Công nghệ xử lý quả vải không xông SO2 cho năng suất lớn
Ưu điểm vượt trội của công nghệ bảo quản mới
Vải là một loại quả đặc sản có diện tích trồng và sản lượng lớn ở các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh… mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, loại quả này rất nhanh chóng bị hư hỏng, làm giảm giá trị sản phẩm, vì vậy đòi hỏi phải có biện pháp bảo quản để kéo dài thời hạn sử dụng, dễ dàng vận chuyển đi xa nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nhằm giảm bớt thiệt hại cho bà con nông dân, kéo dài thời gian bảo quản vải tươi để có thể vận chuyển đi xa tiêu thụ, mới đây Công ty Juran Technology (Israel) đã tổ chức Hội thảo giới thiệu các công nghệ tiên tiến mới của Juran – Isarel về dây chuyền bảo quản sau thu hoạch cho các loại quả như vải thiều, dâu tây, bơ, lựu… đặc biệt là dây chuyền xử lý quả vải không xông SO2 và phân loại theo kích thước của quả vải.
Với thiết kể đơn giản, quy trình xử lý gồm 4 bước cơ bản: Xử lý nước lạnh, xử lý nước nóng, xử lý bằng HCL loãng và làm khô. Đây là hệ thống xử lý giữ nguyên màu đỏ tự nhiên của vỏ quả, hương vị thơm ngon của cùi vải. Công nghệ Juran giữ màu đỏ “ruby”, loại bỏ hiện tượng nâu hóa sau ba ngày, quả vải có thể giữ màu đỏ tươi trong 4- 5 tuần, kéo dài thời gian cho sản phẩm.
Dây chuyền bảo quản được thiết kế linh hoạt, công suất 1- 70 tấn/giờ, hệ thống phân loại kích thước quả tự động phân chia làm 5 nhóm kích thước. Dây chuyền đạt hiệu quả cao trong phân loại và sàng lọc đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới.
Công nghệ này đã được chế tạo, thử nghiệm, kiểm chứng của Bộ Nông nghiệp Isarel và được cấp bằng sáng chế tại Mỹ năm 2000. Quả vải sau khi xử lý bằng công nghệ này có đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Châu Âu và Mỹ, Nhật Bản. Hiện nay hãng Juran đã lắp đặt dây chuyền xử lý quả vải cho Trung Quốc, Thái Lan và Úc.
Trước mắt, dễ nhận thấy, công nghệ này có tính khả thi cao trong việc áp dụng vào địa bàn các tỉnh có diện tích trồng vải lớn. Tuy nhiên cũng cần quan tâm nghiên cứu, tính toán chi phí, giá thành sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần phải tìm hiểu, kết nối, có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp khi đầu tư công nghệ.
TS. Trần Lệ Thu (Sở KH&CN Bắc Giang) cho biết nếu dây chuyền công nghệ này được áp dụng sẽ góp phần giảm tổn thất cho quá trình bảo quản sau thu hoạch và giảm sức lao động cho người nông dân, nâng hiệu quả sản xuất quả vải và tăng thu nhập cho người dân tại vùng trồng vải.
Thực hiện đúng quy trình xử lý vải sau thu hoạch
Theo Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), cần áp dụng quy trình công nghệ xử lý sau thu hoạch và bảo quản quả vải để cho năng suất cao nhất. Theo đó, Thời điểm thu hái thích hợp từ 80 - 85 ngày sau khi đậu quả, khi quả có hàm luợng chất khô hoà tan tổng số đạt 18 ± 1 độ Brix, độ axít đạt khoảng 0,2%.
Để quả vải có chất luợng tốt nhất thì nên thu hái khi quả đạt độ chín thích hợp. Quả có thể thu hoạch khi vỏ quả đỏ đồng đều, gai trên vỏ nhẵn. Nếu phải vận chuyển xa thì thời điểm thu hoạch tốt nhất là lúc quả vải vừa chuyển sắc màu hồng. Nếu tiêu thụ ở thị truờng gần, nên để vải chín đỏ, thịt quả có vị thơm, hạt chuyển màu vàng nâu là tốt nhất. Thu hái quả vào thời điểm dịu mát trong ngày, lúc trời khô ráo, tránh hái vào ngày mưa. Bẻ cả chùm không kèm theo lá.
Bước tiếp theo là làm lạnh sơ bộ. Mục đích làm ức chế tức thời hoạt động hô hấp và trao đổi chất của quả vải cũng như sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh. Quả vải đuợc làm lạnh sơ bộ bằng cách nhúng vào nuớc đá đang tan trong 5 phút.
Bước thứ 3 là chọn lọc và phân loại. Sau khi làm lạnh sơ bộ, vải đuợc cắt tỉa, lựa chọn và phân loại để loại bỏ quả giập, nứt, khuyết tật, không đạt kích thuớc (quá bé hoặc quá to); quả không đạt tiêu chuẩn về độ chín (quá xanh hoặc quá chín), quả bị sâu bệnh. Buộc quả vải thành từng chùm (1- 2 kg/chùm).
Tiếp theo phải xử lý hoá chất chống nấm, mốc. Nhúng chùm vải sau khi đã chọn lựa vào dung dịch thuốc Topsin M pha nồng độ 0,05% trong 2 phút. Trong truờng hợp cần xử lý, bảo quản với khối luợng lớn, sau khi xử lý bằng thuốc trừ nấm Topsin M thì vớt ra để ráo nuớc rồi tiếp tục xử lý bằng xông hơi lưu huỳnh (SO2).
Mục đích xử lý SO2 nhằm tiêu diệt một số vi sinh vật gây hại còn sót lại. Vải quả đuợc xông hơi SO2 bằng cách đốt bột lưu huỳnh trong buồng kín cùng với vải quả với tỷ lệ 550g /1 tấn quả. Quá trình xông hơi lưu huỳnh đuợc tiến hành trong 30 phút.
Cần lưu ý xử lý ổn định màu vỏ quả. Sau khi xử lý hoá chất chống nấm mốc, các chùm vải tiếp tục được nhúng vào dung dịch axít pha loãng (pH 3,0- 3,5) trong 2 phút nhu axít citric 5% hoặc HCl 0,1N.
Cuối cùng là đóng gói, bảo quản, vận chuyển. Sau khi xử lý để ổn định màu vỏ quả, vải đuợc vớt ra để ráo nuớc tự nhiên rồi đóng gói bằng túi PE có đục lỗ thoáng khí (3 kg/túi), xếp vào thùng gỗ (25- 30 kg/thùng) có lót thảm cói xung quanh đáy và nắp thùng.
Vải được bảo quản trong kho lạnh có nhiệt độ ổn định 4- 5 độ C, độ ẩm không khí 90- 95%. Trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển đến nơi tiêu thụ, quả vải phải luôn ở trong môi truờng lạnh.
Truớc khi đưa vải ra khỏi kho lạnh, cần tăng nhiệt độ từ từ để tránh “sốc nhiệt” gây hư hỏng, đồng thời hạn chế sự ngưng tụ hơi nước trên bề mặt vỏ quả bằng cách đóng quả trong các hộp xốp kín, tiêu thụ đến đâu mở hộp đến đấy. Tốt nhất nên đảm bảo sự tăng, giảm nhiệt độ là 4- 5 độ C trong một ngày đêm.