Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 26/12/2005 14:35 (GMT+7)

Cuộc cách mạng về phẫu thuật tim ít xâm lấn

Bàn tay mini ở đầu cánh tay robot Ở các ê kíp tiên phong, người ta tránh mở lồng ngực hay mở bụng. Là trưởng khoa phẫu tim Bệnh viên châu Âu Georges-Pompidou ở Paris, thành viên Viện Hàn lâm Phẫu thuật Pháp, GS.Jean-Noel Fabiani mỉm cười nhắc lại lời người thầy “Đường rạch lớn cho các nhà phẫu thuật lớn! Muốn mổ tốt, phải nhìn cho tốt” – khi ấy ông đang là sinh viên nội trú. “Ngày nay, hầu như người ta có thể nói ngược lại: những đường mổ nhỏ cho các nhà phẫu thuật lớn!” GS. Fabiani thốt lên. “Thật ra, không phải con người đã thay đổi mà là các phương tiện kỹ thuật dành cho họ. Con mắt nhà phẫu thuật, trước đây ở bên ngoài, nay đã nằm bên trong nhờ vào một camera nhét vào trong cơ thể bệnh nhân. Cả nguồn sáng cũng vậy, trước đây ở bên ngoài (và phải rất mạnh), nay cũng nằm bên trong, sát vùng mổ.

Bàn tay mini ở đầu cánh tay robot
Phẫu thuật ít xâm lấn với hỗ trợ của robotNgười thấy thuốc làm việc trong bóng tối, mắt dán vào màn hình, và được hỗ trợ bởi một công cụ mới: máy vi tính, giúp điều phối các động tác và cho phép các dụng cụ mà mình điều khiển thực hiện một cuộc mổ chính xác hơn. Giữa bàn tay và máy tính, một cánh tay robot làm tăng hơn nữa độ chính xác của động tác. Nhưng bên ngoài các cơ sở tiên phong, phẫu thuật cổ điển vẫn còn được dùng cho 80% các ca mổ và nó vẫn phải là nội dung đào tạo cơ bản cho mọi phẫu thuật viên”.

Mục đích của phẫu thuật mới ít xâm lấn là làm cho các cuộc mổ đỡ đau đớn, ít gây stress, hạn chế thời gian nằm viện, hồi phục, dưỡng bệnh và tránh sẹo lớn (một chi tiết không nhỏ!).

Điều trị bệnh van hai lá

Các van giống như những cánh cửa cho phép máu đi từ một khoang này sang khoang khác, chúng chỉ có một chiều nên tránh được sự trào ngược. Nếu van hai lá bị hở, máu quành trở lại phía sau. Phẫu thuật cổ điển là một kỹ thuật nặng nề đòi hỏi phải cho tim ngưng lại, thay vào đó là một hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, một tim-phổi nhân tạo, trong ba giờ. Phẫu thuật viên mở lồng ngực từ phía trước bằng một đường rạch cỡ 30 cm, cưa xương ức, banh xương sườn, để có thể với tới van và sửa chữa nó bằng cách kéo giáp hai lá van lại với nhau bằng một cái vòng. Do bị “chấn thương phẫu thuật” nặng, người bệnh sau mổ phải nằm 24-48 giờ, ở phòng hồi sức, dùng morphin, và nghỉ dưỡng khoảng 2 tháng! Nhưng sau cơn thử thách này, họ tìm lại được một cuộc sống bình thường và bệnh hiếm khi tái phát.

Vậy ưu điểm của kỹ thuật mới là gì? GS. Fabiani giải thích: “Chúng tôi rạch nhiều đường nhỏ bên dưới vú để nhét các ống trô-ca chứa các dụng cụ đi xuyên qua lồng ngực cùng một camera nhỏ xíu chiếu sáng rõ và hiện vùng mổ phóng đại lên một màn hình. Các động tác mổ cũng giống như một ca mổ cổ điển. Người thầy thuốc phải có khả năng làm việc mà không nhìn bàn tay mình, đòi hỏi những người của thế hệ chúng tôi tập luyện ít ra một năm, còn với các bác sĩ nội trú tương lai vốn chơi trò chơi Video từ nhỏ thì việc tập luyện sẽ dễ dàng hơn! Ca mổ ít xâm lấn này cũng kéo dài như phẫu thuật cổ điển, thậm chí lâu hơn, nhưng người bệnh chịu đựng nó dễ hơn nhiều: thời gian hồi sức thường không vượt quá 24 giờ. Họ bị chấn thương ít hơn, đau ít hơn và chỉ dùng ít morphin. Thời gian nằm viện ngắn hơn-bình quân 4-5 ngày-và thời gian nghỉ dưỡng cỡ một tháng thay vì hai. Các bệnh nhân, nhất là nữ, sẽ hài lòng vì tránh được sẹo lớn”.

