Dị ứng không còn là căn bệnh bí ẩn
Cơ chế gây dị ứng
Từ nay, dị ứng không còn là một căn bệnh bí ẩn. Dị ứng không phải là một căn bệnh mà là tập hợp hàng loạt trạng thái bệnh lý của cơ thể, gồm có hen phế quản, dị ứng rinit, các bệnh mẫn cảm ngoài da như mẩn ngứa mãn tính và cấp tính v..v…Cơ sở của tất cả những căn bệnh đó chỉ có một- phản ứng tự vệ của cơ thể. Hiện nay, các nhà khoa học đã giải mã được đến tận cùng cơ chế phát sinh của loại phản ứng này. Bản chất của dị ứng là hệ thống miễn dịch của cơ thể bắt đầu phản ứng thái quá đối với những chất thực ra là không độc hại lắm đối với cơ thể. Vì thế, dị ứng là phản ứng miễn dịch không có khả năng thích nghi. Dị ứng rinit là một thí dụ. Một khi có tác nhân gây dị ứng như bụi phấn hoa rơi vào cơ thể thì để phản ứng lại, trong máu ngay lập tức xuất hiện và tăng cao hàm lượng một loại protein đặc biệt gọi là Immunoglobulindạng E có tác dụng kết hợp với tác nhân gây dị ứng trên bề mặt một loại tế bào gọi là tế bào béo. Loại tế bào này có trong các cơ quan nội tạng khác nhau và ở các cơ khác nhau trong cơ thể. Nó có khá nhiều trong thành phần các tuyến tiết dịch ở cơ quan hô hấp, mũi và mắt. Tế bào béo chính là nơi lưu trữ chất hystamin. Đây là chất rất cần cho cơ thể để thực hiện nhiều chức năng quan trọng. Nhưng trong trường hợp phản ứng dị ứng, chất hystamin lại chịu trách nhiệm về tiến trình các triệu chứng tiêu cực, khó chịu. Mỗi khi tế bào béo bị kích hoạt, hystamin được tiết ra và đi vào máu, kích thích quá trình tiết dịch ở mắt và mũi, đồng thời tác động lên các cơ cấu khác làm cho con người bắt đầu có những phản ứng như sổ mũi và ho.
Đừng coi thường dị ứng
Theo thống kê, hiện có tới 1/5 số người trên Trái Đất bị bệnh dị ứng, cao nhất là ở các nước phát triển. Hiện tượng này liên quan đến sự suy giảm chất lượng môi trường sinh thái và do con người quá lạm dụng chất kháng sinh. Ngoài ra, các tác nhân quan trọng gây nên dị ứng còn là stress, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ô nhiễm các vật liệu tổng hợp trong môi trường. Tuy nhiên, tính chất di truyền vẫn đóng vai trò chủ yếu gây nên phản ứng dị ứng. Bản thân dị ứng không truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng có định hướng di truyền. Khả năng dị ứng còn phụ thuộc vào cách sống ngay từ thời thơ ấu. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng trẻ em khi còn bú sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu sau khi sinh ít khi bị tác động của các phản ứng dị ứng. Còn ngày nay, trẻ em thường ít bú sữa mẹ mà thường uống sữa tổng hợp công nghiệp và sống trong những điều kiện môi trường sinh thái bị ô nhiễm mạnh. Còn một vấn đề nữa là từ trước đến nay mọi người vẫn quan niệm cho rằng dị ứng là một căn bệnh “vớ vẩn”. Nhiều người tự đi mua thuốc để uống hoặc sử dụng các loại thuốc y học dân tộc. Trong khi đó, bệnh dị ứng có thể chuyển sang các hình thức nguy hiểm hơn. Thí dụ, bệnh dị ứng rinit (bệnh viêm thành mạch dị ứng với những biểu hiện mẩn đỏ như các loại dị ứng khác) nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh hen phế quản. Kết luận ở đây rất đơn giản là một khi bị dị ứng, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để xử lý càng sớm càng tốt.
Tiến độ trong điều trị dị ứng
Điều trước tiên là nên đến gặp bác sĩ và làm các xét nghiệm chẩn đoán để xác định xem tác nhân nào gây nên dị ứng. Hiện có rất nhiều phương pháp chẩn đoán khác nhau. Đó là phương pháp phản ứng dưới da, phân tích thành phần máu. Sau đó, cần phải loại trừ khả năng tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Nếu dị ứng do thức ăn thì phải áp dụng chế độ ăn kiêng. Nếu dị ứng với bụi trong điều kiện gia đình, bụi phấn hoa hoặc do lông của động vật cảnh nuôi trong nhà thì phải sử dụng máy hút bụi. Các loại máy hút bụi hiện đại có thể lọc được các hạt bụi có kích thước 1/10 micron. Các nhà khoa học đang giải quyết vần đề này từ một hướng khác là huấn luyện cho cơ thể không phản ứng với immunoglobulin dạng E. Họđã thử nghiệm thành công một loại thuốc mới nhất có tác dụng này. Đây có thể được coi là một phương pháp có tính cách mạng để chữa bệnh dị ứng.
Gần đây trong y học áp dụng tương đối phổ biến liệu pháp tiêm chủng chống dị ứng. Đó là đưa một hàm lượng thấp các tác nhân gây dị ứng vào cơ thể theo một sơ đồ nhất định, với hàm lượng ngày càng cao để giảm khả năng nhạy cảm của cơ thể đối với tác nhân này.Từ đó, trong cơ thể sẽ hình thành các chất kháng thể có tác dụng bảo vệ chống lại các tác nhân gây dị ứng. Liệu pháp này mất nhiều thời gian từ 3 đến 5 năm. Trước đây, phương pháp này thường để lại các phản ứng phụ, nhưng trong thời gian gần đây đã được cải tiến và an toàn hơn do các tác nhân gây dị ứng dùng để chữa bệnh đã được tinh chế tốt hơn và thường không gây ra các phản ứng phụ và có tác động miễn dịch mạnh. Vừa qua, các nhà khoa học Ôxtrâylia đã áp dụng thành công công nghệ gien để chế tạo các tác nhân dị ứng chữa bệnh và đã thử nghiệm thành công về mặt lâm sàng, hoàn tòan loại bỏ được tác dụng phụ và có tác dụng chữa bệnh dị ứng nhanh. Phương pháp này được áp dụng trước hết để chữa bệnh dị ứng hen phế quản và dị ứng rinit. Kết quả tốt nhất khi chữa bệnh dị ứng do bụi phấn hoa và bụi lông của động vật cảnh trong nhà. Ngoài ra còn có các phương pháp chống dị ứng khác như liệu pháp cơ bản nhằm nâng cao khả năng bảo vệ của màng tế bào béo để ngăn chặn chất hystamin hòa lẫn vào máu.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 51 (1769)