Còn ống động mạch
Khi còn trong bụng mẹ, thai nhi sử dụng oxy từ máu mẹ truyền sang chớ không hít thở, phổi và hệ tuần hoàn từ tim lên phổi (động mạch phổi) chưa hoạt động, lúc này ống động mạch giữ vai trò đưa máu từ động mạch phổi qua động mạch chủ. Khi lọt lòng mẹ, bé cất tiếng khóc chào đời là lúc phổi bắt đầu chức năng hô hấp, máu từ tâm thất phải theo động mạch phổi đi thẳng lên phổi chứ không qua động mạch chủ, dần dần ống động mạch sẽ đóng lại, sau vài ba tuần không còn ống động mạch.
Ở một số trẻ, do một nguyên nhân nào đó (xem thêm bài Bệnh tim bẩm sinh, TSK, số 338, trang 27), ống động mạch không đóng mà vẫn tiếp tục hoạt động, đưa một luồng máu từ động mạch chủ sang động mạch phổi. Vì áp suất ở động mạch chủ cao hơn áp suất ở động mạch phổi trong suốt chu trình của tim nên máu chảy liên tục từ động mạch chủ sang động mạch phổi, tạo thành một luồng thông từ trái sang phải. trong những dạng bệnh nặng, thể tích máu của mạch rẽ tắt này có thể lớn hơn thể tích lưu lượng máu động mạch chủ.
Vì máu lên phổi nhiều, trở về nhĩ trái, xuống thất trái nhiều, gây quá tải ở tim trái trước. Máu lên phổi nhiều, dần dần gây tăng áp động mạch phổi, rồi tăng gánh áp suất thất phải, làm dày thất phải. Khi áp lực động mạch phổi tăng cao hơn áp lực động mạch chủ, chiều của luồng thông máu sẽ đi ngược lại (từ động mạch phổi sang động mạch chủ), gọi là hội chứng Eisenmenger, trẻ bắt đầu tím ở môi, móng tay, móng chân.
Trường hợp ống động mạch có đường kính nhỏ, thường không có triệu chứng.
Trường hợp ống động mạch có đường kính lớn khoảng trên 6 – 8 mm, lượng máu đi từ động mạch chủ qua động mạch phổi nhiều, gây tăng gánh tâm trương thất trái và ảnh hưởng huyết động học nhiều: trẻ hay mệt, khó thở khi gắng sức.
Diễn tiến nếu không điều trị: nếu luồng thông nhỏ thì không có biến chứng gì trầm trọng. Nếu luồng thông lớn, đưa tới nhiều biến chứng như suy tim dần dần, bội nhiễm đường hô hấp, chậm phát triển thể chất, đảo luồng thông trở thành hội chứng Eisenmenger. Những biến chứng hiếm gặp hơn là: Viêm nội tâm mạch nhiễm khuẩn Osler, tạo túi phìng động mạch, hoá vôi ống động mạch, tạo huyết khối và viêm tắc động mạch.
Điều trị triệt để bằng cách phẫu thuật thắt hoặc cắt bỏ ống động mạch: đây là phẫu thuật dễ thực hiện và có tỷ lệ tử vong thấp. Hiện nay có thủ thuật thông tim can thiệp bít ống động mạch bằng dù, khỏi phải mổ. Nên thực hiện điều trị tận gốc sớm, trước khi có tăng áp động mạch phổi. Ở trẻ sơ sinh có thể gây co thắt và tự bít ống động mạch bằng cách cho oxy, thông khí cơ học, giảm lượng nước nhập, điều trị suy tim, rối loạn điện giải, dùng thuốc ức chế tổng hợp prostaglandin (như inmethacin, ibuprofen), nhưng có nhiều tác dụng phụ phải theo dõi và can thiệp kịp thời.
Trong khi chờ điều trị, cần theo dõi và phòng ngừa các biến chứng nhiễm trùng, suy tim, phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng khi làm các thủ thuật có chảy máu (thí dụ nhổ răng cho bé cần cho kháng sinh trước khi nhổ).