Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 03/12/2007 16:09 (GMT+7)

Đôi điều suy nghĩ về huyền sử Lý Công Uẩn

Tương truyền vào năm Minh Mệnh 14 (1833), do một sự hiểu lầm, triều đình hạ lệnh phá đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bấy giờ quan Hộ đốc Nguyễn Công Trứ phụng mệnh về Hải Dương để đôn đốc công việc. Khi tới nơi, Nguyễn Công Trứ thấy tấm bia trước đền có câu “Huỷ ngã từ giả, bất đắc dự ư tư văn” (Kẻ nào phá đền của ta thì không được dự vào hàng văn nhân). Nguyễn Công Trứ cho là lời vu vơ, không đáng tin. Đến khi phá dỡ nóc đền, thì thấy trên thượng lương có ghi bài thơ Nôm như trên. Nguyễn Công Trứ giật mình, cho dừng việc phá đền và tâu lại với triều đình. Rồi sự việc hiểu lầm được làm sáng tỏ, triều đình bèn hạ lệnh làm lại ngôi đền như cũ (theo Nam Thiên trân dị tập). Rõ ràng đây chỉ là một giai thoại dân gian, một huyền tích. Song bản chất của câu chuyện lại phản ánh cái tâm thức của ông cha ta xưa trong thái độ ứng xử với các danh nhân văn hoá, với các di tích lịch sử. Đó chính là thái độ biết ơn và trân trọng, thái độ “uống nước nhớ nguồn”.

Các nhà truyền thuyết học thế giới đều thống nhất nhận định rằng, bên ngoài cái vỏ bọc hư ảo, huyền bí, các huyền tích/truyền thuyết bao giờ cũng có cái hạt nhân lịch sử, rằng truyền thuyết bao giờ cũng gắn với cội nguồn của mỗi dân tộc, luôn luôn song hành với quá trình tồn vong và phát triển của mỗi dân tộc. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu văn hoá đầy tâm huyết đã có một nhận xét rất tinh tế, rất hay về vấn đề truyền thuyết nhân ngày giỗ tổ các vua Hùng: “Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hoá, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian, làm nên những tác phẩm văn hoá mà đời đời con người yêu thích” (Phạm Văn Đồng: “Nhân ngày giỗ tổ Vua Hùng”, Báo Nhân dân, ngày 29-4-1969). Đương nhiên, không phải ai cũng nhận thức được mối quan hệ biện chứng giữa cái hư ảo và cái hiện thực lịch sử như vậy. Chẳng hạn, ngay từ thời Lê, tiến sĩ Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) trong sách Việt sử tiêu án (Ký hiệu A.11, kho sách Viện Hán Nôm) với tư duy của một nhà Nho “duy ý chí” đã tỏ ý nghi ngờ thời đại Hùng Vương, cho rằng trong vòng 2622 năm, người ta có phải vàng đá đâu mà trung bình mỗi đời vua sống tới 130 năm, vì vậy 18 đời vua Hùng chỉ là phỏng chừng không đáng tin. Sau này, Trần Trọng Kim trong sách Việt Nam sử lược, in năm 1921, cũng theo ý Ngô Thì Sĩ mà viết rằng: “Xét từ đời Kinh Dương Vương đến thời Hùng Vương thứ 18, cả thảy 20 ông vua, mà tính từ năm Nhâm Tuất (2879) đến năm Quý Mão (258 TCN) thì vừa được 2622 năm. Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị vì được non 150 năm. Dẫu là người đời thượng cổ đi nữa thì cũng khó lòng mà có nhiều người sống lâu được như vậy. Xem thế thì đủ biết truyện đời Hồng Bàng không chắc là truyện xác thực”. Vậy mà như chúng ta đều biết, Bác Hồ vẫn nói một câu như một lời dặn dò thiêng liêng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!”. Vậy mà bao đời nay, nhân dân ta vẫn tự hào là con Rồng cháu Tiên, là nòi giống của Cha Rồng (Lạc Long Quân) và Mẹ Tiên (Âu Cơ). Và như vậy, vô hình trung, người Việt Nam chúng ta bao lâu nay đều mặc nhiên thừa nhận truyền thuyết Hồng Bàng, truyền thuyết Cha Rồng, Mẹ Tiên như là những trang huyền sử lung linh mờ ảo, như thực như mơ rất đẹp về cội nguồn dân tộc. Hẳn trong chúng ta ngày nay, không ai là người quên tổ tiên (vong tổ), không ai là người mất gốc (vong bản) để phủ định những huyền thoại về nòi giống của mình, theo tư duy duy lý của nhà Nho, hoặc theo quan điểm duy vật máy móc của một thời... Nghiên cứu di sản văn hoá vật thể/phi vật thể đều đòi hỏi phải có kiến thức liên ngành. Huyền thoại, huyền tích/truyền thuyết đều là đối tượng của các khoa học chuyên ngành.

