Công tác quản lý nhà nước về đo lường trong giai đoạn hội nhập - Cơ hội và thách thức
1. Hiện trạng hoạt động quản lý đo lường:
Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản kỹ thuật về đo lường
Hiện nay Nhà nước ta đã xây dựng và hình thành tương đối đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo lường bao gồm Luật Đo lường năm 2011, Nghị định 86/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường và các văn bản do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Song hành với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta cũng đã xây dựng nên được một hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN) khá đầy đủ để thực thi các công việc cụ thể như thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo và chuẩn đo lường nhằm từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo công bằng xã hội liên quan đến đo lường. Đây thực sự là một thành tựu của việc nghiên cứu ứng dụng đưa các kết quả nghiên cứu khoa học của thế giới vào phục vụ công tác đo lường ở nước ta.
Về hệ thống chuẩn đo lường
Hệ thống chuẩn đo lường của từng lĩnh vực đo cũng đã được xác lập gồm chuẩn quốc gia và các chuẩn có độ chính xác thấp hơn (chuẩn chính,; chuẩn công tác). Đến nay nước ta đã có 10 chuẩn quốc gia, gần 5.000 chuẩn chuẩn chính, chuẩn công tác đã được trang bị sử dụng tại hệ thống các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ường và tại các tổ chức kiểm định phương tiện đo. Tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có các chuẩn đo lường đáp ứng yêu cầu kiểm tra, hiệu chuẩn, duy trì độ chính xác các phương tiện đo sử dung tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Về hệ thống kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo
Cho đến nay cả nước đã có hơn 230 tổ chức được công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo với chuẩn đo lường, trang thiết bị và phương tiện kiểm định khá đầy đủ với trên 2800 kiểm định viên được đào tạo cơ bản.
Hệ thống kiểm định này hàng năm thực hiện kiểm định trên 3 triệu phương tiện đo thuộc trong danh mục phải kiểm định, trải rộng trên mọi miền của đất nước, từ miền núi đến miền xuôi trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế: thương mại, sản xuất, an ninh quốc phòng, y tế, môi trường nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Hệ thống các phòng hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường tuy còn chưa mạnh cả về số lượng lẫn năng lực nhưng cũng đã thực hiện việc hiệu chuẩn phương tiện đo phục vụ yêu cầu đảm bảo liên kết chuẩn đo lường của các ngành công nghiệp; thử nghiệm phục vụ phê duyệt mẫu phương tiện đo và các yêu cầu khác của hoạt động quản lý đo lường.
Về hoạt động sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo
Luật đo lường khẳng định: Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân sản xuất phương tiện đo và đã thiết lập một hệ thống quy định khá thông thoáng để quản lý lĩnh vực này nhằm tạo thuận lợi cho nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo.
Về quản lý phép đo trong thương mại bán lẻ và hàng đóng gói sẵn theo định lượng
Đây là những lĩnh vực đo lường hợp pháp gắn liền với quyền lợi của đông đảo người dân. Trên cơ sở các quy định liên quan đến quản lý đo lường đối với hàng đóng gói sẵn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục và các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo công bằng, khách quan trong mua bán thúc đẩy văn minh thương mại.
Về hợp tác quốc tế về đo lường
Ngay từ những ngày đầu thành lập, cơ quan quản lý nhà nước về đo lường đã rất quan tâm tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế về đo lường, coi đây là biện pháp có hiệu quả để tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế đầu tư cho đo lường. Cho đến nay, Chính phủ đã cho phép Tổng cục TĐC tham gia 18 tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có các tổ chức quan trọng về đo lường như:
- Tổ chức đo lường pháp quyền quốc tế (OIML);
- Diễn đàn đo lường pháp quyền Châu Á- Thái Bình Dương (APLMF);
- Chương trình đo lường Châu á- Thái Bình Dương (APMP);
- Ủy ban tư vấn của ASEAN về tiêu chuẩn và chất lượng - Nhóm công tác về đo lường pháp quyền (ACCSQ-LMWG)
Như vậy, với nền móng là Sắc lệnh 08/SL về Đo lường, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành trong suốt những năm qua, chúng ta đã đạt được những thành quả đáng kể trong hoạt động đo lường góp phần đẩy nhanh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.
