Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với các hội quần chúng
I. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với các hội quần chúng là đòi hỏi cấp thiết từ yêu cầu phát triển tự thân của các hội, từ yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Sự đòi hỏi đó bắt nguồn từ những lý do cơ bản sau:
Một là:Xuất phát từ mục tiêu phát triển đất nước là: phát huy sức mạnh toàn dân, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để đạt mục tiêu đó Đảng phải chăm lo nhiều hơn tới công tác vận động quần chúng, trong đó có các hội quần chúng, nơi có thể tập hợp rộng rãi quần chúng, huy động quần chúng tham gia tích cực, sáng tạo vào các công việc phát triển đất nước.
Hai là:Trong bối cảnh kinh tế thị trường và toàn cầu hoá, hoạt động của các hội quần chúng đang chịu sự tác động nhiều mặt, có mặt tích cực nhưng cũng có mặt tiêu cực, dễ làm chệch hướng. Chỉ có tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng thì các hội mới thoát khỏi nguy cơ đó.
Ba là:Hoạt động của hội quần chúng là một trong những môi trường để quần chúng rèn luyện, thực thi mở rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là một quá trình nhạy cảm, tế nhị, phức tạp và gian khổ, dễ mắc phải những sai lầm, dễ chệch hướng. Do đó rất cần sự lãnh đạo của Đảng, một Đảng dầy dạn kinh nghiệm đấu tranh chính trị, vững vàng quan điểm và đường lối cách mạng.
Bốn là:Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng còn chính do yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với cả hệ thống chính trị. Đổi mới hoạt động của các hội là góp phần tích cực xây dựng chỉnh đốn Đảng và ngược lại, có xây dựng chỉnh đốn Đảng vững mạnh thì mới có thể nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng với các hội. Đây là mối quan hệ biện chứng từ hai phía.
II. Để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng chúng ta cần nắm vững một số quan điểm và nguyên tắc cơ bản:
Một là:Đây là công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm do vậy chúng ta cần phải nắm chắc các đặc điểm của các hội quần chúng, đặt toàn bộ các hoạt động của các hội vào trong sự phát triển chung của xã hội Việt Nam hiện nay, tức là xây dựng một xã hội mà mọi người dân phát huy cao độ lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tự hào dân tộc để tự chủ sáng tạo và cống hiến. Đặt sự lãnh đạo của Đảng với các hội trong sự lãnh đạo chung của Đảng với cả hệ thống chính trị, tức là phải thống nhất, đồng bộ với tiến trình Đảng lãnh đạo đổi mới hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững độc lập tự chủ, bảo vệ trọn vẹn tổ quốc…
Hai là:Phải xuất phát từ đường lối quan điểm của Đảng về công tác vận động quần chúng, đặc biệt là quan điểm phát huy nội lực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ bởi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Phải quán triệt đầy đủ các nguyên tắc chỉ đạo hoạt động với các hội là: tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải, trong khuôn khổ pháp luật. Phải phát huy cao độ thế mạnh của các hội, đồng thời hạn chế được những nhược điểm của hội.
Ba là:Trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức hội, phải chú ý xử lý tốt các mối quan hệ sau:
- Quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng với hội, với nhà nước và toàn xã hội, quan hệ giữa phát triển thị trường và nhà nước, quan hệ giữa các thành viên trong hệ thống chính trị.
- Quan hệ giữa cấp vĩ mô và vi mô (Trung ương và địa phương).
- Quan hệ giữa tổ chức hội với các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp).
- Quan hệ giữa các hội Việt Nam và các hội quốc tế.
