Công nghệ thông tin: Công cụ bắt buộc của viên chức Hàn Quốc
Hàn Quốc là một nước mà mức độ phổ cập công nghệ thông tin (CNTT) đứng thứ hai thế giới (sau Aixơlen). Theo số liệu thống kê, trong số 48 triệu người dân, thì 31 triệu người thường xuyên truy cập Internet. Số người sử dụng mạng trong năm 2004 tăng 4,7% (năm 2003 tăng 11,2%). Bộ Viễn thông cho biết, tính trung bình, mỗi người Hàn Quốc vào mạng 11,7 giờ mỗi tuần, và 86,7% trong số này có email riêng.
Đó là điều kiện vô cùng thuận lợi để Hàn Quốc có một nền thương mại điện tử với 47,3% số dân biết tiết kiệm thời gian bằng cách mua hàng qua mạng. Song đáng kể hơn là theo bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc năm 2004, Hàn Quốc là một trong năm nước dẫn đầu về chính phủ điện tử (sau Mỹ, Đan Mạch, Anh và Thụy Điển). Tuy nhiên, chính phủ nước này mới coi đó chỉ là một bước trong dự án lớn “Chính phủ vì công dân”của mình (Government for Citizens, viết tắt G4C), với mục tiêu là đến năm 2007, 80% các dịch vụ hành chính, giấy tờ sẽ được giải quyết trên mạng, bất cứ ai cũng có thể “lục tìm” trên mạng 50% toàn bộ hồ sơ, tài liệu của nhà nước.
Việc tạo lập chính phủ điện tử ở Hàn Quốc cho thấy đặc biệt hiệu quả, từ việc giải quyết các đơn từ, đóng thuế, đến theo dõi hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp…đều minh bạch, công khai, tiết kiệm thời gian và việc đi lại, tăng cường tính dân chủ, hạn chế việc gặp gỡ trực tiếp để “nhỏ to” làm nảy sinh tiêu cực.
Để thực hiện được điều đó, các công nhân, viên chức nhà nước phải nắm vững kiến thức về CNTT và thành thạo các thao tác trên máy tính ở mức độ nhất định. Các nhà hoạt động chính trị, thành viên chính phủ, nghĩ sĩ Quốc hội và quan chức nhà nước ở tất cả các cấp, hơn ai hết, đều được yêu cầu phải am hiểu ở trình độ khá cao về việc dùng mạng như một thao tác nghề nghiệp của mình.
Ông Kim Duk-kyu tham gia chính trường đã hơn 40 năm, thường được coi là người “bảo thủ” trước các công nghệ mới, nhưng 5 năm nay, kể từ khi ông được bổ nhiệm làm người phát ngôn của Quốc hội, ông đã có một website riêng và nó đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong các hoạt động của ông. Vào website của ông, các cử tri có thể biết tỉ mỉ cuộc đời ông, những thành tích ông đã làm được với tư cách đại biểu của họ, hiểu được quan điểm của ông về những vấn đề chính trị, xã hội, biết rõ mục tiêu những hoạt động ông đang theo đuổi, đồng thời đây cũng là nơi ông trao đổi, thảo luận với mọi người về bất cứ vấn đề gì liên quan đến hiện tình của đất nước. Hàng ngày, ông đều bỏ ra những thời gian nhất định để vào mạng, đọc và ghi nhận những gì cử tri đề đạt với mình rồi trả lời họ càng sớm càng tốt. Người trợ lý của ông cho biết: Bất cứ lúc nào rảnh rỗi ông đều tranh thủ vào mạng và coi đây là một công cụ giao tiếp quan trọng nhất.
