Cuộc nhân duyên giữa công nữ Ngọc Vạn với quốc vương Chân Lạp - Đôi điều suy ngẫm
Quá trình mở đất về phương Nam của dân tộc ta như một dòng chảy, trải qua các chặng đường và hoàn tất vào thời các chúa Nguyễn ở thế kỷ XVII – XVIII. Các chúa Nguyễn đã “phóng ngòi bút” của mình, kẻ thêm mấy đường nét vào tấm bản đồ để Việt Nam có một hình cong chữ S cân đối và duyên dáng như hôm nay. Công cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn diễn ra từ thời Nguyễn Phước Nguyên đến những năm 70 của thế kỷ XVIII bằng nhiều phương cách, trong đó có sự góp phần của cuộc nhân duyên giữa công nữ Ngọc Vạn (con gái chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên) với quốc vương Chân Lạp Chey Chetta II.
Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên có 11 công tử và 5 công nữ. Trưởng nữ Ngọc Liên gả cho Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh vào năm 1629 (Nguyễn Phúc Vinh nguyên là con trưởng của Mạc Cảnh Huống, được mang quốc tính, sau đổi thành Nguyễn Hữu), công nữ Ngọc Khoa gả cho người Nhật 1.
Chuyện công nữ Ngọc Vạn làm dâu Chân Lạp cũng như vai trò của bà trong việc khai khẩn vùng đất Gia Định – Đồng Nai, tạo điều kiện để chúa Nguyễn thu nhận vùng đất này về với Đại Việt đã không được sử nhà Nguyễn đề cập. Ở chỗ này, Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong đã có lời bán khá chí lý rằng, “Việc này, sử ta không chép, có lẽ các sứ thần nhà Nguyễn cho là việc không đẹp, nên giấu đi chăng? Nhưng nếu họ quan niệm như vậy thì không đúng. Hôn nhân chính trị, nhiều nước đã dung, còn ở nước ta thì chính sách ấy đã đem lại nhiều lợi ích quan trọng. Đời nhà Lý, thường đem công chúa gả cho các tù trưởng các bộ lạc thượng du Bắc Việt, các bộ lạc ấy là những giống dân rất khó kiềm chế. Nhờ đó mà các vùng ấy được yên ổn, dân Thượng không xuống cướp phá dân ta, triều đình thu được thuế má, cống phẩm; đất đai ấy, nhân dân ấy lại là một rào giậu kiên cố ở biên giới Hoa Việt để bảo vệ cho miền Trung châu và kinh đô Thăng Long. Đến đời Trần, chính đôi má hồng của ả Huyển Trân đã cho chúng ta hai châu Ô, Lý để làm bàn đạp mà tiến vào đến Bình Thuận.
Sử ta không chép, nhưng theo các sách sử Cao Miên do các nhà học giả Pháp soạn, mà họ lấy sử liệu Cao Miên để biên soạn, thì quả Chey Chetta II năm 1620 có cưới một công nữ con chúa Nguyễn. Giáo sĩ Borri, ở Đàng Trong trong thời gian ấy cũng có nói đến cuộc hôn nhân này 2.
Trước đó, Xiêm dòm ngó đất đai của Chân Lạp. Đã nhiều lần triều đình Atuthya xua quân xâm lấn nước láng giềng phía đông này, đánh chiếm các thủ đô (Angkor, Lovek), nhiều tỉnh (Korat, Chantaboun, Battam-bang, Pursat), có lúc chiếm đóng toàn bộ vương quốc Chân Lạp (từ 1352 đến 1357), cướp bóc tài sản, bắt dân chân Lạp đưa về Xiêm làm nô lệ. Năm 1434, triều đình Chân Lạp phải dời đô từ Angkor (Đế Thiên Thích, gần biên giới với Xiêm) về Phnôm Pênh (Nam Vang), năm 1528 lại dời về Lovek (La Bích). Năm 1593, quân Xiêm triệt hạ La Bích rồi nắm quyền định đoạt ngôi vị của vương quốc Chân Lạp. Trên tập san trường Viễn Đông bác cổ, Mak Phoeun và Po Dharma đã phản ánh tình hình này như sau: Trong nửa đầu thế kỷ XVII, “mối bận tâm chính của các vua Campuchia trong vấn đề chính sách đối ngoại là sự đe dọa của Xiêm, bởi vì nước này không từ bỏ kế hoạch xâm lấn Campuchia và đặt Campuchia dưới sự bảo hộ của Xiêm. Một phần vì để có thể toàn tâm toàn ý đối phó với sự đe dọa của Xiêm mà vua Paramaraja VII (Sri Suriyobarm- làm vua Cam từ 1601 đến 1619 – TT), vào cuối thời gian trị vì của ông, đã chấp nhận kết giao với chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên). Trước mắt lý luận của ông tỏ ra chính xác, bởi vì chỉ vài năm sau đó Jayajeettha II (con trai kế vị Paramaraja VII, thường được biết dưới cái tên Chey Cheettha II làm vua từ 1619 đến 1627 – TT) phải chống lại một cuộc xâm lăng của Xiêm và đã đẩy lùi được cuộc xâm lăng ấy 3”.