- Quan hệ giữa lãnh đạo với các điều kiện thực hiện. Tức là các điều kiện cụ thể của các hội hiện nay, trình độ nhận thức, kinh nghiệm, cơ sở vật chất và tính đặc thù vùng miền…
III.Trên nền tảng phân tích xu thế phát triển và đặc điểm của các hội, nhận thức sâu sắc quan điểm và nguyên tắc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với các hội, theo chúng tôi, cần có những giải pháp mang tính định hướng chiến lược như sau:
Một là:Như chúng ta đã biết, Đảng lãnh đạo xã hội bằng đường lối chính trị là phương thức cơ bản, quyết định vai trò lãnh đạo của Đảng, quyết định sự phát triển của cách mạng, dân tộc và đất nước. Cũng như các thành viên khác của xã hội, các tổ chức hội chịu sự chi phối, chỉ đạo thống nhất trực tiếp của đường lối chính trị của Đảng. Do vậy, giữ vững và phát triển đường lối đổi mới đất nước theo chiều sâu là việc làm cấp thiết. Mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, một nước Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một nước Việt Nam có nền công nghiệp hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến chính là những định hướng quan trọng để các hội hướng tới, lấy đó là mục đích để phát triển.
Trên nền tảng khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn, Đảng cần khẩn trương phát triển cụ thể quan điểm, đường lối đó thành những chương trình hành động, dự án phát triển cùng với các chính sách chỉ đạo.
Toàn bộ đường lối, quan điểm, chính sách chỉ đạo phải được chuyển tải vào cuộc sống bằng con đường luật hoá. Có nghĩa là Đảng cần tập trung trí tuệ của Đảng vào nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa bao gồm: Biến đường lối thành luật pháp và tổ chức chấp hành luật pháp cụ thể.
Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, Đảng có Nhà nước, quân đội và nhân dân, do vậy việc tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối là yêu cầu số một. Trọng tâm của phương thức lãnh đạo chính trị của Đảng lúc này chính là xây dựng luật pháp. Từ khía cạnh này cho thấy, Đảng cần kiểm soát lại tất cả các văn bản luật pháp về hội, từ đó tiếp tục phát triển hoàn chỉnh, tạo ra một hành lang pháp lý rộng mở, dân chủ để các hội hoạt động. Cần giữ vững nguyên tắc lãnh đạo các hội là: tự nguyện, tự chủ, tự trang trải trong khuôn khổ pháp luật. Bên cạnh đó cần mở rộng dân chủ hơn nữa trong việc lập hội, giải tán hội. Theo tinh thần đó, Đảng cần tiếp tục khẩn trương xây dựng bộ luật về hội như văn kiện Đại hội IX của Đảng đã khẳng định.
Đảng cần tập trung tổng kết đánh giá sự lãnh đạo của mình về lĩnh vực này, từ đó có thể huy động tốt hơn sự đóng góp của các hội vào việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội.
Hai là:Tăng cường đổi mới hoạt động của hệ thống tổ chức Đảng. Như ta đã biết, một trong những phương thức lãnh đạo các hội là thông qua vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Do vậy chất lượng hoạt động của các cơ quan trong hệ thống đảng rất quan trọng, nó tác động trực tiếp tới toàn xã hội, trong đó có các hội quần chúng. Đổi mới các hoạt động của cơ quan Đảng bao gồm nhiều việc, nhưng theo tôi trong thời gian tới cần tập trung vào một số công việc chính yếu là:
- Đề cao việc chấp hành, thực hiện Nghị quyết của Đảng (thực tế cho thấy riêng về lãnh đạo hội những năm đổi mới vừa qua Đảng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị nhưng việc thực hiện thì quá kém).
- Phát huy hơn nữa vai trò tham mưu của các ban chuyên môn của Đảng.
- Cá ban chuyên môn của Đảng cần tập trung nghiên cứu kỹ đặc điểm của các tổ chức hội, từ đó có những hướng dẫn sát hợp, cụ thể cho các hội về nội dung hoạt động, về tổ chức nhân sự về các mối quan hệ phối hợp…
Đảng cần trao hẳn cho Ban Dân vận các cấp nhiệm vụ thống nhất tham mưu cho cấp uỷ công tác lãnh đạo của Đảng đối với các hội.
- Đảng cần tập trung xây dựng, củng cố các tổ chức đảng đoàn, ban cán sự của các hội. Cần thống nhất định hướng hoạt động và có các quy định cụ thể cho các tổ chức đảng đoàn và ban cán sự hoạt động, có thể chuẩn hoá thành một sổ tay nghiệp vụ.
- Cấp uỷ các cấp cần xây dựng một chương trình lãnh đạo các hội, thuộc phạm vi lãnh đạo của mình. Từ đó thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, chỉ đạo trực tiếp với những người đứng đầu các hội.