Bệnh van động mạch chủ

Theo thời gian, van động mạch chủ bị đóng vôi, lỗ nhỏ lại và máu không qua được, phải thay bằng một van nhân tạo. Trong phẫu thuật cổ điển, diễn biến cũng nặng nề như với van hai lá. Với kỹ thuật ít xâm lấn mới, sau khi lắp đặt hệ tuần hoàn ngoài cơ thể, nhà phẫu thuật chỉ phải rạch một đường 6cm duy nhất ở phần ngực trên. Không cần tới trô-ca và camera vì van nằm ngay phía sau thành ngực, có thể tiếp cận trực tiếp.

Với các động mạch vành

Khi một động mạch vành bị hẹp thì nguy cơ đáng sợ nhất là nhồi máu cơ tim, khiến người ta phải thực hiện một cầu nối vượt qua vùng hẹp. Nghi thức mổ cổ điển bắt đầu với việc làm ngưng tim bằng tuần hoàn ngoài cơ thể. Nhà phẫu thuật mở lồng ngực và nhét vào đó các ống canul nối bệnh nhân với máy tim-phổi nhân tạo, rồi cưa giữa xương ức, lấy một mảnh ghép của động mạch vú (và của các tĩnh mạch cẳng chân khi làm nhiều cầu nối), sau đó thực hiện cầu nối bằng cách khâu mảnh ghép vào các vùng lành của động mạch vành trước và sau chỗ hẹp. Cuộc mổ kéo dài tới 4-5 giờ; hồi sức 48 giờ có dùng morphin vì rất đau, rồi nằm viện thêm 10 ngày, và ngưng hoạt động hai tháng…

Phẫu thuật mới ít xâm lấn được tiến hành trong khi tim vẫn đập. GS. Fabiani giải thích: “Các động mạch vành nằm phía ngoài chứ không phải phía trong cơ tim, vì thế không cần mở các khoang tim để mổ. Cần nhắc lại rằng tuần hoàn ngoài cơ thể có kèm theo những mối nguy cơ về phổi, não (thuyên tắc) và thận. Hơn nữa nó gây mệt nhiều và gây viêm cho bệnh nhân. Bằng cách nào người ta thực hiện được kỳ công này, cách đây 10 năm?... Đó là nhờ vào một máy nhỏ làm bất động phần tim cần mổ trong một khoảng 2 cm, trong khi phần cơ tim còn lại tiếp tục co bóp.Qua những ống giác, chiếc máy (cỡ 3-4cm) được đặt cố định lên các cành banh đã ở vào vị trí của chúng sẽ tạo một lực hút lên phần cơ tim liên hệ. Để phục vụ cho kỹ thuật mới, người ta cũng lại sử dụng robot-một thứ máy may tuyệt vời dùng cho việc khâu vá. Hậu phẫu thật đơn giản: người bệnh đau rất ít, dùng morphin ít hơn nhiều (có khi không dùng tới), và trở về nhà sau 5-6 ngày nằm viện. Các kết quả cũng giống như với phẫu thuật cổ điển: rất tốt”.

Thông liên tâm nhĩ

Hai tâm nhĩ thông nhau bằng một lỗ bất thường, khiến lượng máu đi vào phổi tăng gấp 2-3 lần, dẫn đến chai phổi theo thời gian. Nguy cơ khác là thuyên tắc não. Việc bít lỗ thông bằng một mảnh ghép (lấy từ màng tim) theo lối cổ điển là một cuộc mổ nặng nề: mở lồng ngực, đặt máy tuần hoàn ngoài cơ thể, cưa xương ức, cắt hai xương sườn… Với phương pháp mới, người ta thực hiện tuần hoàn ngoài cơ thể qua ngã mạch máu đùi ở vùng bẹn (không cần mở lồng ngực) và rạch ba đường nhỏ dưới vú phải để nhét các trô-ca, dụng cụ và camera. Hậu phẫu nhẹ nhàng, đau ít hơn, nằm viện 3-4 ngày thay vì một tuần, nghỉ hoạt động không quá một tháng (thay vì hai)…

Nguồn: Khoa học phổ thông, số 731, 25-31/8/200, trang 23-26.

Phẫu thuật ít xâm lấn với hỗ trợ của robot

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.