Đôi bạn trẻ và đề tài nghiên cứu về mồ hôi tay
Đình cho biết: Chứng năng tiết mồ hôi nguyên phát được biểu hiện bởi tình trạng đổ mồ hôi quá mức. Bệnh xuất hiện ở mặt, lòng bàn tay, bàn chân, nách, lưng… Một số bác sĩ hoặc chính người bệnh nghĩ nhiều đến nguyên nhân do tâm lý. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng rối loạn hệ thống thần kinh giao cảm được xem là nguyên nhân gây bệnh.
Tăng tiết mồ hôi quá mức ở lòng bàn tay có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là những người đang trong độ tuổi lao động. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây nhiều phiền toái cho người bệnh trong lao động, sinh hoạt và giao tiếp xã hội. Bệnh có thể để lại những hậu quả đáng kể về mặt tâm lý. Vì vậy, chất lượng sống của người bệnh ít nhiều bị giảm sút.
Những năm gần đây, phẫu thuật cắt TKGCNQNNS thực sự là một cuộc cách mạng trong ngành phẫu thuật với những ưu điểm không thể chối cãi so với phẫu thuật hở kinh điển. Từ cuối năm 1996, phẫu thuật cắt TKGCNQNNS trong điều trị tăng tiết mồ hôi quá mức ở lòng bàn tay được áp dụng tại Bệnh viện Bình Dân TP. HCM. Từ đó, kỹ thuật này mở rộng ở nhiều trung tâm ngoại khoa trong cả nước với nhiều cải tiến về phương diện gây mê hồi sức, tư thế bệnh nhân…
Khoảng 10 năm trở lại đây, một số trung tâm ngoại khoa trên thế giới đã báo cáo kết quả điều trị cắt TKGCNQNNS, nhưng chỉ một số tác giả có sử dụng các phương tiện đo lường để đánh giá kết quả nghiên cứu của mình. Việc xây dựng bảng câu hỏi “chất lượng sống” đã giúp lượng giá bệnh tật một cách khách quan hơn, đồng thời giúp khẳng định phương pháp TKGCNQNNS có thể cải thiện cả về triệu chứng và “chất lượng sống” toàn diện của bệnh nhân sau điều trị. Tần suất mắc bệnh chiếm khoảng 1% trong cộng đồng và có liên quan đến yếu tố gia đình. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào đề cập về vấn đề này.
Tiếp theo sau nghiên cứu “Khảo sát những ảnh hưởng về mặt xã hội về nghề nghiệp của chứng tăng tiết mồ hôi tay” đã được thực hiện khi còn đi học, Đình và Huân nhận thấy cần thiết phải tiến hành một cuộc nghiên cứu độc lập nhằm lượng giá “chất lượng sống” trước và sau khi điều trị cắt TKGCNQNNS. Kết quả của nghiên cứu này sẽ góp phần phản ánh tình hình điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi quá mức ở lòng bàn tay ở các tỉnh phía Nam. Trên cơ sở đó sẽ thúc đẩy các nghiên cứu khác tiến tới hoàn thiện việc chẩn đoán và điều trị bệnh hiện nay…
Mồ hôi đổ ra và thành quả đạt được
Dựa vào lý luận và qua tiếp xúc thực tiễn, từ 1-11-2003 đến 1-6-2004, hai bạn trẻ Lê Quang Đình và Lê Ngọc Hân đã tiến hành nghiên cứu khảo sát đặc điểm và những cải thiện về chất lượng cuộc sống ở người có chứng tăng tiết mồ hôi tay trước và sau phẫu thuật cắt TKGCNQNNS, tại BV Bình Dân, TP.HCM.
Trong vòng 7 tháng, hai bạn trẻ đã tiến hành khảo sát 109 bệnh nhân bị đổ mồ hôi tay và tìm hiểu chất lượng sống của bệnh nhân sau khi mổ cắt thần kinh giao cảm như thế nào. Bảng câu hỏi chất lượng cuộc sống đánh giá trước và sau phẫu thuật 30 ngày được gửi đến bệnh nhân. Kết quả cho thấy sự hài lòng của bệnh nhân về hiệu quả điều trị. Phương pháp điều trị chứng tăng tiết mồ hôi tay đã giải quyết những khó chịu của bệnh nhân và đem đến sự thoải mái trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Không còn bị chứng bệnh này gây phiền toán nên họ an tâm học tập, công tác. Theo ý kiến của đa số bệnh nhân thì: Sau phẫu thuật, cuộc sống của họ đã có nhiều chuyển biến, họ không ngần ngại khi bắt tay bạn bè, làm việc nhanh nhẹn hơn, có thể cầm nắm bất kỳ vật gì mà mình muốn (trước đây thì không). Ngoài ra, hai bàn tay lúc nào cũng sạch sẽ thơm hơn, không bị bám bụi. Do đó năng suất học tập, lao động tốt hơn. Họ cảm thấy tự tin hơn, hết mặc cảm…
Để đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau khi mổ, Đình và Hân đã mất gần hai tháng đọc sách và các tài liệu về bệnh lý, các cơ chế sinh bệnh, các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống… và soạn thảo ra một bảng câu hỏi liên quan đến cảm nhận xã hội, đối xử bạn bè, gia đình, cải thiện công việc… Ban ngày bận đi học và đi thực tập ở bệnh viện, nên để thực hiện đề tài của mình, Hân và Đình phải tranh thủ các khoảng thời gian trống để đi “phỏng vấn” và gửi câu hỏi cho bệnh nhân. Ngọc Hân cho biết: “Do thời gian gấp rút nên tụi em phải phân công nhau đi bệnh viện để lấy số liệu và hỏi bệnh nhân, công việc thường bắt đầu từ 6h sáng (sáng sớm trước khi bệnh nhân lên bàn mổ) hoặc buổi chiều cũng vào khoảng 6h (sau giờ học). Căng nhất là buổi sáng sớm, nhiều khi bệnh nhân đang ngủ vân phải đánh thức dậy để hỏi thăm, có người tỏ ra thông cảm nhưng cũng có người tỏ ra khó chịu, nhiều người vừa trả lời vừa ngái ngủ… Mọi công việc phải làm nhanh trong vòng 1 tiếng để đến 7 giờ là phải có mặt ở trường học để học chính khoá…”. Có một điều đáng khen cho hai bạn trẻ là hiện tại dù đã tốt nghiệp xuất sắc bác sĩ đa khoa, có đủ điều kiện để hành nghề y nhưng cả hai quyết định thì vào làm bác sĩ nội trú của Đại học Y dược TP.HCM. Đình trúng vào chuyên khoa ngoại lồng ngực còn Hân vào chuyên khoa gây mê.
Đề tài này đã giúp hai bạn đạt kết quả tốt nghiệp loại xuất sắc và kết quả nghiên cứu này cũng được chọn giới thiệu trên Tạp chí Y Dược TP.HCM, được trao thưởng Y Dược TP. HCM, và ngày 16/1/2005 đề tài được trao giải nhất Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học - giải thưởng Eureka lần 6. TS.BS Cao Văn Thịnh, người đã hướng dẫn hai bạn thực hiện đề tài này cho biết: Đây là một kết quả rất đáng khích lệ, vì từ trước đến nay, trong nước chưa có một nghiên cứu nào về lĩnh vực này…
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 266, ngày 21/5/2005