Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 15/10/2009 17:22 (GMT+7)

Điểm gặp giữa Nguyễn An Ninh với Nguyễn Ái Quốc

Năm 1918, Nguyễn An Ninh đi sang Pháp lần đầu tiên, thi đậu đại học, vào Khoa Luật trường đại học Sorbonne ở Paris . Khi vừa đặt chân lên đất Pháp, Nguyễn An Ninh đã tìm đến số nhà 6 villa des Gobenlins để trao bức thư của cha mình cho người bạn thân là cụ Phan Châu Trinh. Tại đây, Nguyễn An Ninh gặp Nguyễn Tất Thành, làm quen với Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền. Nguyễn An Ninh trở thành người thứ năm của “Nhóm người Việt Namyêu nước” nổi tiếng ở Paris . Từ đó, nhóm năm người Việt Nam yêu nước được Việt kiều ở Pháp kính nể gọi là “Nhóm Ngũ Long”, oanh liệt một thời trên đất Pháp.

Năm 1919, đại diện của những nước thắng trận trong Thế chiến lần thứ nhất họp ở Versailles để ký hoà ước với nước Đức bại trận vào ngày 28 - 6 - 1919. Hội nghị Versailles đã nhận được một “Bản yêu sách” yêu cầu ban hành những quyền tự do dân chủ, bỏ chế độ phân biệt đối xử giữa người Pháp với người Việt, ký tên Nguyễn Ái Quốc, đại diện cho “Nhóm người Việt Nam yêu nước”. Nguyễn An Ninh đã ghi ở trang đầu quyển nhật ký của mình như sau: “Làm một người trai, ta phải noi gương anh Nguyễn, mặt đối mặt với kẻ thù xâm lược”.

Nguyễn Ái Quốc là người cùng sáng lập ra Hội liên hiệp thuộc địa (L’Union Intercoloniale) ở Parisvà là linh hồn của tờ báo Người cùng khổ(Le Paria) xuất bản từ tháng 4 - 1922 đến tháng 6 - 1926 ở Paris . Giữa năm 1922, khi Nguyễn Ái Quốc bí mật rời nước Pháp đi rang Liên Xô, thì mùa thu năm 1922, Nguyễn An Ninh trở về Sài Gòn hoạt động cứu nước sôi nổi.

Nguyễn An Ninh (ngoài cùng bên phải) ở Pháp năm 1927.
Nguyễn An Ninh (ngoài cùng bên phải) ở Pháp năm 1927.
Ngày 10 - 12 - 1923, Nguyễn An Ninh cho xuất bản tờ báo Tiếng Chuông Rè(La Cloche Fêlée) ở Sài Gòn bằng tiếng Pháp. Lúc bấy giờ Đạo luật ngày 18 - 9- 1881 về qui chế tự do của nước Pháp có ghi: “Người sáng lập tờ báo nếu là người Pháp hay có quốc tịch Pháp chỉ cần làm đơn xin với Biện lý là đủ. Đơn này phải nộp 24 giờ trước khi báo phát hành”.Sắc luật ngày 30 - 12 - 1898 còn ghi: “Tất cả báo chí Việt ngữ, Hoa ngữ hoặc ngoại ngữ nào khác hơn Pháp ngữ đều phải xin phép trước. Giấy phép phải do quan Toàn quyền cấp, sau khi được sự đồng ý củaBan Thường vụ Hội đồng tối cao Đông Dương”.

Tài liệu của Hà Huy Giáp viết rằng: “Nếu so sánh hai tờ báo Tiếng Chuông Rècủa Nguyễn An Ninh và Người cùng khổcủa Nguyễn Ái Quốc, thấy như hai anh em sinh đôi ở hai thời điểm khác nhau. Nội dung của hai tờ báo đều tố cáo chế độ thực dân, giới thiệu nước Nga Bônsêvich, đăng tải những bài báo của báo Nhân đạocủa Đảng Cộng sản Pháp. Đối với báo Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc lo liệu hầu như tất cả từ nội dung, tài chính đến in ấn, phát hành, thì đối với báo Tiếng Chuông Rè, Nguyễn An Ninh cũng lo liệu mọi việc” (2).

Trong Báo cáo về tình hình Đông Dương của Quốc tế Cộng sản vào cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc có nhận xét về báo Tiếng Chuông Rènhư sau: “Khác với nhiều tờ báo ở Đông Dương, vừa phê phán công khai khuyết điểm của Chính phủ, vừa tuyên bố gắn bó vô hạn với Tổ quốc Mẹ, tờ La Cloche Fêléecủa Nguyễn An Ninh không chỉ công kích mấy tên quan lại thối nát, mà còn phê phán kịch liệt chế độ thực dân của Pháp”.