Đền Cẩu Nhi đã từng là một ngôi đền có thực, và đã hiện diện trên hồ Trúc Bạch - vốn là một phần của Hồ Tây xưa. Đền Cẩu Nhi là một di sản văn hoá vật thể, nhưng những huyền thoại, huyền tích xung quanh ngôi đền này lại thuộc lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể (theo quy định của UNESCO). Do vậy, muốn lý giải ngôi đền này cần phải có sự phối hợp nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, mà trong đó, các ngành nghiên cứu văn hoá - văn hoá dân gian là cực kỳ quan trọng.

Chúng tôi được biết, gần đây thành phố Hà Nội có chủ trương phục hồi, tôn tạo di tích Đền Cẩu Nhi trên Hồ Trúc Bạch. Dư luận có ý kiến thế này thế khác, khá xôn xao! Với tư cách và trách nhiệm của một người nghiên cứu folklore/văn hoá dân gian, chúng tôi cũng muốn đóng góp một số kiến giải về vấn đề này, trên cơ sở những tìm hiểu nghiêm túc về mặt khoa học - huyền sử học/truyền thuyết học.

Theo chúng tôi, muốn hiểu lai lịch Đền Cẩu Nhi thì trước hết phải hiểu huyền tích về Cẩu Nhi. Mà muốn hiểu huyền tích Cẩu Nhi thì không thể không tìm hiểu nó trong huyền sử về Lý Công Uẩn, vị vua khai sáng ra triều Lý, khai sáng ra kinh đô Thăng Long...

Về lai lịch Lý Công Uẩn, cả ba tài liệu Hán Nôm mà chúng tôi tìm đọc đều cho thấy là có liên quan đến chó.

Tài liệu thần tích Ngọc phả cổ lục ở xã Tam Tảo, tổng Ân Phú, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh (ký hiệu VHv.1236, Thư viện Viện Hán Nôm) cho biết rõ bà mẹ Lý Công Uẩn tên Phạm Thị Trinh, đến làm việc ở chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mơ thấy Thần Chó Đá rồi có mang mà sinh ra Công Uẩn.

Tài liệu Việt sử diễn âm, không tên tác giả, sách chữ Nôm, được soạn khoảng giữa thế kỷ XVI (ký hiệu AB.110, Thư viện Viện Hán Nôm), khi kể về lai lịch Lý Công Uẩn không nói rõ tên bà mẹ:

Trời cho họ Lý nối đời
Tên là Công Uẩn quê người Bắc Giang
Cổ Pháp chùa ấy là hương
Vốn xưa mẹ thường ở đấy hôm mai
Cha thác những ngày còn thai
Đến sinh ra ngoài vốn chẳng có cha
Thuở ấy tuổi vừa lên ba
Phải năm mất mùa mẹ ẵm xin ăn...

Đến khi hai mẹ con đến nhà Lý Khánh Văn thì bỗng thấy:

Chó đồng trong cửa căn ra
Khánh Văn mới hỏi này là sự duyên
Lão nhân ngày xưa đã truyền
Chó đồng hễ cắn thánh nhân đến nhà...

Ở đây có một chi tiết/tình tiết cần được nêu rõ, nếu không thì người đọc không có chuyên môn, chỉ qua bản phiên âm sẽ chẳng thấy được điều gì. Trong nguyên bản chữ Nôm, chữ chó đồng được ghi rõ là đồng kim loại (bộ kim bên chữ đồng). Vậy đây là chó bằng đồng, một tình tiết huyền thoại, chứ không phải là chó ngoài cánh đồng. Khánh Văn được ông cha để lại cho một vật quý gia truyền, đó là con chó bằng đồng, một linh vật, và dặn rằng khi nào chó đồng sủa ắt là có thánh nhân đến nhà. Bây giờ Khánh Văn thấy ứng nghiệm, nên đã “ba bảy chạy ra”:

Khánh Văn liền ẵm lấy vào
Rằng ta nuôi lấy để ta hộ nhà

Rồi đến khi thằng bé ngủ, Khánh Văn lại quan sát thấy: "Nơi nằm thấy hiện hoàng long, Khánh Văn xem thấy trong lòng mừng thay". Rõ ràng đó là dấu hiệu của bậc đế vương rồi: Ngủ có rồng vàng chầu/phủ. Tiếp đến khi Công Uẩn dời đô cũng lại gặp rồng:

Lập đô ở đất Long Biên
Vua về dưới đền thấy có rồng bay
Vua rằng điềm ấy tốt thay
Mới đặt hiệu này là đền Thăng Long…

Nhưng thú vị hơn vẫn là chuyện liên quan đến chó:

Lại nghiệm chó cái lội sông
Bơi ứng Thiên Tự mà sang Long Thành
Cắn lau làm tổ mới hoà
Sinh con thấy có hiện hình lạ song
Nên chữ Thiên tử dòng dòng
Thái Tổ gẫm được trong lòng mừng thay…

Đoạn diễn ca cho biết nhiều điềm lành đến với ông vua khai sáng ra triều Lý, nào rồng chầu/phủ khi ngủ, nào rồng bay khi lập kinh đô, nhưng điềm chó cái bơi từ quê vua, đúng hơn là nơi ở lúc hàn vi - chùa ứng Đại Thiên Tâm bên xứ Kinh Bắc sang Long Thành nơi vua định đô càng làm nhà vua mừng lòng hơn.

Đến tài liệu Thiên Nam ngữ lục, một cuốn sử ca Nôm đồ sộ, cũng khuyết danh, được soạn vào nửa cuối thế kỷ XVII (ký hiệu AB.478, Thư viện Viện Hán Nôm), khi kể chuyện Lý Công Uẩn tuy có những tình tiết khác hai tài liệu vừa dẫn, nhưng chuyện liên quan đến chó thì vẫn là nét tương đồng.

Theo Thiên Nam ngữ lục thì mẹ Lý Công Uẩn mang họ Phạm, không nêu tên như bản thần phả. Nàng họ Phạm cũng là một cô gái nghèo khổ, năm 20 tuổi đến làm thuê ở chùa ứng Đại Thiên Tâm, ở châu Cổ Pháp. Đêm khuya, nàng thổi xôi ở bếp, rồi ngủ quên.

Thấy lâu thầy mới hỏi dồn
Tắt đèn vạc lửa thầy liền bước qua
Tự nhiên mới giấc hồn hoa
Ngỡ ai đã đến giao hoà cùng ai…

(Đây hoàn toàn giống motif Man Nương: “Con nằm thầy về bước qua; Tự nhiên chuyển động lòng đà thụ thai”. Rồi nàng họ Phạm thụ thai, và để giữ thể diện cho thầy chùa, nàng phải bị gậy ra đi. Tới một ngôi chùa khác, nàng trở dạ đẻ và có điềm lạ: "Phút liền nổi trận hư không; Trên trời dậy gió dưới rồng phun mưa". Sau khi sinh một con trai diện mạo khác thường, nàng họ Phạm ẵm con đến chùa Cổ Pháp, nơi thầy Lý Khánh Văn trụ trì. Truyện kể rằng:

Có thầy là Lý Khánh Văn
Gia truyền bảo bối một con muông đồng
Sấm truyền từ nẻo cha ông
Hễ thiên tử đến muông mừng sủa lên

Và đúng như lời sấm truyền, khi nàng họ Phạm ẵm con đến chùa, thì:

Bước vào vừa đến ngoài sân
Muông đồng bèn sủa tiếng rân dậy trời
Rùng mình thầy ngó ra ngoài
Thấy nàng ẵm trẻ đến ngồi xin ăn…

Thầy rất mừng vì sự ứng nghiệm của bảo bối gia truyền: "Hư không sự lạ bởi trời; Khuyển vi thiên tử chữ bày đã phân". ở bản kể này, không có chuyện chó mẹ bơi qua sông Nhĩ Hà sang lót ổ đẻ ở Long Thành, mà là có chó mẹ vào lót ổ đẻ ở ngay gầm bàn thờ trong chùa nơi Lý Khánh Văn trụ trì:

Thấy liền có sự lạ sao
Dưới tĩnh muông vào đẻ được một con
Phau phau trắng tựa bột non
Chữ Tuất Thiên tử lưng còn chẳng sai…

