tổng tư lệnh. Trong trường hợp không có tổng thống (qua đời hoặc vì lý do sức khỏe) thì Thủ tướng hoặc các thành viên của Hội đồng Nhà nước sẽ tạm thời giữ chức Tổng thống theo quy định của pháp luật. Theo Hiến pháp hiện hành, Tổng thống có những vai trò quan trọng: 1. Là người đứng đầu và đại diện cho quốc gia về đối nội và đối ngoại, duy trì hiến pháp; 2. Là người điều hành tối cao việc thực thi pháp luật do cơ quan lập pháp thông qua, đứng đầu Hội đồng Nhà nước (Chính phủ), có quyền chỉ định Thủ tướng và người đứng đầu các cơ quan hành pháp; 3. Là Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, điều hành chính sách quân sự, có quyền tuyên bố chiến tranh; 4. Là người có quyền hoạch định chính sách ngoại giao, có quyền chỉ định hoặc cử các đặc phái viên ngoại giao và ký kết hiệp ước với các quốc gia trên thế giới. 5. Là người hoạch định chính sách và người làm luật chủ yếu, Tổng thống có thể đề xuất những dự thảo luật lên Quốc hội hoặc có thể trực tiếp hay gián tiếp trình bày quan điểm của mình lên cơ quan lập pháp. Tổng thống không thể giải tán Quốc hội nhưng Quốc hội có thể buộc Tổng thống chịu trách nhiệm cuối cùng đối với hiến pháp bằng một quá trình buộc tội. Một số kiến nghị buộc tội Tổng thống phải được đa số đại biểu Quốc hội đưa ra và phải được hai phần ba hoặc hơn hai phần ba tổng số đại biểu bỏ phiếu thuận thông qua sau đó, sẽ được gửi lên Toàn án Hiến pháp để xét xử.

Quyền lập phápở Hàn Quốc được trao cho Quốc hội chỉ có một viện gồm 299 thành viên phục vụ trong nhiệm kỳ 4 năm. Trong đó, 243 thành viên là do cử tri của các địa phương bầu; 56 thành viên còn lại được phân bổ cho mỗi đảng chính trị theo những quy định về tiêu chuẩn. Có hai loại phiên họp lập pháp là phiên thường kỳ (khoảng 100 ngày) và phiên đặc biệt (khoảng 30 ngày). Phiên họp thường kỳ được tổ chức mỗi năm một lần từ tháng 9 đến tháng 12; phiên họp đặc biệt có thể được tổ chức theo yêu cầu của Tổng thống hoặc của ít nhất là ¼ tổng số đại biểu Quốc hội. Để một quyết định của Quốc hội có hiệu lực thì cần có sự tham dự của hơn một nửa tổng số đại biểu Quốc hội và có số phiếu thuận của hơn một nửa số thành viên tham dự kỳ họp Quốc hội. Trong trường hợp số phiếu bằng nhau, vấn đề sẽ được coi là bị Quốc hội bác bỏ. Chức năng quan trọng nhất của Quốc hội là lập pháp. Ngoài ra, còn có những chức năng khác bao gồm quyền phê duyệt về ngân sách quốc gia, các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại, tuyên bố chiến tranh, việc cử lực lượng vũ trang ra nước ngoài hoặc việc đóng quân của lực lượng quân sự nước ngoài tại Hàn Quốc, việc thanh tra hoặc kiểm soát những vấn đề đặc biệt về đối nội và sự buộc tội.

Quốc hội có 16 uỷ ban thường trực (gần giống với các uỷ ban của Quốc hội nước ta). Chủ tịch của các uỷ ban thường trực quản lý hoạt động của uỷ ban, duy trì trật tự và đại diện cho uỷ ban. Các dự thảo luật và các kiến nghị được chuyển đến cho các uỷ ban thường trực xem xét và do vậy, đây là diễn đàn chủ yếu để hoà giải những khác biệt giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập. Theo luật Quốc hội hiện hành, mỗi tổ chức chính trị bao gồm từ 20 đại biểu Quốc hội trở lên có thể thành lập một nhóm đàm phán, hoạt động với tư cách một đơn vị của các nhóm đàm phán giữa các đảng trong Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội không theo đảng phái nào có thể tổ chức môt nhóm đàm phán riêng rẽ nếu số đại biểu này từ 20 người trở lên. Các nhóm đàm phán này chỉ định người đứng đầu nhóm mình và những người này chịu trách nhiệm đàm phán với các nhóm khác.