Cũng như các vị quốc vương tiền nhiệm, trước khi được phong vương kế vị vua cha, Chey Chetta II phải sang Xiêm làm con tin một thời gian. Nhưng Chey Chetta II vốn là người thông minh, có tính quyết đoán, nên sau khi lên ngôi (1619), ông đã thay đổi tất cả những điều do người Xiêm quy định để ràng buộc Oudong (Long Úc) thuộc tỉnh Kompong Luông. Người Xiêm đã hai lần mang quân sang chinh phạt nhưng đều bị đẩy lùi.
Trước tình hình đó, để tìm một chỗ dựa chính trị - quân sự cho sự tồn tại của vương triều, tránh được sự quấy rối của Xiêm, năm 1620, Chey Chetta II xin cưới công nữ Ngọc Vạn, con gái chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên. Đây là cuộc hôn nhân đánh dấu một bước phát triển trong quan hệ giữa hai nước Việt – Chân Lạp. Dựa vào sử biên niên Chân Lạp và ký sự của các nhà truyền đạo phương Tây, Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong đã kể lại sự việc này một cách ngắn gọn nhưng dễ hiểu: “Vua Chân Lạp Chey Chetta II muốn tìm một đối lực để chống lại lân bang Xiêm la nguy hiểm kia, đã xin cưới một công nữ của chúa Nguyễn, làm hoàng hậu, trông mong được sự ủng hộ của triều đình Thuận Hóa, và chúa Hy Tông có mưu đồ xa xôi, năm 1620, đã gả con gái cho vua Chân Lạp. Cuộc hôn nhân này có ảnh hưởng lớn lao đến vận mệnh Chân Lạp sau này. Bà hoàng hậu đem nhiều người Việt đến, có người được giữ chức hệ trọng trong triều, bà lại lập một xưởng thợ và mở nhiều nhà buôn bán gần kinh đô. Năm 1623, một sứ bộ của chúa Nguyễn đến Oudong, yêu cầu được lập sở thuế ở Prey No-kor, tức Sài Gòn ngày nay, và đặt ở đây một sở thu thuế hang hóa. Vua Chey Chetta II chấp thuận, và triều đình Thuận Hóa khuyến khích người Việt di cư đến đây làm ăn, rồi lấy cớ giúp chánh quyền Chân Lạp giữ gìn trật tự, còn phái một tướng lãnh đến đóng ở Prey Nokor nữa. Khi Chey Chetta mất, vùng đất từ Prey Nokor trở ra Bắc đến biên giới Chiêm Thành, tức là Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa ngày nay đã có nhiều người Việt đến ở, và khai thác đất đai” 4.
