Đề cao vai trò của hoạt động tiêu chuẩn hóa trên thế giới
Năm 1946, với mục tiêu “Thúc đẩy sự phối hợp và liên kết quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn công nghiệp”, 25 nước đã thống nhất thành lập Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế (ISO). Trải qua 68 năm, ISO hiện có 165 quốc gia thành viên và là tổ chức tiêu chuẩn hóa lớn nhất thế giới hiện nay.
Từ mục tiêu đơn giản ban đầu là liên kết phối hợp trong lĩnh vực tiêu chuẩn công nghiệp, đến nay, ISO hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, trừ điện và điện tử thuộc trách nhiệm của Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC). Đến nay, ISO đã đưa vào áp dụng trên 19.500 tiêu chuẩn quốc tế, tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ trên phạm vi toàn thế giới, tăng cường sức khỏe cho cộng đồng, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường; phát triển sự hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và kinh tế.
Năm 1970, ISO đã quyết định chọn ngày 14/10 hàng năm làm Ngày tiêu chuẩn thế giới nhằm đề cao vai trò của hoạt động tiêu chuẩn hóa trên thế giới, đồng thời tôn vinh nỗ lực và sự đóng góp của những người đã và đang tham gia vào việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế.
Ngày tiêu chuẩn thế giới là dịp để các quốc gia thành viên ISO triển khai hoạt động thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêu chuẩn hóa toàn cầu đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong việc đáp ứng các yêu cầu của giới kinh doanh, giới công nghiệp, quản lý và người tiêu dùng ở mỗi quốc gia nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Cùng với thời gian, Ngày tiêu chuẩn thế giới đã thu hút thêm sự tham gia của các tổ chức về tiêu chuẩn hàng đầu trên thế giới như Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU).
Năm 2014, các thành viên ISO, IEC, ITU tổ chức Ngày tiêu chuẩn thế giới với chủ đề "Tiêu chuẩn tạo lập sân chơi bình đẳng" với ý nghĩa tiêu chuẩn mang lại những cơ hội và lợi thế ngang bằng cho cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất, qua đó nêu bật những đóng góp của tiêu chuẩn trong việc góp phần thúc đẩy thương mại, vượt qua những hàng rào thương mại do chính con người tạo ra, từ đó tạo ra một sân chơi bình đẳng.
Tiêu chuẩn quốc tế giúp cho các công ty, các ngành công nghiệp và các nền kinh tế có tính cạnh tranh cao hơn, việc xuất khẩu hàng hóa trở nên dễ dàng hơn và thúc đẩy việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh ở phạm vi mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, năm 1962, cơ quan tiêu chuẩn quốc gia đã được thành lập. Trải qua 52 năm, một hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn đo lường và các cơ sở vật chất kỹ thuật đo lường, thử nghiệm đã được xây dựng. Hiện tại, Việt Nam đã xây dựng được hàng nghìn tiêu chuẩn quốc gia, bao quát các đối tượng thuộc hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Bên cạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam tích cực triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn ISO, giúp nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh quốc gia, vệ sinh, sức khỏe con người, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.
Trong xu thế hội nhập, Việt Nam tích cực xây dựng và nâng cao các tiêu chuẩn quốc gia mới, hài hòa và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế ISO.
Hy vọng với những nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, công tác tiêu chuẩn hóa ở nước ta sẽ không ngừng lớn mạnh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Hiện nay, tiêu chuẩn quốc tế là công cụ thực tiễn giúp cho các tổ chức, cá nhân tạo lập lòng tin, giảm sự bất ổn và quản lý rủi ro.