2. Những thuận lợi, thách thức của công tác đo lường phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế theo WTO
Thuận lợi:
- Chúng ta đã có hệ thống cơ sở pháp lý, kỹ thuật, tổ chức và kinh nghiệm trong hoạt động đo lường được xây dựng, củng cố trong suốt thời gian qua.
- Chính yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế theo quy định của WTO đòi hỏi Chính phủ, các Doanh nghiệp và người dân nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò của Đo lường đối với xây dựng, áp dụng chính sách, luật pháp của Nhà nước để bảo vệ quyền lợi của quốc gia, tạo cơ sở cho phát triển của Doanh nghiệp; nâng cao năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ trong hoạt động đo lường nhằm hỗ trợ Doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo công bằng xã hội.
- Hoạt động hợp tác quốc tế về đo lường thời gian qua đã đi vào chiều sâu, giúp nhận thức rõ hơn về lộ trình, cách tiếp tận để xây dựng hệ thống đo lường ở các nước có nền kinh tế thị trường.
Thách thức:
- Hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật về đo lường cần đáp ứng yêu cầu hài hoà nhanh chóng với các văn bản tương tự của các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Năng lực kỹ thuật về đo lường, thử nghiệm của các đơn vị kỹ thuật của Việt Nam còn yếu, ở nhiều lĩnh vực, nhiều công việc cụ thể chúng ta chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu.
- Tư duy, cách làm việc của đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành vẫn còn ảnh hưởng nặng của nền hành chính, bao cấp trước đây. Trình độ của một bộ phận cán bộ, nhân viên còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa nhận thức sức ép nặng nề của hội nhập kinh tế quốc tế.
3. Những công việc cần làm trong thời gian tới
Với việc gia nhập WTO và trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế thế giới, cuộc cách mạng khoa học công nghệ tiếp tục diễn ra cực kỳ mạnh mẽ, Đo lường Việt Nam đứng trước những nhiệm vụ rất nặng nề cùng với những thách thức và cơ hội để phát triển hết sức tốt đẹp. Để đáp ứng nhu cầu xu thế hội nhập nêu trên, ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói chung và hoạt động đo lường nói riêng cần phải không ngừng cải tiến và đổi mới. Cụ thể tại các địa phương cần tập trung vào các nội dung sau:
- Cập nhật thường xuyên và triển khai có hiệu quả các quy định của Nhà nước về đo lường như Pháp lệnh Đo lường, văn bản của Chính phủ, các Quy định về đo lường của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như của Tổng cục (về việc phê duyệt mẫu, kiểm định phương tiện đo, quản lý chuẩn đo lường,. ..);
- Tập trung thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ và chức năng quản lý nhà nước về đo lường ở địa phương;
- Tăng cường và xây dựng các chuẩn chính đối với các lĩnh vực đo, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh, thành phố để thực sự là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, thành phố.
- Thúc đẩy việc áp dụng mô hình công nhận phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 17025 ;
- Tăng cường áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học đo lường để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về phép đo và phương tiện đo phù hợp với tình hình thực tiện của địa phương;
- Tăng cường đào tạo và nâng cao đội ngũ kiểm định viên đo lường.
- Phối hợp với Tổng cục trong việc biên soạn các quy trình kỹ thuật phục vụ cho việc thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn chuẩn, phương tiện đo theo Luật TC &QCKT;
- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà sở… cho hoạt động kiểm định để nâng cao chất lượng kiểm định, mở rộng hình thức kiểm định đáp ứng nhu cầu thực tế
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức kiểm định thuộc địa bàn quản lý.
Nhận thức đầy đủ và sâu sắc những thuận lợi, thách thức cũng như nắm chắc những nhiệm vụ to lớn về đo lường của toàn ngành trong thời kỳ hội nhập toàn diện về kinh tế với quốc tế, với tinh thần chủ động, chúng ta tin tưởng rằng, trong thời gian sắp tới đo lường của Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu của Doanh nghiệp và người dân./.