Năm 1628, vua Chey Chetta II băng hà, chính trường Chân Lập biến động dữ dội vì việc tranh đoạt ngôi vua. Con của Chey Chetta II và Ngọc Vạn là Chau Ponhea To lên kế vị vua cha, chú là Préah Outey làm Phụ chính. Chau Ponhea To làm vua chỉ mới hai năm thì bị chú là Préah Outey giết chết (1630). Sau đó con thứ hai của Chey Chetta II lên ngôi với vương hiệu là ponhea Nu (1630-1640). Năm 1640, Ponhea Nu đột ngột băng hà, Phụ chính Presah Outey liền đưa con mình lên ngôi tức quốc vương Ang Non I (1640-1642). Ang Non I cũng chỉ làm vua được hai năm thì bị người con thứ ba của Chey Chetta II là Chau Ponhea Chan (mẹ người Lào) dựa vào một số người Chăm và người Mã Lai, giết chết cả Pr esah Outey và Ang Non I để giành lại ngôi vua. Đó là ông vua mà sửa ta thường gọi là Nặc Ông Chân (1642-1659). Nặc Ông Chân cưới một cô gái người Mã lai làm hoàng hậu và theo đạo Hồi làm cho tình hình càng trở nên phức tạp.
Năm 1658, con của Préah Outey là So và Ang Tan dấy binh chống lại Ông Chân nhưng thất bại, hai người này tìm đến nương náu với bà Ngọc Vạn 5. Ngọc Vạn vốn là người hiền lành và có Phật tính nhưng cũng lấy làm bất bình với việc con ghẻ mình lấy vợ người Mã lai và theo Hồi giáo nên khuyên So và Ang Tan cầu cứu chúa Nguyễn, nhờ chúa Nguyễn can thiệp. Chúa Nguyễn nhận lời giúp và sai Phó tướng dinh Trần Biên (dinh Phú Yên) là Nguyễn Phước Yến dẫn 3.000 quân đến thành Hưng Phước (bấy giờ là Mỗi Xuy, tức Bà Rịa), phá được thành rồi tiến vào bắt Nặc Ông Chân bỏ vào cũi đem về Quảng Bình nạp cho chúa Nguyễn.
Năm sau (1659), Nặc Ông Chân chết, chúa Nguyễn phong So làm vua Chân Lạp, hiệu là Batom Reachea (1660-1672). Từ đó, lưu dân Việt đến Gia Định, Mỗi Xuy (Bà Rịa), Biên Hòa ngày càng đông. Ban đầu người Khmer, khai khẩn đất đai lập ruộng vườn sinh sống, nhưng do không cùng văn hóa, nên dần dần người Khmer lánh đi nơi khác, không tranh giành, ngăn trở.
Năm 1672, quốc vương Batom Reachea bị một người vừa là rể vừa là cháu là Chey Chetta III giết, em là Ang Tan chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn. Nhưng ngay sau đó Chey Chetta III cũng bị người của Chan giết. Ang Chei (1673-1674) con trai đầu của vua Batom Reachea, sử ta gọi là Nặc Ông Đài lên ngôi. Ông Đài cho đắp thành lũy ở địa đầu Mỗi Xuy, nhờ Xiêm cứu viện để chống lại chúa Nguyễn. Quân chúa Nguyễn phản công đánh bại, Nặc Ông Đài chạy trốn vào rừng và bị đồng đảng giết chết. Ang Tan cũng bệnh chết, giao binh quyền cho Ang Non, tức Nặc Nộn, đóng ở Outong. Em Ông Đài là Ang Saur, sử ta gọi là Nặc Thu đánh đuổi quân đội Việt Nam và Nặc Nộn chạy sang Sài Côn. Nặc Thu lên ngôi vua hiệu là Chey Chetta IV, được chúa Nguyễn phong vương, còn Nặc Nộn được chúa Nguyễn phong Obareach mà sử ta gọi là Nhị Vương.
Nặc Nộn đóng ở Sài Côn, tìm cách giành lại ngôi vua. Trong thời gian này cả Chính vương Nặc Thu và Đệ nhị vương Nặc Nộn đều tỏ ra cung thuận với chúa Nguyễn. Khi chúa băng hà, cả hai đều đến viếng tang.
Hầu như trong việc giải quyết các sự biến cung đình ở Chân Lạp (từ khi Ngọc Vạn về làm dâu trong hoàng tộc cho đến lúc bà qua đời), bà Ngọc Vạn luôn đóng vai trò quan trọng. Và, kết quả mang lại thường có lợi cho cả hai phía: hoàng gia Chân Lạp và Đại Việt – Đàng Trong.
