Con đường dẫn đến sống khoẻ mạnh và an vui
Ngày nay, với nền kinh tế thị trường, con người luôn luôn cạnh tranh để thu được nhiều lợi ích vật chất. Được thì thoả mãn vui vẻ, không thì tức giận buồn rầu, suy tư hoặc dồn nén. Vì vậy đầu óc luôn căng thẳng, gây nên những bệnh thuộc về tư tưởng; y học hiện đại gọi là bệnh tâm thể (Maladies psychesenatiques) như suy nhược thần kinh, mất ngủ, suy tim, hen suyễn, cao huyết áp, viêm loét dạ dày... Còn y học cổ truyền cho đó thuộc bệnh thất tình - bệnh của 7 tình chí của con người: hỷ (vui), nộ (giận), ưu (lo), tư (nghĩ), bi (buồn), kinh (sợ), khủng (khiếp, hãi).
Khi ta vui quá thì hại tâm, vì vui làm khí hãm. Giận quá hại gan vì giận làm khí thăng. Lo quá hại tỳ vì lo làm khí tán. Buồn quá hại phổi vì buồn làm khí tiêu. Sợ quá hại thận vì sợ làm khí hạ. Còn những thói quen do ham thích, lòng dục vọng không hạn chế được, sinh ra những tác động không có lợi cho sức khoẻ như: thích nhìn và nhìn lâu, nhìn nhiều thì hại huyết; thích nằm và nằm nhiều thì hại tỳ; thích ngồi và ngồi nhiều hại thận; thích đi và đi nhiều hại gân xương; đứng nhiều hại cốt tuỷ; phòng dục nhiều hại tinh khí. Những loại bệnh tâm thể tình chí này chiếm 60-70% so với các loại bệnh khác như ngoại cảm tà khí lục dâm (phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả) và chấn thương (thuộc ngoại khoa). Chính những loại bệnh tâm thể tình chí này gặm nhấm phá hại nội tạng dẫn dến bệnh thực thể ở tâm, can, tỳ, phế, thận, ung thư, u bướu.
Muốn rèn luyện cơ thể khoẻ mạnh, người ta tìm đến các môn thể dục, thể thao phù hợp với từng người, từng lứa tuổi. Còn muốn tâm hồn trong sáng thì phải đến với phương pháp tạo thiền (ngồi thiền) thiền là vọng niệm không sanh. Định là dối cảnh không động, tâm vô sanh. Khi ngồi toạ thiền hoặc thiền định thì ngoài lìa cảnh trong lìa niệm, tâm hư vô, an nhiên tự tại.
Hai nhà khoa học Carton (Anh) và Biéc (Ba Lan), cuối thế kỷ XIX đã chứng minh có sóng não và đã ghi được các sóng cơ bản ở 2 bán cầu đại não:
1/ Sóng nhịp Gamma có tần số 30-35 héc giây, xuất hiện ở phần trước não khi con người rơi vào trạng thái mệt mỏi.
2/ Sóng nhịp Bêta nằm ở vùng thuỳ trán, có tần số từ 14-30 héc/giây. Đây là lúc ta thức làm việc bận rộn, khẩn trương.
3/ Sóng nhịp Anpha có tần số 4-10 héc/giây, xuất hiện ở vùng chẩm, gáy... khi con người ở trạng thái nghỉ ngơi, thư giãn như ngủ.
4/ Sóng nhịp Đenta tần số 3-4 héc/giây ở trạng thái vô thức.
5/ Sống nhịp Denta có tần số 2 héc/giây, khi tập trung tư tưởng cao, quán tưởng tâm không, tĩnh lặng, hoà nhập toàn vẹn. Toạ thiền ở trạng thái siêu đẳng đạt tới mức xuất thần ra ngoài mức Denta thì điện não đồ không ghi được.
Qua nghiên cứu những người tham gia thí nghiệm, sau một thời gian thiền định đều phát sóng Alpha như lúc ngủ. Nhưng có sự khác biệt, trong giấc ngủ thì não ngoài và não trong đều nghỉ. Nhưng trong giấc ngủ thiền thì chỉ vỏ não ngoài nghỉ, còn não trong lại gia tăng hoạt động. Khi phân tích điện não đồ lúc toạ thiền, bác sĩ Kasamatsu và Viện Hàn lâm y học Nhật Bản đã đưa ra những nhận xét sau:
- Tuần hoàn được cải thiện, lưu lượng máu tăng từ 15% đến 25%, những chất nội tiết do tuyến tùng, tuyến giáp trạng, tuyến thượng thận tiết ra nhiều hơn. Nhu cầu nhiệt lượng giảm. Bình thường mỗi ngày, mỗi người cần từ 1.800 calori đến 2.000 calori, nhưng trong toạ thiền chỉ cần chừng 1.000 calori; dù ở trong căn phòng lạnh mà cơ thể vẫn cảm thấy dễ chịu.