Giữa tháng 12 - 1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Trung Quốc và lấy tên là Lý Thuỵ. Tại Quảng Châu năm 1925, Nguyễn Ái Quốc tổ chức các lớp đào tạo cán bộ về Chủ nghĩa Mác - Lênin cho nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước. Nguyễn Ái Quốc cũng tự soạn ra một số tài liệu giảng dạy như tập sách Đường cách mệnhvà bản dịch Tuyên ngôn Cộng sảncủa Mác - Ănghen dưới dạng thơ lục bát.

Đầu năm 1925, Nguyễn An Ninh đi sang Pháp, mang theo bản thảo tập sách Nước Pháp ở Đông Dương (La France en Indochine)và nhiều bài viết của Nguyễn Ái Quốc đã được đăng trên báo le Pariavà đăng tải trên báo La Cloche Fêlée.Ở Paris, Nguyễn An Ninh cho xuất bản sách Nước Pháp ở Đông Dươngvào tháng 4 - 1925, liền sau đó cùng với Nguyễn Thế Truyền hoàn chỉnh việc tập hợp các bài viết của Nguyễn Ái Quốc cho tập sách Bản án chế độ thực dân Pháp (le Procès de la conlonisation francaise)và gửi cho Nhà xuất bản Thư quán lao động (Librairea du traivail) ở Paris.

Sách Nước Pháp ở Đông Dươngcủa Nguyễn An Ninh xuất bản cùng thời với sách Bản án chế độ thực dân Phápcủa Nguyễn Ái Quốc là những bản cáo trạng vạch trần cái gọi là “sứ mạng khai hoá” của thực dân Pháp ở Đông Dương, là tiếng chuông cảnh tỉnh ít nhiều nhân dân Pháp và làm cho bọn thực dân hoảng hồn (3).

Tháng 6 - 1925, Nguyễn An Ninh cùng với Phan Châu Trinh về nước. Báo Tiếng Chuông Rèlại tiếp tục xuất bản vào ngày 26 - 11 - 1925 với số 20. Lần này, Nguyễn An Ninh mời Phan Văn Trường là một học giả uyên bác, cùng trong nhóm Ngũ Long trước kia ở Paris, làm chủ nhiệm tờ báo thay cho Jean de la Bâtie là người Pháp đã làm chủ nhiệm tờ báo từ năm 1923. Nguyễn An Ninh cho đăng toàn văn Tuyên ngôn của đảng Cộng sảnliền trong tám số báo, từ số 53 đến số 60 (từ 29 - 3 - 1926 đến 26 - 4 - 1926) mà sự kiểm duyệt gắt của thực dân Pháp thời bấy giờ không phát hiện được (4).

Thực dân Pháp bắt Nguyễn An Ninh và giam trên 9 tháng, đến tháng 7 - 1927 mới thả. Vừa được thả ra, Nguyễn An Ninh lại chuẩn bị cho chuyến đi sang Pháp tiếp theo. Trong tư liệu mật của Thống đốc Nam kỳ có ghi như sau: “Nguyễn An Ninh trở sang Pháp lần thứ tư trên con tàu Paul le Cat với ý định gặp các lãnh tụ Cộng sản Pháp và Nguyễn Ái Quốc để chuẩn bị tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc làm lãnh tụ”.

Sự việc xảy ra sau đó gần như sự phán đoán của mật thám Pháp nói trên. Tháng 12 - 1927, Nguyễn Ái Quốc đi dự Đại hội đồng Liên đoàn chống đế quốc ở Bruxelles (Bỉ). Đây là tổ chức chống đế quốc rộng rãi đầu tiên trên thế giới. Đầu năm 1928, Nguyễn An Ninh từ Pháp trở về Sài Gòn, phát triển mạnh mẽ “Phong trào yêu nước Nguyễn An Ninh” mà nòng cốt là “Đảng Thanh niên Cao Vọng” đã được thành lập từ năm 1925.

Nguyễn An Ninh thường tâm sự với các đồng chí và cho biết Nguyễn Ái Quốc cũng có suy nghĩ như sau: “Ở các nước công nghiệp phát triển, Đảng Cộng sản ra đời trên cơ sở kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân. Còn ở các nước thuộc địa, công nghiệp kém phát triển thì sự thành lập Đảng Cộng sản phải là sản phẩm của sự kết hợp Chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước” (5).

