Crowd-funding trong khoa học
Gregory Vaughan, nhà nghiên cứu nông học tại trường Đại học Sư phạm và Công nghệ Colombia, đã nhận được 308 triệu peso (168.000 USD) tài trợ từ chính phủ Colombia cho nghiên cứu về cây dong riềng vùng Andes (Canna indica). Nhưng trong đơn đề xuất tài trợ, Vaughan đã không tính đến phần kinh phí khoảng 2,7 triệu peso (1.500 USD) cho những thí nghiệm phân tích giá trị dinh dưỡng của củ dong riềng. Vì vậy để có ngay kinh phí thực hiện thí nghiệm đúng mùa thu hoạch, Vaughan đã thử nghiệm một hình thức xin tài trợ khác là crowd-funding trên Indiegogo, một website từng tổ chức thành công nhiều cuộc huy động vốn liên quan đến khoa học, y tế và phát triển công nghệ. Chỉ trong vòng hai tuần rưỡi, Vaughan đã thu được hơn 2.000 USD - vượt mục tiêu đề xuất.
Tận dụng mạng xã hội
Vaughan chỉ là một trong số rất nhiều nhà khoa học tìm vốn qua hình thức crowd-funding. Trên thực tế, phương thức này đã bùng nổ trong nhiều năm gần đây, khi việc xin tài trợ cho các dự án nghiên cứu ngày càng trở nên khó khăn.
Tuy có một vài hạn chế như không thể thay thế được những khoản tài trợ chính do số lượng tiền ít hay không dễ thu hút vốn cho các nghiên cứu cơ bản nhưng crowd-funding vẫn là một hình thức huy động vốn hiệu quả, đặc biệt với những dự án về y tế.
Để thành công với phương thức crowd-funding, các nhà khoa học cần quảng bá dự án trên mạng xã hội, đặc biệt là hợp tác với những người giàu kinh nghiệm về huy động vốn, nhằm cho công chúng thấy tính thực tế và hiệu quả của dự án, từ đó có thể thu hút được sự chú ý của cả những người ít quan tâm đến khoa học.
Khi quyết định tìm vốn cho dự án, nhà nghiên cứu hoặc nhóm nghiên cứu cần xác định một số kinh phí cụ thể - các nhà vận động giàu kinh nghiệm khuyên nên đưa ra mức 5.000 USD cho lần huy động vốn đầu tiên - và chọn lấy một diễn đàn, thường là các website nổi tiếng về crowd-funding như Indiegogo, Kickstarter, RocketHub hoặc FundaGeek để vận động tài trợ. Phần lớn các website này đều có quy mô lớn, có nhiều tiêu chí linh hoạt để chấp nhận hoặc từ chối một đề xuất dự án trong thời gian ngắn. Cuộc vận động có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, phụ thuộc vào số tiền muốn huy động và quy định của website.
Mức tính phí phải trả cho các website khi đăng tải đề xuất về dự án thường dao động từ 2 đến 4% tổng mức vốn huy động cho một đề xuất thành công hoặc 10% nếu thất bại. Mục đích của nó chỉ nhằm khuyến khích các nhà vận động đưa ra một khoản tiền không quá lớn và không để dự án kéo dài quá lâu.
Website sẽ cung cấp một trang riêng cho mỗi dự án và những thông tin, hình ảnh được đưa lên đóng vai trò quyết định thành bại của cuộc vận động, do vậy Danae Ringelmann, nhà sáng lập của Indiegogo có trụ sở ở Los Angeles, California, và New York, khuyên, phần thông tin về dự án cần có thêm hình ảnh, clip sinh động đủ sức thuyết phục và dễ hiểu. Nó cũng cần cập nhật thông tin về những phát hiện mới, hoặc tiến trình công việc của nhóm nghiên cứu nhằm đảm bảo với công chúng là dự án đang tiến triển và có nhiều sức hút.
Ngoài ra, theo nhà sinh thái học Jai Ranganathan ở Đại học California, Santa Barbara, đồng sáng lập SciFund Challenge, một trang về crowd-funding cho các dự án khoa học, các nhà nghiên cứu cần tăng cường giao tiếp với cộng đồng qua các phương tiện truyền thông: gửi các thông cáo báo chí tới các tờ báo cũng như cả các blogger.
Erik Cox, người sáng lập dự án The Open Science Space (Không gian khoa học mở), nơi crowd-funding cho các dự án nghiên cứu cơ bản, cho rằng huy động vốn đám đông đã giúp khai thông một nguồn lực tài chính dồi dào từ công chúng nhưng nó đòi hỏi các dự án kêu gọi vốn cũng phải hoàn toàn mở, chẳng hạn: |
Nghệ thuật thuyết phục
Phần lớn những cuộc huy động vốn crowd-funding đều có quà tặng để khuyến khích công chúng ủng hộ dự án, ví dụ công ty uBiome gửi bộ kit lấy mẫu vi sinh vật cho những ai ủng hộ mức 79 USD để công ty giải mã trình tự gene của họ. Với dự án về cây dong riềng thì “bất kỳ ai đóng góp trên 20 USD sẽ nhận được lời cảm ơn qua blog của tôi,” Vaughan cho biết, và các nhà tài trợ sẽ được ghi nhận công lao khi công trình được công bố. Đối với mức quyên góp trên 500 USD, ông tặng nhà hảo tâm một tour du lịch có hướng dẫn viên nếu tới thăm Colombia.
Tất nhiên, không nên xem crowd-funding như một hình thức thay thế những khoản tài trợ của các quỹ tài trợ nghiên cứu khoa học bởi theo quan điểm của Maria Zacharias, phát ngôn viên Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF), những nghiên cứu mà nó hỗ trợ ít khi cùng thang giá trị với những dự án đã “qua cổng” ủy ban chuyên môn, biên tập viên tạp chí khoa học và chuyên gia bình duyệt của các quỹ tài trợ.