Như đã nói trên, cuộc hôn nhân này mặc dầu không được sử nhà Nguyễn ghi chép vì một lý do nào đó, song xét đến cùng thì đây là một cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, nó đáp ứng nhu cầu cho cả hai phía. Chân Lạp cần có sự “bảo hộ” của chúa Nguyễn để tránh khỏi sự tấn công tiêu diệt của vương quốc Xiêm. Chúa Nguyễn cần có chỗ đứng ở phía Nam, đẩy mạnh sự khai phá của lưu dân Việt trên mảnh đất khô cằn và thấp trũng mà từ lâu người Chân lạp vẫn bỏ hoang, đồng thời tạo nên sự ổn định mặt phía Nam để rảnh tay lo đương đầu với thế lực Trịnh ở phía Bắc.
Ngọc Vạn, rõ ràng là một chiếc cầu nối trong quan hệ Việt – Miên ở thế kỷ XVII. Với trí thông minh và đức nhân từ làm nên vị thế của mình trong triều đình Chân Lạp, bà đã trở thành điểm khởi đầu tạo cơ sở pháp lý cho vùng đất Gia Định – Đồng Nai về với Đại Việt một cách đàng hoàng chứ không bằng một hình thức tranh đoạt nào cả.
Có ý kiến cho rằng, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên gả con gái cho vua Chân Lạp là để thực hiện ý đồ bành trướng thế lực về phía Nam? Lập luận này chắc chắn sẽ không có sức thuyết phục. Bởi lẽ cuộc hôn nhân giữa Chey Chetta II với công nữ Ngọc Vạn là do vua Chân Lạp chủ động đề xướng nhằm tạo cho mình sự an toàn về chính trị. Và khi được chúa Nguyễn nhận lời, quốc vương Chân Lạp đã thực sự vui mừng và toại nguyện, bằng chứng là Ngọc Vạn được quốc vương Chân Lạp sủng ái lập làm hoàng hậu Ang Cuv và ban cho tước hiệu Sodach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattey, đồng thời xây dựng riêng cho bà một cung điện mới nguy nga tráng lệ. Song, cũng không thể phủ nhận tư duy mở nước của chúa Nguyễn – Sãi vương đã có từ trước đó. Việc quốc vương Chân Lạp cầu hôn công nữ Ngọc Vạn đã điểm ngay vào “huyệt đạo” của Sãi vương. Và khi hay tin này, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên không cần phải cân nhắc gì them, vì đây là cơ hội!
Đầu thế kỷ XIV, khi sang thăm đất nước Chiêm Thành, Thượng hoàng Trần Nhân Tông chủ động đặt vấn đề gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mẫn, lúc bấy giờ mục tiêu trước tiên là cốt tạo một quan hệ láng giềng thân thiện, ổn định biên giới phía Nam, tập trung công sức để xây dựng đất nước sau ba lần kháng chiến chống Mông – Nguyên và cũng để chuẩn bị đối phó với phương Bắc mà nguy cơ mở nước, có lẽ cũng chưa định hình được thành quả một cách cụ thể nếu Chế Mân không tự nguyện dâng hai châu Ô, Lý làm sính lễ. Chỗ khác biệt là chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên trái lại đã hình dung khá cụ thể cho công cuộc mở nước trong tư duy của mình. Có lẽ, ông đã nhìn thấy cả vùng đất Nam bộ ngày nay – Thủy Chân Lạp lúc bấy giờ, một vùng đất đang tồn tại trong tình trạng “bị bỏ rơi”, với viễn cảnh là một vùng đất đai trù phú qua bàn tay của lưu dân Việt – những cư dân nông nghiệp lúa nước cần cù, sáng tạo.
