Đạo Dừa ở Bến Tre
Giáo chủ Đạo Dừa tên thật là Nguyễn Thành Nam. Ông sinh năm Kỷ Dậu (1909) tại xã Phước Thạnh, tổng An Hoà, huyện Trúc Giang, tỉnh Kiến Hoà (nay là ấp I, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Cha ông tên Nguyễn Thành Trúc, làm chánh tổng dưới thời Pháp và mẹ là bà Lê Thi Sen. Nhờ gia đình giàu có nên ông được cho sang Pháp du học, ông theo học ngành kỹ sư hoá học tai Rouen (1)3 năm và tại các trường khác ở Pháp.
Từ năm 1928 đến 1935, với tấm bằng kỹ sư hoá học ông trở về quê nhà và lập xưởng sản xuất xà phòng nhưng không cạnh tranh nổi với các xưởng khác ở miền Nam lúc bấy giờ nên phải đóng cửa. Sau đó ông lập gia đình, kết duyên với bà Lộ Thị Nga, ái nữ của ông bà nghiệp chủ ở Gò Công là Lộ Công Huân và bà Nguyễn Thị Cúc. Sau một thời gian, ông bà hạ sinh được một người con gái và đặt tên là Nguyễn Thị Khiêm tự Loan Anh.
Đang sống yên vui với gia đình bông nhiên tính tình ông thay đổi, ông chán chường cuộc sống trần tục, chán vợ đẹp con ngoan và một lòng hướng về sự tu hành. Năm 1943, ông vào Thất Sơn (2)học đạo. Trong khoảng thời gian này, ông luôn bị dao động về thần trí, ông thường thốt ra những câu nói khác thường về thiên cơ, hư hư thật thật, lúc tỉnh lúc say như người mất trí. Hai năm sau (1945), ông chính thức rời bỏ gia đình vào ở hẳn trong vùng Thất Sơn xin quy y cầu đạo với hoà thượng chùa An Sơn, núi Tượng. Ông tu theo hạnh Đầu đà, ngồi tại bệ đá trước cột phướn của chùa trong 3 năm, đêm ngày chỉ ngồi im lặng không nói, chịu đựng sương gió, thân hình ông ngày càng gày ốm chỉ còn da bọc xương, đến bữa ăn ông ôm bình bát đi hoá trai rồi lại trở về chỗ cũ.
Năm 1948, khi hạn tu đã mãn, ông trở về Định Tường (nay là Tiền Giang) ngồi dựa mé sông Cửu Long trên cầu Bắc hành đạo hai năm trước mắt người qua lại. Năm 1950, ông quay về quê nhà ở ấp I, xã Phước Thạnh dựng đài bát quái cao 14 thước, tu theo phương pháp tịnh khẩu (không nói) và bút đàm (dùng bút để trò chuyện), ban đêm lên ngồi hành đạo trên đài cao, choàng một manh áo, chịu đựng mưa nắng. Ông tự xưng là Thiên nhơn giáo chủ Thích Hoà Bình và thờ cả Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo… Cuộc sống tu hành của ông đơn sơ, đạm bạc, thức ăn chủ yếu là dừa với trái cây thổ sản, mỗi ngày ông chỉ ăn một lần đúng ngọ. Mỗi năm ông chỉ tắm một lần vào ngày Phật Đản và đổi bộ y khác, nhưng sau này 3 năm ông mới tắm một lần.
Hai năm sau ngày ông lập đài bát quái, dân chúng bắt đầu lui tới viếng thăm, nhưng ông vẫn “tịnh khẩu”, chỉ dùng bút viết những câu trả lời khi có ai hỏi. Ông khuyên mọi người tu tại gia, ăn chay trường, sống tôn trọng lễ nghĩa và yêu thương nhau, cư xử hoà mực với nhau.
Để quảng bá đạo của mình, ngoài một số người phục dịch, ông còn có cô em họ Diệu Ứng và một số người bà con bên vợ ở Gò Công. Ông biết đánh vào tâm lý hiếu kỳ của nhiều người, nên đồng bào ở các tỉnh như Mỹ Tho, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sài Gòn đến tìm hiểu đạo ngày một đông. Những lúc đông nhất, đạo của ông có đến 3.600 tín đồ.
Một thời gian sau, ông cho mua thêm hai tàu chở khách, đưa những người muốn tìm hiểu đạo từ cầu Ba Lai đến địa điểm tu hành của ông, rồi trở về hoàn toàn miễn phí. Khu vực của Giáo chủ Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam cư trú để hành đạo lúc bấy giờ thuộc vùng giải phóng, nên thường bị chính quyền Sài Gòn bố ráp, bắn phá thường xuyên. Có điều là cơ sở của ông không bị địch bắn phá, hay khám xét.
