Danh hương Đại Mỗ
Tây Mỗ thời xưa xa có tên là Thiên Mỗ, mãi đến thời Tự Đức (1848 - 1883) mới đổi gọi là làng Đại Mỗ, cũng là xã Đại Mỗ. Đại Mỗ là làng Việt cổ, hình thành và phát triển cùng quá trình dựng nước từ thủơ các Vua Hùng. Điều đó thể hiện ngay ở tên làng. Mỗ là từ Việt Cổ, vốn là chữ Mụ ( ghi bằng chữ Hán thì gồm bộ Nữ và bộ Lão).
Vùng quê này ngàn năm trước đã có cư dân đông đúc, có nhiều người danh lớn tài cao được ghi vào sử sách. Đại Mỗ xưa có bốn thôn: Khế Ngang, Huyền Phố, An Thái và Phú Thứ. Đến cuối thời Nguyễn, Phú Thứ được tách thành xã riêng, nhưng sau đổi thành một làng thuộc xã Tây Mỗ. Có một con ngòi chảy qua Đại Mỗ, ra sông Nhuệ, tên chữ Tùng Khê, dân chúng gọi nôm là khe Tùng. Chảy ngang giữa làng Đại Mỗ, hai bên Tùng Khê có những gò đất tuyệt đẹp. Trên một gò đất cao ở bờ bắc Tùng Khê, tọa lạc một ngôi đình nhỏ rất đẹp làm bằng gỗ lim. Đó là Lạc Thọ Đình, do Nguyễn Quý Đức dựng khi ông về trí sỹ năm Đinh Dậu 1717. Nguyễn Quý Đức là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử thế kỷ XVIII. Ông sinh năm 1648 tại Đại Mỗ, Từ Liêm, lớn lên trở thành một tài năng văn, võ song toàn. Về văn, ông đỗ đầu khoa thi Đình năm 1676, nhưng chỉ được danh hiệu Thám hoa. Ông là người cùng Lê Hy viết tiếp Đại Việt sử ký (tục biên), là người đứng ra sửa trường Quốc Tử giám, là Hiệu Trưởng; năm Đinh Dậu 1717 khai giảng trường Quốc Tử giám, Nguyễn Quý Đức được giảng trước. Ông là một nhà chính trị cầm quyền Tham Tụng (Tể tướng) rất nghiêm minh. Dân gian có câu: “Tể tướng Lê Hy thiên hạ sầu bi, Tể tướng Quý Đức thiên hạ hưu tức (“ hưu tức” có nghĩa là “yên nhàn”). Về võ, ông từng là Đốc đồng Cao Bằng, đã dẹp yên loạn biên giới. Con trai trưởng của Nguyễn Quý Đức là Nguyễn Quý Ân cũng đỗ Hoàng giáp năm Ất Mùi 1715, làm Hữu tư giảng cho Thế tử Chúa Trịnh, sau làm quan đến chức Bồi tụng, nổi tiếng là người ngay thẳng và có lòng thương dân. Khi ông qua đời, dân làng lập đền thờ ông ở xứ Vườn chùa, bên bờ sông Nhuệ. Con trai Nguyễn Quý Ân là Nguyễn Quý Kính, chỉ đỗ Hương cấm khoa Đinh Mùi 1727, làm chức Giảng học cho em Chúa Trịnh là Ân quốc công và làm chức Tự khanh coi việc Hộ phiên. Năm Canh Thân 1740, Trịnh Giang mắc bệnh nặng, bọn hoạn quan lộng quyền, Nguyễn Qúy Kính đã bày mưu cùng Bồi tụng Nguyễn Công Thái, Trương Không và Nguyễn Đình Hoàn truất Trịnh Giang, đưa Trịnh Doanh lên ngôi Chúa, Nguyễn Quý Kính đã sai em ruột là Vệ úy Nguyễn Quý Thường, đưa hương binh (quân của xã) vào bảo vệ kinh đô, chống lại quân của hoạn quan. Việc thành công, về sau Nguyễn Quý Kính làm quan đến chức Binh bộ Thượng thư, làm Tham tụng trong phủ chúa. Ông có công lớn được người đời nhớ mãi, do đã cùng Vũ Công Tể đi tới nhiều nơi khuyên dân làm ruộng, trồng dâu, chiêu dụ những dân phiêu tán đi khai khẩn ruộng hoang, tạo được sự no đủ, bình an cho muôn dân...
