Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 15/07/2006 00:06 (GMT+7)

ĐB QH - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Xóa bỏ độc quyền làm SGK như thế nào?

Xóa bỏ độc quyền bằng "một chương trình, nhiều bộ sách"

+ Nhiều người cho rằng để SGK có chất lượng ngày càng cao và giá thành ngày càng rẻ hơn, cần xóa bỏ độc quyền biên soạn SGK, tạo ra cạnh tranh lành mạnh trên nguyên tắc "một chương trình, nhiều bộ sách". Ông thấy có hợp lý không?

- Đây là giải pháp được nêu ra trong dự thảo Luật Giáo dục 2005. Nhiều nước phát triển cũng thực hiện như vậy. Tôi ủng hộ giải pháp này vì cạnh tranh lành mạnh là con đường tất yếu để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ.

Vả lại, về tình riêng, tôi cũng muốn mọi người có thực tế để chia sẻ nỗi vất vả của người làm SGK. Giá ở bên cạnh SGK của chúng tôi có thêm vài bộ sách cho giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh so sánh, lựa chọn thì tốt biết bao!

Tuy nhiên, giải pháp đó không được Quốc hội thông qua. Nhiều vị đại biểu Quốc hội cho rằng trong tình hình hiện nay, việc xuất bản nhiều SGK vừa gây tốn kém vừa tạo ra những phiền phức cho mỗi gia đình. Ví dụ: mỗi khi học sinh chuyển vùng, chuyển trường hoặc mỗi khi địa phương thay đổi giám đốc Sở GD&ĐT, thay đổi hiệu trưởng, lại có khả năng học sinh phải thay SGK một lần,...

+ Việc thay sách liên tục và in lại SGK dù chỉ có một vài thay đổi nhỏ là rất lãng phí, chỉ làm lợi cho NXB Giáo dục. Theo ông, nên làm gì để chấm dứt tình trạng này?

- Tôi không biết vì sao trong xã hội cứ lan truyền mãi dư luận cho rằng "SGK thay đổi xoành xoạch". Đó là một nhận định rất sai. Theo tôi, cần phân biệt hai việc sau:

1. Tái bản SGK hằng năm hoặc vài năm một lần. Đây là việc cần làm để phục vụ những lứa học sinh mới. Cá biệt, có thể có quyển khi tái bản thì đồng thời sửa chữa một vài chi tiết nhỏ.

2. Thay đổi SGK cho phù hợp với yêu cầu đào tạo nhân lực trước mỗi bước ngoặt lịch sử. Để bảo đảm tính thống nhất, kế thừa của các quyển sách trong cùng hệ thống SGK và tránh cho học sinh phải chuyển đổi chương trình học giữa chừng, việc thay SGK ít khi diễn ra đồng thời ở tất cả các lớp mà thường được thực hiện theo kiếu "cuốn chiếu", tức là thay dần từ lớp dưới lên lớp trên.

Như vậy, mỗi lần đổi mới chương trình giáo dục và thay sách thường diễn ra liên tục trong vòng 5, 10 năm, nhưng như thế không có nghĩa là thay đổi xoành xoạch vì mỗi năm chỉ thay sách ở một lớp.

Về vấn đề "độc quyền" xuất bản SGK

+ Độc quyền xuất bản SGK mang lại nguồn lợi cực kỳ lớn cho NXB Giáo dục (năm 2004, xuất bản 176 triệu bản SGK, NXB Giáo dục lãi hơn 20 tỷ đồng), trong khi đó giá SGK không hạ, chất lượng ít được cải tiến. Cần làm gì để thay đổi điều này?

- Theo tôi, vấn đề không phải ở chỗ doanh thu bao nhiêu. NXB Giáo dục là một doanh nghiệp, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thu nhiều thì nộp thuế nhiều. Chúng ta mong muốn xóa bỏ độc quyền là để không ngừng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ, chứ không phải để giảm thiểu sản phẩm và doanh thu của bất kỳ đơn vị nào.

Nhưng xóa độc quyền bằng cách nào thì phải cân nhắc.

Như mọi người đều biết, hoạt động xuất bản gồm ba khâu liên hoàn: tổ chức bản thảo, in và phát hành.

Theo quy định "một chương trình, một bộ SGK" của Luật Giáo dục hiện hành thì ngoài NXB Giáo dục, khó có NXB nào đảm nhận được khâu tổ chức bản thảo SGK. Bởi vì NXB Giáo dục là nơi duy nhất có đội ngũ biên tập viên thuộc đủ các môn học, cấp học, giàu kinh nghiệm và hết sức chu đáo trong việc làm SGK.

Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tôi cũng không dám giao công việc tổ chức bản thảo của bộ SGK duy nhất cho một NXB vừa không có đội ngũ biên tập viên SGK vừa không thuộc quyền quản lý của mình.

Còn về phía tác giả SGK, dù có được tùy ý lựa chọn NXB in sách của mình, chắc chắn họ vẫn chọn NXB Giáo dục, bởi vì đó là nơi thích hợp nhất để thực hiện công việc này.

Một khi NXB Giáo dục đứng ra tổ chức bản thảo thì NXB Giáo dục là chủ sở hữu quyền tác giả SGK, mà việc chuyển giao quyền này phải làm theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo tôi, khả năng hiện thực nhất để các NXB tham gia khâu tổ chức bản thảo lúc này là làm sách tham khảo cho học sinh. Nhưng để khỏi xảy ra tình trạng "loạn" sách tham khảo, Bộ GD&ĐT cần xác định danh mục các loại sách tham khảo cho từng cấp học; còn các NXB thì cần nghiên cứu kỹ chương trình, SGK và nhu cầu của giáo viên, học sinh, phu huynh học sinh, đồng thời tránh xuất bản sách trùng lặp nội dung.

Có thể giảm giá dần SGK tái bản

+ Ngoài khâu tổ chức bản thảo, hai khâu còn lại là in ấn và phát hành SGK có thể xóa bỏ ngay độc quyền?

- Trên thực tế, lâu nay, 4 nhà in thuộc NXB Giáo dục chỉ in được 1/20 số lượng sách. Do vậy, tuyệt đại bộ phận sách của NXB Giáo dục (19/20 số lượng sách) đã được in ở gần 80 nhà in khác nhau trên toàn quốc, thông qua đấu thầu. Còn về khâu phát hành thì thông qua hệ thống Công ty Sách và Thiết bị giáo dục ở 64 tỉnh thành. SGK đến được tận tay học sinh, không gây ra hiện tượng sốt sách, đầu cơ, nâng giá. Chúng ta có thể mở rộng đối tượng tham gia phát hành SGK, nếu giữ vững được sự ổn định này.

Còn về giá thành của SGK thì so với các loại sách khác, SGK rẻ hơn nhiều. Từ 10 năm nay, mặc dù giá giấy, giá điện, giá xăng dầu đã có nhiều biến động nhưng mặt bằng giá SGK không thay đổi.

Tuy nhiên, theo tôi, NXB Giáo dục cũng nên nghiên cứu xem có thể giảm dần giá SGK tái bản không, vì sau một vài lần tái bản, những chi phí về tổ chức bản thảo ban đầu có thể đã được bù đắp rồi.

+ Xin cảm ơn Giáo sư!

Nguồn: Gia đình và Xã hội; nhandan.com.vn 29/6/2006

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phát triển kinh tế báo chí trong chuyển đổi số
Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cấp thiết và quan trọng hàng đầu nhằm đạt mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.