- Giải toả được một số bệnh. Dạ dày, ruột, gan, lách, thận, cột sống... nếu đau yếu cũng trở lại bình thường. Làm dịu thần kinh, bớt mệt mỏi. Các giáo sư, bác sĩ ở phòng nghiên cứu tâm thần học của trường Đại học Tôkyô cũng đưa ra những kết luận tích cực về tác dụng của toạ thiền:
- Cải thiện tâm tính, tăng cường ý chí nghị lực. Khi gặp những tình chuyện bất thường - phản ứng nhẹ nhàng, con người vẫn cảm thấy thư thái thoải mái. Phát triển khả năng sáng tạo. Điều chỉnh và hoàn thiện nhân cách.
- Tương truyền Đạt ma thiền sư – sáng lập Thiếu lâm tự Trung Quốc, đã toạ thiền, mặt quay vào vách đá thạch động núi Ngũ Nhũ trong 9 năm, bỗng ngộ ra rằng: “Khi thanh tâm tinh khí, vạn niệm đều không thì đầu óc minh triết, thấu suốt mõi lẽ tình, sự việc khắc ghi trong trí như dao chém đá”. Các thiền sư cho rằng thiền định sẽ đưa đến mở mang trí tuệ, thân tâm an lạc, hoà nhập Tiểu vũ trụ vào Đại vũ trụ, đạt được sự minh triết thiêng liêng, giác ngộ được chân lý: Sống chết là sự thay đổi hình dạng đời sống của một kiếp người, nên sống không thâm sân si, vô sở đắc, để khi chết thần thức ung dung, tự tại, nhẹ nhàng về cõi hư vô, hoà đồng cùng vũ trụ...
Để đạt được hiệu quả trên, các thiền sinh đã dày công tập luyện đúng các yếu lĩnh sau đây:
Điều thân: Ngồi xếp bằng bình thường hoặc ngồi theo tư thế bán kiết già, kiết già. Hai tay để lên 2 đầu gối, các ngón hơi cong ngón trỏ và ngón cái chạm nhau thành vòng tròn. Lưng thẳng, đầu hơi cúi, mắt nhắm, miệng ngậm, đầu lưỡi đặt chân răng hàm trên.
Điều tâm: Trước hết thở phào, như trút hết mệt nhọc để đi vào thư thái nghỉ ngơi, thư giãn... Bế chặt giác quan, không để ngoại cảnh tác động, trong lìa mọi ý niệm, quán tưởng hình ảnh Bác Hồ kính yêu với đức tính nhân ái, thương yêu mọi người; với người theo tôn giáo nào thì quán tưởng người sáng lập tôn giáo đó. Thời gian 15, 20, 30 phút tuỳ hoàn cảnh mỗi người.
Điều tức: Hít thở bằng mũi, nhẹ nhàng, sâu dài như ngửi hoa. Hít vào, bụng tóp lại. Tập trung chú ý hơi thở ra vào. Sau đó chỉ chú ý điều hoà hơi thở ra, không để ý tới hơi hít vào. Cuối cùng cả hơi thở ra và hít vào đều không để ý, chỉ còn một cảm giác đâu đó, mơ hồ là “ta còn thở”... Tập luyện đến trình độ cao, tất cả ý nghĩ và tinh lực đều tập trung vào các cơ quan tạng phủ, luân xa (tương ứng các đám rối thần kinh) kinh mạch, huyệt đạo nhằm đánh thức những tiềm năng trong cơ thể. Đây là lúc thiền ở trạng thái siêu đẳng, xuất thần ra ngoài mức sóng Đenta. Máy điện não EEG không đo được. Các nhà khoa học cho rằng lúc bấy giờ trạng thái chân không vật lý (Vacum vật lý) xuất hiện ở não lập tức xảy ra phản ứng của hạt và phản hạt, vật chất và phản vật chất - tạo những xung năng lượng kích thích nơron thần kinh ở các định khu chức năng đặc biệt đã ngủ say từ lâu, nay bừng tỉnh dậy và hoạt động. Đến lúc đó, người ngồi thiền bỗng cảm nhận từ tâm thức sâu thẳm một tia chớp loé sáng, trí tuệ khai mở, khả năng siêu phàm xuất hiện. Khi chết họ thiền định, đối cháy cơ thể mà trái tim vẫn còn nguyên vẹn (trường hợp hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu 1963 ở Sài Gòn) hoặc nhập thất, thiền định 100 ngày tịch diệt, để lại xá lợi toàn bộ cơ thể như hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu, huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây từ thời Hậu Lê. Còn những người ngồi thiền luyện thở để thu chân khí làm cơ thể khoẻ mạnh, tâm hồn trong sáng thì nhiều người đã biết như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Trần Văn Hà, võ sư khí công Nguyễn Hữu Khai, bác sĩ Lương Đình Du, bác sĩ Nguyễn Ngọc Kha, nhà Yôga Thế Trường v.v... Sử sách của Việt Nam còn truyền tụng, nhờ thiền định tĩnh công mà các thiền sư Vạn Hạnh thông minh siêu dị, Đạo Hạnh pháp thuật cao siêu, Minh Không biến ảo tài tình... Nhà khoa học Tiền Học Sâm của Trung Quốc dự đoán: “Thế kỷ XXI sẽ diễn ra “cuộc chiến tranh trí tuệ” trên phạm vi thế giới. Thiền định để mở mang trí tuệ sẽ là vũ khí lợi hại trong cuộc chiến tranh ấy”.
Nguồn: Thế giới trong ta, số 262, tr 15