- Cấp uỷ có trách nhiệm lãnh đạo thống nhất các hoạt động của các hội, tránh tình trạng chồng chéo giữa các hội gây ra những hậu quả đáng tiếc.
- Đảng cần tập trung vào việc phát hiện những người có đức có tài để giới thiệu cho các hội. Đảng có thể giới thiệu những đảng viên ưu tú của mình vào tham gia sự lãnh đạo các hội.
- Đặc biệt Đảng cần xác định rõ trách nhiệm của các đảng viên tham gia các hội như: gương mẫu chấp hành điều lệ của hội, tích cực tham gia các hoạt động của hội, tham gia đấu tranh giữ vững mục tiêu, định hướng hoạt động của hội. Chủ động báo cáo thường xuyên với Đảng về tình hình của hội mình tham gia.
Ba là:Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cần tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước với các hội.
Nhà nước căn cứ vào đường lối phát triển chung của Đảng để hình thành các chính sách quản lý hội mang tính chiến lược ổn định. Theo chúng tôi có thể chia thành các nhóm chính sách cụ thể như sau: 1) Các chính sách hướng vào việc tạo ra các cơ hội tốt để cho hội tham gia có hiệu quả vào công việc phát triển đất nước như: tư vấn, tổ chức thực hiện các dự án phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá, xã hội. 2) Các chính sách tài trợ của Nhà nước với hội như: cung cấp thông tin; đơn đặt hàng, dự án, đề tài. 3) Chính sách về các hoạt động của hội như: được làm kinh tế; được nhận tài trợ, được vận động quyên góp. 4) Chính sách về nghĩa vụ của các hội: thuế, điều động tài chính, kiểm tra, kiểm soát, hình phạt…
Nhà nước cần đổi mới hoạt động của cơ quan quản lý hội các cấp, nội dung đổi mới cần tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Ban hành các văn bản quản lý.
- Tập trung bồi dưỡng nâng cao nhận thức về các đặc điểm của hội, các quan điểm của Đảng và Nhà nước cũng như định hướng phát triển, khuyến khích.
- Ổn định bộ máy quản lý, lựa chọn người có kinh nghiệm quản lý.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tổng kết kinh nghiệm.
Bốn là:Các tổ chức hội là các tổ chức tự nguyện của quần chúng, do đó để thống nhất lãnh đạo, Đảng cần coi trọng việc phối kết hợp lãnh đạo mặt trận, đoàn thể chính trị với lãnh đạo các hội, lấy Mặt trận và các đoàn thể chính trị làm nòng cốt giúp Đảng thực hiện tốt chức năng lãnh đạo của mình với các hội.
Mặt trận cần mở rộng việc tập hợp các thành viên là các hội khuyến khích các hội tham gia các hoạt động theo chương trình chung của Mặt trận.
Các đoàn thể chính trị như: Thanh niên, Công đoàn, Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh cần đổi mới hơn nữa việc tập hợp, giáo dục hội viên, và các hoạt động của mình. Tăng cường liên kết, phối hợp với các hội trong việc mở rộng các hoạt động của mình, lôi cuốn, thuyết phục các hội hoạt động đúng hướng, tránh khỏi các khuynh hướng lệch lạc.
Thủ lĩnh các đoàn thể chính trị thường xuyên gặp gỡ các thủ lĩnh các hội lắng nghe, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau hoạt động, tiến tới hình thành ra các quy ước phối hợp song phương hoặc đa phương giữa các hội.
Các đoàn thể chính trị cần trao trách nhiệm cụ thể cho mỗi hội viên, đoàn viên của mình phải gương mẫu khi tham gia các hội khác đồng thời thường xuyên chủ động báo cáo lại tổ chức mình tình hình và đề xuất nguyện vọng của các hội mình tham gia.
Mặt trận và các đoàn thể chính trị tham gia tích cực cùng chính quyền các cấp làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các hoạt động của các hội quần chúng và ngược lại, các hội cũng được huy động tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát các hoạt động của các đoàn thể chính trị.
Nguon: cpv.org.vn 22/5/2006