Công dụng của CO2 lỏng và rắn
Người ta thường nén khí cacbonic để hoà tan nhiều trong các nước giải khát, bia... để tạo loại nước có ga.
Khí cacbonic ở điều kiện 40 độ C và nén dưới áp suất 197,4 atmotphe thì chuyển thành dạng lỏng.
Cacbonic lỏng là một loại dung môi siêu đẳng vì dung môi này không độc so với các loại dung môi hữu cơ khác, giá rẻ và trở nên không sợ cháy, nổ. Dung môi cacbonic được dùng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm như tác cafein trong cà phê hoặc chiết hublôn trong hoa hublôn dùng trong công nghiệp sản xuất bia. Người ta cũng dùng CO 2lỏng để chiết chất béo trong các hạt có dầu. Các chất được chiết trong các thiết bị chịu áp, sau đó đưa ra ngoài, ở áp suất bình thường thì dung môi bay hơi hết chất còn lại là cafein, cao hublôn, dầu béo v.v...
Ở Mỹ người ta thử dùng CO 2lỏng để khử các chất hữu cơ làm ô nhiễm đất. Ngay thuốc trừ sâu DDT không bị phân huỷ khi lưu trong đất cũng được cacbonnic lỏng chiết ra.
Ngày nay, cacbonic lỏng được dùng nhiều trong ngành công nghiệp sơn. Đầu tiên nó được làm dung môi để làm sạch bề mặt vật liệu cần sơn, chủ yếu là tẩy sạch các chất béo. Cacbonic lỏng được dùng làm dung môi sơn nhờ một thiết bị chuyên dùng có khả năng điều tiết quá trình sơn. Sơn tương ứng với loại dung môi đặc biệt này là sơn bột hoặc sơn nước.
Công nghiệp điện tử coi cacbonic lỏng là dung môi cực tốt để làm sạch các vi mạch, mối nối, dây dẫn. Các dụng cụ quang học, các thiết bị cơ khí chính xác, phức tạp cũng được tẩy sinh bằng dung môi cacbonnic lỏng.
Trong công nghiệp sản xuất dây cáp quang có công đoạn kiểm tra bằng một máy quét. Khi dây cáp qua máy này thì phải có một loại dầu nhẹ bôi trơn. Chỉ có dùng cacbonnic lỏng làm dung môi mới làm sợi cáp quang đạt các chỉ tiêu kỹ thuật.
Trong đời sống hàng ngày, việc giặt là, tẩy hấp “khô”, giặt “khô” thường dùng dung môi hữu cơ để tẩy bẩn. Cacbonic lỏng cũng đang được khảo nghiệm trong lĩnh vực này.
Anhyđric cacbonic dạng rắn còn gọi là “băng khô” hay “nước đá khô” hoặc “tuyết cacbonic”, khi bay hơi chuyển sang dạng khí có thể làm nhiệt độ hạ xuống tới âm 78,5 độ C.
Các loại xe lạnh có máy lạnh làm việc trong suốt chặng đường tiêu hao nhiều nhiên liệu cho máy lạnh, đồng thời dung tích chuyên chở và tải trọng của xe cũng giảm vì phải dành chở cho máy lạnh cũng như tải trọng của nó. Ngày nay người ta chế tạo một loại xe đông lạnh mà nguồn lạnh được cung cấp bởi CO 2rắn. Loại xe mới này có trang bị máy tính để điều tiết sự bay hơi của CO 2rắn. Xe đảm bảo giữ lạnh trong suốt 24 giờ vận chuyển với nhiệt độ từ 2 đến 6 độ C, có loại còn có thể giữ lạnh đến âm 18 độ C. Đặc biệt, xe còn vận chuyển các sản phẩm có chế độ giữ lạnh khác nhau trên cùng một chuyến.
Nguồn: T/c Hoá học và ứngdụng, số 3/2006