COST là gì?
Mục tiêu của CoST là nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình của bên mời thầu và nhà thầu đối với chi phí và chất lượng của dự án khu vực công (vốn của nhà nước, vốn của dân đóng góp…) thông qua việc nâng cao tính minh bạch, giải trình đối với nhiều bên có liên quan khác nhau. Những bên liên quan khác nhau được hiểu không phải chỉ là có Chính phủ mà bao gồm cả phía xã hội dân sự, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ (NGO), những người quan tâm đến lợi ích của cộng đồng...
CoST cho phép công khai thông tin chủ chốt về dự án đối với một số dự án được lựa chọn thí điểm. Từ “chủ chốt” trong ngữ cảnh này để chỉ lượng thông tin đủ để các bên tham gia có cơ sở để đánh giá chi phí và chất lượng của dự án được lựa chọn (thường là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng).
Khó khăn của CoST là ở chỗ phải cân bằng 2 nhu cầu: một lànhu cầu phải minh bạch hơn, thường được mọi người ủng hộ, và hai làphải xây dựng một hệ thống có tính khả thi. Nếu công khai thông tin quá ít sẽ không mang lại tác dụng gì và tạo ra cơ hội cho các quan chức và nhà thầu tham nhũng chống lại việc tăng cường minh bạch. Như vậy sẽ không hiệu quả và phản tác dụng. Nếu yêu cầu công bố quá nhiều thông tin thì sẽ gây phiền hà và hạn chế cộng đồng tham gia. Theo phân tích, đầu mối tham nhũng, thất thoát chính là từ khi trao thầu và quá trình thực hiện thầu dẫn đến tăng giá thi công, làm chậm tiến độ, bán lại hợp đồng và công trình kém chất lượng vì vật liệu bị bớt xén hoặc giảm cấp chất lượng. CoST đề ra một số chỉ số đơn giản để kiểm soát những yếu tố này.
CoST được thiết kế để có thể áp dụng cho bất kỳ quốc gia nào và bất kỳ cơ quan, ban ngành nào của Chính phủ chịu trách nhiệm về các dự án xây dựng khu vực công.
Hiện nay thiết kế CoST đang ở giai đoạn thí điểm, trên thế giới đã có 7 nước đăng ký tham gia: Tanzania, Phillipines, Anh, Việt Nam, Ethiopia, Zambia, Malawi . Anh quốc là nước đề xướng ra việc này, tài trợ cho chương trình này và nhờ Ngân hàng thế giới (WB) quản lý tiền tài trợ.
Để tiến hành thí điểm CoST tại các nước đăng ký tham gia, Chính phủ nước đó phải bổ nhiệm một cán bộ chỉ đạo CoST và phải thành lập nhóm chỉ đạo (MSG) và nhóm chuyên gia (TAT).
Nhóm chỉ đạo:là cơ quan đại diện cho các bên liên quan chính có vai trò trung tâm trong công tác giám sát CoST. Thành phần, cơ chế bổ nhiệm, thù lao, trách nhiệm và khả năng giải trình của Nhóm chỉ đạo có thể khác nhau ở từng nước, nhưng trong mọi trường hợp, nhóm chỉ đạo phải hoạt động theo một quy chế nhất định. Nó bao gồm nhiều thành phần, trong đó phải có những thành viên độc lập, không bị lệ thuộc vào các cơ quan nhà nước, cũng không bị phụ thuộc vào chủ đầu tư hoặc nhà thầu đó là các tổ chức xã hội nghề nghiệp, xã hội dân sự, các tổ chức phi Chính phủ (NGO) và những người quan tâm đến cộng đồng.
