Con đường hương liệu và sự hình thành quốc gia đô thị Óc Eo – Phù Nam
Con đường Hương Liệuđầu tiên xuyên qua vùng Đông Nam Á được hình thành từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên. Lúc bấy giờ người Malayo - Polynesie ở miền Nam Philippines và trong các quần đảo Celebess, Moluccas và Bandas khai thác các loại gia vị và hương liệu nhiệt đới đem trao đổi với các đồng chủng Austronesie nơi các đảo trong Ấn Độ Dương và Madagascar. Từ đây dòng hương liệu đi theo duyên hải miền đông châu Phi để đến Ethiopia và các hải cảng trên bờ Biển Đỏ.
Đến thế kỷ cuối trước Công nguyên, Ấn Độ nổi lên như một thế lực giao thông đường biển với Trugn Hoa qua ngả Đông Nam Á. Con đường này men theo bở vịnh Bengal, theo duyên hải Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai băng qua eo biển Malacca rồi đến Cam Bốt và Việt Nam trước khi đi Quảng Châu, Phúc Châu và Nagasaki . Các chuyến đi của tàu buôn thường mất vài năm, một mặt phải chờ cho đến khi thuận chiều gió mùa vốn hoạt động rất mạnh trên Ấn Độ Dương và trên mặt Biển Đông, mặt khác dành thời gian mua bán trao đổi vật phẩm từ xứ này đến xứ khác. Chính thời gian lưu lại hàng tháng ở mỗi địa điểm nhất định đã tạo cơ hội hình thành một loạt các quốc gia - đô thị(city - state) dọc theo duyên hải trong các thế kỷ đầu Công nguyên.
![]() |
Đồng bạc Phù Nam lưu hành từ TK1 đến TK7 |
Trong bối cảnh này, từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, quốc gia - đô thịÓc Eo mà sử Trung Hoa ghi là nước Phù Nam nằm trong vịnh Rạch Giá trên bờ biển Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm công nghiệp và thương mại lớn. Khi kỹ nghệ khai thác đá quý và nấu luyện thủy tinh ở Arikamedu trên đất Ấn Độ đến hồi suy thoái thì các kỹ thuật này được người Arikan ở miền Đông Ấn Độ mang đến Óc Eo theo tiến trình Ấn Độ hóa. Từ đây các kỹ thuật khác nhau được biến thể để tạo thành các thương hiệu đặc trưng: Ngọc Óc Eo, thủy tinh Óc Eo, gốm đen Óc Eo, tiền Óc Eo… Ban đầu loại hồng ngọc hessonite thô khai thác tại An Giang và Lâm Đồng được cung cấp cho các trung tâm chế tác đá quý ở Ấn Độ, có nơi lên đến 3,5% lượng đá sử dụng. Về sau cẩm thạch nephrite và các viên ngọc grossularite đặc trưng Việt Nam này được tìm thấy ở nhiều cảng biển trên Con đường Hương Liệu.Tại cảng Berenike, nay thuộc Ai Cập, tỷ lệ thủy tinh trang sức kiểu Indo – Pacific từ 4% trước đó vượt lên 40% trong thế kỷ thứ tư với nhiều loại hạt trong sáng và nhạt màu đặc trưng của Óc Eo.
![]() |
Kỹ nghệ sản xuất thủy tinh cũng lan rộng đến Kuala Selinsing và Sungai Mas trên đất Mã Lai, Klong Thom và Takua Pa trên đất Thái Lan, và Vijaya trong quần đảo Indonesia.
Trên đồng bằng sông Cửu Long, các sông đào thẳng tắp nối liền các đô thị lúc bấy giờ và hệ thống kênh đào tỏa tia tiếp cận Sdachao, Angkor Borie và kinh đô Ba Thê chứng tỏ mật độ giao thông thủy tại đó rất lớn. Kỹ nghệ đóng tàu và dịch vụ sửa chữa tàu biển cũng như việc cung cấp lương thực và nước ngọt là những hoạt động kinh tế quan trọng. Sứ thần Trung Hoa là Chu Ứng và Khang Thái đến Phù Nam trong khoảng năm 230 đã mô tả con tàu tại đó có chiều dài khoảng 20 bộ(48 m), nổi cao trên mặt nước từ 2 đến 3 bộ (5 - 7m) và có khả năng chuyên chở 600 - 700 người (?).
Việc buôn bán hương liệu bắt đầu bằng khai thác các loại trầm hương, quế, đậu khấu và tiêu sọ bản địa cùng với các loại gỗ đóng tàu, đá quý, đồi mồi, ngà voi và sừng tê giác. Nhưng khi Óc Eo thiết lập được hệ thống thanh toán có giá trị bằng đồng bạc và bằng đồ trang sức đá quý, thì chi phối thị trường gia vị và hương liệu phong phú của vùng Đông Nam Á. Các chuyến “tàu chợ” từ Óc Eo sẽ ghé các cảng quế ở Hội An rồi đến Hải Phòng, ở đó chúng theo mùa gió đông bắc để đến các quần đảo gia vị trong biển Celebes, Moluccas và Bandas rồi trở lại Óc Eo theo gió mậu dịch qua quần đảo Trường Sa hay theo ngọn gió tây nam trên biển Java. Tại đây các sản vật khác nhau của “tàu chợ” được đưa lên “tàu hàng’ để đi đến các cảng xa xôi về phía đông đến Trung Hoa và Nhật Bản, và về phía tây qua Ấn Độ để đến các kho chứa trên bờ biển Đỏ hay trong vịnh Ba Tư. Tại đó hương liệu, gia vị và hàng hóa phương Đông đi theo hệ thống đường bộ La Mã để đến các nước Châu Âu, lúc bấy giờ là các provinciae thuộc đế quốc La Mã.