Năm 1958, ông gửi thư phản đối Tổng thống Ngô Đình Diệm về một chính sách nào đó, nên bị bắt giam, sau được thả ra.
nhận thấy địa điểm tu hành của mình có nhiều bất lợi nên năm 1964, tu sĩ Nguyễn Thành Nam chuyển toàn bộ cơ sở đến mũi Cồn Phụng (3). Tại đây, ông dựng lên đài bát quái cao 18 thước (sau đó là đài cao 24 thước) để tiếp tục tu hành, ông cho xây dựng Nam Quốc Phật tự, thuyền Bát Nhã, tháp Hoà Bình (Cửu trùng đài)… và sáng lập ra Đạo Dừa. Đạo Dừa chủ trương chuyên ăn cơm dừa và uống nước dừa để tồn tại và hành đạo. Trong cách thờ phụng tại Nam Quốc Phật tự của Nguyễn Thành Nam có sự thờ hỗn hợp các vị Thích Ca, chúa Jesu, Đức mẹ Maria, Quan Thánh và Phật Thầy Tây An với nhau. Trên thuyền Bát Nhã của ông còn có biểu tượng Thập giá của đạo Thiên Chúa, chữ Vạn của nhà Phật, quả Địa cầu và nhiều dấu hiệu khác. Do cách thờ phụng hỗn hợp như vậy nên người đời còn gọi đạo của ông là “Đạo Vừa”
Tại Cồn Phụng, người ta thường nghe tiếng chuông cứ vọng từng hồi, ông giải thích việc ông làm nơi đây là việc Thiên Cơ, một ngày kia sẽ ứng nghiệm, còn việc rung chuông, ông cắt nghĩa đó là chuông cầu nguyện cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, người dân bớt chết chóc bởi chiến tranh, con người biết yêu thương và đoàn kết lẫn nhau trong cảnh hoà hiệp huynh đệ, mỗi người đều hướng thiện tu thân, cải ác làm lành, cùng cầu Tiên, Phật, Thánh sớm ra đời tại Việt Nam để cứu độ chúng sinh, mới mong nhân gian sống trong cảnh thái bình… Ông tự cho mình là “xứ giả của hoà bình” và thử nghiệm hoà đồng dân tộc bằng cách nuôi chuột và mèo sống chung với nhau trong một cái lồng. Qua hình ảnh này ông chứng minh là hai kẻ đối nghịch vẫn có thể “sống chung hoà bình” và mong muốn Việt Nam sẽ không còn chiến tranh. Ông còn đặt mua một xà lan lớn có sức chứa hàng trăm tấn, thiết kế làm ba tầng đưa về neo đậu bên một khu đất, trên đó xây dựng một số tháp, đài, nhà khác, vườn hoa…
Năm 1967, ông nhờ báo chí tuyên truyền về đạo của mình và vận động để ra tranh cử tổng thống Việt Nam Cộng hoà với tư cách là một “giáo chủ”. Khi ông ra tranh cử tổng thống năm 1967, có một tín đồ tặng ông một cặp ngà voi, mỗi chiếc dài 1,8m, nặng 45kg, có đường kính 0,5m. Nay cặp ngà voi này được công nhận là cặp ngà voi lớn nhất Việt Nam, hiện đang được trưng bày ở phòng khách của Tỉnh uỷ Bến Tre.
Đặc biệt là những hoạt động chính trị ráo riết của ông trong thời kỳ diễn ra cuộc “Hội đàm bốn bên” tại Paris, để giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đã có hàng trăm thanh niên nhẹ dạ, cả tin chạy về đây ẩn trú, sống dưới sự che trở của ông trong chiếc xà lan đậu cố định ở Cồn Phụng để trốn quân dịch của Nguyễn Văn Thiệu. Và cũng tại nơi đây, lính của Nguyễn Văn Thiệu đã từng ập xuống vây bắt một lúc hàng trăm thanh niên, đưa về quân trường. Sau đó ông qua Nam Vang và bị bắt giữ một thời gian rồi mới thả về. Trong số tín đồ của Đạo Dừa có con trai của nhà văn Mỹ John Steinbeck.
Sau ngày giải phóng,vì những hoạt động chính trị lừa bịp, Đạo Dừa bị cấm, Giáo chủ Nguyễn Thành Nam tìm đường vượt biên để ra nước ngoài nhưng không thành, ông bị bắt và đưa đi học tập, cải tạo. Vì tuổi cao, sức yếu nên ông được chính quyền cách mạng cho người thân trong gia đình bảo lãnh về sống tại Phú An Hoà. Những tín đồ của Đạo Dừa về sau nhận ra thực chất của những trò lừa dối của người chủ xướng, đã tự nguyện bỏ đạo. Năm 1990, ông qua đời ở tuổi 81.
HIện nay, tại Cồn Phụng còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc do Giáo chủ Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam xây dựng, hiện đang được bảo tồn gần như nguyên trạng trên diện tích khoảng chừng 1.500m 2như: tháp Hoà Bình (Cửu Trùng đài) – nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo, toà tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm hình rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén; một đỉnh lớn; cầu tàu; cơ sở xây cất của ông ở Cù lao Phụng được sửa chữa làm nơi điều dưỡng và du lịch để phục vụ người lao động và khách du lịch; chiếc xà lan làm nơi hành đạo của Nguyễn Thành Nam được chính quyền địa phương đưa về làm khách sạn nổi trên sông ở thị xã Bến Tre… Hàng năm, Cồn Phụng đón một lượng lớn du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc một thời gắn với ông Đạo Dừa và vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây, đồng thời để nghe một huyền thoại về một tu sĩ của xứ dừa.