Đáng chú ý là ở bản kể Thiên Nam ngữ lục, chúng ta bắt gặp hai chữ muông đồng, nguyên văn chữ Nôm cũng viết đồng bộ kim như bản Việt sử diễn âm đời Mạc. Còn chữ muông, theo Đại Nam quấc âm tự vị (bản in 1895 -1896) của Huỳnh Tịnh Paulus Của, thì từ muông được giải nghĩa là con thú, thường hiểu là con chó, và lấy thí dụ muông săn, tức chó săn. Vậy muông đồng cũng là con chó bằng đồng, đúng như bản kể Việt sử diễn âm đã ghi rõ là chó đồng. Bản kể Thiên Nam ngữ lục cũng cho biết, sau khi gặp sư Lý Khánh Văn, sư cũng xin đứa bé làm con nuôi cho tiện chăm nom. Nàng họ Phạm lại bị gậy ra đi, rồi tự nhiên hoá ở đồi Mả Báng (Đình Bảng, Bắc Ninh), sau đó mối đùn cao và có thần thổ địa đến coi sóc. Chính sư Lý Khánh Văn là người đặt tên cho con trai nàng họ Phạm là Lý Công Uẩn, và khi Công Uẩn gần mười tuổi, ông đã gửi cho bạn là sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ dạy Công Uẩn học hành: "Học một kịp người năm ba; Thánh hiền tâm lượng người ta khôn bì"…

Qua ba tài liệu vừa dẫn, có rất nhiều vấn đề đáng bàn. Chẳng hạn, Lý Công Uẩn rõ ràng là được sinh ra từ cửa chùa, và Phật giáo thời Lý rõ ràng là cái nôi sinh thành của vị vua này. Ngay cái tên bà mẹ họ Phạm thì cũng chỉ là cái tên phiếm chỉ của truyện dân gian, huyền thoại, huyền tích. Phạm hay Phạn đều có nghĩa là Phật/thế giới nhà Phật… Tuy nhiên, vấn đề mà chúng tôi muốn bàn ở đây chỉ xin khoanh lại ở chủ đề biểu tượng chó mẹ/chó con với ông vua khai sáng ra triều Lý và kinh đô Thăng Long.

Sau khi đã xem xét huyền sử Lý Công Uẩn, bây giờ chúng ta hãy xem xét tiếp lai lịch di tích đền Cẩu Nhi qua sách Tây Hồ chí. Sách Tây Hồ chí không ghi tên người biên soạn (ký hiệu A.3192/1 Thư viện Viện Hán Nôm), nhưng qua lời dẫn đầu sách, có ghi sách lấy nguồn từ Hoàng Việt địa dư (hiện có hai bản in, Minh Mệnh 14 -1833, và Thành Thái 9 -1897, chúng tôi chưa có điều kiện tra cứu kỹ xem Tây Hồ chí đã lấy nguồn từ bản in nào) thì cũng có thể sơ bộ nhận định Tây Hồ chí là sách được biên soạn vào đầu thời Nguyễn.

Theo sách này cho biết, thì miếu thờ Thần Cẩu Nhi (Chó Con) vốn nằm ở góc Tây Bắc hồ trên bến Châu (Ngọc Trai). Nơi đây đời Trần vẫn gọi là bến Thần Cẩu. Đến thời Hậu Lê, phần hồ này mới gọi theo tên thôn Trúc Bạch (Trúc là cây trúc trồng để làm mành, còn Bạch là lụa dệt từ tơ tằm) là Hồ Trúc Bạch. Sách này cũng ghi rằng, khi nhà Lý còn ở châu Bắc Giang, tại chùa ứng Thiên Tâm trên núi Ba Tiêu (Chuối Tiêu), bấy giờ có một con chó trắng đang có mang, bỗng bơi qua sông Nhĩ Hà lên núi Khán Sơn mà ở. Sau nó đẻ ra một con chó con, mọi người đều lấy làm lạ. Đến năm Canh Tuất khi vua Lý Thái Tổ dời đô thì hai con chó mẹ chó con đều biến mất. Chuyện đến tai nhà vua. Vua phán đó là Chó Thần đấy. Rồi lập tức hạ chiếu xây đền Chó Mẹ trên núi Khán; đồng thời xây đền Chó Con trong hồ để thờ cúng, nay đền vẫn còn, thuộc địa phận thôn Trúc Yên. Cũng theo ghi chép của Tây Hồ chí thì từ thời Trần đến thời Lê, đền Cẩu Mẫu (phía Tây Bắc hoàng thành Thăng Long thời Lê) vẫn còn. Khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) vua Lê Thánh Tông vẫn thường tới thăm đền này trên núi Khán. Đến thời Hậu Lê, khoảng niên hiệu Vĩnh Tộ (1619 -1629) đời Lê Thần Tông, kèo cột của đền Cẩu Mẫu đã hư hỏng. Nhân đó người ta làm ngôi chùa trên nền cũ của đền này, vì ở trên núi Khán, nên gọi luôn là chùa Khán Sơn… Núi và chùa đến thời điểm biên soạn Tây Hồ chí vẫn còn ở góc mé Tây trong tỉnh thành…

Ở đây cần chú ý, không chỉ hai bộ sử ca Nôm có ghi chép truyền thuyết về chó trên lưng có chữ “Thiên tử”, mà cả hai bộ chính sử như Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư cũng đều có những ghi chép tương tự.