Ba cha con, ông cháu Nguyễn Quý Đức đều có tài trị nước cao và đức lớn, được phong tước cực phẩm, nhưng họ đều không chiếm đất đai, ngược lại còn đem ruộng lộc của mình chia bớt cho dân làng. Do vậy, dân Đại Mỗ đã thờ ba ông làm Phúc thần. Trong dân gian vùng Mỗ còn lưu truyền câu đối: Đỉnh giáp nhất môn thiên hạ hữu/ Phúc thần tam điệp thế gian vô, tạm dịch: Một nhà khoa giáp thiên hạ từng có/Ba đời làm phúc thần chưa thấy ở thế gian. Nhà thờ họ Nguyễn Quý ở giữa làng, trên bờ Tùng Khê, kiến trúc rất đẹp, cũng đã được liệt hạng di tích văn hóa lịch sử. Tại đây, ngoài những hoành phi, câu đối, đồ thờ tự, có ba tấm bia đá lớn rất quý: Bia ghi công tích Nguyễn Quý Đức do Hà Tôn Huấn và Nghiêm Bá Đĩnh (là học trò Nguyễn Quý Đức, Đỗ Tiến sỹ 1733) cùng soạn. Bia ghi công tích Nguyễn Quý Ân do Tiến sỹ Nhữ Đinh Toản, Tiến sỹ Lê Hữu Kiều và Tiến sỹ Nghiêm Bá Đĩnh cùng soạn. Bia ghi công tích Nguyễn Quý Kính do con rể ông là Nguyễn Gia Phan, Tiến sỹ năm 1785, soạn. Ở Đại Mỗ còn một di tích lịch sử quý báu nữa là chùa Quỳnh Lâm. Tại đây còn lưu giữ chiếc khánh đá niên hiệu Vĩnh Thịnh, 1705. Ngôi chùa rất cổ kính, ca dao xưa có câu: Chùa Quỳnh Lâm có Khánh đá, chuông đồng - Ai tu thì trả của chồng mà tu... Chùa này sau đổi là chùa Trùng Quang. Sách Việt sử thông giám cương mục có ghi việc vua Lê Chiêu Tông năm Kỷ Mão 1919, vì Mạc Đăng Dung làm phản, đã chạy ra trú ở chùa Trùng Quang làng Thiên Mỗ. Một di tích lịch sử rất đáng nói tới, là chợ Mỗ. Vào năm Đức Nguyên đời Lê Gia Tông, 1674, ông Nguyễn Quý Đức cúng 4 mẫu đất ruộng để lập chợ Lão, một số thư tịch gọi là chợ Khánh Nguyên, nhưng dân gian quen gọi là chợ Mỗ. Xưa kia, ngày 2 và ngày 7 là phiên chợ Mỗ, rất đông đúc, có bán rất nhiều hàng hóa, từ nông sản, vải lụa, đến cả trâu, bò lợn giống... Khách thập phương một tháng sáu phiên đều đặn về chợ mua, bán.
Ngoài ba vị danh tài họ Nguyễn Quý, Đại Mỗ còn nhiều người học giỏi, đỗ cao, danh lớn. Như ông Nguyễn Vũ, Tiến sỹ khoa Giáp Tuất 1514, sau làm tới Hình bộ Thượng Thư, Đông các Đại học sỹ, Và, ông Nguyễn Thế Lịch sau đổi tên thành Nguyễn Gia Phan, Tiến sỹ khoa Ất Mùi 1775 đời Lê Cảnh Hưng, là con rể Nguyễn Quý Kính. Được bổ làm Án sát Ngự sử đạo Sơn Tây, nhưng ông rất giỏi việc làm thuốc, nhiều lần được triệu về kinh đô chữa bệnh cho Chúa Trịnh. Ông có viết một số sách như: Tiểu nhi khoa, Phụ nhân điều lý phương pháp, Thai điền điều dương phương pháp, Thai sản điều lý phương pháp... được triều đình cho phổ biến rộng rãi tới các thầy thuốc đương thời. Sau khi Quang Trung thống nhất đất nước, đã triệu Nguyễn Gia Phan vào triều, thăng Lại bộ Thượng Thư. Cuối đời, ông về quê làm thuốc, soạn thêm được 4 cuốn sách hướng dẫn chữa các bệnh truyền nhiễm, phụ khoa và nhi khoa; và còn viết tác phẩm Thiệp Lý Sự Trạng, ghi chép những việc đời mình nếm trải... Ngoài các vị trên, Đại Mỗ có 22 người đỗ cử nhân và nhiều người đỗ Tú tài. Người Đại Mỗ hiếu học, tài cao và cũng có nghề hay nổi tiếng thiên hạ và từ nhiều thế kỷ trước, là nghề dệt lĩnh dệt lụa. Có câu chuyện truyền tụng: Hồi Nguyễn Quý Đức mới 8 tuổi, năm 1655, một hôm Tri phủ Quốc Oai qua đường, thấy cậu bé thông minh nên ra vế đối : Khoai Đò xanh tốt ơn nhờ phủ (ý là khoai làng Đơ quê ông ta tốt nhờ có rơm phủ, và còn có ý là nhờ quan phủ). Quý Đức liền đối ngay: Lĩnh Mỗ vàng trơn bởi có nghè (ý là làng Mỗ vàng trơn nhờ việc lấy chày nghè, và cũng có ý là làng Mỗ có nhiều ông Nghè)...
Lĩnh và lụa Đại Mỗ được dệt cực kỳ tinh sảo. Lĩnh trơn nhồi tía may quần áo; lĩnh hoa nhuộm màu may áo dài mặc ngoài thật nhẹ nhàng, duyên dáng; các loại lụa hoa thì rất tinh mĩ. Từ xưa, lĩnh và lụa Đại Mỗ thường đem ra bán ở Hàng Đào, Hàng Ngang, được khách hàng Thăng Long và các tỉnh rất ưa chuộng. Đầu thế kỷ XX, có chợ Hà Đông, lĩnh lụa Đại Mỗ lại được khách chợ Hà Đông ưa chuộng đặc biệt. Từ chợ Hà Đông đi vào Hàng Đào, Hàng Ngang, người mua buôn đem lĩnh và lụa Đại Mỗ vào bán cho người Huế, Sài Gòn. Cũng như người Đại Mỗ nổi tiếng thiên hạ bởi tài cao, học rộng, lĩnh và lụa Đại Mỗ nức tiếng mười phương. Vậy nên có câu phương ngôn về 4 làng quê danh tiếng ở huyện Từ Liêm xưa, Mỗ là đứng đầu: Nhất Mỗ, nhì la, thứ ba Canh, Cót.
Nguồn: hanoimoi.com.vn 9/6/2006