Công tác phòng chống lụt bão năm 2007: Đối mặt với nhiều khó khăn
Đã sẵn sàng ứng phó?
Theo dự báo, do ảnh hưởng của Elnino, sự biến động của thời tiết năm nay sẽ khó lường hơn và mùa mưa bão chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Có một thực tế là, tình trạng đê điều và các công trình thuỷ lợi, hồ đập… ở nước ta hiện đang xuống cấp. Một phần do ngân sách nhà nước có hạn; mặt khác, chính quyền địa phương cũng chưa thực sự chủ động làm tốt công tác gia cố và sửa chữa. Tâm lý “chờ ngân sách” còn khá phổ biến, thậm chí, khi được đầu tư thì việc triển khai thực hiện lại chưa đạt hiệu quả. Ông Đặng Quang Tính, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Hệ thống đê ở Đồng bằng Sông Hồng nếu gặp điều kiện bất lợi như mực nước lũ cao, kéo dài kết hợp với bão lớn thì nhiều đoạn sẽ có nguy cơ sạt lở, thậm chí có thể gây vỡ đê. Thượng nguồn của một số hệ thống sông lớn lại chưa có hồ chứa để tham gia điều tiết lũ, do đó, đê có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chống lũ”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, để xây dựng 1km đê hiện đại, đủ sức chống chọi với bão lũ thì kinh phí lên tới 20 tỷ đồng, đây là con số “trên trời” với các tỉnh, thành có hàng chục ki lô mét đê cần nâng cấp, sửa chữa.
Ông Trần Sỹ Vinh, Phó cục trưởng Cục Thuỷ lợi cho biết: “Cả nước hiện có hơn 200 hồ chứa trữ lượng trên 200.000m3, nhiều hồ nằm ở nơi heo hút, rất khó khăn cho công tác tu sửa, nạo vét. Chúng tôi luôn xác định phải chủ động trong việc đối phó với bão lũ nhưng quả thực không dám khẳng định đã hoàn toàn tự tin. Công tác chuẩn bị là một chuyện, còn tình hình bão lũ diễn biến ra sao lại rất khó lường trước”.
Cảnh giác với bão lụt
Mới chỉ một trận mưa đầu mùa đã làm 2 người chết ở huyện Bát Xát (Lào Cai) do lũ quét; mưa kéo dài 3 ngày làm đường tàu Thống Nhất khu vực Mường Mán (Phan Thiết - Bình Thuận) bị ngập, hành khách đi tàu phải chuyển sang ô tô. Một số địa phương ở Tây Nguyên, NamTrung bộ bị ngập lụt. Các nhà khoa học dự báo, khả năng đầu tháng 6 có đợt lũ mới và rất dễ xảy ra lũ quét ở các tỉnh miền núi.
Ông Nguyễn Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương: Dự kiến Việt Nam sẽ phải “đón” khoảng 6 cơn bão lớn Qua tham khảo các cơ quan dự báo khí tượng - thủy văn lớn trên thế giới, năm 2007 sẽ có khoảng 9 đến 10 cơn bão xuất hiện trên biển Đông, trong đó có khoảng 6 cơn bão lớn ảnh hưởng trực tiếp tới lãnh thổ nước ta. Năm nay cũng sẽ có nhiều đợt mưa lớn phía thượng nguồn. Do đó, về cơ bản, lũ triền sông trên cả nước sẽ cao hơn năm ngoái, người dân các địa phương cần hết sức đề phòng những trận lũ lớn. Cụ thể, khu vực sông Hồng lũ sẽ xấp xỉ mức báo động 3; các sông ở phía Bắc Trung Bộ, lũ sẽ trên, dưới mức báo động 3; vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lũ sẽ trên mức báo động 3 (dự kiến khu vực này đỉnh lũ xuất hiện vào cuối tháng 9 đầu tháng 10). |
Để chủ động đối phó hiệu quả với bão lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, trước hết cần nâng cao khả năng dự báo nhanh, chính xác, thông tin kịp thời diễn biến của thời tiết. Ngay từ bây giờ phải kiểm tra lại các phương án bảo vệ tính mạng của nhân dân, nhất là ở vùng thường xảy ra bão lụt, ven biển, ven sông, suối, nơi có thể xảy ra lũ quét, đất lở. Khi cần thiết, phải khẩn trương di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm.
Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về tăng cường công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2007. Theo đó, Nhà nước sẽ chi 160 tỉ đồng để đầu tư cho công tác tu bổ đê điều thường xuyên, với mục tiêu là bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều từ cấp 3 trở lên. Nhiều địa phương cũng đã ban hành chỉ thị về công tác phòng chống lụt bão, đồng thời tích cực triển khai gia cố đê điều, diễn tập. Tại Đà Nẵng, địa phương chịu nhiều thiệt hại do bão số 6 - Xangsane, Chủ tịch UBND thành phố vừa ban hành chỉ thị về công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2007. Theo đó, các ban ngành, quận huyện phải xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống, xử lý kịp thời, hiệu quả trước, trong và sau khi bão lũ, thiên tai xảy ra; đồng thời kiểm tra phương án phòng chống lụt bão năm 2007 của các xã, phường và đơn vị trực thuộc, các cơ sở kinh tế, các công trình xây dựng. Trung tuần tháng 4/2007, Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Lào Cai đã tổ chức diễn tập tại thôn Móng Sến II (xã Trung Chải, huyện Sa Pa), nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân, đồng thời nâng cao khả năng tổ chức, điều hành, phối hợp của cán bộ và các lực lượng chức năng trong công tác ứng cứu tại chỗ, khắc phục hậu quả thiên tai một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Cũng với tinh thần khẩn trương, tự giác, tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Tây, Hải Phòng, Phú Thọ, Bắc Ninh…, đã triển khai nhiều công việc cụ thể để phục vụ công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Hiện, các huyện có đê xung yếu của các tỉnh đã tiến hành tu sửa, gia cố; trạm bơm, hồ chứa được kiểm tra chu đáo. Hy vọng, tất cả không chỉ dừng lại ở các cuộc diễn tập mà trong những trường hợp khẩn cấp, tinh thần chủ động đối phó, phối hợp kịp thời giữa chính quyền, các ban ngành và người dân sẽ nhịp nhàng, hiệu quả để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa bão gây ra.