Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 21/10/2005 14:25 (GMT+7)

Công nghệ chống xói lở bờ biển

Chủ của các sáng chế công nghệ chống xói lở bờ biển là ông Phan Đức Tác - đồng thời cũng là Giám đốc Công ty Minh Tác - trước đây từng công tác ở Cục quản lý đê điều phòng chống lụt bão thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy công ty của ông mới thành lập hơn một năm nay, nhưng các công nghệ đã được triển khai ứng dụng cho hàng trăm kilômét bờ, đê, kè sông, biển từ bắc tới nam.

Theo kỹ sư Nguyên Văn Sách - trợ lý triển khai ứng dụng công nghệ cho giám đốc Tác, thì Công ty Minh Tác có chức năng độc quyền tư vấn thiết kế chuyển giao công nghệ, cung cấp dịch vụ các sản phẩm sáng chế đã được Nhà nước bảo hộ, phục vụ lĩnh vực xây dựng công trình bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai. Đồng thời, công ty cũng nghiên cứu, sáng chế nhiều kết cấu mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của nước ta. Hiện tại, công ty có ba sáng chế và một giải pháp hữu ích được ứng dụng phổ biển.

Những công trình đê biển, bờ biển, bờ sông, đập, các công trình thủy lợi rất cần có bờ kè chắn sóng, chống xói lở. Công nghệ "Mái bê tông lắp ghép dùng cho các công trình bảo vệ bờ” (sáng chế 178 và giải pháp hữu ích HI- 0099) đã được Hội đồng khoa học công nghệ cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc và cho phép triển khai rộng rãi.

Mái kè sau khi xử lý nền có độ dốc ổn định, trải vải lọc, lót đá dày lèn chặt, mặt ngoài lát bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn P.Đ.TAC 178 mác cao có tác dụng chống mài mòn. Cấu kiện bê tông có dạng liên kết hình nêm ba chiều, tạo thành mảng mềm liên kết trọng lượng. Nhờ vậy, nó có khả năng tự điều chỉnh lún võng bán kính lớn, lún đồng bộ với nền, khắc phục hư hỏng do lún cục bộ gây ra và chống chịu được sóng thiết kế.

Kết cấu mảng mềm còn có ưu điểm khác là khe lắp ghép nhỏ, gấp khúc nên che kín nền; thoát nước ngầm trong mái đều và nhanh. Ông Sách cho biết: do giảm được chiều dày lớp bảo vệ nên giá thành của công trình giảm 30-40% mà thi công lắp ghép lại nhanh so với phương án mái kè khối lập phương.

Không dừng lại đấy, ông Tác tiếp tục nghiên cứu cho ra đời thảm P.Đ.TAC M4414 giúp bảo vệ bờ ngập nước. Loại thảm này có kết cấu đặc biệt, gồm ba lớp. Lớp trên là tấm bản ghép khít với nhau che chắn tác động thủy lực xuống nền. Lớp thứ hai là lưới thép liên kết đan cài các viên thảm tạo thành thảm. Lớp thứ ba là hệ chân định vị tự chèn làm nhiệm vụ che kín các khe lắp ghép, liên kết trọng lượng. Lớp thứ hai và ba có tác dụng thay thế lớp đệm đá, dày 10 cm làm giảm lưu tốc dưới nền hạn chế hiện tượng xói nền.

So với những thảm như thảm đá rọ thép thảm bê tông liên kết bu lông, thảm bê tông xâu dây cáp Betomat... đã được áp dụng trong nước, thì thảm bê tông tự chèn đan lưới P.Đ.TAC - M4414 có nhiều ưu điểm mới. Thảm được thi công trên dây chuyền công nghệ mới, bảo đảm chất lượng, giá thành xấp xỉ thảm đá lưới thép bọc nhựa PVC. Chiều dài thảm tùy thuộc vào chiều dài mái bờ cần bảo vệ có thể từ 10 m đến 100 m. Thảm được lắp ghép liên tục trên cạn hoặc trên phao bè, sau đó nâng đặt xuống bờ sông tại vị trí thiết kế.

Nhờ vậy mái công trình không bị chắp nối nhiều đoạn. Thảm gồm các viên bê tông P.Đ.TAC - M4414 lắp ghép sát nhau, liên kết lưới thép, liên kết tự chèn nên che kín các khe hở lắp ghép, chịu được tác động của dòng chảy hoặc sóng ngầm. Lưới thép có đường kính lớn, độ bền cao, làm bè đệm chống lún. Sau khi lưới thép bị rỉ đứt, các viên thảm tiếp tục làm việc bằng liên kết tự chèn 3 chiều để duy trì sự ổn định của công trình. Mặt dưới thảm có hệ thống chân đanh chống trượt, mặt trên thảm phẳng, có thể đa dạng hoa văn.

Trong việc bảo vệ đê biển, bờ sông hoặc các công trình kênh mương thủy lợi, công ty còn có cấu kiện sáng chế P.Đ.TAC - CM, gọi tắt của sáng chế "mái bê tông lắp ghép tự chèn có cốt dẫn". Các cấu kiện bê tông P.Đ.TAC - CM được đúc sẵn, lắp ghép ba chiều bằng kiểu tự chèn hình nêm và xâu cốt thép, giằng neo vào nền mái, tạo thành mái nghiêng ngập sâu xuống chân mái, vừa giúp thoát nước tốt vừa chống mất đất do sóng.

Với kết cấu hình nêm, mỗi viên bê tông trực tiếp vừa nâng vừa giữ bốn viên chung quanh, đồng thời mỗi viên được bốn viên chung quanh chèn và giữ chặt, tạo thành mặt phẳng tường nghiêng bền vững lún đều với nền mái. Với ưu điểm ổn định tốt trên nền đất mềm yếu, độ dốc mái lớn nên giảm được diện tích mặt bằng, khối lượng xây lắp và kinh phí đều giảm.

Nguồn: nhandan.com.vn 14/10/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.