Cuộc nhân duyên Ngọc Vạn – Chey Chetta II tuy đã khiến vương quốc Chân Lạp có chút thiệt thòi (mất đi vùng đất Thủy Chân Lạp lấy từ vương quốc Phù Nam – vùng đất chẳng mặn mà gì đối với các quốc vương cũng như nhân dân Chân Lạp lúc bấy giờ), nhưng ngược lại, chính cuộc hôn nhân này đã đem lại nhiều điều tốt đẹp. Trước hết, Ngọc Vạn – người con gái xinh đẹp nết na, với tài năng và đức độ của mình, bà đã cảm hóa được nhiều người từ trong hoàng tộc đến ngoài muôn dân, góp phần tạo nên sự yên bình cho đất nước Chân Lạp, chí ít cũng được vài thập kỷ từ năm 1620 cho đến khi con trai bà là quốc vương Ponhea Nu qua đời. Bà đã giúp chồng giải quyết những khó khăn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước Chân Lạp phát triển; góp phần giải quyết những xung đột trong hoàng tộc cho dù chồng đã mất từ lâu. Và điều quan trọng bậc nhất là sự có mặt của bà trong triều đình Chân Lạp đã tạo nên mối quan hệ Chân Lạp – Đàng Trong tốt đẹp và thân thiện, giúp cho đất nước này thoát khỏi họa xâm lăng của người Xiêm láng giềng phía Tây cứ đeo đẳng mãi, để rồi từng bước Chân Lạp vươn lên củng cố nền độc lập của mình.
Có thể nói rằng, tầm nhìn chiến lược của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” đã giúp cho Nguyễn Hoàng có được sự khởi đầu thuận lợi và với “Di ngôn chính trị” của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên đã tiếp tục dấn thân để “xây dựng cơ nghiệp muôn đời”. Sự dấn thân trong sự nghiệp của mình, Sãi vương đã được ái nữ Ngọc Vạn chia sẻ và đồng hành với một đức hy sinh cao cả.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, từng có những người phụ nữ làm nên đại cuộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu,… góp phần giành giữ nền độc lập cho Tổ quốc, và cũng từng có những người phụ nữ lặng lẽ hy sinh để cha anh làm nên nghiệp lớn như Huyền Trân, Ngọc Vạn,… Chính họ là những con người đáng kính làm nên lịch sử.
Việc trả lại đúng giá trị lịch sử cho các nhân vật và sự kiện lịch sử vẫn luôn là điều mong muốn của hậu thế để khỏi phụ long các bậc tiền nhân. Vì vậy, theo chúng tôi, việc đánh giá đúng công lao của các chúa Nguyễn cũng như vai trò của công nữ Ngọc Vạn trong sự nghiệp mở nước của dân tộc ta là điều hết sức cần thiết.
Chú thích:
1. Sách Đại Nam Liệt truyện Tiềnbiên mục Công chúa có chép rằng, chúa Hy Tông (tức Sãi Vương) có bốn người con gái, hai nàng Ngọc Liên và Ngọc Đãnh có chép rõ sự tích chồng con, còn hai nàng Ngọc Vạn và Ngọc Khoa thì chép là “khuyết truyện”, nghĩa là không rõ tiểu truyện, tức không biết chuyện chồng con thế nào. Trường hợp nàng Ngọc Hoa chỉ được nói đến trong Việt sử giai thoạicủa Đào Trinh Nhất. Các tài liệu của Nhật khẳng định công nữ Ngọc Khoa được chúa Sãi gả cho một thương gia Nhật chủ một thương điếm ở Hội An tên Araki Shutaro, tên Việt là Nguyễn Taro, hiệu Hiển Hùng, còn công nữ Ngọc Vạn là vợ Chetta II. Có lẽ có sự nhầm lẫn giữa tên Ngọc Hoa và Ngọc Khoa chăng? Riêng Ngọc Vạn thì đã là chắn chắn.
2, 4. Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học, 2001, tr.309-310.
3. Mak Phoeun và Po Dharma, “La première intervention militaire Viet-namiene au Cambodge (1658-1659)", theo Phan Văn Hoàng trong Nam bộ và Nam Trung bộ những vấn đề lịch sử thế kỷ XVII – XIX, Trường ĐH Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, 2002.
5. Bấy giờ, trước những biến động trong triều, bà Ngọc Vạn đã lui về sống ở vùng Bà Rịa, Biên Hòa ngày nay. Bà lập chùa để tu và cùng bà con người Việt khai khẩn vùng đất này để sinh sống. Dân chúng ở vùng đất này kể cả người Việt Khmer, Chăm rất kính mến và gọi bà với cái tên thân mật là Cô Chín, còn người nước ngoài đến đây buôn bán là truyền đạo cũng mến mộ bà và gọi bà với tên "Cô Chín Chine" (Cô Chín Tàu).