Cuốn sách “Khảo luận thứ hai về chính quyền” của John Locke
Sau khi đưa ra định nghĩa của mình về quyền lực chính trị trong chương I, Trong chương II cùa tác phẩm Locke đưa ra một trạng thái xã hội giả định là trạng thái tự nhiên, một trạng thái giống với xã hội sơ khai nguyên thủy không có nhà nước, chính quyền và cả quan tòa. Từ đó, Locke cho rằng trong một xã hội như vậy, mỗi cá nhân sinh ra đã tự bình đẳng như nhau, đều có quyền thụ hưởng những gì của tự nhiên cũng như quyền tự bảo toàn tính mạng, tự do và những gì là sở hữu của mình. Ở chương III và IV, Locke xác định trạng thái chiến tranh và trạng thái nô lệ. Trạng thái chiến tranh hình thành khi có người có ý định xâm phạm đến quyền sống của người khác. Khi đó, người này đã tự đặt mình vào trạng thái chiến tranh với người mà cuộc sống bị nhắm lấy đi. Tình trạng nô lệ là trạng thái người ta sống dưới quyền lực độc đoán của người khác, là sự tiếp tục của trạng thái chiến tranh giữa người đi chinh phạt và người thất trận, hoặc có thể là sự cưỡng ép bằng sức mạnh đưa người khác vào vòng lô nệ của mình.
Chương V - Sở hữu là một trong những chương nổi tiếng nhất và quan trọng nhất. Tại đây, Locke đã đưa ra nguồn gốc để xác lập quyền sở hữu và tư hữu, đó là từ lao động, khi mỗi cá nhân hòa trộn sức lao động của mình vào sản phẩm thô của tự nhiên tức là anh ta đã đánh dấu quyền sở hữu của mình lên nó, như việc ta đi khai hoang một mảnh đất vậy, sẽ không có ai xứng đáng hơn ta để trồng trọt trên đó. Từ chương VII đến chương XV, Locke tập trung vào lí giải về sự khởi đầu cho một xã hội chính trị và xã hội dân sự cùng với mục đích chân chính nhất của nó. Theo đó, mỗi người tự rời bỏ quyền lực tự nhiên của mình để trao vào tay cộng đồng, cộng đồng này có được sự ổn định và bảo đảm dựa trên những luật lệ được cơ quan lập pháp tối cao làm ra, và đây chính là cơ quan quyền lực cao nhất của xã hội dân sự. Mục đích chính nhất của chính quyền dân sự là bảo toàn quyền sống, quyền tự do, sức khỏe và sở hữu của nhân dân. Truy tố và trừng phạt bất kì ai xâm phạm vào luật lệ của cộng đồng.
Trong những phần cuối của khảo luận Locke đưa ra những kiến giải về quyền lực bạo chính và sự biến thể của một chính quyền dân sự chân chính thành quyền chuyên chế tàn bạo. Điều đó dẫn đến giải pháp rằng trong tình cảnh như thế nổi loạn là một hành động công chính. Người dân có quyền hành động với tư cách quyền lực tối cao và tự mình tiếp tục công việc lập pháp hoặc dựng lên một hình thức chính quyền mới.
Khảo luận thứ hai về chính quyền cùng với tư tưởng của John Locke cũng như các tác phẩm và tư tưởng của các triết gia khác thời khai sáng là sự chuẩn bị tư tưởng cho quá trình chuyển đồi lớn tại Châu Âu và Mỹ, mở ra một thời kỳ mới của sự công bằng xã hội. Và cho đến nay, loài người dù đã ở thế kỷ XXI nhưng vẫn chưa đạt đến kích thước mà Locke đã chỉ ra – Rằng Nhà nước, Chính quyền được lập lên chỉ với một mục đích chính nhất là bảo đảm được tính mạng, tự do, sở hữu của nhân dân, rằng hạnh phúc của nhân dân là luật tối cao. Ngẫm thấy tình trạng hỗn loạn hiện nay tại một số quốc gia là sự sai lầm từ cả hai phía chính quyền lẫn nhân dân. Chính quyền thì biến thể, dân chúng thì u tối. Như thế mới thấy rằng ta chỉ có thể nhận thức được những gì thực sự tốt đẹp cho mình khi có đủ trí tuệ để nhận biết nó. Một cộng đồng chỉ có thể xây dựng một chính quyền tốt nếu đó là một cộng đồng có văn hóa cao. Bởi thế cái gốc để chấm dứt bạo lực và chia rẽ là khai dân trí. Những điều bình dị nhất nhưng quan trọng nhất nằm ở những tác phẩm kinh điển của nhân loại.