Thực tế cho thấy, “crowd-funding hoạt động tốt nhất như một phương thức bổ sung (top-up),” Simon Vincent, người tài trợ nhiều nhất cho tổ chức từ thiện Nghiên cứu về ung thư Anh ở London, nhận xét. “Nó cũng như một tiện ích phụ thêm vào (add-on), một cách làm mới để thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng vào các dự án nghiên cứu”. Và để đạt được mục tiêu đề ra, việc huy động vốn đòi hỏi nhiều nỗ lực.
Hagop Panossian, chủ tịch Viện Phân tích nghiên cứu và Kế hoạch cho Armenia (ARPA) tại Tarzana, California, đã mở một cuộc vận động trên Indiegogo nhằm kiếm 25.000 USD cho một nghiên cứu về trình tự DNA, tập huấn và cung cấp tài liệu cho các nhà nghiên cứu ở Armenia. Ông đã đưa những thông tin về dự án lên website của ARPA, gửi e-mail tới 6.500 địa chỉ để cập nhật thông tin và đề xuất. Con trai ông cũng đưa thông tin lên twitter về tiến trình của cuộc huy động vốn, làm một video và công bố trên Indiegogo.
Panossian đã nhận được 27.515 USD từ cộng đồng. Ông cho biết thật không hề dễ dàng để mọi người góp tiền cho cái máy giải trình tự DNA. “Nếu gây vốn cho những dự án dễ khơi gợi lòng trắc ẩn như vì trẻ em mồ côi thì sẽ dễ dàng hơn nhiều”.
Nhưng ngay cả dự án về bệnh ung thư cũng không dễ khiến người ta mở ví. Liz Scarff, nhà chiến lược truyền thông xã hội ở London và đồng sáng lập cơ quan truyền thông kỹ thuật số Fieldcraft, từng đưa lên Indiegogo một dự án gây vốn mang tên iCancer, quyên 2 triệu USD cho một nhóm nghiên cứu Thụy Điển thử nghiệm lâm sàng một loại virus có thể hỗ trợ điều trị ung thư thần kinh nội tiết, một loại ung thư hiếm gặp, từng khiến Steve Jobs qua đời vào năm 2011. Cuộc vận động đã kết thúc sau bốn tháng và thu được hơn 250.000 USD, bao gồm cả những khoản ủng hộ trực tiếp cho nhóm nghiên cứu, nghĩa là còn xa mới đạt mục tiêu.
Để hoàn tất kế hoạch, Scarff và bạn bè hướng đến các nhà hảo tâm khác tại Mỹ, Anh và Thụy Điển. Thời gian tới, bà sẽ phân số tiền huy động ra những khoản nhỏ hơn trong mỗi lần quyên góp thay vì quyên góp toàn bộ số tiền trong một lần. “Nếu tái khởi động dự án vì khoa học này, tôi sẽ chia nó làm nhiều phần, không chỉ để dễ thành công hơn mà còn giúp cho dự án liên lục phát triển”.
Những rào cản pháp lý
Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng crowd-funding cũng ẩn chứa không ít rủi ro. Việc nói với cả thế giới về một dự án nghiên cứu không khác gì tạo cơ hội cho người khác… chôm ý tưởng, đồng thời cũng ẩn chứa nhiều cạm bẫy pháp lý.
Các nhà huy động vốn cũng nên biết rằng thu nhập từ crowd-funding cũng phải chịu thuế. Những người có kinh nghiệm thường khuyên các nhà nghiên cứu đang làm việc trong trường đại học hoặc viện nghiên cứu cần quyên góp dưới tên tổ chức của mình như đối với việc xin tài trợ thông thường.
Bryan Sullivan, luật sư thương mại tại Early Sullivan Wright Gizer & McRae ở Los Angeles, cảnh báo, mặc dù ở Mỹ chưa có luật riêng nhằm quản lý việc huy động vốn từ cộng đồng, nhưng các nhà vận động cũng cần thận trọng trong lời kêu gọi của mình để tránh nguy cơ phải đối mặt với việc kiện cáo do miêu tả không đúng thực chất dự án. Ông cũng khuyên các nhà vận động không nên rạch ròi việc phân bổ ngân sách để họ có thể sử dụng khoản tiền quyên được cho việc quản trị dự án hoặc cho các khoản chi khác. Các nhà nghiên cứu cũng không nên đề cập một cách chắc nịch về kết quả sẽ đạt được: “Bạn cần nói, ‘chúng tôi tin tưởng rằng kết quả nghiên cứu có thể chứng tỏ…’ hoặc ‘theo quan điểm của chúng tôi, kết quả nghiên cứu có thể...’. Không nên phát ngôn một cách khinh suất,” Sullivan nhấn mạnh.
Dẫu vậy với những ai có nhiều người ủng hộ thì tiềm năng về crowd-funding là rất lớn. Các nhà nghiên cứu thường quen viết dự án trình lên các quỹ tài trợ xét duyệt. Giờ đây họ có thể lập kế hoạch crowd-funding để định lượng sự ủng hộ của công chúng về nghiên cứu của chính mình. Điều đó giúp “lên dây cót tinh thần” cho các nhà khoa học và cho phép họ tự chủ trong dự án nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, theo Ringelmann, việc quyết định có thực hiện dự án hay không được trao lại cho công chúng, sẽ góp phần đem cho họ sức mạnh tác động vào tiến trình phát triển của khoa học”.
Anh: Huy động vốn đám đông để phóng tàu lên Mặt trăng |