Đẩy nhanh quá trình hồi phục vết thương bằng công nghệ mới
Tham dự hội thảo, ngoài các nhà khoa học của 2 đơn vị chủ trì thuộc ĐHQGHN còn có các chuyên gia của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội và các cơ quan nghiên cứu về lĩnh vực vật lý như Viện Vật lý, Hội Vật lý Việt Nam…
Nhóm nghiên cứu liên ngành giữa Trường ĐHCN, Khoa Y Dược và Viện Vật lý do TS. Bùi Nguyên Quốc Trình (Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano) cùng BS. Bạch Sỹ Minh (Khoa Y-Dược) và TS. Đỗ Hoàng Tùng (Viện Vật lý) đã trình bày một số nghiên cứu về plasma và ứng dụng plasma lạnh hoạt động ở điều kiện khí quyển thông thường (viết tắt là AP plasma). Nhóm nghiên cứu đã đề xuất về hướng nghiên cứu chế tạo thiết bị sử dụng plasma lạnh dùng trong điều trị các vết thương chậm liền.
Thử nghiệm lâm sàng
Vết thương chậm liền do nhiều nguyên nhân trong đó nhiễm khuẩn đóng vai trò quan trọng, ngoài ra loạn dưỡng thần kinh, rối loạn dinh dưỡng tại chỗ cũng là một trở ngại lớn trong quá trình liền thương. Nhóm nghiên cứu đã chứng minh khả năng tiêu diệt trực khuẩn mủ xanh trong môi trường nuôi cấy chỉ sau 10 giây chiếu tia. Ngoài ra theo các nghiên cứu nước ngoài các gốc hoạt tính như NO được hình thành khi plasma tiếp xúc với không khí còn có tác dụng kích thích liền thương, cải thiện vi tuần hoàn thúc đẩy quá trình liền thương. Một vài thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành nhằm chứng minh tác dụng này như liền thương của các thương tổn chàm, sẹo bỏng, loét tỳ đè… đều khẳng định plasma lạnh là một hướng mới trong điều trị vết thương chậm liền.
Một triển vọng mới cho điều trị y khoa
GS.TS. Nguyễn Đại Hưng (nguyên Viện trưởng Viện Vật lý, Viện HL KH&CN Việt Nam, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam): Đây là hướng nghiên cứu rất mới ở Việt Nam, phương pháp nghiên cứu, điều tra khảo sát đầy đủ, hợp lý, khoa học và có độ tin cậy cao. Số lượng và khối lượng sản phẩm tạo ra là rất lớn và rất ấn tượng. Nhóm nghiên cứu cần bổ sung các thông số vật lý, kỹ thuật của máy thật cụ thể, xây dựng quy trình điều trị khi sử dụng plasma lạnh. Các tài liệu tham khảo về hướng nghiên cứu đầy đủ, rõ ràng, xác thực và logic, thể hiện tốt được mục tiêu, nội dung nghiên cứu và kết quả nghiên cứu.
GS.TS. Bạch Thành Công (Chủ tịch Hội đồng liên ngành Vật lý – Điện tử viễn thông ĐHQGHN): Phương pháp điều trị dùng plasma lạnh có hiệu quả trong điều trị, trong khi các phương pháp khác rất kém hiệu quả. Các kết quả được thực hiện do nhóm nghiên cứu trình bày rất đáng quan tâm, xác thực, mở ra một triển vọng mới trong điều trị y học, có tính liên ngành cao giữa công nghệ hiện đại và y học.
GS.TS. Trương Việt Dũng (Chủ nhiệm Khoa Y-Dược, ĐHQGHN; Chủ tịch Ban đánh giá đạo đức NCYSH, Bộ Y Tế): Nghiên cứu cần chia thành 3 giai đoạn; giai đoạn 1: Nghiên cứu và chế tạo máy. Máy chế tạo ra phải được cục đo lường chất lượng xác nhận tiêu chuẩn; giai đoạn 2: Thử nghiệm tiền lâm sàng; giai đoạn 3: Thử nghiệm lâm sàng.
Trao đổi với website ĐHQGHN, TS. Bùi Nguyên Quốc Trình cho biết, trên thế giới ngày càng có nhiều trung tâm nghiên cứu về plasma, cũng như phát triển các ứng dụng của plasma trong y sinh. Đặc biệt đã có một số bản máy thử nghiệm và nguyên mẫu AP plasma định hướng ứng dụng trong liền thương như: máy kINPen-Med của Viện nghiên cứu Plasma Nhiệt độ thấp Greifswald, CHLB Đức; máy MicroPlaSter của Hãng Công nghệ Plasma Adtec, Nhật Bản và máy FE-DBD plasma của Viện nghiên cứu Plasma Drexel, Hoa Kỳ. Các thiết bị AP plasma giúp liền thương trên thế giới đều mới đang chỉ ở pha I giai đoạn thử nghiệm lâm sàng chứ chưa được đưa ra thị trường một cách rộng rãi.
AP plasma có tiềm năng ứng dụng trong công nghệ chế tạo màng mỏng dùng cho các linh kiện điện tử, pin mặt trời… thay thế các phương pháp truyền thống; Ứng dụng trong bảo quản hoa quả, trong các nghiên cứu và điều trị về y sinh…
Các nhà khoa học tham dự hội thảo đều mong muốn sớm triển khai ứng dụng plasma lạnh trong ứng dụng thực tế vì đây là hướng nghiên cứu liên ngành có tính khả thi tốt. Các nhà khoa học đã trao đổi và góp nhiều ý kiến về các thống số kỹ thuật của thiết bị, quy trình thử nghiệm lâm sàng cũng như nguồn kinh phí để thực hiện.
Lãnh đạo ĐHQGHN đã đánh giá cao đề xuất của nhóm nghiên cứu về khả năng ứng dụng trong thực tế và đề nghị nhóm nghiên cứu có phương án phối hợp với doanh nghiệp để đưa các sản phẩm nghiên cứu sớm được ứng dụng vào thực tiễn điều trị của bệnh nhân.