CV1 và LVN20 - hai giống lúa cao sản vụ xuân muộn
Giống lúa siêu cao sản CV 1: Là giống lúa có năng suất cao nhất ở Trung Quốc hiện nay, năng suất lý thuyết có thể đạt 17 tấn/ha/vụ. Giống CV 1chịu thâm canh cao, hạt gạo dài, cơm dẻo, ngon đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Thời gian sinh trưởng trong vụ xuân muộn 125 - 130 ngày.
Đặc điểm:Cây cao 105 - 110cm, khóm to, cứng cây, chống đổ tốt, đẻ nhánh khoẻ, bông to, có từ 200 đến 300 hạt/bông, tỷ lệ hạt chắc cao, khối lượng 1000 hạt: khoảng 26 - 27g, khả năng thích ứng rộng với nhiều chân đất, loại đất (trừ đất nhiễm phèn và chân chua mặn). Nhiễm nhẹ các loại sâu, bệnh: rầy nâu, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, bệnh đạo ôn.
Giống lúa LVN20: Là giống lúa lai hai dòng được sản xuất ở trong nước (do Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoan và các cộng sự thuộc trường ĐH Nông nghiệp I lai tạo). Đây là giống lúa lai có thời gian sinh trưởng ngắn nhất, thời gian sinh trưởng vụ xuân muộn 110 - 115 ngày, cho phép gieo mạ đến 15/2 (nếu gieo mạ theo phương pháp Việt - Nhật có thể cho phép gieo đến 20/2, cấy 30/2).
Đặc điểm:Cây cao 100 - 105cm, để khoẻ, cứng cây, chống bệnh bạc lá, rầy nâu tốt. Cơm dẻo, ngon, đặc biệt hàm lượng protein cao (đạt 10 - 10,5%). Khả năng thích ứng rộng, gieo cấy trên chân đất vàn, vàn hơi trũng, vàn cao. Bông to, trung bình 230 - 250 hạt /bông, đẻ nhánh khoẻ. Nhược điểm: Độ thuần giống chưa cao.
Ngoài ra có thể gieo cấy các giống lúa lai, lúa thuần năng suất, chất lượng cao như: D.ưu 527, Nông ưu (28 - 29), My sơn (2 - 3 - 4), Khang Dân 18, Khang Dân đột biến, AIT 77,… cũng áp dụng quy trình này.
Thời vụ:Gieo từ 25/1 - 15/2 bố trí thời vụ cụ thể tuỳ vào thời gian giải phóng đất của cây trồng vụ trước hoặc yêu cầu thời vụ của cây trồng vụ sau.
Thâm canh lúa
Lượng phân bón cho 1 sào: Phân chuồng hoai mục 4 - 5 tạ; phân đạm urê 8 - 12 kg; kali clorua 6 - 12 kg; lân supe Lâm Thao 15 - 25 kg. Liều lượng phân bón cụ thể tuỳ thuộc vào giống lúa, tính chất đất.
+ Giống lúa lai cao sản cấy trên đất cát pha, bạc màu bón với lượng phân tối đa.
+ Giống lúa thuần, chất đất thịt giàu dinh dưỡng bón với lượng tối thiểu.
+ Chân đất cát pha, bạc màu bón phân khoáng với tỷ lệ: 1N: 1 K 20: 1 P 2O 5(1 đạm: 1 kali: 1 lân tính theo hàm lượng phân nguyên chất). Đất lầy thụt, ngập nước thường xuyên, giàu đạm, thiếu lân, thiếu kali cần bón giảm lượng đạm, tăng lượng lân, kali, vv…
Cấy và chăm sóc:Cấy với mật độ 45 - 50 khóm/m 2, 1/2 dảnh/khóm với giống lúa lai hoặc 2 - 3 dảnh/khóm đối với giống lúa thuần. Chú ý chỉ cấy khi nhiệt độ ngoài trời ấm hơn 15°C.
Cách bón:Bón lót sâu toàn bộ lượng phân chuồng, phân lân + 30 - 40% lượng đạm, kali trước khi bừa cấy.
Bón thúc đợt 1khi cây lúa đã bén rễ hồi xanh (sau cấy 15 - 25 ngày); khi trời ấm nhiệt độ lớn hơn 15°C. Bón 50 - 60% lượng đạm + 20% kali kết hợp với làm cỏ sục bùn vùi sâu phân vào đất.
Bón thúc phân lần 2:Sau bón thúc, làm cỏ đợt 1 khoảng 10 - 15 ngày khi dảnh đẻ, khi đạt trung bình 6 - 7 dảnh lúa ở những khóm giữa ruộng thì tiến hành tháo cạn nước, đồng thời bón mỗi sào 18 - 25 kg vôi bột (đối với đất chua) để khô nứt chân chim cho chết rong, rêu và hạn chế đẻ nhánh vô hiệu.
Bón thúc đợt 3:Khi lúa đứng cái (giai đoạn phân hoá đòng còn gọi là đòng cứt gián, trước trổ bông khoảng 30 ngày), bón nốt 10% đạm và lượng kali còn lại. Bón đạm lần này chú ý đến màu sắc của lá lúa, nếu lá xanh đậm thì không nên bón đạm, sao cho đến khi lúa trổ bông, bộ lá có màu xanh lá gừng là tốt.
Tưới nước:Cần giữ mực nước ngập 2 -3 cm từ khi cấy đến khi bén rễ hồi xanh, trong các đợt rét đậm nhiệt độ thấp hơn 13°C để cây lúa sinh trưởng thuận lợi, chống rét tốt. Nên để lộ ruộng độ ẩm 50 - 60% (đất khô nứt chân chim) vào giai đoạn cuối đẻ nhánh hữu hiệu (sau bón thúc đợt 1: 10 - 15 ngày) trong khoảng 7 - 10 ngày. Từ chín đỏ đuôi đến khi thu hoạch cũng cần để khô nứt chân chim cho lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã. Nếu tưới nước đúng theo chế độ trên đảm bảo cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu, bệnh (đặc biệt là hạn chế bệnh nghẹt rễ sinh lý, rầy nâu và bệnh khô vằn).
Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh
Phun thuốc diệt cỏ khi đảm bảo cây lúa đã hồi xanh và nhiệt độ ngoài trời cao hơn 15°C để hạn chế ảnh hưởng xấu của thuốc đối với cây.
Trừ sâu: Chú ý trừ bọ trĩ (bù lạch) và ruồi vàng hại lá non, phun trừ kịp thời bằng các loại thuốc Regent 800 WG, Sherpa 25EC, Padan 95 SP…
Trừ sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ khi lúa trổ bông bằng các loại thuốc Regent 800 WG, Padan 95SP.
Trừ rầy nâu bằng các loại thuốc: Applaud 25 WP; Butyl 10 WP; Actara 25 WP; Sutin 5 EC khi mật độ rầy thấp, rầy ở tuổi nhỏ hoặc Basa 40 EC - Padan 95 SP khi mật độ rầy cao có nhiều rầy trưởng thành.
Trừ bệnh khô vằn giai đoạn lúa có đòng đến chín sữa bằng các loại thuốc Validamycin 3 - 5 SL, Anvil 5 - 10 WP, Tilt - supe 30 ND…
Trừ bệnh đạo ôn hại lá và cổ bông bằng các loại thuốc New Hynosan 30 EC; Beam 20 EC; Trizole 75 WP; Fujione 40 EC, Kabim 30 WP, phuan 1 - 2 lần, cách nhau 7 - 14 ngày.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 1 (1719), ngày 3/1/ 2005