Nhóm chuyên gia:có trách nhiệm đánh giá mức độ đầy đủ và đáng tin cậy của việc công bố công khai thông tin chủ chốt về dự án, xác định các vấn đề đáng quan tâm trong việc công khai thông tin, và báo cáo kết quả cho nhóm chỉ đạo. Chức năng của nhóm chuyên gia có tính chuyên môn và hoạt động theo quy chế rõ ràng và cũng là nhóm giúp việc cho nhóm chỉ đạo. Thông qua hệ thống báo cáo của mình, nhóm chuyên gia đóng vai trò diễn giải để làm sao số liệu ban đầu được công bố dễ hiểu hơn đối với nhóm chỉ đạo và thông qua nhóm chỉ đạo để tới nhiều bên liên quan bị tác động. Điều cốt yếu là nhóm chuyên gia phải là, và được các bên liên quan coi là: độc lập, đáng tin cậy, khách quan và có chuyên môn. Tư cách tham gia và điều lệ hoạt động của nhóm chuyên gia phải được công bố công khai.
Nguyên tắc CoST
Những người đề xuất sáng kiến minh bạch hoá hoạt động xây dựng (nhóm chuyên gia của Anh quôc) đã đề ra nguyên tắc của CoST, họ đã nhận thức được vấn đề và tin tưởng như sau:
1. Các dự án cơ sở hạ tầng khu vực công cần phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững để đóng góp vào quá trình phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo, nhưng việc quản lý xây dựng yếu kém có thể làm giảm lợi ích kinh tế, xã hội và thực hiện dự án không hiệu quả.
2. Khả năng giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước (Chính phủ) với tất cả công dân về các khoản chi công cho các dự án xây dựng và khuyến khích nâng cao chuẩn minh bạch và trách nhiệm giải trình cho tất cả các thành phần trong hoạt động xây dựng, cả nhà nước và tư nhân.
3. Coi việc công bố thông tin dự án cơ bản trong suốt chu trình dự án có thể là cách thức hiệu quả để tăng hiệu quả đầu tư cho các dự án xây dựng và cho rằng tính minh bạch trong giai đoạn thực hiện dự án sẽ được hỗ trợ thông qua quá trình đấu thầu công khai, minh bạch.
4. Sự minh bạch tài chính có thể tạo môi trường tốt cho đầu tư trực tiếp trong nước và nước ngoài.
5. Khi tìm giải pháp, nhóm chỉ đạo có thể đóng vai trò quan trọng trong công tác giám sát và giải trình nhằm đảm bảo tính minh bạch và giúp công chúng hiểu thông tin công bố công khai về các dự án.
Tiêu chí CoST
1. Đối với các dự án xây dựng khu vực công có mức kinh phí chi tiêu được coi là cần phải quan tâm thì phải thường xuyên công bố thông tin chủ chốt về dự án cho công chúng sao cho công chúng có thể hiểu được, tiếp cận được và thông tin phải toàn diện.
2. Cơ quan mời thầu phải được kiểm toán tài chính nghiêm túc và ở mức khả thi, các dự án phải được kiểm toán kỹ thuật, tài chính độc lập và đáng tin cậy.
3. Sự phù hợp của việc công bố công khai thông tin chủ chốt về dự án và kiểm toán do một nhóm chuyên gia có chuyên môn, khách quan và độc lập tiến hành đánh giá, sau đó phát hành báo cáo của nhóm chuyên gia, trong đó nêu rõ những điểm cần quan tâm trong các thông tin được công bố.
4. Việc áp dụng phương pháp tiếp cận này được mở rộng cho cả các cơ quan mời thầu chính có trách nhiệm đấu thầu trong khu vực công và các nhà thầu liên quan.
5. Nhóm Chỉ đạo giám sát quá trình thực hiện CoST.
6. Tổ chức xã hội dân sự tham gia tích cực với vai trò của một thành viên trong công tác thiết kế, giám sát và đánh giá quá trình này và đóng góp ý kiến trong các cuộc tranh luận công khai.
7. Chính quyền sở tại phải lập một kế hoạch công tác công khai, có nguồn tài chính ổn định cho tất cả những hoạt động nêu trên; trong kế hoạch phải nêu rõ chỉ tiêu đo lường được, lịch trình thực hiện và đánh giá những hạn chế về năng lực có thể có.