Như vậy, không chỉ lai lịch Lý Công Uẩn liên quan đến biểu tượng Chó, mà cả việc dời đô cũng liên quan đến biểu tượng Chó. Ngược dòng lịch sử, theo tài liệu điều tra điền dã của nhóm Trần Quốc Vượng - Vũ Tuấn Sán, thì việc dời đô của vua An Dương Vương cũng liên quan đến Chó. Vua Thục ban đầu đóng đô ở Tó (Uy Nỗ), nhưng đàn chó của vua cứ chạy sang Cổ Loa và con chó quý của vua đã sang gò Cổ Loa để lót ổ đẻ con. Vì vậy mà vua đã dời đô sang Cổ Loa. Và cũng vì vậy mà ngày trước dân Cổ Loa vẫn có tục làm nhà trên đất chó đẻ con theo tín ngưỡng dân gian "Đất chó đẻ là đất quý." Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán: Hà Nội nghìn xưa -1975, tr.141-142).

Chúng tôi nghĩ, để hiểu sâu về tín ngưỡng thờ chó, hẳn phải là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, không đơn giản. Tuy nhiên, sơ bộ xem xét thì cũng có thể cho thấy, tục thờ chó là khá phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới. Trécxơnốp trong công trình Dân tộc học lịch sử các nước Đông Dương (NXB.Khoa học - M -1976, tư liệu dịch của Khoa Sử, Đại học Tổng hợp) cho biết tục thờ chó có ở hầu khắp các thần thoại dân tộc ở Đông Nam á lục địa. Đúng ra, lúc đầu tục thờ chó là xuất phát từ các dân tộc chăn nuôi gia súc khu vực Tây Nam á, với vai trò canh giữ đàn gia súc. Sau đó, có thể người ấn - Âu từ thời đồng thau đã mang vào Đông Á truyền thống chăn nuôi cùng với tín ngưỡng thờ chó. ở Đông Nam á không phát triển nghề chăn nuôi, nên huyền thoại chó đã giữ lại hình thức rất cổ mà ta có thể nghĩ tới những diễn biến của hình thức hôn nhân - gia đình cổ đại. Trong thần thoại vùng Địa Trung Hải và Cận Đông, hình tượng chó, kẻ canh giữ gia súc đã sớm chuyển thành kẻ canh giữ thế giới âm phủ. Trong thần thoại Bàn Hồ (Nam Trung Quốc), chó lại diễn biến thành chiến công anh hùng trong lĩnh vực giữ nước và giải thích nguồn gốc tộc người. Chó lấy công chúa rồi vào núi ở và sinh con đàn cháu đống… trở thành thuỷ tổ của người Dao.

Chúng tôi đã lược thuật vài điều nhận xét trên đây của nhà dân tộc học nổi tiếng Trécxơnốp như là một cái nhìn toàn cảnh về tín ngưỡng thờ chó trên thế giới, mà trước hết là ở khu vực Đông Nam á. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thì người Hán không có tục thờ chó đá mà chỉ có tục thờ bia/ trụ đá có khắc chữ "Thạch cảm đang" (Đá vô địch), chôn ở trước cổng, ngõ, đầu cầu… như một linh vật để trừ tà trấn quỷ, vốn bắt nguồn từ tín ngưỡng sùng bái đá từ thời nguyên thuỷ. Còn riêng với người Choang cùng trong khối Bách Việt với người Việt, thì theo quan sát trực tiếp của chúng tôi, cũng như theo ghi chép của sử sách, họ cũng có tục chôn chó đá nhỏ trước cổng ngõ giống như ở nước ta, với niềm tin đó là vật trừ tà, canh giữ bình an cho mọi người và đem lại mùa màng tươi tốt cho dân làng… Nhân nói về tục thờ chó đá, thì có lẽ phải kể thêm đến trường hợp coi chó đá là thành hoàng  làng ở làng Địch Vĩ, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nhiều địa phương, dân gian cũng gọi là Thần Hoàng hoặc Ông Hoàng). Chúng tôi đã có dịp tới khảo sát quần thể di tích lịch sử - văn hoá đình Địch Vĩ, và còn thấy ở đây cả một nhóm tượng chó bằng đá xanh đang ngồi chễm chệ trên bệ thờ, con lớn cao tới 1m40, đàn chó nhỏ gồm 16 con, con cao là 30 cm, con thấp cũng phải 15 cm, chúng được tạo tác với nhiều tư thế khác nhau hết sức sinh động… (xin xem chi tiết bài khảo tả "Nhóm tượng chó đá ở làng Địch Vĩ", trên Tạp chí Văn hoá dân gian, số 1 -1994, của tác giả Minh Nhương). Ngoài ra, chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin khá thú vị, ở Hà Nội xưa ngoài đền thờ Chó, còn có cả một cửa ô mang tên Cửa ô Chó Đá, nằm ở phía Nam Ngã tư Trung Hiền (mấy chục năm trước ở đây còn có cả tượng Chó đá).