Tháng 1 - 1928, thực dân Pháp khiêu khích bắt Nguyễn An Ninh và xử án 3 năm tù giam, từ tháng 10 - 1928 đến tháng 10 - 1931. Năm 1929, khi còn đang trong tù, Nguyễn An Ninh đã giới thiệu người của Đảng Thanh niêm Cao Vọng cho Châu Văn Liêm ở Nam kỳ và cho Nguyễn Đình Kiên (Tú Kiên) ở Trung kỳ, thuộc Nhóm cánh tả của Đảng Tân Việt, để chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (6).

“Phong trào yêu nước Nguyễn An Ninh” tiếp tục phát triển mạnh mẽ để tham gia việc thành lập Đảng Cộng sản Việc Nam do Nguyễn Ái Quốc làm lãnh tụ. Nguyễn An Ninh cũng giới thiệu rất nhiều quần chúng cách mạng cho Đảng Cộng sản Đông Dương trong những lúc thoái trào, như trong thời kỳ sau Xô Viết Nghệ Tĩnh từ năm 1932 đến 1934 để phục hồi lực lượng cho Đảng, khi Đảng Cộng sản bị bọn thực dân khủng bố trắng. Trong những thời kỳ cao trào như “Phong trào Đông Dương đại hội” năm 1936, người của Phong trào Yêu nước Nguyễn An Ninh là lực lượng tham gia chủ yếu trong 600 “Uỷ ban hành động” ở Nam bộ do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói về Nguyễn An Ninh: “Tôi đã nghe nhiều người ca tụng Nguyễn An Ninh. Năm 1938, tôi có dịp được sống gần ông ở Mỹ Tho. Từ năm 1939, tôi và ông đã bị đế quốc Pháp đày đoạ ở nhà ngục Côn Đảo cho đến khi ông hy sinh.

Nguyễn An Ninh là một trí thức tầm cỡ, nếu chịu khuất phục bọn đế quốc, chắc chắn ông sẽ giàu có và sống vương giả. Nhưng vì yêu nước, thương dân, ông đã đi vào quần chúng lao khổ, vận động họ chống lại đế quốc và tay sai. Ông đã ra tờ báo La Cloche Fêlée(Tiếng Chuông Rè) để vạch mặt bọn xâm lược và áp bức, bóc lột nhân dân Việt Nam . Ông đã bí mật thành lập một tổ chức cách mạng yêu nước “Đảng Thanh niên Cao Vọng” để chống lại bọn xâm lược và tay sai. Ông đã đi bộ bán dầu cù là ở các bến xe, ở các phường Sài Gòn với ý định cổ động đồng bào chống lại bọn đã làm khổ mình.

Ở trong tù, ông Nguyễn An Ninh luôn luôn đoàn kết với chúng tôi, những người cộng sản, để chống lại bọn cai ngục dã man. Khi ông lâm bệnh mất đi, chúng tôi đã cử lễ truy điệu ông rất long trọng và thương tiếc nhà chí sĩ Nguyễn An Ninh, nhà yêu nước vĩ đại” (7).

Trong Lời nói đầu của sách Sự tiến hoá liên tụccủa Nguyễn An Ninh - Một lãnh tụ cách mạng hùng biện, nhà nghiên cứu lịch sứ cách mạng Việt Nam Hà Huy Giáp đã nói: “Nghiên cứu Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường sẽ giúp chúng ta hiểu thêm Bác Hồ, Đảng ta, dân tộc ta”.

Chú thích:

1. Lê Minh Quốc.Nguyễn An Ninh - Dấu ấn để lại . Nxb Văn học, 1997.

2. 3. Hà Huy Giáp.Sự tiến hoá liên tục của Nguyễn An Ninh - Một lãnh tụ cách mạng hùng biện . Nxb TP. HCM, 1988.

4. Nguyễn An Tịnh (sưu tầm).Nguyễn An Ninh. Nxb Trẻ, 1996.

5. Nguyễn Văn Thân.Một số việc tôi biết về Nguyễn An Ninh trong: Nguyễn An Ninh. Nxb TP. HCM. 1988.

6. Hồi ký của bà Nguyễn An Ninh.Cùng anh đi suốt cuộc đời Nxb. Trẻ. 1999.

7. Chí sĩ Nguyễn An Ninh - kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Sài Gòn Giải phóng, 17 - 9 - 2000.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Liên hiệp Hội Việt Nam là điểm tựa tin cậy của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ
Trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia..
Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.
Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.