Trường hợp của ông Kim không phải là ngoại lệ. Giờ đây, hầu như mỗi quan chức, mỗi tổ chức, mỗi đảng phái chính trị…của Hàn Quốc đều có một hoặc nhiều website của mình trên mạng. Đối với họ, đây là nơi tiếp xúc với cử tri, nơi tuyên truyền cho quan điểm của mình để tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng, thậm chí là nơi gây quỹ trước một kỳ bầu cử. Bất cứ người dân nào cũng có thể truy cập website của các chính khách, theo dõi các cuộc tranh luận công khai của họ đối với các nhà soạn thảo luật, những cuộc phê phán, chất vấn của họ đối với các thành viên chính phủ mà sự trả lời lại là một điều bắt buộc. Do vậy, không cần thiết phải chất vấn ở các kỳ họp Quốc hội, khi sự kiện đã “nguội”, mất tính thời sự và hạn chế về thời gian. Một quan chức ở Quốc hội đánh giá: “Mạng Internet chính là phương tiện nhanh chóng nhất và có hiệu quả nhất để phát biểu và tạo cơ hội cho các chính trị gia tiếp cận được với công chúng với tư cách cá nhân. Đưa quan điểm của mình một cách chính xác đến với mọi người là một việc vốn rất khó khăn và tế nhị”. Theo điều tra của Ủy ban bầu cử Quốc hội, các cử tri ở lứa tuổi từ 20 đến 30 là những người truy cập mạng thường xuyên nhất và bất cứ lúc nào trên điện thoại di động hoặc máy tính bỏ túi (pocket PC), sẽ nắm trong tay 49,3% lá phiếu bầu cử tổng thống vào năm 2007.
Tổng thống Hàn Quốc Roh-Moo-hyun là người hiểu biết rất rõ “quyền lực” của Internet. Fan club (Câu lạc bộ những người hâm mộ) của ông mang tên “Nosamo” được thành lập và hoạt động chủ yếu trên mạng, đã tuyên truyền chương trình tranh cử của ông, gây quỹ tranh cử cho ông và chính nó đã đóng góp không nhỏ vào việc giành thắng lợi cho ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002.
Internet đã được các chính khách tận dụng triệt để, người thì tự tạo website của mình theo cách “truyền thống”, người lại tham gia vào một mạng chung dành cho các vấn đề chính trị mang tên “Cywold”, trong đó các thành viên có trang web riêng trong một mạng chung với các đường link để so sánh đường lối, quan điểm của các chính trị gia, để lựa chọn người nào đó tham gia Quốc hội hoặc cấp chính quyền mà mình tín nhiệm. Những thắc mắc của người dân về họ được giải đáp, những phê phán, chỉ trích được tranh luân.
Chủ tịch Đảng Đại dân tộc, Bà Park-Guen-hye, Thị trưởng Seoul Lee Myung-bak, Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Kim Geun-tae là những thành viên tích cực của “Cyworld”. Số công dân quan tâm đến chính trị thường xuyên truy cập vào website của họ. Chỉ một năm kể từ ngày thành lập, đã có tới 2,3 triệu người truy cập vào minihomepape của bà Park và người ta tìm thấy ở đây không thiếu những thông tin thú vị. Không riêng gì những quan điểm chính trị, người ta còn được xem những hình ảnh nói lên cuộc sống riêng tư của bà: những tấm ảnh khi bà còn nhỏ, những sinh hoạt hàng ngày của bà trong gia đình. Bà Park tự thiết kế trang web của mình và đích thân trả lời hàng ngàn bức thư của các cử tri. Nhờ vây, các chính khách gần gũi với dân, hiểu dân hơn và nắm vững hơn những nguyện vọng của họ để đấu tranh cho quyền lợi của họ ở cơ quan quyền lực cao nhất nước và cụ thể hóa thành những điều luật hợp lòng dân.
Tất nhiên, luôn luôn kèm theo những tiêu cực do việc này mang lại, như lạm dụng diễn đàn mạng để hạ uy tín của các chính trị gia, những người lãnh đạo đất nước, những đả kích lẫn nhau không lành mạnh giữa các đảng phái…, nên kèm theo cũng có những điều luật để hạn chế. Nhưng dù thế nào, cái hại cũng là nhỏ bé so với cái lợi mà mạng thông tin chính trị từ Internet mang lại.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số57 (1775)