Đến đây, chúng tôi có thể tạm kết luận: Tục thờ chó đá là một tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu đời ở người Việt. Đây là một nét đẹp của văn hoá tâm linh. Không biết từ bao giờ, ông cha ta vẫn có câu: "Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu". Trở lại vấn đề phục hồi, tôn tạo di tích Đền Cẩu Nhi, chúng tôi cho đó là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tất cả những gì có liên quan đến ông vua khai sáng kinh đô Thăng Long - tiền thân của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật đều cần được hết sức trân trọng và bảo tồn như những di sản văn hoá - lịch sử vô giá của dân ta cho muôn đời con cháu mai sau. Và, để kết thúc bài viết, chúng tôi mong bạn đọc hãy vui lòng đọc lại đôi điều rất tâm huyết của nhà nghiên cứu văn hoá Phạm Văn Đồng: "Thật là kỳ diệu! Đến nay sử sách mà ta biết được, viết về Vua Hùng thật là ít ỏi, vẻn vẹn chỉ trong mấy trang giấy và chắc chắn là không thể tin hết được vì nhiều lẽ. Nhưng may mắn thay, ở đây chúng ta có một nguồn sử rất quý giá là truyền thuyết trong dân gian. Có những người chuyên nghiên cứu về khoa học xã hội, về lịch sử mà… không thấy cái kho tàng rất phong phú về nhiều mặt là phong tục, tập quán, là truyền thuyết, là ngôn ngữ,… là cuộc sống ngày nay vẫn còn in bóng cuộc sống ngày xưa, đó là những người cận thị, phiến diện, không thấy và không hiểu cái chân lý vĩ đại của lịch sử, lịch sử của quá khứ cũng như của hiện tại và tương lai… Liên quan đến Vua Hùng, thời kỳ lập nước của dân tộc Việt Nam ta, chúng ta có những truyền thuyết hay và đẹp lạ lùng!..." (Phạm Văn Đồng, tài liệu đã dẫn).

Thiết nghĩ, từ ý kiến của nhà nghiên cứu văn hoá Phạm Văn Đồng với tầm nhìn sâu rộng về lịch sử quốc gia, dân tộc, chúng ta có thể suy ngẫm ra nhiều lý giải bổ ích về vụ việc đền Cẩu Nhi hiện nay./.

Nguồn: dantochoc.org.vn, 23/11/2005

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam được thành lập ngay sau giải phóng năm 1975. Trong suốt 50 năm qua, Hội đã có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động tư vấn chính sách đối với các vấn đề trọng đại của đất nước. Gần đây nhất là phản biện trong góp ý văn kiện Đại hội XIII và XIV của Đảng, các đề án tăng trưởng xanh, đường sắt cao tốc, quy hoạch vùng và dự thảo nhiều chính sách kinh tế quan trọng...
Lãnh đạo VUSTA tham dự Hội nghị IAS 2025
Đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch VUSTA, Giám đốc Ban Quản lý dự án Quỹ Toàn cầu - VUSTA về phòng, chống HIV/AIDS làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Khoa học quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS 2025 (Hội nghị IAS 2025) tại Rwanda từ ngày 12/7 đến ngày 17/7/2025.
Thắp nến tri ân nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ
Ngày 24/7, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947–27/7/2025), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Hội Nhà báo Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trang trọng tổ chức Chương trình “Thắp nến tri ân” tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội).
Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.