Quyền hành pháp: Tổng thống quyết định toàn bộ những chính sách quan trọng của chính phủ, thực hiện chức năng hành pháp thông qua Hội đồng Nhà nước (Chính phủ) gồm từ 15 đến 30 thành viên trong đó có 24 bộ trưởng của các bộ cấu thành. Thủ tướng do Tổng thống chỉ định và được Quốc hội thông qua với tư cách là người trợ lý hành pháp chính cho Tổng thống, giám sát các bộ hành chính và quản lý văn phòng phối hợp chính sách của chính phủ dưới sự chỉ đạo của Tổng thống. Thủ tướng có quyền thảo luận những chính sách lớn của quốc gia và tham dự các cuộc họp của Quốc hội. Ba phó thủ tướng được bổ nhiệm để đảm đương những nhiệm vụ đặc biệt do Thủ tướng giao phó và đồng thời là bộ trưởng của 3 bộ: Bộ Tài chính và Kinh tế, Bộ Giáo dục và Phát triển nhân lực và Bộ Khoa học - Công nghệ.

Các thành viên Hội đồng Nhà nước do Tổng thống chỉ định theo sự tiến cử của Thủ tướng. Những thành viên này có quyền lãnh đạo và giám sát các bộ, thảo luận các công việc của quốc gia, hoạt động nhân danh Tổng thống. Các thành viên Hội đồng Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm tập thể và cá nhân trước Tổng thống. Ngoài Hội đồng Nhà nước, Tổng thống có một số cơ quan dưới quyền kiểm soát trực tiếp của mìnhđể hình thành và thực hiện các chính sách quốc gia, đó là Cục Kiểm toán và Thanh tra, Cục Tình báo Quốc gia, Uỷ ban Dân Chính, Uỷ ban Tổng thống về các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ban Thanh tra và Uỷ ban Độc lập chống tham nhũng của Hàn Quốc. Những người đứng đầu các cơ quan này đều do Tổng thống chỉ định, riêng chủ tịch Cục Kiểm toán và Thanh tra phải được Quốc hội thông qua. Chính phủ Hàn Quốc được đánh giá là một chính phủ khá mẫu mực theo mô hình chính phủ điện tử trong tổ chức bộ máy và trong hoạt động điều hành.

Quyền tư pháp:Toà án của Hàn Quốc có quyền phán xét tất cả mọi tranh chấp mang tính luật pháp, ngoài ra còn làm nhiệm vụ về trước bạ, hộ khẩu, ký thác… Dưới Toà án tối cao có 5 toà án khu vực và 18 toà án địa phương. Toà án chuyên môn gồm có: Toà án bản quyền, Toà án gia đình và Toà án hành chính. Để xử lý một phần các công việc của Toà án gia đình và Toà án địa phương, có 40 toà án cấp dưới và 3 toà án gia đình cấp dưới, 101 toà án cấp huyện, thị trấn và 157 văn phòng đăng ký trước bạ. Ngoài ra, trong hệ thống toà án có các cơ quan như: Cục hành chính, Toà án, Học viện Tư pháp, Viện Đào tạo, bồi dưỡng viên chức toà án, Thư viện Toà án.

Để trở thành quan toà, thí sinh phải vượt qua kỳ thi tư pháp do Bộ Tư pháp tổ chức, sau đó phải hoàn tất quá trình 2 năm ở Học viện Tư pháp và tiếp tục trải qua một quá trình thẩm phán dự bị 2 năm. Tính đến tháng 11 năm 2005, ngành Toà án Hàn Quốc có 1.961 quan toà, 209 thẩm phán dự bị và trên 12 nghìn viên chức khác không phải quan toà. Viện Công tố của Hàn Quốc được chia làm 4 cấp: Viện Công tố tối cao, Viện Công tố khu vực, Viện công tố địa phương và Chi viện Công tố địa phương tương ứng với các cấp của hệ thống toà án. Tuy nhiên, không có Viện Công tố cấp huyện tương ứng với hệ thống toà án cấp huyện. Tính đến tháng 10-2005, Hàn Quốc có 10.147 luật sư đang hoạt động (đạt mức 2,1 luật sư/1000 người). Có 4 hình thức hoạt động nghề nghiệp của luật sư: luật sư tự do, công ty luật, công ty luật (trách nhiệm hữu hạn) và công ty hợp danh. Uỷ ban Cải cách tư pháp của Hàn Quốc kiến nghị đến năm 2012 sẽ cố gắng tuyển chọn 50% quan toà mới trong số các luật sư và công tố viên. Từ năm 2008 sẽ tiến hành thực hiện chế độ cao học chuyên ngành luật học, đào tạo học vị thạc sĩ với chương trình 3 năm; xoá bỏ chương trình cử nhân luật ở trường đại học và thành lập Trường Cao học Luật. Mục đích của chế độ đào tạo này là nhằm tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác vào Trường Cao học Luật dựa trên sự tổng hợp nhiều yếu tố khác nhau. Và chỉ những người tốt nghiệp cao học Luật mới đủ tư cách tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ luật sư.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.